"Cửa" vẫn hẹp với thí sinh huyện nghèo

06/05/2014 22:51

Mặc dù còn có nhiều bàn luận, nhưng trong kỳ thi tuyển sinh ĐH, CĐ năm 2014, Bộ GD-ĐT tiếp tục duy trì các quy định ưu tiên xét tuyển, tuyển thẳng đã được chính thức áp dụng trong năm 2013. Các thí sinh (TS) năm nay đã có thêm nhiều thông tin về các quy định này để có thể tận dụng cơ hội, bên cạnh đó, các trường cũng chủ động hơn để có thể thực thi một chính sách nhân văn mà vẫn bảo đảm chất lượng TS.-

Tuyển thẳng nhưng phải bảo đảm công bằng

Đó là yêu cầu mà Trường ĐH Y Hà Nội đã đặt ra khi thay đổi một số quy định về ưu tiên xét tuyển, tuyển thẳng trong mùa tuyển sinh năm nay. Theo đó, với ngành bác sĩ đa khoa, chỉ có TS đạt giải nhất kỳ thi học sinh giỏi quốc gia môn sinh học mới được tuyển thẳng. Các TS đạt giải nhì, giải ba chỉ được ưu tiên xét tuyển ngành bác sĩ đa khoa và chỉ được tuyển thẳng vào ngành y học cổ truyền, y học dự phòng, điều dưỡng, kỹ thuật y học, y tế công cộng và dinh dưỡng. Theo Phó Hiệu trưởng Trường ĐH Y Hà Nội Nguyễn Hữu Tú, thay đổi này nhằm tạo sự công bằng cho tất cả các TS, nhất là với ngành có sự cạnh tranh quyết liệt như bác sĩ đa khoa. Năm 2013, chỉ tiêu của ngành này là 550 thì đã có tới 100 trường hợp tuyển thẳng, ưu tiên xét tuyển, trong khi có rất nhiều TS đạt điểm cao mà không đậu bởi điểm chuẩn của ngành lên tới 27,5 điểm. Trường cũng đặt ra yêu cầu riêng với đối tượng đoạt giải nhất, nhì, ba trong Hội thi khoa học kỹ thuật do Bộ GD-ĐT tổ chức. Với các TS này, hiệu trưởng, Hội đồng khoa học của trường sẽ dựa trên kết quả dự án hoặc đề tài mà TS đoạt giải để xem xét có tuyển thẳng hay không.

Hướng dẫn nội quy, quy chế thi tại kỳ thi đại học, cao đẳng năm 2013.Ảnh: Nhật Nam
Hướng dẫn nội quy, quy chế thi tại kỳ thi đại học, cao đẳng năm 2013.Ảnh: Nhật Nam

Trường ĐH Kinh tế quốc dân cũng có thêm một "lưới lọc" với TS đoạt giải nhất, nhì, ba trong Hội thi khoa học kỹ thuật. Các TS này năm nay được đăng ký vào ngành khoa học máy tính hoặc ngành hệ thống thông tin quản lý. Hội đồng tuyển sinh của trường sẽ xem xét quyết định trên cơ sở kết quả dự án hoặc đề tài mà TS đoạt giải phù hợp với ngành đăng ký. Với đối tượng ưu tiên xét tuyển, trường đề ra mức ưu tiên cụ thể: Giải nhất kỳ thi học sinh giỏi quốc gia được thưởng 2 điểm, giải nhì 1,5 điểm, giải ba 1 điểm, giải khuyến khích 0,5 điểm. Ngoài ra, các em còn được ưu tiên khi tham gia tuyển sinh vào chương trình tiên tiến, chất lượng cao sau khi nhập học.

Đó là những yêu cầu khắt khe của những trường có điểm chuẩn cao nhất cả nước nhiều năm nay. Còn với các trường có đầu vào "thoáng" hơn, các quy định thường không chặt hơn so với khung quy định của Bộ.

Vẫn quá tầm với thí sinh huyện nghèo

Năm nay, các trường vẫn tiếp tục đưa ra các yêu cầu khá cao với học sinh thuộc các huyện nghèo theo quy định của Chính phủ. Chỉ tiêu cho đối tượng này cũng rất ít ỏi. Trường ĐH Y Hà Nội có 5 chỉ tiêu ngành y học dự phòng, 5 chỉ tiêu ngành điều dưỡng, 5 chỉ tiêu ngành y tế công cộng. Trường ĐH Kinh tế quốc dân năm nay tuy đã bớt khắt khe khi bỏ yêu cầu TS vừa phải đạt học lực giỏi cả 3 năm, vừa phải tốt nghiệp loại giỏi. Thay vào đó, trường yêu cầu: Thí sinh người Kinh phải có lực học từng năm đạt khá trở lên (7,0), trong đó 3 môn học lớp 12 tương ứng với 3 môn thi tuyển sinh vào trường, mỗi môn phải đạt 7 điểm trở lên; Thí sinh là người dân tộc thiểu số phải có kết quả tương đương từ 6,0 trở lên. Trường tuyển thẳng vào tất cả các ngành song đề ra chỉ tiêu theo địa bàn: Mỗi huyện tuyển không quá 1 chỉ tiêu; riêng ngành tài chính - ngân hàng 1 chỉ tiêu, ngành kế toán 1 chỉ tiêu, chuyên ngành kinh tế đầu tư 1 chỉ tiêu (tính chung cho toàn quốc). Mặc dù đã được nới lỏng so với 1 - 2 năm trước, song những yêu cầu như trên vẫn được cho là quá tầm với của các TS huyện nghèo.

Có ý kiến cho rằng, nếu Bộ không có quy định cụ thể mà để các trường tự đưa ra điều kiện thì cánh cửa vào ĐH của các TS huyện nghèo vẫn sẽ rất hẹp. Bên cạnh đó, cũng có nhiều ý kiến băn khoăn, những em vào ĐH theo chính sách ưu tiên này liệu có trở về địa phương phục vụ, hay trước mắt, các em có thể theo học được hay không, sau này liệu có thể đáp ứng yêu cầu của xã hội? Liệu hình thức ưu tiên này có phù hợp với bậc đào tạo nghề bậc cao là ĐH? Nói về băn khoăn này, Hiệu trưởng Nguyễn Văn Nhã (Trường ĐH Nguyễn Trãi) chuyên gia tuyển sinh dày dạn kinh nghiệm, cho rằng: Nếu không có chính sách ưu tiên này, những vùng khó khăn sẽ mãi tụt hậu về nguồn nhân lực. Tuy nhiên, có những trường chú trọng bồi dưỡng nhân tài, có trường tập trung nâng cao dân trí hoặc phát triển nhân lực địa phương. Vì vậy, cần có quy hoạch cụ thể để các học sinh huyện nghèo, vùng khó khăn được phân luồng để đào tạo một cách hợp lý và khoa học.

Theo HNM

Mới nhất
x
"Cửa" vẫn hẹp với thí sinh huyện nghèo
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO