Cục hàng không đề xuất tăng giá dịch vụ giờ cao điểm

16/03/2017 10:11

Cục Hàng không đề xuất, các cảng hàng không nhóm A, B, bao gồm Tân Sơn Nhất và Nội Bài sẽ tăng giá dịch vụ 15% so với mức hiện hành.

Đó là một trong những nội dung quan trọng trong văn bản gửi Bộ GTVT về việc xây dựng mức giá, khung giá một số dịch vụ hàng không của Cục hàng không.

Không ảnh hưởng giá vé

Bên cạnh đó, mức giá mới vào giờ cao điểm sẽ tăng thêm 15% và giảm 15% vào giờ thấp điểm.

Khung giờ cao điểm được tính là khung giờ có số chuyến bay thực tế từ 90% trở lên so với giới hạn khai thác của cảng hàng không (CHK). Khung giờ thấp điểm được tính là các khung giờ có số chuyến bay thực tế từ 0 - 30% so với giới hạn khai thác của CHK. Khung giờ bình thường là thời gian hoạt động trừ khung giờ cao điểm và thấp điểm.

Trong lần đề xuất này, đối với các Cảng hàng không nhóm A, B, Cục Hàng không đề xuất giờ bình thường, áp dụng mức giá dịch vụ tăng 15% so với mức hiện hành. Mức giá này tại giờ cao điểm sẽ được tăng lên 15% và giảm 15% vào giờ thấp điểm. Các CHK nhóm C sẽ áp mức giá bằng 60% mức quy định đối với CHK nhóm B trong giờ cao điểm.

Cuc hang khong de xuat tang gia dich vu gio cao diem

Việc tăng giá dịch vụ bay giờ cao điểm nhằm mục đích để các hãng hàng không điều chỉnh bay phù hợp.

Để tránh ảnh hưởng đến hoạt động kinh doanh của các hãng hàng không, lộ trình điều chỉnh giá áp dụng từ ngày 1/7 là tăng 5%. Tiếp đó, từ ngày 1/1/2018, tiếp tục tăng thêm 10% nữa so với giá hiện hành.

Như vậy, trong giờ cao điểm, mức giá cất, hạ cánh áp dụng từ ngày 1/7 với tàu bay ATR 70 là 698 nghìn đồng/lần, tàu A320, A321 là hơn 1,5 triệu đồng/lần, tàu A350, B787, B777, A330 khoảng hơn 5,8 triệu đồng/lần.

Theo lãnh đạo Cục Hàng không, mức giá dịch vụ cất, hạ cánh tàu bay đối với các chuyến bay nội địa đã được duy trì ổn định từ năm 2011 đến nay. So với bình quân khu vực ASEAN, mức giá bay của Việt Nam là khá thấp, chỉ bằng 47 - 67% các nước trong khu vực.

Theo giải thích của ông Lại Xuân Thanh, Cục trưởng Cục Hàng không VN, đề xuất xây dựng chính sách giá cất, hạ cánh với chuyến bay quốc nội theo khung giờ nhằm tác động để các hãng hàng không nội địa điều chỉnh giờ bay, đảm bảo phù hợp với năng lực khai thác của các CHK. Vì thực tế, việc quá tải vào các giờ cao điểm tại một số cảng hàng không (CHK) hiện nay chủ yếu do sản lượng và tốc độ tăng trưởng quá lớn của chuyến bay quốc nội

Mức giá dịch vụ cất, hạ cánh tàu bay đối với các chuyến bay nội địa đã được duy trì ổn định 5 năm (từ 2011 đến nay). Trong khi đó, so với bình quân khu vực ASEAN, giá dịch vụ cất, hạ cánh tàu bay với chuyến bay nội địa của Việt Nam khá thấp, chỉ bằng 47 - 67% tùy loại tàu bay.

Trong một diễn biến liên quan, Tổng giám đốc Tổng công ty cảng hàng không (ACV) Lê Mạnh Hùng cũng cho biết, để đảm bảo doanh thu về dịch vụ cất, hạ cánh đối với chuyến bay nội địa, mức giá dịch vụ này cần được điều chỉnh tăng tới 225% so với hiện tại. Và để có thể lãi 10%, con số này cần được điều chỉnh tăng tới 258%.

Cùng với đó, theo tính toán của ACV, nếu đề xuất được Bộ GTVT chấp thuận, các hãng hàng không dự kiến sẽ phải tăng chi hơn 143 tỷ đồng/năm, tương đương 5.100 đồng mỗi hành khách (chiếm tỷ lệ 0,1% giá vé máy bay).

“Tỷ lệ quá nhỏ này không đủ để hãng hàng không có lý do điều chỉnh tăng giá vé máy bay”, đại diện ACV cho biết.

Nhiều dịch vụ khác cũng tăng phí

Ngoài ra, mức giá một số dịch vụ khác cũng sẽ được điều chỉnh tăng, như dịch vụ bảo đảm an ninh hàng không sẽ tăng từ 1,5 USD lên 2 USD mỗi khách đối với tuyến quốc tế, và từ 9.000 đồng lên 18.000 đồng/khách trên tuyến quốc nội.

Tuy nhiên, ông Lại Xuân Thanh giải thích: “Thực tế, dịch vụ bảo đảm an ninh hành khách, hành lý do ACV thu từ hành khách không chỉ đơn thuần là soi chiếu an ninh hành khách, hành lý mà còn bao gồm nhiều dịch vụ khác như: An ninh bảo vệ tàu bay, an ninh cho khách chậm, nhỡ chuyến, quản lý, giám sát hành khách bị từ chối nhập cảnh trong 24 giờ, nhận dạng hành khách…

Về mức giá dịch vụ an ninh hàng không hiện hành, phía ACV cho biết, mức thu hiện nay của Việt Nam thấp hơn so với khu vực ASEAN. Cụ thể, Singapore đang áp mức 6 USD/khách, Myanmar 6,5 USD/khách, Campuchia 3 USD/khách và Trung Quốc là 2 USD/khách (cả quốc nội và quốc tế).

Nhằm mục đích nâng cao năng lực đảm bảo an ninh, an toàn hàng không, Cục Hàng không nhận thấy việc điều chỉnh tăng mức giá dịch vụ đảm bảo an ninh là phù hợp".

Theo Baodatviet

TIN LIÊN QUAN

Mới nhất

x
Cục hàng không đề xuất tăng giá dịch vụ giờ cao điểm
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO