Cục Y tế kiểm tra thông tin nhiều trẻ nhập viện sau tiêm vaccine ComBE Five

Thy Hạt 28/12/2018 16:48

Về việc nhiều trẻ có phản ứng sau tiêm vaccine ComBE Five phải nhập viện, Cục Y tế dự phòng cho biết, sẽ báo cáo cụ thể khi có kết luận

Mấy ngày qua, trên mạng Facebbook có nhiều thông tin chia sẻ về tình trạng trẻ phản ứng sau tiêm chủng, đặc biệt nhiều trẻ phải nhập viện sau tiêm vaccine ComBE Five. Thông tin này khiến nhiều cha mẹ có con trong độ tuổi tiêm chủng lo lắng.

Chị Đàm Ái Linh (ở huyện Trực Ninh, tỉnh Nam Định) chia sẻ, bé thứ hai nhà chị vừa được 3 tháng tuổi. Chị cũng được biết về việc chuyển đổi vaccine Quinvaxem sang ComBE Five. Tuy nhiên, khi các mẹ chia sẻ trên một số diễn đàn về một số phản ứng sau khi tiêm vaccine mới, chị cảm thấy hoang mang.

Thông tin về một số phản ứng sau khi tiêm vaccine ComBE Five khiến nhiều bà mẹ lo lắng.

“Cháu lớn nhà tôi trước đây cũng tiêm vaccine Quinvaxem ở trạm y tế. Bây giờ, cháu thứ hai, gia đình cũng chỉ cho tiêm ở trạm y tế, bởi ở tỉnh lẻ không có điều kiện tiêm vaccine dịch vụ. Vào một số diễn đàn, thấy các mẹ chia sẻ về tiêm vaccine Combe Five tôi lo lắng quá, không biết phải làm thế nào. Cho cháu đi tiêm thì lo phản ứng ảnh hưởng đến cháu. Mà không cho tiêm thì cũng không được” - chị Linh nói.

Sáng nay (28/12), trao đổi với phóng viên, ông Trần Đắc Phu - Cục trưởng Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế) cho biết, trước sự việc này, Chương trình tiêm chủng mở rộng vẫn đang tổng hợp báo cáo về các trường hợp có phản ứng sau tiêm chủng đối với vaccine ComBE Five. “Tại tỉnh Nam Định, sau khi tiêm có một số trẻ phản ứng sau tiêm phải nhập viện, từ ngày 27/12, Hội đồng chuyên môn của tỉnh Nam Định đã họp và sẽ có báo cáo với Cục khi có kết quả. Sau đó, Cục sẽ có thông báo chính thức về sự việc này” - ông Phu cho biết.

Vaccine ComBe Five là vaccine phối hợp bạch hầu, ho gà, uốn ván, viêm gan B và viêm phổi/viêm màng não mủ do vi khuẩn Hib. Theo kế hoạch, cuối tháng 12/2018 Bộ Y tế bắt đầu cho triển khai vaccine mới thay thế vaccine 5 trong 1 Quinvaxem bằng vaccine DPT-VGB-Hib (ComBe Five) của Ấn Độ và đến thời điểm hiện tại thì một số địa phương đã triển khai tiêm vaccine này.

Đến thời điểm ngày 30/11/2018, theo báo cáo của 7 tỉnh, đã triển khai tại 60 huyện, 899 xã/phường, đã có 17.356 trẻ đã được tiêm vaccine ComBe Five, tỷ lệ tiêm chủng đạt 75,7%.

Cuối tháng 12, vaccine ComBE Five sẽ thay thế vaccine 5 trong 1 Quinvaxem. Ảnh: KT

Vaccine ComBE Five đã được triển khai an toàn, việc theo dõi phản ứng sau tiêm vắc xin ComBE Five được thực hiện chủ động, chặt chẽ trong 3 ngày đầu sau tiêm chủng, ghi chép, báo cáo tất cả các trường hợp phản ứng thông thường được người nhà và cán bộ y tế ghi nhận.

Theo báo cáo của các địa phương, tỷ lệ phản ứng thông thường (sốt<39°C, sưng đau nhẹ tại chỗ tiêm, các triệu chứng khác như khó chịu, quấy khóc...) là 5,5 %. Có 3 trường hợp phản ứng phải nhập viện điều trị đã được Hội đồng chuyên môn đánh giá nguyên nhân phản ứng sau tiêm chủng tuyến tỉnh kết luận: 2 trường hợp phản ứng phản vệ, 1 trường hợp sốt cao/co giật đã được xử trí ban đầu và cấp cứu kịp thời tại bệnh viện. Không có trường hợp tử vong.

Việc chuyển đổi sử dụng vắc xin DPT-VGB-Hib (ComBE Five) tại 7 tỉnh đã được sự chấp nhấp nhận của cộng đồng. Không có trường hợp từ chối không tiêm chủng vắc xin.

Ông Trần Đắc Phu - Cục trưởng Cục Y tế dự phòng cho biết, sử dụng vaccine phối hợp ComBE Five sẽ giảm số mũi tiêm cho trẻ, tiết kiệm thời gian cho các bà mẹ và gia đình đồng thời trẻ em có cơ hội phòng được 5 bệnh truyền nhiễm nguy hiểm.

Tuy nhiên, cũng như các thuốc hay loại vaccine khác khi tiêm đều có thể xảy ra các phản ứng. Khi thấy con có những dấu hiệu như: quấy khóc dai dẳng, kích thích vật vã, lừ đừ, khó thở, sốt cao >39°C, hoặc sốt kéo dài hơn 24h, da nổi vân tím, chi lạnh, nôn trớ nhiều lần, bỏ bữa ăn, bỏ bú, co giật... cha mẹ cần đưa trẻ đến ngay các cơ sở y tế để điều trị kịp thời./.

Theo vov.vn
Copy Link

Mới nhất

x
Cục Y tế kiểm tra thông tin nhiều trẻ nhập viện sau tiêm vaccine ComBE Five
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO