Cung cấp điện từ năng lượng tái tạo cho các đồn biên phòng

(Baonghean) - Để từng bước cải thiện việc cung cấp năng lượng, nâng cao đời sống cho cán bộ, chiến sỹ các Đồn Biên phòng xa lưới điện, Sở Khoa học và Công nghệ tỉnh Nghệ An đã đặt hàng Viện Khoa học năng lượng, Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam triển khai thực hiện Dự án: “Ứng dụng tiến bộ khoa học và công nghệ về năng lượng tái tạo (năng lượng gió, mặt trời và thủy điện nhỏ) xây dựng mô hình cung cấp điện năng cho các Đồn Biên phòng xa điện lưới ở Nghệ An - giai đoạn 1”.

Trong thời gian triển khai thực hiện (từ 12/2011-3/2013), nhóm thực hiện dự án đã điều tra, khảo sát, đánh giá được hiện trạng cung cấp và sử dụng năng lượng của Bộ đội Biên phòng tỉnh Nghệ An, đặc biệt là các Đồn Biên phòng thuộc miền núi.

Các trạm chưa có điện lưới, hiện tại đều đang sử dụng máy phát điện chạy xăng, dầu với công suất 3 - 5 KW, so với các máy phát điện cùng loại ở vùng đồng bằng thì chi phí vận hành đắt gấp 2 lần. Do chi phí phát điện cao, nguồn kinh phí ngân sách cấp cho các Đồn để phát điện rất ít, nên thời gian chạy máy phát thường vào những lúc cần thiết, cấp bách và thường xuyên chỉ chạy 2 - 4h/ngày. Một số đơn vị gần suối có sử dụng máy phát điện thủy điện nhỏ có công suất từ 1 - 2 KW tua bin trục đứng hoặc tua bin gáo.

Tuy nhiên, công suất phát không đảm bảo theo thiết kế, chất lượng điện năng và độ tin cậy rất thấp, đó là chưa kể máy phát vào mùa mưa thường bị lũ cuốn trôi. Vì vậy, việc sử dụng năng lượng tái tạo được coi là một giải pháp đáng quan tâm. Qua điều tra, nhiều Đồn, Trạm biên phòng tại tỉnh Nghệ An đóng quân ở khu vực có tiềm năng về năng lượng mặt trời, năng lượng gió, năng lượng biogas… Việc khai thác hợp lý các nguồn năng lượng tái tạo tại chỗ này sẽ đáp ứng nhu cầu năng lượng hiện tại, chi phí phù hợp hơn. Tuy nhiên, các nguồn năng lượng này mới được các Đồn khai thác ở mức độ thấp, dẫn đến hiệu suất chưa cao.

                    Lắp thuỷ điện nhỏ ở Đồn Tri Lễ (Quế Phong). Ảnh: Hải Thượng.

Qua khảo sát tổng thể hiện trạng cung cấp, nhu cầu sử dụng năng lượng, tiềm năng năng lượng tái tạo tại các Đồn biên phòng trên tuyến núi của tỉnh Nghệ An, Viện Khoa học năng lượng đã lựa chọn 2 địa điểm mà trong thời gian dài chưa thể có điện lưới quốc gia nhưng có tiềm năng tái tạo để khảo sát chi tiết nhằm xây dựng mô hình sử dụng năng lượng tái tạo và nhân rộng mô hình cho các Đồn, Trạm biên phòng khác có đủ điều kiện.

Các Đồn, Trạm được lựa chọn để khảo sát xây dựng mô hình gồm có: Đồn Biên phòng Keng Đu (Đồn 531), huyện Kỳ Sơn, tỉnh Nghệ An, dự kiến khai thác năng lượng gió và mặt trời; Trạm Kiểm soát Buộc Mú, thuộc Đồn Biên phòng Na Ngoi (Đồn 545), huyện Kỳ Sơn, tỉnh Nghệ An, dự kiến khai thác năng lượng thủy điện nhỏ.

Dự án đã đo, khảo sát chi tiết tiềm năng năng lượng gió, mặt trời, thủy năng tại các địa điểm trên và đã nghiên cứu tính toán, lựa chọn các phương án hợp lý cung cấp năng lượng tái tạo cho các Đồn, Trạm với các công nghệ phù hợp, hồ sơ thiết kế chi tiết. Dự án đã đưa ra được nhóm các mô hình cung cấp năng lượng cho các Đồn biên phòng như: Mô hình cung cấp năng lượng mặt trời, mô hình cung cấp năng lượng gió, mô hình trạm thủy điện nhỏ, mô hình lai ghép cung cấp năng lượng tái tạo.

Cụ thể, cung cấp điện năng từ nguồn thủy điện nhỏ cho Trạm Buộc Mú với 2 phương án: Công suất 4,5KW, tổng mức đầu tư 262.441.000 đồng; Công suất 5,5KW, tổng mức đầu tư 302.233.000 đồng; Cung cấp điện năng từ nguồn thủy năng lượng gió, mặt trời cho Đồn Biên phòng Keng Đu với 3 phương án: Cung cấp điện năng từ nguồn năng lượng gió với mức đầu tư khoảng 9.000 USD/KW, cung cấp điện năng từ nguồn năng lượng mặt trời với suất đầu tư 7.000 USD/KW, cung cấp điện năng từ nguồn năng lượng mặt trời, gió, diesel với suất đầu tư 6.700 USD/KW.

Sau khi so sánh và tính toán các phương án được lựa chọn, dự án đã đề xuất nội dung triển khai xây dựng trong giai đoạn II. Đó là, xây dựng trạm thủy điện nhỏ cho Trạm Buộc Mú, Đồn Biên phòng Na Ngoi với công suất lắp đặt 5,5 KW, mực nước dâng bình thường: 1902,00m (so với mực nước biển), chiều cao cột nước tính toán 45,60m, tổng mức đầu tư: 302.233.000 đồng; Xây dựng trạm điện lai ghép sử dụng năng lượng gió, mặt trời (máy phát diesel dự phòng) cấp điện cho Đồn Biên phòng Keng Đu, công suất tua bin gió 3 KW (ắc quy, inverter…), hệ thống điều khiển lai ghép tự động, tổng mức đầu tư khoảng 720 triệu đồng. Đây là các phương án rẻ hơn so với phương án kéo điện lưới bởi khoảng cách kéo điện lưới rất xa.

Kết quả nghiên cứu bước đầu của dự án cho thấy, việc sử dụng giải pháp cung cấp năng lượng tại chỗ bằng các nguồn năng lượng tái tạo có tiềm năng để phục vụ nhu cầu năng lượng cấp bách cho các tập thể chiến sỹ biên phòng sống và làm việc tại các vùng cô lập với lưới điện quốc gia là một giải pháp hợp lý, góp phần tiết kiệm năng lượng và sử dụng hiệu quả các nguồn năng lượng sạch, thân thiện với môi trường, đảm bảo công tác quốc phòng an ninh.

Việc tiếp tục triển khai giai đoạn 2 là hết sức cần thiết. Khi mô hình thí điểm của giai đoạn II thành công và phát huy hiệu quả, Bộ đội Biên phòng tỉnh cùng các cơ quan quản lý trong tỉnh sẽ tích cực tìm kiếm thêm các nguồn vốn từ Trung ương, địa phương, từ các tổ chức quốc tế và các tổ chức khác để nhân rộng kết quả của mô hình.

Trần Khoa (Trung tâm Thông tin KHCN và Tin học)

tin mới

Sáp nhập

Sáp nhập trường lớp ở huyện Thanh Chương: Trao cơ hội học tập tốt nhất cho học trò

(Baonghean.vn) - Sáp nhập trường lớp là xu hướng tất yếu nhằm tập trung đầu tư cơ sở vật chất, nâng cao chất lượng dạy và học của các trường. Đây cũng là mục tiêu huyện Thanh Chương đang kiên trì thực hiện, với mong muốn đem đến môi trường giáo dục tốt nhất cho các học trò.

Hội đồng Nhân dân tỉnh Nghệ An thẩm tra phương án phân bổ gần 2.200 biên chế giáo viên

Hội đồng Nhân dân tỉnh Nghệ An thẩm tra phương án phân bổ gần 2.200 biên chế giáo viên

(Baonghean.vn) - Trên cơ sở 2.187 biên chế giáo viên được Trung ương bổ sung cho Nghệ An, UBND tỉnh đã xây dựng dự thảo nghị quyết trình HĐND tỉnh thẩm tra trước khi trình HĐND tỉnh xem xét, thông qua tại kỳ họp thứ 19, khoá XVIII, nhiệm kỳ 2021 – 2026, dự kiến tổ chức vào ngày 25/4/2024.

Trường nghề

Trường nghề loay hoay trước 'bài toán' giáo viên hợp đồng

(Baonghean.vn)- Nghệ An đang rà soát lại nhân viên hợp đồng ở các cơ quan hành chính và đơn vị sự nghiệp công lập nhằm triển khai thực hiện Nghị định số 111 của Chính phủ về hợp đồng đối với một số loại công việc trong cơ quan hành chính và đơn vị sự nghiệp công lập.

Lớp 12

90 ngày 'đếm ngược' của sỹ tử lớp 12

(Baonghean.vn) - “90 ngày quyết tâm đạt kết quả cao trong Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2024” là phong trào thi đua đang được các trường học trong toàn tỉnh triển khai, với mục tiêu cùng với ngành Giáo dục tỉnh nhà tăng ít nhất 4 bậc về thứ hạng trong mùa thi năm nay.

Các giáo viên cần 'dũng cảm' khi lựa chọn sách giáo khoa

Các giáo viên cần 'dũng cảm' khi lựa chọn sách giáo khoa

(Baonghean.vn) - Việc giao quyền tự chủ cho các nhà trường chọn sách giáo khoa, đòi hỏi các giáo viên cần phải có trách nhiệm, tận tâm trong quá trình thẩm định để đảm bảo có thể chọn được những bộ sách đúng, trúng đối tượng, phục vụ hiệu quả công tác dạy và học.

Du học sinh

Cân nhắc kỹ lưỡng khi quyết định du học

(Baonghean.vn) - Du học nay đã không còn là lựa chọn của những học sinh có năng lực, có điều kiện. Thay vào đó, hiện nay, nhiều học sinh đã lựa chọn du học bởi đây là con đường gần nhất để các em vừa vẫn đảm bảo việc học nhưng sớm có cơ hội có nghề, tìm kiếm việc làm.

Mượn nhà tập thể của trường để ở, nhiều giáo viên không chịu trả lại

Mượn nhà tập thể của trường để ở, nhiều giáo viên không chịu trả lại

(Baonghean.vn) - Trường THPT Dân tộc nội trú tỉnh Nghệ An cho các giáo viên ở miễn phí trong khu tập thể, dù trong hợp đồng nêu rõ, khi nào nhà trường có nhu cầu, các hộ sẽ phải trả lại, nhưng đến khi trường cần mặt bằng để xây ký túc xá cho học sinh, những người này lại từ chối bàn giao.