Cuộc chiến bằng sáng chế giữa Mỹ và Trung Quốc diễn ra như thế nào?

Phan Văn Hòa (Theo SCMP) 03/04/2024 15:30

(Baonghean.vn) - Thế giới đang chứng kiến một cuộc chiến mới giữa 2 cường quốc kinh tế Mỹ và Trung Quốc. Tuy nhiên, thay vì vũ khí và bom đạn, cuộc chiến này diễn ra trên mặt trận trí tuệ và đổi mới sáng tạo, cụ thể là thông qua cuộc chiến bằng sáng chế.

Trung Quốc vượt Mỹ về số đơn xin cấp bằng sáng chế quốc tế năm 2023

Theo dữ liệu năm 2023 của Liên hợp quốc, các nhà phát minh Trung Quốc dẫn đầu về số đơn xin cấp bằng sáng chế quốc tế trong năm thứ 2 liên tiếp, nhiều hơn nước đứng thứ 2 là Mỹ khoảng 14.000 đơn.

Điều này diễn ra trong bối cảnh 2 cường quốc này ngày càng cạnh tranh gay gắt về công nghệ, đổi mới sáng tạo và vị thế trên trường quốc tế. Đầu tháng này, Thủ tướng Trung Quốc Lý Khánh Cường đã tuyên bố tăng 10% chi tiêu cho nghiên cứu khoa học và công nghệ của chính phủ, trong khi Quốc hội Mỹ vẫn đang tranh cãi về các khoản ngân sách dành cho nghiên cứu khoa học và công nghệ.

Anh minh hoa2.jpg
Ảnh minh họa.

Trung Quốc vốn lâu nay bị chỉ trích vì tập trung vào số lượng hơn là chất lượng bằng sáng chế cũng như việc nhà nước trợ cấp quá nhiều cho người nộp đơn. Vì vậy, gần đây quốc gia này đã bắt đầu loại bỏ những nghiên cứu kém chất lượng và hồ sơ không đạt tiêu chuẩn..

Ông Robert Atkinson- Chủ tịch của Quỹ Thông tin công nghệ và đổi mới sáng tạo (Information Technology and Innovation Foundation: ITIF) có trụ sở tại Mỹ, đồng thời là thành viên tổ cố vấn kinh tế Tổng thống Biden cho rằng: “Việc nộp đơn bằng sáng chế của Trung Quốc phản ánh khả năng công nghệ tiềm ẩn của nước này. Do đó, từ giờ đến cuối thập kỷ này, nếu chúng ta không phản ứng một cách toàn diện và nghiêm túc thì mọi thứ sẽ trở nên quá muộn”.

Tuy nhiên, một số nhà phân tích cho rằng, nền kinh tế Trung Quốc đang suy yếu, cùng tỷ lệ già hoá dân số nhanh chóng của nước này sẽ là yếu tố cản trở quỹ đạo đổi mới, khiến động lực quay trở lại với nước Mỹ.

Theo số liệu được công bố trong tháng 3 vừa qua bởi Tổ chức Sở hữu trí tuệ thế giới (Wipo), Trung Quốc đã nộp 69.610 đơn đăng ký sáng chế theo Hiệp ước Hợp tác bằng sáng chế của Liên hợp quốc trong năm 2023, so với 55.678 đơn của Mỹ. Hiệp ước năm 1970 cho phép các nhà phát minh nộp cùng lúc một bằng sáng chế quốc tế ở một số quốc gia, tránh chi phí nộp đơn ở nhiều khu vực pháp lý.

Mỹ vượt lên Trung Quốc về chỉ số quốc gia đổi mới sáng tạo năm 2023

Trong khi đó, việc đánh giá sự tiến bộ của 2 siêu cường trong cuộc chiến giành quyền thống trị lĩnh vực công nghệ cũng đang gây tranh cãi khi việc xác định mối liên hệ nguyên nhân và hệ quả giữa hồ sơ sáng chế với sản phẩm thương mại, ngành công nghiệp và hoạt động kinh tế là không hề đơn giản.

Đánh giá về vấn đề này, Carsten Fink- nhà kinh tế trưởng của Wipo, người giám sát Chỉ số đổi mới toàn cầu của cơ quan Liên hợp quốc cho rằng: “Tôi không nghĩ chúng ta có đáp án cuối cùng trong việc đo lường sự đổi mới, đó luôn là một nghệ thuật hơn là một bộ môn khoa học”.

Chỉ số năm 2023 của Wipo, tổng hợp 80 yếu tố, xếp Thụy Sĩ là quốc gia đổi mới sáng tạo nhất thế giới, tiếp theo là Thụy Điển và Mỹ. Trung Quốc xếp thứ 12 trong số 132 nền kinh tế được khảo sát, nhưng đứng đầu trong số các quốc gia có thu nhập trung bình cao, tiếp theo là Malaysia và Bulgaria.

Các thước đo khác cho kết quả như thế nào?

Các thước đo khác cũng cho ra kết quả khác nhau. Theo đó, Chỉ số Sở hữu trí tuệ của Phòng Thương mại Mỹ sử dụng 50 tiêu chí, bao gồm bằng sáng chế, thương mại hóa và hiệu quả đã xếp hạng Mỹ đứng đầu và Trung Quốc đứng thứ 24 trong số 55 nền kinh tế.

Trong khi đó, Chỉ số đổi mới sáng tạo của Bloomberg xếp hạng Mỹ thứ 6 và Trung Quốc thứ 22 trong số 50 quốc gia dựa trên 6 tiêu chí, bao gồm chi tiêu cho nghiên cứu và phát triển, sản xuất, nghiên cứu và bằng sáng chế.

Còn Chỉ số Hamilton của ITIF thì cho thấy Trung Quốc dẫn đầu 7 trong số 10 ngành công nghiệp quan trọng về chiến lược, bao gồm máy tính, điện tử và hóa chất,… trong khi Mỹ dẫn đầu trong 3 ngành: công nghệ thông tin, dược phẩm và giao thông vận tải.

Năm 2023, Qualcomm và Microsoft là những công ty hàng đầu của Mỹ về nộp đơn bằng sáng chế quốc tế, trong khi Huawei Technologies và nhà sản xuất pin CATL dẫn đầu phía Trung Quốc.

Mọi quốc gia đều khuyến khích việc nộp đơn bằng sáng chế, nhưng các nhà phân tích cho rằng, Trung Quốc đã đưa vấn đề này lên một tầm cao mới. Trong nỗ lực hết sức mình để đổi mới, đạt thứ hạng và chuẩn mực toàn cầu theo lộ trình “Made in China 2025”, các nhà nộp đơn Trung Quốc có thể được hưởng khoản trợ cấp vượt quá chi phí nộp đơn, một động lực để nộp nhiều bằng sáng chế cho cùng một phát minh nhằm kiếm thu nhập, danh tiếng và thăng tiến trong học thuật.

Các chuyên gia cho biết, hệ thống bằng sáng chế phương Tây nói chung nhấn mạnh hơn vào việc chứng minh một sáng chế có tính độc đáo trên toàn cầu, so với việc Trung Quốc tập trung nhiều hơn vào nội địa và có các tiêu chuẩn dễ dàng hơn.

Theo báo cáo của Quốc vụ viện Trung Quốc, chính quyền Bắc Kinh cũng đang nỗ lực siết chặt nạn đạo văn trong các bài báo học thuật và giảm mạnh các loại bằng sáng chế được thẩm định kém trong năm 2023, đồng thời, tăng tỷ lệ bằng sáng chế được thẩm tra kỹ lưỡng,

Kể từ khi bằng sáng chế đầu tiên được nộp vào năm 1985, Trung Quốc thường bị đánh giá thấp ở nước ngoài, rằng họ thiếu khả năng sáng tạo, không công bố đủ các bài báo khoa học,...

Mỹ vẫn là quốc gia dẫn đầu về chi tiêu cho nghiên cứu và phát triển

Theo Tổ chức Hợp tác và Phát triển kinh tế (OECD), Mỹ vẫn là quốc gia đang dẫn đầu về tổng chi tiêu cho nghiên cứu và phát triển (R&D), với 806 tỷ USD hằng năm, so với 668 tỷ USD của Trung Quốc.

Và trong khi Trung Quốc được dự đoán sẽ vượt qua Mỹ về tổng chi tiêu cho R&D thì điều đó cho đến nay vẫn chưa xảy ra, trong bối cảnh những thách thức về nhân khẩu học khổng lồ, khủng hoảng bất động sản, nợ nội địa gia tăng và tăng trưởng kinh tế chậm lại.

Mặt khác, nền kinh tế Mỹ lại cho thấy sức chống chịu đáng ngạc nhiên, với tỷ lệ thất nghiệp thấp và khoảng 200 tỷ USD được đầu tư mới vào R&D thông qua Đạo luật Khoa học và Chips năm 2022.

Sự chia rẽ chính trị sâu sắc và cuộc chiến ngân sách ở Washington đã làm tổn hại đến hoạt động R&D của chính phủ, vốn thúc đẩy sự đổi mới của khu vực tư nhân, ví dụ việc ngân sách của Quỹ Khoa học Quốc gia Mỹ đã bị giảm 8,3% trong năm nay.

Các chuyên gia nhận định, hệ thống quản lý của Trung Quốc giúp việc thiết lập và thực hiện các chiến dịch cấp quốc gia trở nên dễ dàng hơn. Nhiều nhà lãnh đạo cấp cao tại Trung Quốc đều có bằng kỹ sư, trong khi nước Mỹ dường như đã mất đi ý thức về “sứ mệnh quốc gia” sau khi Chiến tranh Lạnh kết thúc.

“Nước Mỹ có nhiều hành động tự bắn vào chân mình. Chúng ta không thể đổ lỗi mọi thứ cho Trung Quốc”, ông Mark Cohen -Giám đốc Dự án sở hữu trí tuệ châu Á tại Đại học California (Mỹ) nhận xét.

Một luật sư chuyên về quyền sở hữu trí tuệ yêu cầu giấu tên vì tính nhạy cảm của quan hệ Mỹ-Trung nói rằng, năng lực bằng sáng chế ngày càng tăng của Trung Quốc đã không thể đánh thức cộng đồng công nghệ Mỹ một phần vì sự chia rẽ cố hữu của nước này.

Bằng sáng chế đóng vai trò quan trọng đối với các công ty phần cứng lớn, giúp bảo vệ chống lại việc sao chép thiết kế hữu hình. Tuy nhiên, bằng sáng chế lại ít hữu dụng hơn đối với các công ty khởi nghiệp đang loay hoay để tồn tại. Các công ty phần mềm thường coi bằng sáng chế là một điều gì đó không hoàn hảo, nhưng được chấp nhận vì chúng phần lớn không hiệu quả trong việc bảo vệ bí mật của họ, bao gồm mô hình kinh doanh, số lượng và chất lượng dữ liệu, cùng các bí mật thương mại.

Đây là lý do tại sao, mặc dù Trung Quốc nộp bằng sáng chế về công nghệ trí tuệ nhân tạo (AI) nhiều gấp 2,5 lần so với Mỹ vào năm 2018, nhưng điều này không có nghĩa là Mỹ đang tụt hậu trong lĩnh vực sáng tạo AI.

Mới nhất

x
Cuộc chiến bằng sáng chế giữa Mỹ và Trung Quốc diễn ra như thế nào?
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO