‘Cuộc chiến chip’ Mỹ-Trung: Không có kẻ thắng!

Phương Hoa 25/05/2023 09:01

(Baonghean.vn) - Căng thẳng Mỹ - Trung đang tiếp tục leo thang sau động thái mới nhất của Bắc Kinh cấm mua sản phẩm của nhà sản xuất chip Micron - một đơn vị lớn hàng đầu của Mỹ.

Động thái này diễn ra trong bối cảnh hai nước đang tồn tại nhiều mâu thuẫn về công nghệ sản xuất chip phục vụ trong các lĩnh vực cơ sở hạ tầng thông tin quan trọng như viễn thông, vận tải và tài chính. Theo giới quan sát, bước đi này đang làm sâu sắc thêm tranh chấp giữa hai “ông lớn” về công nghệ và an ninh, đồng thời báo hiệu một cuộc chiến có “tổng bằng 0” khi bên nào cũng phải chịu thiệt hại.

Đòn cứng rắn

Trong một động thái không bất ngờ, Cơ quan giám sát an ninh mạng Trung Quốc (CAC) mới đây tuyên bố, công ty sản xuất chip Micron của Mỹ đã không vượt qua được cuộc đánh giá an ninh mạng, theo đó cấm các nhà điều hành những cơ sở hạ tầng quan trọng của Trung Quốc mua sản phẩm của hãng này. Cụ thể, cơ quan quản lý Trung Quốc nhấn mạnh, cuộc đánh giá cho thấy, các sản phẩm của Micron có nguy cơ gây ra các vấn đề an ninh mạng tương đối nghiêm trọng, gây rủi ro bảo mật đáng kể cho chuỗi cung ứng cơ sở hạ tầng thông tin quan trọng của Trung Quốc và ảnh hưởng đến an ninh quốc gia. Tuy nhiên, cơ quan này không nêu chi tiết về những rủi ro có thể gặp phải và những sản phẩm cụ thể nào của Micron sẽ phải chịu ảnh hưởng của lệnh cấm.

Cuộc chiến chip Mỹ - Trung ngày càng leo thang. Ảnh: AsiaTimes

Cần nhắc lại, Micron là một trong những nhà sản xuất chip lớn nhất của Mỹ, với doanh thu tại thị trường Trung Quốc đại lục chiếm hơn 10%. Ngay sau tuyên bố của phía Trung Quốc, cổ phiếu của Micron Technology (MU) đã giảm khoảng 3% hôm đầu tuần. Trong khi đó, các công ty đối thủ ở châu Á đã ghi nhận những mức tăng trưởng mới. Cổ phiếu của nhà sản xuất chip Trung Quốc Ingenic Semiconductor tăng 2,8%, công ty công nghệ Techwinsemi Thâm Quyến tăng 6,3%. Tại Seoul, cổ phiếu của SK Hynix - một trong những nhà sản xuất chip lớn nhất thế giới đã tăng 0,9%. Quyết định của cơ quan quản lý Trung Quốc được đưa ra gần 2 tháng sau khi bắt đầu đánh giá vấn đề an ninh mạng đối với các sản phẩm của Micron - động thái nhằm trả đũa các biện pháp trừng phạt do Washington và các đồng minh áp đặt đối với lĩnh vực chip của Trung Quốc trước đó.

Trong khi phía công ty Micron bày tỏ thiện chí mong muốn thảo luận với Bắc Kinh thì trong tuyên bố mới đây, người phát ngôn Bộ Thương mại Mỹ cứng rắn khẳng định, Washington kiên quyết phản đối những hạn chế không có cơ sở thực tế. Rằng, “hành động này cùng với các cuộc tấn công khác gần đây nhằm vào các công ty Mỹ không phù hợp với các tuyên bố của Bắc Kinh muốn mở cửa thị trường và cam kết tuân thủ khung pháp lý minh bạch”. Bộ Ngoại giao Mỹ cũng tuyên bố quan ngại nghiêm trọng đối với lệnh cấm này, đồng thời cho biết Mỹ sẽ hợp tác với các đồng minh để giải quyết vấn đề này.

Micron đang là nạn nhân mới nhất trong cuộc chiến công nghệ Mỹ - Trung. Ảnh: AP

Ai thiệt hơn ai?

Lời cảnh báo của Mỹ không phải chỉ là lời đe doạ. Ngay trước lệnh cấm của Bắc Kinh chỉ một ngày, lãnh đạo các nước G7 tại Hội nghị thượng đỉnh tại thành phố Hiroshima (Nhật Bản) đã chỉ trích gay gắt Bắc Kinh về vấn đề quyền con người, các chính sách kinh tế “phi thị trường”, các hoạt động quân sự của Bắc Kinh ở Biển Hoa Đông cũng như Biển Đông... Trong thông cáo chung mang tính bước ngoặt, nhóm G7 dù nhấn mạnh sự cần thiết phải hợp tác với nền kinh tế lớn thứ hai thế giới nhưng vẫn cần tập trung chống lại “các hành vi ác ý” hay mang tính “cưỡng chế” của Bắc Kinh.

Trước đó, Mỹ đã cấm cài ứng dụng TikTok trên thiết bị chính phủ và áp các biện pháp hạn chế đối với việc xuất khẩu một số chip máy tính tiên tiến sang Trung Quốc. Nhìn lại từ tháng 10/2022, chính quyền Washington đã áp đặt hàng loạt biện pháp kiểm soát xuất khẩu các linh kiện và thiết bị sản xuất chip của Mỹ sang Trung Quốc nhằm ngăn chặn khả năng tiếp cận của Trung Quốc đối với công nghệ quan trọng cho mục đích quân sự. Mới hơn hồi tháng 3 vừa qua, hai đồng minh của Mỹ là Nhật Bản và Hà Lan cũng đã công bố các hạn chế đối với việc xuất khẩu công nghệ sản xuất chip ra nước ngoài cho các quốc gia bao gồm Trung Quốc.

Ai cũng hiểu, chip hiện là trọng tâm chiến lược của Bắc Kinh trong nỗ lực trở thành một siêu cường công nghệ. Trung Quốc đang rót 220 tỷ USD để tăng tốc phát triển ngành công nghiệp chip, từng bước giảm nhu cầu sử dụng công nghệ nước ngoài, hướng đến tự cung tự cấp. Hiện Trung Quốc đã có các nhà sản xuất chip của riêng mình, nhưng các đơn vị này chủ yếu cung cấp các bộ vi xử lý từ thấp đến trung cấp được sử dụng trong các thiết bị gia dụng và xe điện. Một thực tế mà Bắc Kinh buộc phải thừa nhận là nước này vẫn phải phụ thuộc vào các công nghệ chip tiên tiến của Mỹ và các đồng minh của Washington. Bởi thế, lệnh cấm mới sẽ là một tác nhân khiến cho quá trình hiện đại hóa ngành công nghiệp chip của Trung Quốc bị chậm lại.

Công nhân làm việc trong dây chuyền sản xuất chip bán dẫn của công ty Jiangsu Azure Corp ở Hoài An, tỉnh Giang Tô (Trung Quốc). Ảnh: China Daily/Reuters

Ngược lại, các công ty của Mỹ cũng sẽ chịu thiệt hại không nhỏ khi bị tuột khỏi tay một thị trường lớn nhất như Trung Quốc. Vì thế, giới chuyên gia kinh tế đang cảnh báo các nhà lập pháp Mỹ cần cân nhắc kỹ lưỡng về việc áp đặt thêm các hạn chế thương mại với Trung Quốc. Rộng hơn, “cuộc chiến chip” leo thang đang đặt ra nguy cơ gián đoạn nghiêm trọng đến chuỗi sản xuất nhiều loại mặt hàng quan trọng khác như máy tính hay ô tô trên phạm vi toàn cầu. Rủi ro khi công nghệ bị chính trị hóa cũng sẽ không loại trừ trong các hợp tác quốc tế về năng lượng sạch hay dược phẩm - những vấn đề cấp bách của thế giới hiện nay. Trong kịch bản này, có lẽ bên nào cũng sẽ là kẻ thua cuộc!

Mới nhất
x
‘Cuộc chiến chip’ Mỹ-Trung: Không có kẻ thắng!
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO