Cuộc chiến Mỹ - Trung lan sang mặt trận mới

Thúy Ngọc 02/10/2018 20:53

(Baonghean) - Một ngày sau khi Trung Quốc tuyên bố hủy cuộc họp an ninh cấp cao với Mỹ, phía Mỹ cũng tuyên bố hủy chuyến thăm Trung Quốc của Bộ trưởng Quốc phòng James Mattis vốn dự kiến diễn ra vào giữa tháng 10 này.

Với động thái này, giới phân tích nhận định căng thẳng giữa hai cường quốc Mỹ - Trung đã “lan” từ mặt trận thương mại, chính trị, quân sự trước đó sang một mặt trận mới là an ninh, đáng chú ý là vấn đề an ninh trên Biển Đông.

Mỹ mở mặt trận mới

Việc hủy chuyến thăm của ông James Mattis đã được Bộ Quốc phòng Mỹ chính thức xác nhận. Trước đó, theo kế hoạch của Lầu Năm Góc, ông James Mattis sẽ tới Trung Quốc để gặp gỡ với người đồng cấp nước chủ nhà Ngụy Phụng Hòa, song phía Trung Quốc đã từ chối sắp xếp. Điều này phù hợp với thông tin mà Trung Quốc đưa ra trước đó về việc hủy cuộc họp an ninh cấp cao Mỹ - Trung.

Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ James Mattis hủy chuyến thăm tới Trung Quốc. Ảnh: AFP
Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ James Mattis trong một chuyến thăm tới Trung Quốc trước đó. Ảnh: AFP

Việc Mỹ hủy chuyến thăm của Bộ trưởng Quốc phòng James Mattis tới Trung Quốc diễn ra trong bối cảnh quan hệ giữa hai bên hết sức căng thẳng trên nhiều mặt trận là thương mại, chính trị và quân sự. Báo chí Mỹ đã đồng loạt đăng tải thông tin cho rằng quyết định lần này của Mỹ còn liên quan đến những hoạt động của Trung Quốc trên Biển Đông.

Trước đó, Trung Quốc đã không cho phép tàu đổ bộ USS Wasp của Mỹ thăm Hong Kong, Trung Quốc. Ngoài ra, phía Mỹ còn cáo buộc tàu của Trung Quốc đã tiếp cận tàu của Mỹ “một cách không an toàn” trên Biển Đông.

Theo thông báo của Bộ Quốc phòng Mỹ, sự việc đã xảy ra vào sáng ngày 30/9 khi tàu Hải quân Mỹ USS Decatur đi vào vùng 12 hải lý quanh Đá Ga Ven và Đá Gạc Ma thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam, nhưng hiện đang bị Trung Quốc chiếm đóng trái phép.

Hải quân Mỹ gọi hoạt động này là một phần chiến dịch đảm bảo tự do hàng hải trong các vùng biển quốc tế. Khi đó, tàu khu trục Luyang của Trung Quốc đã tiếp cận tàu USS Decatur ở khoảng cách “không an toàn và không chuyên nghiệp”, đồng thời có những động thái buộc USS Decatur rời khỏi khu vực này.

Bởi vậy, giới phân tích nhận định, việc hủy chuyến thăm của ông James Mattis thể hiện sự phản đối của Mỹ đối những hành động này, đồng thời chuyển đi một thông điệp rõ ràng về việc Mỹ sẵn sàng mở thêm một mặt trận mới trong cuộc đối đầu căng thẳng với Trung Quốc, đó là mặt trận an ninh trên Biển Đông.

Tranh cãi giữa Mỹ và Trung Quốc liên quan đến hoạt động quân sự hóa của Trung Quốc ở Biển Đông đã diễn ra một thời gian dài. Bất chấp phản đối của Trung Quốc, Mỹ vẫn liên tục thực hiện các hoạt động tuần tra để bảo vệ quyền tự do hàng không và hàng trải trên Biển Đông mà Tư lệnh Hải quân Mỹ Richard Spencer khẳng định là “sẽ được triển khai bằng mọi giá”.

Theo đó, Mỹ sẽ cho chiến hạm qua lại mọi vùng biển tự do được quốc tế công nhận vào mọi lúc để đảm bảo nền thương mại và các tuyến đường giao thương luôn rộng mở.

Giới phân tích nhận định, trong bối cảnh quan hệ giữa Mỹ và Trung Quốc đang ở mức căng thẳng chưa từng có kể từ khi Tổng thống Donald Trump lên nắm quyền, việc Mỹ mở thêm mặt trận mới trong cuộc đối đầu với Trung Quốc không đơn giản là chiến thuật “gây sức ép để đàm phán” mà ông Donald Trump thường sử dụng, mà sâu xa hơn là sự chuyển biến ngày càng rõ nét trong chính quyền Mỹ về định hướng mối quan hệ với Trung Quốc. Theo đó, Trung Quốc cũng được xác định là một “đối thủ mạnh” của Mỹ, tương tự như cách mà Mỹ đang “định vị” Nga.

Mục đích thực sự của Donald Trump

Khi đưa ra cáo buộc ngay giữa phiên họp của Đại hội đồng Liên Hợp quốc mới đây về việc Trung Quốc can thiệp vào cuộc bầu cử Quốc hội giữa nhiệm kỳ, Tổng thống Donald Trump từng lý giải rằng Trung Quốc không muốn đảng Cộng hòa của ông Donald Trump giành chiến thắng bởi chính quyền Mỹ hiện nay được cho là có cách tiếp cận cứng rắn nhất với Trung Quốc từ trước đến nay.

Tàu đổ bộ USS Wasp của Mỹ không được Trung Quốc cho phép ghé cảng ở Hong Kong. Ảnh: CNN

Đến thời điểm này, chưa có bằng chứng xác thực nào về sự can thiệp của Trung Quốc, và Trung Quốc cũng đã ngay lập tức bác bỏ các cáo buộc của Mỹ. Dù vậy, có một chi tiết mà ông Donald Trump đã không hề sai khi đề cập tới, đó là chính quyền hiện tại dưới sự điều hành của ông đang có cách tiếp cận cực kỳ cứng rắn trong mối quan hệ với Trung Quốc.

Sự cứng rắn mà ông Donald Trump đề cập tới đã được chứng minh qua hàng loạt diễn biến thời gian gần đây. Ban đầu, cuộc đối đầu căng thẳng Mỹ - Trung được nhắc đến nhiều nhất trong lĩnh vực thương mại khi hai bên liên tục áp các mức thuế “khủng” lên hàng hóa nhập khẩu của nhau.

Nhưng không bao lâu sau khi khởi động cuộc chiến thương mại nhằm vào Trung Quốc, Mỹ đã tiếp tục “ra đòn” trên hàng loạt lĩnh vực khác: lĩnh vực ngoại giao khi cáo buộc Trung Quốc can thiệp bầu cử tại diễn đàn của Đại hội đồng Liên Hợp quốc, lĩnh vực quân sự khi trừng phạt các thực thể của Trung Quốc liên quan đến việc mua vũ khí của Nga, lĩnh vực an ninh khi hủy chuyến thăm Trung Quốc của Bộ trưởng Quốc phòng James Mattis.

Việc Tổng thống Mỹ Donald Trump liên tục gia tăng sức ép lên Trung Quốc trên cả mặt trận thương mại, quân sự và chính trị khiến dư luận không khỏi băn khoăn về mục đích thực sự của ông Donald Trump tại thời điểm này, khi mà cuộc bầu cử Quốc hội giữa nhiệm kỳ tại Mỹ sắp diễn ra.

Cuộc bỏ phiếu sắp tới đây có ý nghĩa rất quan trọng với đảng Cộng hòa của ông Donald Trump, quyết định xem đảng Cộng hòa có tiếp tục kiểm soát hạ viện và thượng viện Mỹ hay không. Bởi vậy, theo giới phân tích, việc chủ động đẩy căng thẳng với Trung Quốc lên nấc thang mới là một tính toán có chiến lược của ông Donald Trump và phe Cộng hòa.

Thứ nhất, nếu không may phe Cộng hòa không thể giữ được quyền kiểm soát ở hạ viện và thượng viện, Trung Quốc sẽ trở thành nguyên nhân giúp ông Donald Trump né tránh chỉ trích.

Thứ hai, căng thẳng giữa Mỹ và Trung Quốc được đẩy lên cao trào còn có thể lái sự chú ý của dư luận trong nước khỏi hàng loạt rắc rối pháp lý của các cựu nhân viên đội ngũ tranh cử của ông Donald Trump hồi năm 2016 - một yếu tố cũng có thể tác động tiêu cực tới cuộc bầu cử sắp tới.

Song bên cạnh những yếu tố “chiến thuật” mang tính ngắn hạn, đã có những luồng quan điểm ngày càng mạnh mẽ trong giới chính trị gia Mỹ bày tỏ sự quan ngại về sự trỗi dậy của Trung Quốc - sự trỗi dậy dù Trung Quốc gọi là “hòa bình” nhưng vẫn có khả năng đe dọa vị thế cường quốc của Mỹ trong tương lai.

Và một nhân vật đóng vai trò quan trọng trong việc thuyết phục ông Donald Trump về cách tiếp cận cứng rắn này là Cố vấn an ninh quốc gia Mỹ John Bolton.

Tổng thống Mỹ Donald Trump đang duy trì chính sách cứng rắn chưa từng có với Trung Quốc kể từ khi nhậm chức. Ảnh: Getty

Sau khi Trung Quốc hủy bỏ cuộc gặp an ninh cấp cao Mỹ - Trung, sau khi Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ James Mattis hủy chuyến thăm tới Trung Quốc, cả hai bên vẫn tỏ ra bình thản về căng thẳng giữa hai nước.

Trong khi Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị tuyên bố “chẳng có lý do gì để lo sợ”, thì Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ James Mattis cũng khẳng định “không nhận thấy mối quan hệ với Trung Quốc đang trở nên tồi tệ hơn”.

Dù vậy, giới phân tích cho rằng tình hình không lạc quan đến vậy, cũng giống như cách diễn tiến của cuộc chiến thương mại giữa hai cường quốc thời gian qua, từ những mâu thuẫn nhỏ tưởng chừng có thể hòa giải nhanh chóng biến thành một cuộc chiến thương mại quy mô lớn với những “đòn” áp thuế giá trị lớn chưa từng có. Bởi vậy, chưa có gì đảm bảo đến khi nào cuộc đối đầu giữa Mỹ và Trung Quốc mới hạ nhiệt.

Mới nhất
x
Cuộc chiến Mỹ - Trung lan sang mặt trận mới
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO