Thời sự

Cuộc chiến thương mại phạm vi toàn cầu và ứng xử của Việt Nam

Nguyễn Phúc Nam Đàn 06/04/2025 08:49

Trong những ngày qua thế giới “rung chuyển” bởi việc Tổng thống Mỹ D.Trump đưa ra chính sách thuế mới tác động hết sức lớn tới nhiều nền kinh tế trên thế giới.

Các nước đã phản ứng theo hướng phản đối về điều này với Chính phủ Mỹ - dĩ nhiên rồi. Tuy nhiên, điều làm cho rất nhiều người hết sức ngạc nhiên là phản ứng mau lẹ và hết sức bất ngờ của Tổng Bí thư Đảng Cộng sản Việt Nam Tô Lâm khi thay mặt Nhà nước Việt Nam đề xuất “đưa thuế suất về 0%” trong cuộc điện đàm mà bản thân Tổng thống Mỹ cũng cho rằng, “rất hữu ích”. Một bước đi táo bạo, liệu có phải là hơi vội vàng hay Việt Nam đã rất tự tin? Mọi cái đều có căn nguyên của nó.

Tổng thống Mỹ Donald Trump đưa ra những bình luận về thuế quan tại Vườn Hồng, Nhà Trắng ngày 2/4. Ảnh: Reuters
Tổng thống Mỹ Donald Trump đưa ra những bình luận về thuế quan tại Vườn Hồng, Nhà Trắng ngày 2/4. Ảnh: Reuters

Trước hết, hãy kể sơ qua về cái lợi có được nếu thuế suất nhập nhập về 0%: Một, tăng sức cạnh tranh. Nếu Mỹ giảm thuế về 0% hàng Việt Nam có thể cạnh tranh tốt hơn so với các đối thủ như Trung Quốc, Mexico, Ấn Độ. Hai, giúp doanh nghiệp Việt Nam tiếp cận thị trường Mỹ dễ dàng hơn, tăng kim ngạch xuất khẩu. Ba, vấn đề thu hút đầu tư: Doanh nghiệp nước ngoài có thể đầu tư mạnh vào Việt Nam để tận dụng ưu đãi thuế suất. Bốn, thúc đẩy kinh tế trong nước: Xuất khẩu tăng có thể kéo theo tăng trưởng sản xuất, việc làm và thu nhập cho người lao động.

Tuy nhiên, bên cạnh đó sẽ có những nguy cơ, sẽ có những tác động tiêu cực : Một, áp lực lên sản xuất trong nước. Nếu thuế song phương về 0%, hàng hóa Mỹ vào Việt Nam không bị đánh thuế, có thể gây áp lực lớn lên ngành nông nghiệp và một số ngành sản xuất trong nước. Các sản phẩm thịt bò, thịt lợn, sữa và ngô, đậu nành cùng dược phẩm sẽ gặp khó khăn. Các ngành sản xuất, lắp ráp ô tô cũng vậy… Hai, nguy cơ mất cân bằng thương mại. Nếu chúng ta không kiểm soát tốt, có thể dẫn đến nhập siêu, ảnh hưởng đến sản xuất nội địa. Ba, rủi ro phụ thuộc vào thị trường Mỹ. Nếu quá phụ thuộc vào xuất khẩu sang Mỹ, doanh nghiệp Việt Nam có thể chịu rủi ro khi Mỹ thay đổi chính sách hoặc áp đặt các hàng rào kỹ thuật.

Cảng Hải Phòng. Nguồn: vneconomy.vn/
Hoạt động xuất, nhập khẩu hàng hóa tại cảng Hải Phòng. Ảnh minh họa: vneconomy.vn

Việc cần làm đầu tiên là trao đổi giữa những người lãnh đạo cao nhất của 2 nước, việc cử đoàn cấp cao của Chính phủ và bộ, ngành sang Mỹ để thương thuyết thì chúng ta đã và đang làm, làm kịp thời với tinh thần cầu thị, hợp tác, tôn trọng lợi ích song phương (điều mà Tổng thống Mỹ quan tâm nhất). Kết quả đàm phán sắp tới chắc chắn không thể chỉ dựa vào tài “thương thuyết”, bởi khi “tuyên chiến” với các nước về chính sách thuế lần này thì ông Donald Trump đã có sự chuẩn bị kỹ càng.

Thiết nghĩ, ngoài sự hiểu sâu về tình hình trong thương mại 2 nước, hiểu và nắm chính xác ý đồ lần này của đối tác, cùng với sự sắc sảo trong trao đổi, thì chắc là chúng ta cũng sẽ thể hiện sự chia sẻ, thiện chí với người ta… để kết quả có lợi nhất cho Việt Nam. Về đối nội, thiết nghĩ, đây là tình huống để chúng ta càng quyết tâm thực hiện mạnh mẽ các giải pháp nhằm cải thiện, nâng cao năng lực sản xuất của các doanh nghiệp trong nước, nâng cao sức cạnh tranh của sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ.

bna_chính.dây-chuyền-may-xuát-khẩu-của-Công-ty-TNHH-havina-Kim-liên--Nam-đàn-ảnh-thu-huyền.jpg
Dây chuyền may tại Công ty TNHH may Haivina - Kim Liên (Nam Đàn). Ảnh: T.H

Sự chuyển mình mạnh mẽ lần này không chỉ các doanh nghiệp mà phải có sự đồng bộ, song song, đồng hành thực chất của các cơ quan Nhà nước, của các cơ chế, chính sách cho doanh nghiệp, nhất là cho doanh nghiệp tư nhân. Ngoài ra, một cách làm nữa để đồng hành cùng doanh nghiệp cũng khá hiệu quả mà không sợ vi phạm pháp luật quốc tế hay vi phạm các thỏa thuận là đẩy mạnh các phong trào “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” trong nhân dân - một giải pháp mà nhiều nước phát triển hiện nay cũng đã từng sử dụng ở buổi đầu sơ khai, phát triển doanh nghiệp của họ. Về đối ngoại trong lĩnh vực kinh tế, thương mại: Đây là lúc chúng ta phải khai thác, phát huy tối đa một cách cụ thể, thiết thực các Hiệp định FTA đã ký kết. Sức mạnh đem lại từ các FTA này được nhìn thấy trước hết ở sự đa dạng, sự chủ động trong quan hệ, tránh sự lệ thuộc vào một thị trường quá nhiều và phát huy các thế mạnh của Việt Nam tại các thị trường này. Chúng ta cũng cần ứng xử cân bằng, hài hòa với các đối tác lớn, củng cố và phát huy sự tin cậy ngày càng cao với họ.

Bối cảnh, điều kiện của Việt Nam hiện tại có nhiều khác biệt so với trước đây. Vai trò, vị thế của Việt Nam đã được nâng lên rất nhiều không chỉ về chính trị mà cả về kinh tế, chúng ta cũng biết khai thác vị thế của mình trong bức tranh địa - chính trị khá tốt. Ngay như với Mỹ thì 2 nước vừa nâng cấp lên thành Đối tác chiến lược toàn diện. Theo dõi những lần Nhà nước Việt Nam xử lý tình huống trong các cuộc khủng hoảng, suy thoái kinh tế thế giới và khu vực thời gian gần đây, cũng như tính linh hoạt, hiệu quả của đường lối ngoại giao chúng ta tin rằng, đất nước sẽ vượt qua được thời điểm khó khăn trước mắt mà chính sách thuế của Mỹ đem lại để vững vàng phát triển đi lên.

Nổi bật Báo Nghệ An

Mới nhất

Cuộc chiến thương mại phạm vi toàn cầu và ứng xử của Việt Nam
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO