Cuộc gặp bí mật của Bin Laden cách đây 30 năm khiến thế giới đổi thay ra sao?

Phú Bình 11/09/2018 11:21

(Baonghean.vn) - Vào tháng 8/1988, 9 người đàn ông gặp nhau tại ngôi nhà của Osama Bin Laden tại Peshawar, Pakistan, nhằm thành lập một băng nhóm mà sau đó đóng vai trò đột ngột định hình nước Mỹ đầu thế kỷ 21. Chúng gọi nhóm này là al-Qaeda, trong tiếp Arập có nghĩa là “căn cứ”.

Osama Bin Laden trong một buổi họp báo tại Khost, Afghanistan năm 1998. Ảnh: AP
Osama Bin Laden trong một buổi họp báo tại Khost, Afghanistan năm 1998. Ảnh: AP

Những hoạt động khủng bố của nhóm này, nước Mỹ đã chứng kiến vụ tấn công chết chóc nhất từng xảy ra trên lãnh thổ, bước vào một cuộc chiến nay đã kéo dài 17 năm, chi khoảng 2,8 nghìn tỷ USD để bảo vệ mình trước khả năng tấn công, và nhìn thấy nền chính trị đổi thay theo các cách căn bản cho đến hiện nay.

Sau cuộc gặp sơ khai ấy, hồ sơ về al-Qaeda cho biết, “hoạt động của al-Qaeda đã bắt đầu vào ngày 10/9/1988”, tức cách đây vừa tròn 30 năm.

1 ngày tháng 8 của 20 năm về trước, không nghi ngờ gì al-Qaeda đã có ý định phát động cuộc chiến toàn cầu nhằm vào Mỹ khi nhóm này đánh bom các đại sứ quán của Mỹ tại Kenya và Tanzania khiến 224 người chết.

Ngày này 17 năm trước, al-Qaeda đã cướp đi sinh mạng 2.977 người tại nước Mỹ.

Trên phông nền lịch sử bạo lực ấy, mối đe dọa từ những phần tử khủng bố thánh chiến đối với nước Mỹ ngày nay là gì?

Trong một bản báo cáo mới, New America nhận thấy rằng, từ loạt vụ tấn công 11/9, mối đe dọa thánh chiến đã thay đổi một cách đáng kể.

Trung tâm Thương mại Thế giới bốc cháy ngày 11/9/2001. Ảnh: AP
Trung tâm Thương mại Thế giới bốc cháy ngày 11/9/2001. Ảnh: AP

Tránh những cuộc tấn công khác

Al-Qaeda đã không tiến hành thành công vụ tấn công gây chết chóc nào nữa trong lòng nước Mỹ kể từ cái ngày của 17 năm trước ấy. Và cũng không một tổ chức khủng bố thánh chiến nước ngoài nào làm được điều đó.

Đó là minh chứng cho thành công lớn trong nỗ lực chống khủng bố của Mỹ kể từ vụ 11/9. Rất ít nhà phân tích trong những tháng, những năm sau sự kiện đó dám dự đoán rằng nước Mỹ sẽ thành công tránh được các cuộc tấn công đến vậy.

Nhờ nỗ lực của các cơ quan hành pháp và tình báo cùng quân đội, cũng như nhận thức cao hơn của người dân, mối đe dọa đối với lãnh thổ Mỹ hiện thấp hơn nhiều so với thời điểm xảy ra sự kiện 11/9. Điều này chắc chắn phải đánh đổi cái giá là hàng nghìn tỷ USD chi ra, những biện pháp an ninh chưa từng có tiền lệ tại các sân bay và các địa điểm công cộng, cùng sự tranh luận công khai về nhập cư và hành pháp.

Tuy vậy, Mỹ vẫn đối diện với một mối đe dọa thánh chiến mới và khác biệt: đó là những cá thể bị thôi thúc bởi hệ tư tưởng thánh chiến, nhưng không có chỉ đạo hành động từ một tổ chức khủng bố nước ngoài. Theo nghiên cứu của New America, những cá nhân này đã tiến hành 13 vụ tấn công gây thương vong và sát hại 104 người tại Mỹ kể từ loạt vụ tấn công 11/9.

Sự trỗi dậy của nhánh ly khai từ al-Qaeda, tức Tổ chức Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng, đã đưa mối đe dọa này lên một cấp độ mới. 3/4 số người bị những phần tử thánh chiến cực đoan sát hại tại Mỹ kể từ ngày 11/9/2001 bỏ mạng từ năm 2014 - là năm IS tuyên bố thành lập “nhà nước” riêng. 8 trong 13 vụ tấn công chết chóc tại Mỹ sau vụ 11/9 diễn ra trong khoảng thời gian đó, và 7 vụ có một phần “động lực” từ chiến dịch truyền bá của IS. Năm 2015, con số chưa từng có 80 công dân Mỹ bị cáo buộc các tội danh có liên quan đến khủng bố thánh chiến, hầu hết do IS thôi thúc theo cách nào đó.

Tuy nhiên, ngay cả khi ở đỉnh cao quyền lực tại Iraq và Syria, IS cũng không tiến hành tấn công gây chết chóc tại Mỹ.

Với việc IS mất dần quyền kiểm soát các khu vực tại Syria và Iraq, mối đe dọa đối với Mỹ càng thêm phai nhạt. Số vụ khủng bố thánh chiến có sự liên đới của các công dân Mỹ giảm dần mỗi năm từ ngưỡng 80 vụ năm 2015. Đến cuối tháng 8, chỉ 8 người Mỹ bị cáo buộc các tội danh liên quan đến khủng bố thánh chiến trong năm 2018.

Osama Bin Laden (phải) và cấp phó Ayman Al-Zawahri ngày 17/4/2002. Ảnh: AP
Osama Bin Laden (phải) và cấp phó Ayman Al-Zawahri ngày 17/4/2002. Ảnh: AP

Chiến binh nước ngoài

Dù nhiều người lo sợ về mối đe dọa từ “những chiến binh nước ngoài” - những công dân phương Tây gia nhập IS và các băng nhóm khác ở nước ngoài - song rất ít người Mỹ thành công “bước vào” IS. Và số lượng những kẻ có thể hồi hương thậm chí còn ít hơn. Chỉ có 1 trường hợp công dân Mỹ được ghi nhận từng chiến đấu tại Syria hoặc Iraq âm mưu bạo lực sau khi trở về Mỹ, và chưa có kẻ nào trở về thực sự tiến hành được một cuộc tấn công.

Tuy nhiên, người Mỹ không nên cho rằng mối đe dọa này sẽ biến mất cùng sự sụp đổ của IS. Bài học này được đúc rút từ sự việc Sayfullo Saipov, một cư dân Mỹ gốc Uzbekistan 29 tuổi, đã giết 8 người trong một vụ tấn công bằng xe tải đâm vào làn dành cho xe đạp ở Manhattan vào tháng 10/2017, đúng tháng mà “thủ đô tự xưng” Raqqa của IS được các lực lượng Dân chủ Syria do Mỹ hậu thuẫn giải phóng.

Thực tế, thách thức khủng bố thánh chiến Mỹ đối mặt có thể không hoàn toàn do hệ tư tưởng thánh chiến thôi thúc. Nhiều kẻ tấn công thánh chiến có những vấn đề cá nhân, bao gồm tiền sử bạo lực phi chính trị và các vấn đề sức khỏe tâm thần, và một số kẻ dường như chịu ảnh hưởng từ nhiều hệ tư tưởng khác nhau chứ không chỉ chủ nghĩa thánh chiến.

Mỹ cũng đối diện mối đe dọa bạo lực công cộng lấy động cơ từ những hệ tư tưởng khác ngoài thánh chiến, bao gồm bạo lực cực hữu, khiến 73 người thiệt mạng kể từ vụ 11/9.

Ảnh chụp Lầu Năm Góc 2 ngày sau vụ tấn công khủng bố 11/9. Ảnh: Internet
Ảnh chụp Lầu Năm Góc 2 ngày sau vụ tấn công khủng bố 11/9. Ảnh: Internet

Mỹ nên làm gì?

Theo CNN, một điều không nên làm là theo đuổi cách tiếp cận chống khủng bố lấy nhập cư làm trung tâm do chính quyền Trump đề ra và kèm theo đó là lệnh cấm đi lại đáng lẽ Tổng thống Mỹ nên chấm dứt. Mối đe dọa đối với nước Mỹ hiện nay mang tính “nội tại” và không phải hệ quả của sự xâm nhập từ bên ngoài.

Điều nước Mỹ cần làm là tận dụng thời cơ khi IS để mất phần lãnh thổ tại Syria và Iraq để tái đánh giá và trả lời những câu hỏi căn bản liên quan đến đường hướng chống khủng bố của mình.

Chính quyền Trump chưa công khai ban hành một chiến lược chống khủng bố, và nước Mỹ tiếp tục phát động chiến tranh dựa trên văn bản Cấp phép Sử dụng Lực lượng Quân sự (AUMF) đến nay đã có tuổi đời 17 năm; với sự đề cập đến IS, băng nhóm tách ra từ al-Qaeda và nhiều thành viên của chúng chưa chào đời hay còn nhỏ vào thời điểm vụ 11/9, vẫn còn là câu hỏi để ngỏ. Chính quyền Trump nên ban hành một chiến lược chống khủng bố, và Quốc hội Mỹ nên thông qua sự cấp phép được cập nhật đối với việc sử dụng vũ lực quân sự.

Chính quyền Trump được cho là đã tiến hành những thay đổi lớn đối với các chính sách liên quan đến tấn công chống khủng bố, phân quyền cho các chỉ huy và bỏ yêu cầu rằng các mục tiêu phải đặt “mối đe dọa cấp bách” với người dân Mỹ. Chính quyền này nên đưa ra hướng dẫn mới về các vụ tấn công, như điều mà chính quyền Obama từng làm khi công bố Hướng dẫn Chính sách của Tổng thống về các cuộc tấn công chống khủng bố.

Chính quyền Tổng thống Trump tiếp tục tìm cách ngăn nhập cư từ các nước Hồi giáo. Ảnh: AP
Chính quyền Tổng thống Trump tiếp tục tìm cách ngăn nhập cư từ các nước Hồi giáo. Ảnh: AP

Mỹ đã bỏ ra 2,8 nghìn tỷ USD cho các nỗ lực chống khủng bố, bao gồm các cuộc chiến tại Afghanistan, Iraq và Syria kể từ vụ 11/9 - tức khoảng 15% chi tiêu chính phủ trong cùng kỳ - và chưa có giải trình nhất quán về các khoản chi của mình. Mỹ nên tiến hành một cuộc đánh giá và kiểm toán số tiền chi cho các nỗ lực chống khủng bố từ vụ 11/9.

Giải quyết những vấn đề căn bản này sẽ là điều hết sức cần thiết khi mà bất kể để mất các khu vực lãnh thổ, IS và thậm chí là al-Qaeda vẫn thể hiện khả năng trỗi dậy, mà phần lớn là do sự bất ổn dai dẳng tại Trung Đông và Bắc Phi.

IS đã chỉ đạo tiến hành 5 vụ tấn công tại châu Âu từ năm 2014, cướp đi sinh mạng của nhiều người hơn so với con số mà các phần tử thánh chiến giết hại tại Mỹ từ vụ 11/9.

Hàng không vẫn là một mục tiêu chủ chốt. IS đã sát hại 224 người khi tổ chức này đưa bom lên chuyến bay từ Ai Cập đi Nga hồi tháng 10/2015.

Việc các nhóm khủng bố tăng sử dụng thiết bị bay không người lái và nhiều nhóm chọn cách đâm xe cho thấy “tiềm năng đổi mới” từ kẻ thù khủng bố của nước Mỹ.

Hơn 1/4 số người Mỹ còn quá ít tuổi để nhớ được loạt vụ tấn công 11/9 và 1/5 số người Mỹ thậm chí chưa được sinh ra vào thời điểm ấy. Tuy nhiên, các vụ tấn công đó vẫn tiếp tục định hình phần lớn cách thức quân đội, giới tình báo và hành pháp Mỹ hoạt động. Và chúng sẽ tiếp tục tác động đến nền chính trị Mỹ theo những cách thức mang tính căn bản.

Theo Theo 9news, CNN
Copy Link
Mới nhất
x
Cuộc gặp bí mật của Bin Laden cách đây 30 năm khiến thế giới đổi thay ra sao?
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO