Cuộc phiêu lưu miệt biển

Chẳng biết từ lúc nào bờ kè thuộc khu vực neo đậu tàu thuyền phòng tránh thiên tai phường Nghi Tân (thị xã Cửa Lò) trở thành nơi tạm trú của khoảng ba chục con tàu nhỏ đến từ phường Quỳnh Phương, thị xã Hoàng Mai.

Tôi có mặt tại phường Nghi Tân đúng vào thời điểm tàu bè nằm bờ để tránh cơn bão số 4. Bên bờ kè dễ có đến hơn 20 con tàu đang nằm ghếch mũi nghỉ ngơi trong cái nắng nhàn nhạt. Lúc này đã gần 10h trưa nhưng một vài gia đình vẫn đang ăn bữa sáng. Một người phụ nữ dáng người khá đẫy đà, gương mặt phúc hậu nắm tay kéo tôi lên thuyền.

Tôi vừa kịp lom khom bước vào khoang thuyền, chưa kịp ngồi xuống đã thấy chị Bùi Thị Hằng – tên người phụ nữ đon đả lấy thêm bát, đũa đặt lên tấm ni-lông trải giữa lòng thuyền: “Chú mời với gia đình bát cơm”. Cùng lúc, anh Nguyễn Văn Dũng – chồng chị Hằng cũng buông đũa, với tay lấy chiếc ly đặt trong hộc nhỏ trong khoang thuyền. Giọng người đàn ông thản nhiên, chậm rãi, vui vui: “Chẳng mấy khi có khách ghé “nhà’, chú uống với anh chén rượu”.

Màu rượu vàng đục, chẳng biết là ngâm thứ gì. Quý tấm thịnh tình của đôi vợ chồng trung niên, tôi nhấp nhẹ ngụm rượu cùng nhấm nháp những miếng khô tôm đã cong lên vì mặn.

Anh Dũng cho biết, gia đình ở phường Quỳnh Phương, thị xã Hoàng Mai – vùng đất nối đời đi biển. Tuy nhiên anh lại không phải dân miệt biển Quỳnh. Quê anh ở Diễn Châu, lớn lên theo bạn bè lang bạt kỳ hồ khắp chốn. Dũng bảo, chẳng hiểu sao khi bén đất Hoàng Mai thì không dứt ra được.

“Tui tưởng né nghề biển cho nhàn thân, ai dè gặp cô ni – anh chỉ tay vào vợ, lại ‘dính’ với thuyền bè, đánh bắt. Rứa là đi biển hơn ba chục năm rồi” –  người đàn ông hơn 50 tuổi cho biết.

Quanh năm lênh đênh cùng mùa cá, sóng gió, vợ chồng anh Dũng, chị Hằng ít khi về nhà. Chỉ vào dịp lễ, Tết, giỗ chạp hay phải giải quyết thủ tục giấy tờ thì họ mới về Hoàng Mai. “Hiện ở nhà chỉ còn đứa con dâu và cháu nhỏ, thằng con trai cũng theo cha mẹ vô Cửa Lò làm ăn” – chị Hằng nói.

Không riêng gia đình anh Dũng mà tại phường Nghi Tân có đến gần 30 gia đình quê Quỳnh Phương quần tụ để khai thác hải sản. Phương tiện đánh bắt là những con tàu có công suất từ 20-40CV. Phương tiện bé, đánh bắt nhỏ – đội tàu của những hộ dân Quỳnh Phương chỉ khai thác cách bờ khoảng 12-15 hải lý, cũng đôi khi ra đến Hòn Mắt, Hòn Mê. Hải sản được khai thác chủ yếu là ghẹ, bề bề (tôm tít), ốc gai, cá lượng, cá thửng…

Một ngày của những ngư dân “ngụ cư” thường bắt đầu từ lúc nửa đêm. Đó chính là thời điểm đội tàu xuất bến. Những chiếc tàu nhỏ chỉ có từ 2-4 người đàn ông, họ là bố con, anh em hoặc họ hàng. Tuy nhiên cũng có những gia đình, vì quá neo người nên chỉ duy nhất một người đi nghề, bởi vậy phải vừa lái tàu, vừa buông lưới, lại vừa phải chủ động đối diện và xử lý những vấn đề phát sinh trên biển. Tuyệt nhiên những người phụ nữ không đi theo thuyền. Ra đến vùng lộng, mất đến hơn 1 tiếng đồng hồ để ngư dân thả những vàng lưới có chiều dài đến lên đến 7-8km.

Lúc này ở bờ, những người phụ nữ và trẻ nhỏ của đội tàu Quỳnh Phương tụ lại trong căn phòng chung. Nó vừa giống phòng trọ, cũng lại như nhà kho. Căn phòng tá túc dành cho phụ nữ và trẻ em làng “ngụ cư” này được các tư thương bản địa cho ở miễn phí, nhưng với một điều kiện bắt buộc: Hải sản đánh bắt được phải nhập cho họ.

Như chị Bùi Thị Hằng chia sẻ: Được ở trọ, neo đậu tàu thuyền không mất phí nhưng cũng thiệt đơn, thiệt kép vì giá hải sản thấp. Ví như ghẹ, loại 1 nhập khoảng 30.000 đồng/kg, còn bình quân chỉ hơn 20.000 đồng/kg. “Thôi cũng đành, có chỗ làm nghề, ăn ở cũng coi là tạm ổn” – chị Hằng cười hồn hậu.

Trở lại với những người đàn ông, tàu của họ không sử dụng ánh sáng để đánh bắt như thường thấy ở các con tàu công suất lớn. Trên biển cả mịt mùng, họ đánh dấu sự hiện diện của mình bằng vài chiếc bóng đèn sử dụng pin buộc đầu sào và cắm trước mũi hoặc đuôi thuyền. Mỗi đợt sóng ào đến, ngọn đèn lại lập lòe nổi lên, chìm xuống. Khoảng 4h sáng, lưới bắt đầu được kéo lên. Chiếc máy tời đặt trên mũi tàu hỗ trợ đắc lực cho việc thu lưới. Cũng phải mất hai tiếng đồng hồ để tiến hành công đoạn này. Khi lưới thu xong, sẽ có một người ngả bếp nấu bữa sáng để dằn bụng sau một đêm vất vả. Xong bữa vội của buổi sáng, tàu quay mũi vào bờ, và trong quá trình đó hải sản tiếp tục được gỡ khỏi lưới.

Cữ 10h, lác đác tàu thuyền cập bến. Đến khoảng giữa ngọ cả bờ kè trở nên tấp nập. Những phụ nữ le le ôm khay ra bến đón chồng. “Mùa ni, mỗi ngày chỉ đánh bắt được trên dưới chục cân. Nhà nào thu được vài ba yến đã có thể coi là thắng. Cũng có những đêm may mắn kiếm được vài triệu” – anh Lương Văn Nam chia sẻ với tôi trong khi tay vẫn không rời chiếc cờ-lê sửa máy.

Có một điều khá đặc biệt ở người đàn ông sinh năm Tân Hợi – 1971 này, anh là người dân tộc Thái, sinh ra và lớn lên ở xã miền núi Nghĩa Lợi, Nghĩa Đàn. Anh vốn chẳng bao giờ nghĩ mình trở thành ngư dân gắn bó với nghề biển. Tất cả đều như một sự sắp đặt của số phận.

Thuở trẻ trai, Nam làm nghề trồng rừng, khai thác lâm sản. Trong một ngày “thiên ý” tình cờ, anh gặp cô gái miệt biển mang cá lên bán dạo. Rồi quen, rồi thương và yêu. Vợ anh – chị Bùi Thị Hải, sinh năm 1974 –  cầm tinh con hổ. Anh nói vui: “Tui người miền núi bị cọp biển bắt”.

Sau khi hai người lấy nhau, thời gian đầu họ cùng sống ở quê chồng, mưu sinh bằng đốt củi bán than, sau theo nghề buôn cá khắp làng trên xóm dưới của mảnh đất Phủ Quỳ. Nhưng rồi, tiền kiếm được chẳng được là bao. Hai vợ chồng ôm con về Quỳnh Phương quê vợ.

Anh Nam bắt đầu học bố vợ và anh vợ nghề đi biển. “Anh không biết được mô, cho đến bây giờ sau 20 năm dong thuyền ra biển tui vẫn không quên được cái cảm giác chông chênh, chao đảo của những ngày đầu tiên đi biển. Hồi đó mấy lần tui định bỏ quê vợ mà đi”. Thế nhưng mà người đàn ông có nước da rám nắng ấy không thể đi được. Lâu dần cũng dạn sóng, quen luồng, có thể nhìn sao, đo hướng gió để ra khơi vào lộng. Ngay cả với việc sửa chữa máy móc anh cũng thành thạo. Điều khá thú vị, chị Bùi Thị Hải – vợ anh Nam là em gái ruột chị Bùi Thị Hằng. “Cả nhà ngoại làm nghề biển cả, con gái tui lấy chồng ra riêng, hai vợ chồng chúng nó cũng đi nghề” – anh Nam cười.

Tạm trú để làm nghề tại mảnh đất Cửa Lò, ngoài cậu con trai lớn đi nghề với cha, vợ chồng anh Nam còn đưa theo cả thằng con nhỏ mới 4 tuổi. “Thằng Gia Huy nó là đứa con sót đấy” – chị Hải cả cười – “Nó vào đây tui xin cho đi học tại trường mầm non trên địa bàn. Hôm nào nghỉ thì lên thuyền chơi với bố mẹ, còn đêm thì về phòng trọ. Cuộc sống thế thôi”.

Cũng làm nghề biển nhưng tại sao họ không ở quê mà phải lang bạt kỳ hồ. Tôi đem trăn trở này hỏi những người đàn ông, đàn bà Quỳnh Phương. Họ bảo nghề đi ghẹ, bắt bề bề thì phải vô vùng Cửa Lò, Cửa Sót (Hà Tĩnh) mới có. Nửa đầu năm thì đến Cửa Lò, nửa cuối năm lại vào Cửa Sót. Tiền kiếm được không nhiều nhưng việc bán hải sản, tránh trú giông gió thuận lợi là điều những ngư phủ cần hơn cả.

Chia tay những con người chất phác tôi thấy vui vui.

Bão vừa tan, từ trên tàu những đứa trẻ xóm ngụ cư thi nhau nhảy ùm ùm xuống dòng nước xanh vắt. Phía bên kia, một đám gồm cả phụ nữ và đàn ông tay cầm những chiếc cần nhỏ, dùng mồi bằng bột mì vắt để câu cá dìa – còn được họ gọi là lình kình. Mỗi khi kéo được lên được 1 con họ cười váng cả một vùng.