Cuộc sống mới dưới chân núi Pu Phen

Vi Hợi 28/01/2024 13:22

(Baonghean.vn) - Dọc theo tuyến Tỉnh lộ 543c, hàng trăm căn nhà mọc lên san sát, những cánh rừng keo bạt ngàn, lũ trẻ hồn nhiên vui đùa trong ngôi trường mới... là hình ảnh về xã Yên Tĩnh, huyện Tương Dương đang hồi sinh từng ngày.

Ký ức buồn

Thiên nhiên ban tặng cho Yên Tĩnh nhiều tài nguyên quý hiếm. Rừng đầu nguồn khe Chà Hạ bạt ngàn các loại gỗ quý, trong lòng đất từ đỉnh Pu Phen đến các triền đồi, triền núi hay lòng khe Chà Hạ đều có vàng. Những tưởng đó là nguồn tài nguyên sẽ đem lại cuộc sống sung túc, đủ đầy cho người dân nơi đây. Nhưng nó lại là nguyên nhân của những thảm họa đổ lên đầu người dân. Người tứ phương đổ về Yên Tĩnh để khai thác vàng, khai thác gỗ tìm kiếm vận may để đổi đời, mang theo cả tệ nạn ma túy, HIV/AIDS.

Tiếng máy múc, máy sàng gầm gào trên lưng núi, dưới lòng khe suối… Từ một vùng quê thuần nông yên bình nay bị cuốn vào cuộc sống hối hả chạy theo những cuộc càn quét vàng khắp các lòng khe, các con suối, đỉnh đồi. Kẻ đào vàng, người gùi hàng thuê cho các nhóm khai thác vàng. Những mặt hàng chủ yếu là xăng, dầu, lương thực, thực phẩm, rượu, thuốc lá…

bna-1-anh-pv-4320.jpg
Những cơn “Đại hồng thủy” đã làm tan hoang xã Yên Tĩnh. Ảnh: Vi Hợi

Đối tượng gùi hàng thuê là phụ nữ. Ngày qua, tháng lại quan hệ giữa các ông chủ và những người gùi hàng ngày càng thân thiện dẫn đến nạn ngoại tình, gia đình ly tán. Những người làm thuê khai thác vàng có hơn 90% là người nghiện dẫn đến tệ nạn ma tuý trên địa bàn trở nên nóng bỏng, hàng trăm thanh thiếu niên xã Yên Tĩnh rơi vào cảnh nghiện ngập ma tuý, nhiễm HIV/AIDS. Có thời điểm người nghiện ma túy ở Yên Tĩnh lên tới 197 người, trong đó có gần 100 người nhiễm HIV/AIDS. Trong số người nghiện ma túy, nhiễm HIV/AIDS có đến 3/4 người đi tù hoặc chết; hàng chục cặp vợ chồng ly hôn, gia đình tan nát, hơn 30 trẻ em mồ côi không nơi nương tựa, cuộc sống nghèo nàn, bần cùng phủ khắp các bản làng.

Ông Pay Văn Hội – Trưởng bản Chả Lúm (Yên Tĩnh) nhớ lại “Nạn ma túy, HIV/AIDS làm cho bản Chả Lúm tan hoang, mẹ mất con, vợ mất chồng, kẻ chết, người vào tù, trong bản chỉ có người già, đàn bà và trẻ nhỏ thôi, chưa nói tới hàng chục chị em bỏ chồng, bỏ con theo người tình”...

Không chỉ có những cơn bão ma túy, vàng tặc, lâm tặc xới nát mảnh đất Yên Tĩnh mà còn có cả những cơn “Đại hồng thủy” đã làm cho mảnh đất này tan hoang. Đơn cử như, trận lũ quét giáng xuống bản Pa Tý vào đêm 26/5/2009. Chỉ trong vòng vài giờ, nước lũ đã cướp đi 5 sinh mạng, trong đó có 2 vợ chồng và 1 cháu bé mới 8 tuổi, cuốn trôi 2 căn nhà cùng với hàng ngàn gia súc, gia cầm, cả bản có 60 nóc nhà bị ngập chìm trong lũ. Bản nghèo trở nên tang thương chỉ trong một thời gian ngắn. Lãnh đạo các cấp từ Trung ương đến tỉnh, huyện đều bàng hoàng khi nhận được tin báo.

bna-8-anh-pv-5579.jpg
Chăn nuôi gia súc, gia cầm đã hồi sinh sau lũ. Ảnh: Vi Hợi

Nghĩ lại trận lũ quét xảy ra vào rạng sáng 25/6/2011, đôi mắt ông Vi Vũ Quang nguyên Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch UBND xã Yên Tĩnh vẫn còn thẫn thờ: “Mưa suốt cả đêm, đến rạng sáng 25/6 thì lũ ập về, cuốn trôi 2 nhà dân ở bản Cành Toong, làm ngập toàn bộ 76 ngôi nhà, trụ sở UBND xã, các trường Mầm non, Tiểu học Yên Tĩnh 1, Tiểu học Yên Tĩnh 2, tại bản Cặp Chạng toàn bộ trường học và nhà công vụ giáo viên đã bị sập hoàn toàn. Lũ lớn đã làm ách tắc giao thông toàn bộ tuyến đường từ Bản Vẽ vào Yên Tĩnh, 4 bản vùng trong của xã Yên Tĩnh là Chà Lúm, Na Cáng, Pả Khốm, Huồi Pai bị cô lập hoàn toàn”.

Tiếp đến là trận lũ rạng sáng 14/9/2016, là một trong số trận lũ quét gây thiệt hại nặng nề nhất cho xã Yên Tĩnh. Trận lũ làm 89 nhà bị thiệt hại nặng nề và 35 hộ phải di dời khẩn cấp; hàng trăm ao cá khoảng trên 2 tấn cá và hàng chục trâu, bò, lợn bị cuốn trôi; 1 cây xăng và toàn bộ Trường PTDTBT THCS cùng với thiết bị dạy học, sách giáo khoa, quần áo, chăn màn học sinh, giáo viên cũng trôi theo cơn hồng thủy, tổng thiệt hại hàng chục tỷ đồng.

“Gọi là Yên Tĩnh nhưng chưa bao giờ nơi này được yên”- ông Lương Duy Tơng ở bản Cành Toong, nguyên là Phó Chủ tịch MTTQ xã ngậm ngùi.

Nơi “đất chết” nở hoa

Bây giờ Yên Tĩnh đã hồi sinh và đang đổi thay từng ngày, cơ sở hạ tầng nông nghiệp, nông thôn đã và đang được đầu tư, cuộc sống của người dân đang từng ngày đổi thay. Nhịp sống mới đang bắt đầu nơi vùng đất “chết”.

bna-2-anh-pv-27.jpg
Diện mạo mới Trung tâm xã Yên Tĩnh hôm nay. Ảnh: Vi Hợi

Dẫn tôi vào thăm các bản Na Cáng, Chả Lúm, Huồi Pai, Pả Khốm, bản Hạt sau 8 năm bị cơn đại hồng thủy hồi tháng 9/2016 tàn phá, Chủ tịch UBND xã Lữ Khăm Phon vui mừng cho biết: Nhờ sự quan tâm của Đảng và Nhà nước cùng nghị lực phi thường của bà con nên giờ đây đời sống của nhân dân Yên Tĩnh đang ngày một ổn định.

Cho đến nay, hầu hết bà con ở các bản làng đã vượt qua khó khăn. Nhờ được quan tâm đầu tư vào sản xuất nông nghiệp nên năng suất và sản lượng lương thực các năm đều tăng, thu nhập của người dân từng bước được nâng cao. Trước đây, lũ quét đã cướp đi toàn bộ gia súc nhưng đến nay số gia súc toàn xã có đến 5.156 con, bình quân mỗi hộ gia đình có ít nhất 5 con, nhà nào cũng có trên dưới 100 con gia cầm.

Nhân dân xã Yên Tĩnh hăng hái khai hoang phục hóa đất bằng ven suối, biến những hố vàng trước đây thành ao cá, ruộng nước. Hiện tại toàn xã có 64 ha ruộng nước, canh tác 2 vụ lúa, 1 vụ màu và chuyển đổi 107 ha diện tích lúa rẫy để trồng sắn cao sản. Bà con nơi đây vốn chăm chỉ, cần cù nên đời sống kinh tế ngày một đi lên, những ngôi nhà sàn bằng gỗ, nhà xây kiên cố khang trang ngày càng được xây dựng nhiều hơn. Những hộ nghèo không có khả năng làm nhà ở thì đã được các cấp, các ngành và bà con giúp đỡ nên không còn gia đình nào phải ở nhà tạm; 100% trẻ em được đến trường đúng độ tuổi.

bna-2-anh-pv-8169.jpg
Trường PTDTBT THCS Yên Tĩnh được xây dựng mới sau cơn lũ năm 2016. Ảnh: Vi Hợi

Hầu hết các tuyến đường liên bản, đường nội bản đến các hộ gia đình đều đã được bê tông hóa và do bà con tự đóng góp. Điển hình bản Na Cáng, đã huy động được 880 ngày công, phát quang 15.900m2, đào đất làm đường với khối lượng 11.368m3 tại các điểm dễ làm, tình nguyện quyên góp 36 triệu đồng để thuê máy múc hỗ trợ, các việc làm trên được quy ra thành tiền là 372 triệu đồng đã làm được con đường dài 5km đến các khu sản xuất tập trung của bản. Không chỉ ở Na Cáng, tất cả các tuyến đường vào khu sản xuất tập trung của các bản như Pa Tý (2,4 km), Huồi Pai (1,2 km), Pả Khốm (1,2 km) cũng đã kịp hoàn thành giúp bà con đi lại dễ dàng… Đặc biệt bản Cặp Chạng được chọn về đích nông thôn mới năm 2023 đã đạt 13/13 tiêu chí, hiện đang hoàn tất hồ sơ để trình cấp có thẩm quyền thẩm định và công nhận.

bna-6-anh-pv-1915.jpg
Toàn dân tích cực làm đường giao thông nông thôn. Ảnh: Vi Hợi

Một trong những tấm gương điển hình vươn lên trong gian khó phải nói đến bà con trong Tổ hợp tác Chè dây ở bản Cành Toong do anh Lữ Khăm Kháy phụ trách. Từng nhìn thấy cảnh bà con trong bản phải hứng chịu thiệt hại do thiên tai, lũ lụt và đau đáu nỗi lo, khi có tin sẽ có các công ty lên đồi Pu Phen “làm vàng”, anh Kháy đã kêu gọi toàn dân đoàn kết, chung sức đồng lòng thành lập Tổ Hợp tác sản xuất và chế biến Chè dây Cành Toong, để “làm giàu” trên chính mảnh đất đã để lại những hệ quả mà người dân nơi đây chưa nguôi ngoai. Anh Kháy cho biết: “Hiện nay Tổ hợp tác có 14 hộ gia đình thành viên, nhờ sự hỗ trợ, khích lệ của cấp ủy, chính quyền xã, Tổ hợp tác đã tiến hành trồng mới 1ha chè dây, khoanh nuôi, bảo vệ 10 ha trên đỉnh Pu Phen, năm 2023 đã tiêu thụ được 1.200kg chè khô với doanh thu sau khi trừ chi phí là 217 triệu đồng và tháng 1/2024 đã được Hội đồng thẩm định sản phẩm OCOP của huyện công nhận là sản phẩm đặc trưng, mang thương hiệu chè dây Yên Tĩnh”.

Dọc theo Tỉnh lộ 543c từ bản Văng Cuộm đến Na Cáng những cánh rừng bạt ngàn xanh ngát màu xanh của keo, mét, sắn cao sản đang bừng lên một sức sống mới. Ông Lữ Khăm Phon - Chủ tịch UBND xã Yên Tĩnh cho biết: “Hiện nay toàn xã có trên 1.568 ha rừng trồng, chủ yếu là keo, trong đó đã có 1/3 số diện tích đang khai thác. Chỉ tính trong năm 2023 cả xã đã trồng được hơn 260 ha keo do nhân dân tự bỏ vốn đầu tư. Yên Tĩnh là 1 trong 2 địa phương có diện tích keo lớn nhất huyện, chỉ đứng sau xã Tam Quang”.

Trở lại trụ sở xã, tôi đem cảm nhận của mình về những đổi thay về tư tưởng, nếp nghĩ, cách làm của người dân Yên Tĩnh trao đổi với Bí thư Đảng ủy Quang Văn Đặng và được biết, thông qua việc phân công đảng viên phụ trách hộ gia đình, đổi mới phong trào Dân vận khéo và trách nhiệm nêu gương của cán bộ, đảng viên, cho đến nay xã cơ bản xóa được tư tưởng trông chờ, ỷ lại của nhân dân. Cán bộ, đảng viên của xã đã hỗ trợ giúp đỡ được 245 hộ gia đình thoát nghèo, giảm tỷ lệ hộ nghèo từ 51,43% xuống 36,92%.

Các tổ chức đoàn thể và các thôn, bản trên địa bàn xã có nhiều mô hình hay, cách làm hiệu quả, nổi bật, như: Mô hình mỗi tháng 2 ngày dọn vệ sinh môi trường của chi hội phụ nữ; tố giác tội phạm của bản Văng Cuộm, bản không có ma túy đầu tiên của xã; nuôi dê nhốt tại bản Hạt của Đoàn Thanh niên; trồng cây ăn quả tại bản Pả Khốm. Tại các chi bộ trường học đã khơi dậy tinh thần tự giác của các em học sinh và giáo viên trong nhà trường bằng các việc làm thiết thực, sáng tạo, không để thời gian nhàn rỗi của các em học sinh bán trú…

bna-5-anh-pv-4047.jpg
Cả xã có trên 5000 ha rừng trồng, mỗi năm khai thác 2.800 m3. Ảnh: Vi Hợi

Chủ tịch xã Lữ Khăm Phon vui mừng chia sẻ: “Tính đến hết năm 2023 đã có 35/43 chỉ tiêu đạt và vượt mục tiêu Đại hội Đảng bộ xã lần thứ XIII, nhiệm kỳ 2020-2025, thu nhập bình quân đầu người đạt 30 triệu đồng/năm, xấp xỉ mức bình quân chung của cả huyện, sản lượng khai thác gỗ rừng trồng đạt 2.500m3 vượt 228%; xuất khẩu lao động vượt 40%, lao động qua đào tạo vượt 16,67%, tạo việc làm mới vượt 20,7%, xây dựng bản làng văn hoá vượt 11,12%.

Đặc biệt là đã chấm dứt tình trạng khai thác lâm sản, khoáng sản trái phép; là xã đầu tiên của huyện Tương Dương thực hiện tốt Nghị quyết 08-NQ/HU của Huyện ủy về xây dựng xã, bản sạch ma túy thiết lập an ninh, trật tự trên địa bàn. Sự nghiệp giáo dục được quan tâm, trong năm học 2022 – 2023, cả 3 trường học trên địa bàn xã đều được xếp loại hoàn thành xuất sắc; hệ thống cơ sở hạ tầng trên địa bàn xã cơ bản được đồng bộ, đường giao thông được cứng hóa 100% góp phần thúc đẩy giao thương, công cuộc xây dựng nông thôn mới được chú trọng và đạt kết quả tốt”.

Bằng những nỗ lực của những con người đã từng trải qua nỗi đau trong cơn bão ma túy, HIV/AIDS, vàng tặc, thủy tặc họ đã vượt qua gian khó để ổn định cuộc sống. Nhìn những công việc họ làm và thành quả mà họ đạt được mới thấy cán bộ và nhân dân nơi “rốn lũ” này thật sự kiên cường. Họ không chỉ sống mà đã vượt qua bao gian khó, khắc phục cái đói, cái nghèo và tư duy cũ kỹ, lạc hậu... Tạm biệt Yên Tĩnh và những con người bền bỉ, can trường và đầy sáng tạo trong tôi trào dâng một niềm vui và sự khâm phục. Tôi tin và mong rằng một ngày không xa Yên Tĩnh sẽ bừng sáng.

Mới nhất

x
Cuộc sống mới dưới chân núi Pu Phen
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO