Cuộc sống tự lập của những đứa trẻ vùng cao 'đi tìm con chữ'

Đình Tuân 08/09/2022 14:00

(Baonghean.vn) - Với mong muốn được đến trường, những em nhỏ ở huyện Tương Dương mới 8 - 10 tuổi đã phải xa bản làng, xa gia đình, sống tự lập, tự chăm sóc bản thân.

Theo Chương trình giáo dục phổ thông ban hành kèm theo Thông tư số 32/2018/TT-BGDĐT ngày 26/12/2018 của Bộ Giáo dục và Đào tạo, Ngoại ngữ và Tin học trở thành môn học bắt buộc đối với học sinh lớp 3, 4, 5. Với quy mô trường lớp của cấp tiểu học như hiện nay thì việc đầu tư cơ sở vật chất, thiết bị, việc bố trí đủ giáo viên dạy Ngoại ngữ, Tin học ở tất cả các điểm trường là không thể thực hiện được, nhất là tại các điểm trường lẻ. Trước thực tế đó, Trường Tiểu học Lưu Kiền, huyện Tương Dương tổ chức gom học sinh vào các điểm trường chính để triển khai học bán trú. Trong ảnh: Nhà bán trú tạm bợ của Trường Tiểu học Lưu Kiền. Ảnh: Đình Tuân

Những đứa trẻ mới 8 đến 10 tuổi, là con em đồng bào dân tộc Mông, Khơ mú, Thái ở các bản xa trung tâm xã như Lưu Thông, Xoóng Con, Lưu Phong, bản Pủng... thuộc xã Lưu Kiền (Tương Dương) sớm phải xa gia đình, sống cuộc sống tự lập. Ảnh: Đình Tuân

Tự dọn dẹp góc giường của mình trong nhà bán trú của trường, Vi Dương Hiếu (8 tuổi, học sinh lớp 3B) cho biết: “Đây là lần đầu tiên em xa bố mẹ, buổi ngày đi học và vui chơi với bạn bè thì không sao, nhưng buổi tối em rất nhớ nhà, nhớ bố mẹ”. Ảnh: Đình Tuân

Với những đứa trẻ đồng trang lứa ở vùng thuận lợi, ở độ tuổi này đang được bố mẹ chăm bẵm từ ly, từng tý. Nhưng với các em ở miền núi thì giặt đồ, rửa bát, nấu cơm, quét dọn... là những công việc không mấy xa lạ. Ảnh: Đình Tuân

Để đảm bảo chất dinh dưỡng và giúp cho học sinh có bữa ăn ngon, các thầy cô chú ý thay đổi các món chính trong suất cơm, hôm thì thịt, hôm thì cá, trứng... Ảnh: Đình Tuân

Em Vừ Bá Mệnh (dân tộc Mông) hồn nhiên chia sẻ: “Xuống trường học, em được thầy cô nấu cho các món ăn rất ngon. Em rất thích!”. Ảnh: Đình Tuân

Sau khi ăn cơm xong, các em tự mang theo khay cơm ra bể nước để rửa. Tuy còn khá nhỏ, nhưng các em rửa rất thuần thục và sạch sẽ. Ảnh: Đình Tuân

Phải sống xa bố mẹ nhưng bù lại các em học sinh có thêm những quãng thời gian vui đùa bên bạn bè. Đặc biệt, các em đã tự tạo cho mình một cuộc sống tự lập. Ảnh: Đình Tuân

Cô Lê Thị Yến - Chủ tịch Công đoàn Trường Tiểu học Lưu Kiền cho biết: Nhận thấy các em đang còn gặp nhiều khó khăn, nên các thầy cô thường xuyên gần gũi động viên học sinh, giúp các em với đi nỗi nhớ nhà để chuyên tâm học tập tốt. Ảnh: Đình Tuân

Trao đổi với thầy Nguyễn Đình Hùng - Hiệu trưởng Trường Tiểu học Lưu Kiền, được biết trường đang gặp nhiều khó khăn vì cơ sở vật chất chưa đảm bảo, không chỉ thiếu phòng học, mà nhà ăn, nhà ở cho học sinh cũng chưa có. "Trước khi bước vào năm học mới, nhà trường đã vận động phụ huynh góp tranh, nứa, mét và ngày công dựng ngôi nhà bán trú tạm cho học sinh ở. Hiện nay có 128 em học sinh ở bán trú, nhưng nhà bán trú chỉ có 10 gian, nên rất chật chội. Nhà trường rất mong các cấp có thẩm quyền sớm công nhận trường bán trú để nhà trường có nguồn đầu tư xây dựng cơ sở vật chất, mua sắm trang thiết bị nhằm đáp ứng nhu cầu cho việc dạy và học được tốt hơn” - thầy Hùng bày tỏ. Trong ảnh: Toàn cảnh Trường Tiểu học Lưu Kiền (Tương Dương). Ảnh: Đình Tuân

Mới nhất

x
Cuộc sống tự lập của những đứa trẻ vùng cao 'đi tìm con chữ'
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO