Cuộc sống yên ả ở Triều Tiên dù đe dọa chiến tranh rình rập
Bất chấp khẩu chiến giữa lãnh đạo Washington và Bình Nhưỡng, cuộc sống của người dân Triều Tiên vẫn diễn ra bình lặng, yên ả.
Một cậu bé đang sử dụng máy tính tại Khu tổ hợp Sci-Tech ở thủ đô Bình Nhưỡng, Triều Tiên. Ảnh: AP |
Triều Tiên hôm 15/4, trong lễ kỷ niệm 105 ngày sinh cố lãnh đạo Kim Nhật Thành, phô diễn dàn khí tài quân sự hùng hậu. Sau đó một ngày, Bình Nhưỡng tiếp tục phóng một tên lửa tầm trung ra biển song thất bại. Cùng lúc, Mỹ đã điều ba tàu sân bay hướng đến bán đảo Triều Tiên, dường như nhằm thị uy sức mạnh. Tổng thống Mỹ Donald Trump cảnh báo ông sẵn sàng "giải quyết Triều Tiên". Phản ứng lại, Bình Nhưỡng tuyên bố sẽ tiến hành thử hạt nhân lần thứ 6 khi nào thấy phù hợp, đồng thời đe dọa đáp trả tàn nhẫn nếu Washington tấn công, theo AP.
Tại Bình Nhưỡng, một trong những nơi đầu tiên bị tàn phá nếu chiến tranh nổ ra, nơi mà nếu xung đột bùng phát, thương vong là không thể đong đếm, rất ít người tỏ ra quan tâm đến "bóng ma chiến tranh" đang chực chờ nơi cửa ngõ.
Hôm 17/4, sở thú của thủ đô Triều Tiên vẫn đông đúc, tấp nập. Lũ trẻ vô tư nô đùa trong những sân chơi tập thể. Nơi trung tâm thành phố, các gia đình thong dong tản bộ bên dưới những hàng cây mơ rợp bóng.
Tại triển lãm hoa Kimilsungia được tổ chức thường niên đúng dịp kỷ niệm sinh nhật lãnh đạo Kim Nhật Thành, đám đông hàng nghìn người quy tụ về đây. Họ vui vẻ, háo hức dùng điện thoại di động chụp ảnh bên những khóm phong lan tím được đặt theo tên người lập quốc.
Triều Tiên duyệt binh kỷ niệm sinh nhật cố lãnh đạo
Bà Chong Ok An cùng gia đình hòa trong đám đông những người ra đường vui chơi ngày chủ nhật. Chong cho biết bà "không hề sợ hãi" bởi "chỉ cần có Nguyên soái Kim Jong-un, chúng tôi sẽ giành thắng lợi trước mọi cuộc chiến".
Câu trả lời từ bà Chong phản ánh sức ảnh hưởng của bộ máy tuyên truyền ở Triều Tiên đối với người dân nước này cũng như thực tế là họ đã nghe quá nhiều những câu chuyện về chiến tranh suốt hàng thập kỷ qua, đến mức thờ ơ trước các tin tức liên quan đến xung đột.
Hôm 14/4, một ngày trước lễ kỷ niệm sinh nhật cố lãnh đạo Kim Nhật Thành, người dân ở Bình Nhưỡng dường như chỉ quan tâm tới sự kiện trọng đại chuẩn bị diễn ra. Họ lần lượt đến đặt hoa dưới chân tượng lãnh tụ Kim Nhật Thành.
Jon Myon Sop, một người làm việc ở trạm xe bus, cho hay đã biết về căng thẳng gia tăng trên bán đảo Triều Tiên, biết việc Mỹ và các đồng minh điều khí tài quân sự đến khu vực.
"Nếu kẻ thù muốn gây chiến với lãnh đạo của chúng tôi, chúng tôi không có gì phải sợ vì chúng tôi sẽ chiến thắng", Jon nói.
Cho Hyon Ran, một nhân viên hướng dẫn du lịch, chia sẻ người dân Triều Tiên không muốn chiến tranh nhưng cũng không lo sợ, vì Bình Nhưỡng có sức mạnh, "Triều Tiên là đất nước mạnh nhất trên thế giới".
"Bạn có thể thấy tất cả mọi người đang cười nói, ca hát, tất cả đang chào mừng ngày Mặt trời. Chúng tôi không sợ gì", cô này nhấn mạnh.
Quan điểm của người Triều Tiên về vũ khí hạt nhân
Khi được hỏi về vụ phóng tên lửa thất bại của Triều Tiên hôm 16/4, đa phần những người dân ở Bình Nhưỡng đều không hay biết gì. Một số người thậm chí còn không tin rằng tên lửa phát nổ sau khi phóng.
"Các nhà khoa học đã tìm cách phô diễn sức mạnh của đất nước chúng tôi. Tôi không tin vụ phóng tên lửa này thất bại", một thanh niên ở thủ đô Bình Nhưỡng cho hay.
Phỏng vấn một số người dân Triều Tiên tại ga tàu điện ngầm ở Bình Nhưỡng, phóng viên BBC thường xuyên nhận được những câu trả lời rằng họ "vẫn cảm thấy an toàn dù Mỹ có gây căng thẳng trên bán đảo Triều Tiên bởi đã có lãnh đạo tối cao Kim Jong-un".
Một phụ nữ còn quả quyết chính kho vũ khí hạt nhân Triều Tiên đang nắm giữ bảo vệ họ trước những mối đe dọa từ bên ngoài. "Chúng tôi nên có vũ khí hạt nhân. Nếu chúng tôi không có vũ khí hạt nhân thì vũ khí của các nước khác sẽ rơi xuống đất nước chúng tôi", bà nói.
Ba cô gái Triều Tiên vừa trò chuyện vừa ăn kem. Ảnh: Reuters |
Theo VNE
TIN LIÊN QUAN |
---|