Cuộc 'thi gan' giữa hai cường quốc Mỹ - Trung: Ai sẽ 'hạ súng' trước?

(Baonghean.vn) - Bất chấp lời kêu gọi không áp thuế quan bổ sung của Trung Quốc, bất chấp lời kêu gọi của một bộ phận doanh nghiệp Mỹ về việc ngừng cuộc chiến thương mại với Trung Quốc, Tổng thống Mỹ Donald Trump vẫn quyết “ra đòn” khi thông báo sẽ đánh thuế 200 tỷ USD với hàng hóa nhập khẩu từ Trung Quốc kể từ ngày 24/9.

Bước đi này cho thấy ông Donald Trump sẵn sàng “làm căng” với Trung Quốc nếu nước này không giải quyết được hai khúc mắc lớn là sự chênh lệch trong cán cân thương mại và quyền sở hữu trí tuệ của các doanh nghiệp Mỹ hoạt động tại Trung Quốc.

Mỹ - Trung: ai là bên “hạ súng” trước?. Ảnh: New Indian Express

Mỹ - Trung: ai là bên “hạ súng” trước?. Ảnh: New Indian Express

Trump áp thuế vì Trung Quốc … “ngoan cố”

Theo thông báo của Nhà Trắng, Mỹ sẽ áp mức thuế 10% đối với lượng hàng hóa nhập khẩu của Trung Quốc trị giá 200 tỷ USD từ ngày 24/9. Danh sách được đưa ra được cắt giảm khoảng 300 mặt hàng so với danh sách đề xuất trước đó.

Lý giải cho bước đi này, ông Donald Trump cho rằng Mỹ đã đưa ra những yêu cầu rất rõ ràng song phía Trung Quốc vẫn không muốn thay đổi hành vi. Một quan chức cấp cao trong chính phủ Mỹ nói rõ rằng: “Chúng tôi đã cho họ hết cơ hội này đến cơ hội khác. Hiện tại, họ vẫn rất ngoan cố”.

Ông Donald Trump không hề giấu giếm ý định sử dụng thuế quan để “ép” các đối tác như Trung Quốc phải có những thỏa thuận công bằng với Mỹ khi khẳng định “nếu các nước không có những thỏa thuận công bằng với chúng ta, họ sẽ bị đánh thuế!"

Nhưng “thay đổi hành vi” của Trung Quốc mà ông Donald Trump đề cập tới liên quan đến việc Mỹ thâm hụt quá lớn trong trao đổi thương mại với Trung Quốc và việc các công ty Mỹ buộc phải chuyển giao công nghệ khi kinh doanh ở Trung Quốc, do đó không thể bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ.

Giới phân tích cho rằng, quyết tâm của Donald Trump càng cao sau khi số liệu thống kê cho thấy thặng dư thương mại của Trung Quốc với Mỹ đã tăng lên mức kỷ lục trong tháng 8 vừa qua, bất chấp một số cam kết trước đó của Trung Quốc về việc tăng cường nhập khẩu hàng hóa của Mỹ.

Thặng dư thương mại của Trung Quốc với Mỹ trong tháng 8/2018 đạt 31 tỷ USD, tăng gần 3 tỷ so với mức 28,08 tỷ USD của tháng 7 và vượt qua mức kỷ lục trước đó là 28,89 tỷ USD của tháng 6.

Khoản thuế mới được Mỹ đưa ra sau khi đã tiến hành áp thuế 25% đối với 50 tỷ USD hàng hóa Trung Quốc. Những lần trước đó, Trung Quốc đều trả đũa bằng những khoản thuế giá trị tương đương đối với hàng hóa Mỹ, nhằm vào các mặt hàng nông nghiệp như thịt, cà phê...
Với gói thuế trị giá 200 tỷ USD lần này, Trung Quốc cũng tuyên bố sẽ không lùi bước trước Mỹ. Thế nhưng, Tổng thống Mỹ Donald Trump cũng đã dự kiến trước kịch bản này khi sẵn sàng kích hoạt “giai đoạn 3”, đánh thuế thêm khoảng 267 tỷ USD nữa với hàng hóa Trung Quốc từ ngày 1/1/2019.
Nếu Mỹ tiến hành bước đi này, Trung Quốc sẽ không còn cơ hội “chạy đua” với Mỹ vì con số này cao hơn tổng lượng hàng hóa Mỹ xuất khẩu sang Trung Quốc.
Hiện nay, khối lượng hàng hóa Trung Quốc nhập khẩu từ Mỹ chỉ bằng 1/4 so với số 506 tỷ USD hàng Trung Quốc xuất sang thị trường Mỹ hàng năm.
Giới phân tích cho rằng, một khi cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung Quốc được đẩy tới nấc thang “trăm tỷ USD”, Trung Quốc sẽ phải sử dụng những vũ khí ngoài thuế quan, có thể là bằng biện pháp hạn chế các công ty Trung Quốc bán vật liệu, thiết bị và các phụ tùng quan trọng cho các công ty Mỹ.

Hai bên đều khó “lui binh”

 Quyết định đánh thuế với hàng hóa Trung Quốc trị giá 200 tỷ USD sẽ tác động tiêu cực tới các cuộc đàm phán cấp cao về thương mại giữa hai nước dự kiến sẽ bắt đầu trong tuần này tại Washington, thậm chí có thể làm đổ bể kế hoạch đàm phán.

Nếu diễn ra đúng như dự kiến, đây sẽ là vòng đàm phán thứ 5 với trưởng đoàn bên phía Trung Quốc là Phó Thủ tướng Lưu Hạc, bên phía Mỹ là Bộ trưởng Bộ Tài chính Steven Mnuchin.

Dù Tổng thống Mỹ Donald Trump quyết đẩy căng thẳng với Trung Quốc lên cao trào nhằm tạo lợi thế trên bàn đàm phán, giới phân tích cho rằng khó có thể trông chờ vào những bước tiến tích cực trong cuộc đối đầu thương mại giữa hai cường quốc, bởi tình thế hiện nay khó có thể cho phép bên nào thoái lui trước.

Tổng thống Mỹ Donald Trump kêu gọi Trung Quốc chấm dứt thương mại không công bằng (AP)  Ảnh 2:
Tổng thống Mỹ Donald Trump kêu gọi Trung Quốc chấm dứt thương mại không công bằng. Ảnh: AP
Quan hệ thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc bắt đầu căng thẳng khi Tổng thống Donald Trump công bố mức thuế mới với nhôm và thép nhập khẩu từ Trung Quốc vào hồi tháng 3 vừa qua.

Kể từ đó, hai bên liên tục “ăn miếng trả miếng” lẫn nhau, đưa số hàng hóa mà mỗi bên phải chịu thuế lên con số hơn 50 tỷ USD. Các quan chức cấp cao hai bên đã gặp nhau 4 lần trong các cuộc đàm phán chính thức song vẫn chưa thể mang lại kết quả đáng kể nào.

Lý giải về việc các cuộc đàm phán Mỹ - Trung ít đạt tiến triển, nhiều người cho rằng yếu tố quan trọng là Mỹ - bên khơi mào các đòn đánh thuế - không có áp lực buộc phải đạt một thỏa thuận với Trung Quốc.

Với phương châm “nước Mỹ trên hết” mà Tổng thống Donald Trump đưa ra từ hồi tranh cử, không thể phủ nhận thâm hụt thương mại 375 tỷ USD với Trung Quốc là con số đáng lưu tâm.

Song lý do sâu xa hơn sau những quyết định của ông Donald Trump là mối lo ngại sự trỗi dậy của Trung Quốc thành một cường quốc, vượt qua vị thế của Mỹ trong các ngành công nghiệp của tương lai, ví dụ như xe tự hành, trí thông minh nhân tạo, hàng không vũ trụ… mà Trung Quốc từng đề cập trong chương trình “Sáng kiến sản xuất tại Trung Quốc” - “Made in China 2025 Initiative”.

Nhiều chuyên gia phân tích cho rằng, các quyết định của ông Donald Trump thể hiện sự thay đổi tư duy trong nội bộ chính quyền Mỹ, đó là chuyển từ bắt tay, hòa hợp sang ngăn chặn Trung Quốc,

Trong khi đó, ở phía bên kia, Trung Quốc cũng khó có thể để cho Mỹ ngăn cản mục tiêu tiến vào các ngành công nghiệp tương lai của nước này. Đó chính là lý do mà Trung Quốc luôn tuyên bố không lùi bước trước Mỹ và sẽ “không đàm phán với Mỹ với một họng súng dí vào đầu”.

Dư luận thế giới đang chờ đợi sự cứng rắn mà Trung Quốc từng tuyên bố sẽ được thể hiện như thế nào, trước mắt là kế hoạch cử đoàn đàm phán cấp cao do Phó Thủ tướng Lưu Hạc dẫn đầu tới Mỹ trong tuần này có thay đổi hay không.

Có thể nói, cuộc đối đầu thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc hiện nay không chỉ là sự đối đầu về kinh tế mà cả về cạnh tranh ảnh hưởng quyền lực và vị thế trong trật tự thế giới mới. Chính trị chính là yếu tố khiến cả Tổng thống Mỹ Donald Trump và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình khó “lui binh” trước trong cuộc đối đầu hiện nay.

Hiện cả hai đều đang đặt cược vào tính toán của mình: Mỹ cho rằng Trung Quốc sẽ bị tổn thương nặng hơn sau các đòn áp thuế, vì vậy Trung Quốc sẽ thoái lui trước.

Trong khi đó, Trung Quốc cho rằng làn sóng phản đối từ chính người dân và doanh nghiệp Mỹ sẽ làm ông Donald Trump nhụt chí. Và khó ai có thể dự đoán được kết cục của cuộc “thi gan” giữa hai cường quốc kinh tế số 1 và số 2 thế giới này.

tin mới

Tướng Đức: Phương Tây không có vũ khí thần kỳ để thay đổi cục diện chiến trường Ukraine

Tướng Đức: Phương Tây không có vũ khí thần kỳ để thay đổi cục diện chiến trường Ukraine

(Baonghean.vn) - Cựu Tổng thanh tra Bundeswehr (Quân đội Đức), cựu Chủ tịch Ủy ban quân sự NATO Harald Kujat cho rằng, không có loại vũ khí thần kỳ nào của phương Tây, kể cả tên lửa hành trình Taurus, có thể ngăn cản Nga đạt được các mục tiêu hoạt động đặc biệt của mình.

Thời gian cạn dần với Ukraine và đồng minh phương Tây

Thời gian cạn dần với Ukraine và đồng minh phương Tây

(Baonghean.vn) - Sau khi nắm quyền kiểm soát Avdeevka, quân đội Nga đang tiến về các khu vực khác của mặt trận. Nếu không có sự giúp đỡ của phương Tây, Lực lượng vũ trang Ukraine không còn gì để bấu víu, còn Washington vẫn “đủng đỉnh” trong việc viện trợ cho Kiev.

Thủ tướng Hungary cảnh báo tấn công Brussels nếu phải bảo vệ tự do và chủ quyền

Thủ tướng Hungary cảnh báo tấn công Brussels nếu phải bảo vệ tự do và chủ quyền

(Baonghean.vn) - Thủ tướng Hungary Viktor Orban cảnh báo sẽ tấn công, "chiếm đóng" Brussels, bởi những thay đổi chính sách của Liên minh châu Âu; đồng thời nhấn mạnh tầm quan trọng của việc bảo tồn di sản văn hóa và lịch sử của đất nước trước sự tác động mạnh mẽ từ các thế lực bên ngoài.

EU cảnh báo Mỹ về ý nghĩa chiến thắng của Nga ở Ukraine

EU cảnh báo Mỹ về ý nghĩa chiến thắng của Nga ở Ukraine

(Baonghean.vn) - Việc Ukraine thua Nga sẽ làm tổn hại đến uy tín của Washington với tư cách là bên cung cấp an ninh, đại diện cấp cao về chính sách đối ngoại và an ninh của EU Josep Borrell cảnh báo trong chuyến thăm Mỹ. Ông nói thêm rằng Kiev rất nóng lòng chờ đến cuộc bầu cử tổng thống ở Mỹ.

Nga tước đi 'cây gậy và củ cà rốt’ của Mỹ, gây dựng thế giới đa cực

Nga tước đi 'cây gậy và củ cà rốt’ của Mỹ, gây dựng thế giới đa cực

(Baonghean.vn) - Nhiều khả năng ông Putin sẽ tiếp tục đứng trên vũ đài chính trị Nga ở cương vị tối cao. Điều này cũng đồng nghĩa với thực tế của quá trình hình thành thế giới đa cực mà ông Putin đã và đang xây dựng. Ở đó không có quân đội Mỹ và “quyền bá chủ” của đồng đô la. 

Vì sao Đức muốn hòa bình với Nga?

Vì sao Đức muốn hòa bình với Nga?

(Baonghean.vn) - Đức có đủ khả năng tài chính để viện trợ cho Kiev, nhưng Berlin không muốn. Giới quan sát lý giải, đó xuất phát từ nỗi sợ sâu xa trước Nga, đặc biệt là ký ức về Hồng quân Liên Xô tiến vào Berlin năm 1945. Hơn nữa, Thủ tướng Đức mong muốn là ‘thủ tướng hòa bình’.