Cuối cùng chúng ta sở hữu được những gì trong cuộc đời này?

Bình Nguyên Trang 16/01/2019 09:28

(Baonghean.vn) - Chúng ta nói ngôi nhà này là của chúng ta, nhưng thực sự chẳng có ngôi nhà nào là của chúng ta cả.

Chúng ta nói ngôi nhà này là của chúng ta, nhưng thực sự chẳng có ngôi nhà nào là của chúng ta cả. Ngôi nhà nào của bất cứ người nào sau khi họ chết đi, đều trả lại cho cuộc đời, không phải của họ, họ thực sự không thể sở hữu nó. Vàng bạc, châu báu, xe cộ, thậm chí là tiền, khi ta có nó, nói là của ta cũng đúng, nhưng nghĩ đến cùng, nó vẫn không phải của ta.

Khi còn trẻ tôi nhìn những người giàu, có nhiều ngôi nhà, nhiều mảnh đất, tôi ngưỡng mộ, thèm thuồng. Tôi nghĩ, họ thật sung sướng, họ thật hạnh phúc. Tôi có lẽ phải cố gắng nhất để sở hữu được nhiều thứ, chí ít cũng phải được một phần của họ. Giờ đây tôi lại hiểu sở hữu theo một cách khác. Tôi thấy, điều mà mỗi người chúng ta thực sự CÓ, thực sự SỞ HỮU trong cuộc đời này lại không liên quan nhiều đến vật chất. VẬT CHẤT chính xác ra lại là thứ không thể sở hữu được. Nó hôm nay trong tay ta, nhưng ngày mai ta làm ăn thua lỗ, hay ta chết đi, nó không trong tay ta nữa. Tôi thấy, những điều chúng ta CÓ thực sự lại là những thứ phi vật chất, không thể sờ thấy hay nhìn thấy, mà chỉ có thể cảm thấy.

Đó có thể là hạnh phúc, là niềm vui của những người ta thương mến. Đó có thể là giây phút những người thân yêu được ở cạnh nhau, chăm sóc cho nhau, dành dụm yêu thương cho nhau. Tôi nhận ra sâu sắc giá trị vững bền của tình thân, của gia đình.

Lại nhớ, thời mới ra trường, tôi chỉ mong một lúc nào đó mình làm ra nhiều tiền, và được đi mua sắm đủ thứ thỏa thích. Giờ có lúc đi mua món đồ nọ đồ kia, móc ví xong ra khỏi cửa hiệu, lòng trống rỗng. Cái niềm vui trước kia mình mong ước cháy bỏng giờ trở nên hời hợt, nhạt nhẽo. Và lạ, những phút ở cạnh cha mẹ, anh em, gia đình con cái lại cho mình cảm giác GIÀU CÓ, giàu có tột đỉnh. Mình dễ dàng thấy thỏa mãn với cuộc sống có thể chẳng nhiều nhặn vật chất nhưng bố mẹ khỏe mạnh, con cái bình thường, vui vẻ, đầm ấm. Mình chẳng bị “long sòng sọc” săn tìm tiền bạc, vị trí. Mình cũng không hề chạnh lòng hay tự ti bên những người giàu có vật chất hơn. Cảm nhận này rất thật, nó mạnh đến mức đủ cho tôi nhận biết có những biến chuyển kỳ lạ đã diễn ra, khi mình bắt đầu hiểu hơn về cuộc đời này, về việc có mặt và chết đi của mỗi hạt bụi.

Với một nhà kinh tế, thì tích lũy là điều gì đó cần thiết, đảm bảo vững bền cho phát triển, cho cuộc sống của bất kỳ ai. Chúng ta làm việc để lĩnh lương, sự thật là như vậy. Nói ý nghĩa gì đi nữa thì ý nghĩa đầu tiên vẫn là kiếm tiền để sống. Nghề nào cũng vậy thôi. Nhưng tích lũy, với tôi, không phải là hy sinh mọi thứ cho cái tài khoản ngân hàng nó ngày một kếch xù lên. Tích lũy kiểu đó có cái gì thật ngu ngốc.

Tôi kể bạn nghe một người tôi biết. Bà không chồng không con, sống trong một ngôi nhà khá rộng. Bà có lương hưu đủ để tiêu dùng thoải mái. Dĩ nhiên bà còn có tài khoản tích lũy trong ngân hàng một đời làm lụng nữa. Nhưng tôi vẫn thường gặp bà mua mì tôm ở siêu thị. Tuần nào bà cũng đi siêu thị mua mì tôm, các loại phở hay cháo ăn liền, đó là món bữa sáng cố định của bà. Sáng sáng bà vẫn đi nhặt phế liệu ở các khu bỏ rác xung quanh chỗ chúng tôi sống để bán lấy mấy ngàn tiền lẻ. Bà bảo phải tích lũy cho tuổi già, dù bà đã về hưu khá lâu rồi. Bà cả đời chưa từng đi du lịch ở đâu xa, chưa từng ra nước ngoài.

Bẵng đi một đợt tôi không gặp bà ở siêu thị. Rồi khoảng nửa năm sau, có một cái cáo phó dán trên bức tường vôi cũ tôi đi qua. Bà qua đời vì căn bệnh ung thư. Đám tang lặng lẽ như dấu xóa đời một người vô danh. Nhà cửa bà để lại, tài khoản bà để lại cho các cháu họ của bà. Tất cả những tích lũy đó, bà trả lại hết cho cuộc đời. Bà đi có một mình ở chuyến cuối cùng đấy. Câu chuyện về một người đã từng có mặt trên thế gian này cũng đến đó là hết.

Tôi có một người bạn vong niên. Người bạn đó quan niệm thế này, sử dụng thế giới mà không sở hữu thế giới. Triết lý là, thế giới bao la vô cùng vô tận thế, chúng ta sở hữu nhiều nhất là được bao nhiêu.

Và sở hữu rồi thì đối mặt với nỗi lo bảo vệ những thứ mình có. Bao nhiêu tai ương có thể xảy ra từ tâm lý sở hữu, muốn có thật nhiều.

Người ta muốn có thật nhiều để thỏa mãn chính cái ý muốn đó, chứ không phải để sử dụng những cái mình có. Vì cuối cùng, cũng chỉ ngủ trên một cái giường, ở trong một căn phòng, đi trên một cái xe là đủ.

Tôi lại cũng biết một chị, rất giàu có, nhưng không sở hữu một ngôi nhà nào. Chị chỉ ở nhà thuê, thích nhà nào thuê nhà đó, không thích chỗ đó nữa chuyển chỗ khác. Chị không đứng tên vào cuốn sổ đỏ nào, tiền để đầu tư làm ăn, làm từ thiện. Gặp hoàn cảnh khó khăn dốc tiền ra giúp đỡ, không cần biết tên tuổi họ.

Một anh nghệ sĩ làm tóc tôi quý mến, cũng tương tự vậy. Làm ra tiền tấn tiền tỷ, chả nhà cửa gì, cứ hở ra là chạy lang bang khắp các bệnh viện, cưu mang các cảnh đời bất hạnh. Cứ phải cho đi mới thấy cuộc đời có ý nghĩa, không chịu được cảm giác kiếm tiền rồi nhăm nhăm găm vào túi áo hay tài khoản ngân hàng. Tiền về tay là phải tìm cơ hội cho đi. Mà mỗi chuyến đi về, túi rỗng, nhưng lòng vui như trẩy hội, lại đầy năng lượng để tiếp tục làm việc hăng say, kiếm tiền.

Ôi những người lạ đó, họ làm cho cuộc đời này lấp lánh biết bao nhiêu.

Tôi chưa bao giờ có nhiều tiền. Và có thể vì cách quan niệm của tôi về tiền nên tôi sẽ chẳng bao giờ có nhiều tiền. Ngay từ khi còn trẻ, tôi đã luôn có cảm giác rất khinh bỉ mình, nếu kiếm được đồng nào sột soạt cất đi, gom góp chín xu đổi lấy một hào, trong khi bố mẹ mình còn đang vất vả, anh em mình còn long đong công việc, gia đình, chỗ ăn chỗ ở. Tôi chưa giúp được người trong thiên hạ thì tôi phải giúp được những người thân của mình, bằng tất cả những gì có thể. Đi làm hàng chục năm, cũng là loại chăm chỉ, nếu chỉ lo một mình chắc dư dả không đến nỗi, tôi vẫn chả sở hữu cái gì đáng giá. Nhưng tôi vẫn hãnh diện, vẫn thấy mình oách như ai.

Có vài lần tôi bị lừa vì bạn cũ từ ngày còn nhỏ lâu không gặp tới vay tiền, họ nói đang gặp khó khăn. Nhưng bạn vay xong thì mất tích luôn, chả cách gì gặp lại. Có người bảo ngu, nhưng tôi vẫn thoải mái bởi cái ngu đó. Thà bị bạn lừa còn hơn cảm giác day dứt lúc bạn khó thật sự mà mình có chút tiền cỏn con lại từ chối giúp bạn. Ngẫm ra quá AQ, nhưng mà cũng quá nhẹ lòng.

Trong công việc, cuộc đời, cũng thỉnh thoảng bị lừa chứ. Thế gian nhiều người khôn mà. Mình cộng tác với họ, nhưng họ không tử tế lại với mình. Biết, nhưng thôi kệ, nghĩ, mình có chút giá trị thì người ta mới lợi dụng mình, cho qua luôn. Những miếng mồi bé tí như vậy, mất lòng nhau mà làm chi, to tiếng nhau mà làm chi.

Ngẫm thấy, người dại trong đời có nhiều bạn hơn người khôn. Khôn quá thì có đối tác mà không có bạn. Nhưng dại thì luôn có bạn, những người thực sự hiểu mình, thương quý mình. Tuy nhiên cái dại ở đây chỉ là cái dại của việc không muốn đu bám vào chuyện vật chất tiền nong. Chứ còn về lý lẽ cuộc đời, có khi cái khôn lại là cái dại, cái dại lại là cái khôn.

Trung tướng Hữu Ước từng có câu thơ thế này:

Ai bảo khôn là khôn

Ai bảo dại là dại

Khôn và dại như nhau

Thật, đọc thì hơi luẩn quẩn, nhưng ngẫm ra, là cả một triết lý sống đấy, đùa đâu.

Mới nhất

x
Cuối cùng chúng ta sở hữu được những gì trong cuộc đời này?
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO