Cuối năm 2024, dự báo Nghệ An có mưa lớn, lũ quét, sạt lở đất
(Baonghean.vn) - Diễn biến thời tiết ngày càng khắc nghiệt, nhiều biểu hiện bất thường. Để thông tin rõ hơn về những dự báo, cảnh báo, phóng viên Báo Nghệ An có cuộc trao đổi với ông Lê Đức Cương - Phó Giám đốc Đài Khí tượng Thuỷ văn khu vực Bắc Trung Bộ.
Phóng viên: Thời gian gần đây, tình hình thời tiết ở Nghệ An nói riêng, cả nước nói chung thường xuyên thay đổi, nắng nóng, mưa đá, tố lốc xảy ra nhiều. Ông đánh giá như thế nào về tình trạng này?
Ông Lê Đức Cương: Có thể khẳng định, đó là biểu hiện bất thường. Thời tiết một vài năm trở lại nay, đặc biệt là từ năm 2022 đến những tháng đầu năm 2024, trên địa bàn tỉnh Nghệ An nói riêng, khu vực Bắc Trung Bộ nói chung, diễn biến thất thường, nắng nóng, giá rét, mưa đá, tố lốc… diễn ra thường xuyên, và cường độ ngày càng mạnh.
Nguyên nhân dẫn đến tình trạng này thì có nhiều, song trực tiếp là do ảnh hưởng bởi giai đoạn ENSO chuyển đổi từ pha nóng El Nino sang pha trung tính, và sắp tới dự báo sẽ chuyển sang pha lạnh La Nina. Cụ thể, dự báo từ nay (tháng 5/2024) đến hết tháng 6/2024, El Nino sẽ chuyển sang trạng thái trung tính với xác suất 80-85% và chuyển nhanh sang La Nina trong khoảng tháng 7-8/2024 với xác suất 60-65%.
Như vậy, chỉ trong 1 năm, chúng ta phải trải qua 3 pha của ENSO nên có thể gây ra sự biến động bất thường của thời tiết. Sự chuyển pha trong giai đoạn giao mùa và hiện tượng nóng lên của toàn cầu làm cho quy luật thời tiết bị xáo trộn, gây ra nhiều nắng nóng cực đoan hơn và mưa đá, tố lốc thất thường hơn. Biểu hiện rõ nhất, ta có thể thấy trong 3 tháng đầu năm 2024, trên địa bàn tỉnh, nhất là khu vực miền núi phía Tây, đã xảy ra nhiều đợt mưa đá, tố lốc làm hư hại nhà cửa của con người, làm gãy đổ cây cối, hoa màu, gây thiệt hại hàng chục tỷ đồng.
Phóng viên: Thời gian tới, đặc biệt từ nay đến cuối năm 2024, tình hình thời tiết có khả năng sẽ diễn biến như thế nào? Những địa phương nào, vùng nào ở Nghệ An cần quan tâm sát sao, thường xuyên hơn nữa thông tin dự báo thời tiết để phòng tránh thiệt hại?
Ông Lê Đức Cương: Như đã nói ở trên, năm 2024 được dự báo là năm các loại hình thiên tai có xu hướng phức tạp và khó dự báo. Bởi đây là năm có sự chuyển pha ENSO từ trạng thái EL Nino sang La Nina. Chính vì vậy, nếu như nửa đầu năm, nắng nóng tiếp tục có khả năng xuất hiện nhiều đợt hơn và gay gắt hơn so với trung bình nhiều năm, xuất hiện nhiều “kỷ lục” về nhiệt độ cao nhất tuyệt đối; tình trạng khô hạn dự báo sẽ còn diễn ra cục bộ hoặc diện rộng do thiếu hụt lượng mưa, thì nửa cuối năm sẽ có những diễn biến khác. Dự báo lượng mưa có thể sẽ đạt mức cao hơn trung bình nhiều năm, mưa lũ xuất hiện nhiều và dồn dập kéo theo các loại hình thiên tai như lũ quét và sạt lở đất.
Theo số liệu chúng tôi ghi nhận được, những tháng còn lại của năm 2024, dự báo bão, áp thấp nhiệt đới khả năng sẽ ảnh hưởng đến tỉnh Nghệ An và tập trung vào cuối mùa bão (tháng 9-11) với diễn biến khó lường. Đây cũng là khoảng thời gian cao điểm mùa mưa, với lượng mưa dự báo cao hơn so với trung bình nhiều năm từ 10-30%. Vì thế, người dân cần đề phòng nguy cơ xảy ra lũ quét, sạt lở đất tại các sông, suối nhỏ, sườn dốc, ngập úng tại các vùng trũng. Trong mưa dông có khả năng xảy ra tố, lốc, sét, mưa đá và gió giật mạnh.
Đặc biệt, vùng núi phía Tây tỉnh Nghệ An là nơi cần được quan tâm hơn cả. Bởi đây là nơi có mật độ sông, suối cao, độ dốc lớn, thường xuyên xảy ra các hiện tượng lũ quét, sạt lở, mưa đá… Tuy nhiên, do hiểu biết của người dân về khí tượng thuỷ văn vẫn còn hạn chế; nhà cửa xây dựng không kiên cố, gần các sườn dốc; điều kiện thông tin truyền thông, báo đài đến các huyện vùng núi còn chậm trễ đã gây thiệt hại rất lớn về người và tài sản.
Để góp phần giúp người dân có được các thông tin dự báo thời tiết chính xác, với sự chỉ đạo của các cấp ngành, chúng tôi sẽ tiếp tục duy trì phối hợp cùng các cơ quan cung cấp thông tin nhanh nhất, kịp thời nhất. Thông thường đối với các hiện tượng như bão, áp thấp nhiệt đới có thể dự báo trước từ 3-7 ngày hoặc có thể hơn. Còn đối với các hiện tượng cực đoan như tố lốc, mưa đá, có thể dự báo trước tối đa 1-2 tiếng. Vì vậy, việc nắm bắt cảnh báo là rất quan trọng, giúp giảm thiểu thiệt hại.
Chúng tôi sử dụng hệ thống các trạm đo các yếu tố khí tượng thủy văn. Cụ thể, khu vực Bắc Trung bộ có 26 trạm đo truyền thống và 56 trạm đo tự động. Ngoài yếu tố trợ giúp của các phương tiện máy móc, công nghệ thì con người cũng đóng vai trò không thể thiếu. Chúng tôi, hàng ngày đều duy trì chế độ trực 24/24, được chia làm 3 ca, không có ngày ngoại lệ. Hơn nữa, những thời gian xảy ra các hiện tượng thời tiết bất thường thì số người trực sẽ được tăng cường, và công tác dự báo, cảnh báo sẽ được tăng tần suất.
Phóng viên: So với nhiều năm trước đây, khí hậu trên địa bàn Nghệ An và khu vực miền Trung thay đổi như thế nào? Những thay đổi này có phải là biểu hiện của tình trạng biến đổi khí hậu, ảnh hưởng của hiệu ứng nhà kính?
Ông Lê Đức Cương: Đúng vậy. Trong những năm gần đây, dưới tác động của biến đổi khí hậu và thời tiết nóng lên toàn cầu khiến sự gia tăng cả về tần suất cũng như cường độ của thiên tai như bão, lũ, hạn hán, hiện tượng El Nino và La Nina… Điều đáng nói là các loại hình thiên tai ngày càng diễn biến trái quy luật. Trước đây, các hiện tượng này diễn ra theo mùa, có quy luật, còn hiện nay xuất hiện quanh năm, kể cả trong những tháng được xem là hiếm khi xuất hiện.
Cụ thể, theo số liệu thống kê từ năm 2015-2022, trung bình mỗi năm có khoảng 9-10 cơn bão và 3-4 cơn áp thấp nhiệt đới, khoảng 22-23 đợt không khí lạnh, 10-11 đợt mưa lớn diện rộng, 9-10 đợt nắng nóng, 17-18 trận dông, tố, lốc, mưa đá… Đặc biệt trong 2 năm trở lại đây, nhiều con số kỷ lục đã liên tục xuất hiện. Đó là nắng nóng nhiều nơi có nhiệt độ cao nhất vượt giá trị lịch sử trong vòng 40 năm qua như: Tương Dương 44.2 độ C (07/5/2023), Quỳ Châu 43.2 độ C (06/5/2023), Tây Hiếu và Đô Lương 43.2 độ C (06/5/2023), TP Vinh 42.9 độ C (30/4/2024), Quỳnh Lưu 42.0 độ C (30/4/2024)...
Phóng viên: Công tác dự báo thời tiết, cảnh báo thiên tai hết sức quan trọng. Ngoài ra, theo ông, trong chiến lược dài hơi, con người cần làm gì để phòng tránh, giảm nhẹ các tác động xấu của thiên tai, thích ứng với biến đổi khí hậu?
Ông Lê Đức Cương: Để thực hiện tốt nội dung này, bên cạnh việc tiếp tục triển khai các phương án dự báo đã mang lại nhiều hiệu quả trong những năm qua, trong thời gian tới chúng tôi tiếp tục chú trọng tăng cường công tác dự báo, cảnh báo sớm, dài hạn. Trong đó, các mục tiêu cụ thể là tăng thời hạn dự báo, ban hành bản tin sớm hơn để các cơ quan phòng chống thiên tai và người dân có thêm thời gian chuẩn bị, thời gian xây dựng kế hoạch sớm ứng phó thiên tai.
Tuy nhiên, cùng với những nỗ lực cố gắng của ngành Khí tượng thủy văn thì còn cần phải có sự đồng hành của các cấp, ngành, chính quyền và cả cộng đồng chung tay thực hiện. Việc cần làm thì nhiều vô kể, và nó liên quan đến mọi tổ chức, cá nhân, mọi quốc gia trên thế giới. Song, trước hết, để chủ động ứng phó, mỗi người cần không ngừng nâng cao nhận thức về biến đổi khí hậu và những tác động của nó đối với chính đời sống của con người.
Để phòng tránh, giảm nhẹ các tác động tiêu cực của thời tiết cực đoan, thích ứng với biến đổi khí hậu, con người cần xây dựng kế hoạch hành động ứng phó biến đổi khí hậu trong tương lai. Gần hơn, để phòng tránh những thiệt hại, bất lợi do thời tiết gây ra, người dân cần thường xuyên theo dõi các bản tin dự báo/cảnh báo thời tiết trên các phương tiện truyền thông, báo, đài để chủ động phòng tránh. Song song với đó, chính quyền các cấp cũng tổ chức tuyên truyền, phổ biến đến các ngành và nhân dân về kiến thức khí tượng thuỷ văn nhằm nâng cao ý thức, trách nhiệm về hoạt động phòng chống, chủ động ứng phó thiên tai, thích ứng với biến đổi khí hậu.
Phóng viên: Trân trọng cảm ơn ông!