Cuối sóng sông Giăng

13/09/2016 06:35

(Baonghean) - Gã trai lái thuyền không nổ máy mà ngả người dùng 2 chân đạp mái chèo ra giữa ngã 3 sông. Gã có vẻ ngoài pha chút gió bụi ngang tàng nhưng nom kỹ gương mặt lại rất hóm. Gã không hề có chút miễn cưỡng khi tôi xin quá giang, cho dù lúc này mặt trời đã gần đứng bóng. “Thích đi mô tui đưa đi. Nỏ can chi” - Gã gọn lỏn nói thế như để xua tan sự ái ngại nơi tôi.

Một đoạn trên dòng sông Giăng. Ảnh: Sách Nguyễn
Một khúc sông Giăng. Ảnh: Sách Nguyễn

Mãi đến khi ngồi trên mũi thuyền ra đến giữa dòng, ngó ra bốn phía tôi mới mới thấy rõ ràng hơn cái lạ lùng của ngã 3 sông huyền thoại này. Trong khi dòng nước sông Lam ngầu đỏ và cuồn cuộn như thác sau những ngày mưa lũ thượng nguồn thì, ngay đó dòng sông Giăng vẫn ngăn ngắt xanh và nhẹ nhàng hòa vào dòng nước lớn như bàn tay dịu dàng muốn vỗ về người anh cả trở về sau một hành trình khốc liệt, gian truân.

Có người đã thi vị rằng: Dòng sông Giăng là sự chắt lọc nước mắt khổ đau, ai oán của muôn kiếp sinh linh vùng Tây Nam xứ Nghệ, nơi có đại ngàn Pù Mát nên dòng nước mới vắt trong đến vậy. Mặc kệ sự thi vị hóa mọi chuyện của những kẻ đáo giang, thực tế dòng sông Giăng gắn liền với bi kịch lịch sử của một dòng họ mà cho đến nay, tộc người ấy vẫn tồn tại với mờ tỏ truyền thuyết. Đó là câu chuyện “nứa vàng” vốn đã quen thuộc khi kể về tộc người Đan Lai ở Con Cuông.

Chỉ muốn nói thêm là, dằng dặc mấy trăm năm người Đan Lai sống cuộc sống biệt lập giữa rừng sâu đã biến một dòng họ miền xuôi thành một tộc người lạc lõng trong khi cuộc sống đã muôn chiều đổi thay. Và điều không mong muốn đã đến, những cuộc hôn phối cận huyết khiến cho tộc người này đứng bên bờ diệt vong. Và vì sao người Đan Lai không được xem là một dân tộc độc lập như người Thái, Mông? Bởi lẽ họ hoàn toàn không có các giá trị bản sắc riêng. Tất cả đều là sự lai trộn do quá trình di chuyển và tồn tại. Ngay cả ngôn ngữ, tiếng nói cũng hoàn toàn biến mất, thay đổi so với khởi thủy.

Không ai có thể biết hết những gì đã xảy ra trong những năm tháng người Đan Lai trốn chạy cái ác từ vùng Hoa Quân thuộc đất Thanh Chương lên và ẩn náu giữa rừng hoang, núi thẳm. Chắc hẳn có nỗi cay đắng, nghiệt ngã mà định mệnh đã giáng xuống những con người nhỏ bé ấy. Giờ đây, họ đã có một cuộc sống đúng nghĩa khi Nhà nước đầu tư nhiều tỷ đồng để bảo tồn nòi giống, ổn định sản xuất, cư trú. Nhưng có lẽ, những trăn trở về nơi xuất xứ sẽ mãi là nỗi tiếc nhớ về một dòng tộc bị cuộc biến thiên làm biến dạng không còn nhận ra. Dẫu vậy, dòng sông Giăng xanh văn vắt bốn mùa ấy vẫn tỏ ra bình thản, kể cả khi người đời cho rằng nó chính là dòng nước mắt buồn đau của bao kiếp nhân sinh.

Những đứa trẻ chơi đùa trên sông Giăng.
Những đứa trẻ chơi đùa trên sông Giăng. Ảnh: Quốc Đàn.

...Con thuyền bỗng nhảy cẫng lên. Tôi ngoái đầu lại nhìn gã trai bơi thuyền bằng đôi bàn chân với những ngón bè ra. Gã lái thuyền bình thản quẹt lửa rít thuốc: “Ta đang ở sông Lam”. Con thuyền chầm chậm ngược dòng bên mép sông. Gọi là Lam Giang nhưng dòng nước lúc này đục ngầu. Thi thoảng con thuyền lại nảy lên rồi hẫng xuống khiến tôi hơi chột dạ. Tôi cúi rạp rồi bò dọc theo lòng con thuyền bé tẹo đến gần hơn với gã trai đang không ngừng đảo 2 chân như người ta đi xe đạp trên đường.

Gã tên Trần Đình Tú, năm nay tròn 30 tuổi, chưa vợ. Tú cho hay, cũng mới làm quen với nghề chài lưới được hơn 3 tháng nay. Nói rồi gã với tay lấy chiếc mũ cối đội lên đầu: “Em ở xóm 4, xã Thanh Liên (Thanh Chương), trước đây chỉ quen làm ruộng. Chán. Tự nhiên thấy ưng nghề lưới cá rứa là mua sắm thuyền, máy và lưới mò ra sông học dân chài”. Hơn 10 triệu đồng để mua con thuyền tôn đánh đáy với ngư cụ cũng không ít so với đời sống vùng nông thôn, nhưng với anh chàng này việc dong thuyền là một thú vui. Ngay cả việc Tú tự nguyện chở tôi bập bềnh trên sông nước trong khi mớ cá vừa đánh về đang định mang lên chợ bán “quạ” cũng không tiếc, không lo thất thiệt.

Tú kè thuyền cặp bên mạn một con thuyền lớn hơn đang neo sát bờ, nơi có bãi bồi như ốc đảo chia sông Lam thành 2 nhánh trước khi chúng lại nhập vào 1. “Bãi ni gọi là bãi Giăng thuộc đất làng Hoa, xã Phong Thịnh - Tú giải thích trước khi tôi kịp hỏi. Ngó vào con thuyền đậu bên mép nước không thấy người. Chiếc bếp củi có cái kiềng 3 chân giữa lòng con thuyền vẫn đụn lên làn khói mỏng. Chắc hẳn người chủ chưa kịp đi xa.

Tú lại nói: “Thuyền của vợ chồng ông Quý, chắc là vừa đi thả câu”. Loáng chốc, từ xa chúng tôi nhìn thấy bóng con đò nhỏ đang tất tả bơi về phía mình. Trên chiếc đò 3 lá, người đàn bà ngồi mũi chống, phía sau người chồng khua mái chèo. Khi khoảng cách hãy còn xa, Tú nói lớn: “Sáng dừ được nhiều không bác?”. Ông lão phía bên kia lấy bàn tay khô che trán, nheo mắt trả lời: “Nỏ ăn thua. Ông bà vừa thả câu về may chi chiều ni kiếm vài con leo”.

Rồi tất cả chúng tôi bập bềnh trò chuyện. Ông lão nom khó đoán tuổi, xem chừng ít nhất đã ngoài 60. Ông tên là Trần Văn Quý, ở mãi xã Thanh Hà, ông bà lên đoạn ngã 3 sông này để mưu sinh. “Cũng có nhà, nhưng không ruộng đất, làm nghề chài lưới lâu rồi” - Ông Quý kể bằng cái giọng hơi méo của người có vòm miệng đã trống mất mấy cái răng cửa.

Ông còn kéo bên mạn thuyền lên cho tôi xem đâu chục con cá chày và khoảng 5 lạng tôm vợ chồng đánh từ 3h sáng tới giờ: “Nước sóc nên không kiếm được cá. Càng ngày càng khó khăn”. Ông lão mảnh khảnh có nước da đen bóng ấy còn nói rằng, sở dĩ vợ chồng còn bám lấy nghề là vì phải lo cho đứa con gái đang học đại học ở Hà Nội. “Được 2 mụn con gái. Con chị đã lấy chồng yên ổn rồi, còn đứa sau đang học ở Trường Đại học Nông nghiệp Hà Nội” - Khi nhắc đến cô con gái đang là sinh viên, tôi thấy mắt ông ánh lên niềm tự hào.

Sông Giăng đoạn chảy qua xã Phong Thịnh (Thanh Chương). Ảnh: Đào Tuấn
Sông Giăng đoạn chảy qua xã Phong Thịnh (Thanh Chương). Ảnh: Vân Nhi

Chia tay những ngư dân thân thiện, tôi trở lại bờ. Đứng đợi tôi trên mô đất cao hướng ra ngã ba sông là anh Nguyễn Hoàng Tiến - cán bộ văn hóa xã Phong Thịnh. Chúng tôi đã có hẹn từ trước. Tiến hỏi tôi: “Chắc anh cũng thuộc bài “Khúc hát sông quê?”. Rồi Tiến nói: “Nhà thơ Lê Huy Mậu – người con mảnh đất này đã lấy cảm xúc chính nơi sông Giăng hòa vào sông Lam để viết bài thơ sau được phổ nhạc ấy. Đoạn, Tiến trầm ngâm: “Tôi cũng úp mặt về quê hương”. Rồi anh cho biết, mình nguyên là bộ đội, từng là lính thiết giáp, với vốn kiến thức về môn Lịch sử, anh được đơn vị tạo điều kiện cho thi vào Trường Đại học Sư phạm 1 Hà Nội, Khoa Bảo tàng.

Tốt nghiệp đại học, Tiến trở về công tác tại quân đội, phụ trách bảo tàng. Nhưng như anh nói, do không thích sự tĩnh lặng, nhàm chán, anh xin ra quân trở về địa phương. Về quê, anh trở thành thầy giáo Trường THCS xã Thanh Đức, sau 2 năm anh lại rời bỏ nghiệp dạy học để về Phong Thịnh xin làm cán bộ văn hóa xã. Tôi đùa: “Hay là anh muốn làm quan?”. Tiến cười: “Có muốn làm lãnh đạo xã mình cũng hết tuổi quy hoạch rồi. Không hiểu sao mà cứ muốn ở cái mảnh đất nghèo khó này”. Đó chính là “úp mặt” về quê như giãi bày của người cán bộ văn hóa xã ấy.

Cá nuwongs sông Giăng bày bán ở chợ Chùa, Ảnh: Sách Nguyễn.
Cá nướng sông Giăng bày bán ở chợ Chùa, Ảnh: Sách Nguyễn.

Sau khi ngồi trên xe máy do anh Tiến chở, chúng tôi dừng lại trên cầu treo bắc qua sông. Ngay dưới chân cầu là chợ Chùa - một danh xưng nổi danh của Thanh Chương gắn với ngôi chùa Chung Linh có nguồn gốc, lịch sử lâu đời. Có lẽ ở chợ Chùa những nẹp cá sông nướng được bày bán nhiều nhất. Những cá mát, cá măng, cá mương, cá chày đánh bắt từ cả sông Lam và sông Giăng đều được bán tại chợ. Vào phiên có hàng ngàn người đổ về chợ Chùa bán mua, ngó nghiêng.

Có khi đơn giản người ta chỉ muốn được nhìn mớ cá tịt mũi hay xem cô hàng bánh mướt má đỏ hây hây tráng những lá bánh tỏa khói thơm một góc quê. Người người tất bật bán mua, có ai màng đến việc dòng nước xanh ngắt phía sau lưng mình ẩn chứa những huyền tích dãi dầu qua bao mưa nắng? Có thể họ cũng không biết vùng này xưa gọi là Hoa Quân, La Mạc… và từ năm 2014 được quy hoạch để trở thành thị trấn Chùa.

Vùng đất Phong Thịnh với gần 7.000 con người này sống bám vào 2 vụ lúa, xen ngô, năng suất 6,5 - 6,7 tấn/ha cũng gọi là ổn. Khi có mớ cá, củ khoai lại đưa ra chợ Chùa tìm niềm vui. Những người phụ nữ chốn thôn dã bán sơn địa - cái mà họ biết rõ ràng nhất, rằng phía bên kia là đất xã Thanh Liên, Thanh Tiên hay Thanh Hòa, Thanh Mỹ. Và Phong Thịnh chính là điểm cuối cùng của dòng Giăng trước khi nó đổ vào sông mẹ. Chỉ vậy thôi, nhưng ai cũng muốn tìm về...

Ghi chép: Vân Nhi

TIN LIÊN QUAN

Mới nhất

x
Cuối sóng sông Giăng
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO