Cuốn sách cổ bằng lá cây quý hiếm ở miền Tây xứ Nghệ

03/12/2016 14:01

(Baonghean.vn) – Người sở hữu cuốn sách bằng chữ Lào cổ quý hiếm ấy là ông Lữ Văn My (bản Piêng Hòm – xã Phà Đánh – Kỳ Sơn). Đây được coi là 1 báu vật không chỉ bởi nội dung cuốn sách độc đáo mà còn ở cả cách chế tác ra nó.

Ông Lữ Văn My (bản Piêng Hòm - xã Phà Đánh - Kỳ Sơn) là người sở hữu cuốn sách bằng chữ Lào cổ cực kỳ quý hiếm.
Ông Lữ Văn My (bản Piêng Hòm - xã Phà Đánh - Kỳ Sơn) là người sở hữu cuốn sách bằng chữ Lào cổ cực kỳ quý hiếm.

Ông Lữ Văn My năm nay đã gần 80 tuổi nhưng còn khỏe mạnh khoe với chúng tôi, lâu nay ông sở hữu 1 cuốn sách cổ nhiều người mơ ước. Theo ông, đây là cuốn sách viết bằng chữ Lào cổ được một địa chủ ở bản Cánh (xã Tà Cạ) truyền lại cho ông từ năm 1960.

Cuốn sách có tất cả 254 mảnh lá cây (bơ lan) ghép lại với nhau nói về truyền thuyết lập mường của một vùng đất cổ ở Lào, truyền thống anh hùng đánh giặc giữ mường hiển hách của cha ông ngày trước.

Theo đó, khi bản mường được thành lập, bọn giặc núi, thổ phỉ đến cướp bóc gây ra cảnh chết chóc, tan hoang khắp nơi. Bà con bèn cùng nhau tập hợp những trai tráng khỏe mạnh trong bản rèn dao, vót cung tên đánh lại bọn cướp. Những mũi tên tẩm độc lần lượt hạ từng tên cướp khiến chúng sợ hãi tháo chạy.

Nội dung cuốn sách nói về truyền thuyết lập mường, đánh giặc và các bài cúng của cha ông.
Nội dung cuốn sách nói về truyền thuyết lập mường, đánh giặc và các bài cúng của cha ông.

Bên cạnh đó, sách còn ghi lại những bài cúng của người xưa trong các lễ nghi cưới hỏi, tang ma, tết...Ông Lữ Văn My cho biết, sau truyền thuyết lập mường, người viết kể lại cuộc đời của 1 con người từ lúc sinh ra đến lúc mất đi phải thực hiện những nghi lễ gì, cúng bái ra sao...

Là người am hiểu về chữ Lào, ông Lữ Văn My đọc vanh vách từ đầu đến cuối cuốn sách. Theo ông, đây là đoạn nói về bài cúng khi làm ma cho người chết của người xưa truyền lại. Ông bảo rằng, hiện tại trong địa phương còn có rất ít người có thể đọc được loại chữ này.

Chữ được viết trên lá cây, mỗi lá đều có kích thước bằng nhau dài khoảng chừng 25 cm, rộng 5cm và được neo buộc với nhau bằng dây giống như dây gai bện xoắn. Để viết được chữ lên lá cây, người xưa phải chọn lá về buộc ủ cả năm trời rồi đem sấy khô trên bếp lửa rất kỹ lưỡng.

Ông Lữ Văn My luôn xem đây là 1 báu vật và cất giữ cẩn thận.
Ông Lữ Văn My luôn xem đây là một báu vật và cất giữ cẩn thận.

Ông Sầm Văn Bình, một chuyên gia nghiên cứu nhiều về loại sách này cho hay: “Hiện tại sách bằng chữ Lào cổ viết trên lá cây này còn lại rất ít, trong dân gian chắc cũng chỉ còn đếm được trên đầu ngón tay. Đặc biệt, trong các cuốn sách mà tôi được biết chủ yếu nói về kinh phật và văn hóa, văn nghệ dân gian còn nói về truyền thuyết, lịch sử thì chưa gặp. Có thể nói đây là 1 cuốn sách quý”.

Ông My cho hay, trước đây trong bản cũng có một số người sở hữu những cuốn sách có hình thức như vậy nhưng do không hiểu được nội dung của nó nên họ bán hết. Cuốn sách của ông cũng từng có nhiều người ở xa đến trả giá nhưng ông nhất quyết không bán.

Đào Thọ

TIN LIÊN QUAN

Mới nhất

x
Cuốn sách cổ bằng lá cây quý hiếm ở miền Tây xứ Nghệ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO