Cựu danh thủ Văn Sỹ Chi: “Số 10 bất tử” và câu chuyện về một huyền thoại

Trung Kiên 22/03/2019 17:24

(Baonghean.vn) - Nhiều CĐV từng chứng kiến những danh thủ như Văn Sỹ Hùng, Văn Sỹ Sơn, Văn Sỹ Thủy thi đấu trong màu áo SLNA hay ĐTQG, nhưng ít ai biết rằng, người cha của họ mới thực sự là một huyền thoại của bóng đá Việt Nam, thậm chí từng là một trường hợp đặc biệt của bóng đá thế giới.

Đồ họa: Trung Kiên
Đồ họa: Trung Kiên

Ông Văn Sỹ Chi sinh ngày 15/5/1939 tại làng Hoàng Mai, xã Quỳnh Thiện, huyện Quỳnh Lưu (nay là thị xã Hoàng Mai), Nghệ An. Cuộc đời, sự nghiệp bóng đá của ông Chi bắt đầu như tuổi thơ của bao đứa trẻ khác. Ăn không đủ no, mặc không đủ ấm, nhưng đó là những ký ức đẹp đẽ về những trận bóng ở đình làng. Quả bóng được làm từ vỏ chuối, quả bưởi, sân bóng chính là sân Đình, khung thành là những cọc tre quét vôi dưới ánh trăng.

Trở lại với lịch sử, sau chiến thắng Điện Biên Phủ chấn động địa cầu năm 1954, miền Bắc hoàn toàn được giải phóng. Và đây cũng là thời điểm mặt trận văn hóa, thể thao được khai phát. Năm 1958, ông Văn Sỹ Chi nhập ngũ, chơi bóng phong trào trong Sư đoàn 335.

Những người lính thời ấy rắn rỏi là vậy nhưng vô cùng lãng mạn, họ đặt tên đội bóng là Bông Lau. Tại giải Vô địch toàn quân năm 1959, cái tên Văn Sỹ Chi lần đầu gây sửng sốt cho những ai được chứng kiến người lính này thi đấu bởi tài săn bàn và kỹ thuật thiên bẩm của ông. Ra mắt ấn tượng, ông được cựu danh thủ Ngô Xuân Quýnh, một cựu danh thủ đời đầu của Thể Công (quê Hưng Nguyên, Nghệ An) giới thiệu về Đội bóng quân đội thời ấy. Trận đầu tiên đá cho Thể Công, ông Chi đã rất buồn vì phải dự bị và mang áo số 13.

Nhưng sau khi vào sân, tiền đạo Văn Sỹ Chi ghi hẳn 5 bàn thắng. Kể từ đó, chiếc áo số 10 thuộc về ông và chiếc áo số 10 gắn bó với cái tên Văn Sỹ Chi trong suốt 20 năm. Trong bộ tứ “Tiền - Nhi - Chi - Út” thì ông Văn Sỹ Chi là cây săn bàn chính của Thể Công. Không chỉ tung hoành trên khắp các sân cỏ miền Bắc, khi đi làm nhiệm vụ quốc tế, Văn Sỹ Chi cùng đồng đội đã tạo nên những chiến thắng vang dội.

Ông Chi cùng đồng đội thi đấu 2 trận quốc tế đầu tiên, trận gặp Thanh Niên Bắc Kinh (TQ) để thua 1-2, trận đá với Bát Nhất (Quân đội TQ) - đội bóng 7 năm vô địch Giải quân đội Trung Quốc, ông Chi ghi bàn thắng duy nhất giúp Việt Nam thắng 1-0. Không ai có thể tin đó là sự thật khi nhận được điện thoại gọi về. Cũng trong một trận giao hữu gặp lại Bát Nhất tại Việt Nam, ông Chi là người ghi bàn thắng đầu tiên của trận đấu. Đó là những năm tháng đẹp nhất và cũng khó quên trong cuộc đời cựu danh thủ Văn Sỹ Chi.

Trong cuốn sách “Tôi là cầu thủ bóng đá Thể Công”, chuyên gia bóng đá Vũ Mạnh Hải (Nguyên Tổng Biên tập báo Bóng đá), thế hệ sau của cựu danh thủ Văn Sỹ Chi ở đội bóng truyền thống nhất bóng đá Việt Nam - Thể Công đã dành những từ ngữ đặc biệt để nói về ông Chi như một tượng đài, một “quái kiệt” của bóng đá Việt Nam ở thế kỷ 20.

CLB Thể Công những năm tháng tung hoành bốn bể có 4 người được phong "bộ tứ huyền thoại" là: Tiền - Nhi - Chi - Út. Chi ở đây chính là ông Văn Sỹ Chi. Nhắc đến bộ tứ ấy, thế hệ trước nhớ về một điều gì đó vô cùng mạnh mẽ, máu lửa và xuất chúng.

Cầu thủ duy nhất từng vô địch... bắn súng

Lịch sử bóng đá Việt Nam và bóng đá thế giới chắc cũng chẳng còn cầu thủ nào có được thành tích như ông Văn Sỹ Chi, giành HCV bắn súng ở nước ngoài.

Cụ thể, năm 1963, CLB Thể Công dự Giải bóng đá quân đội các nước XHCN ở Tiệp Khắc. Khi về, đội ghé Liên Xô (cũ), đúng thời điểm giải bắn súng quân đội các nước XHCN đang diễn ra mà VĐV Việt Nam lại bị ốm, ông Văn Sỹ Chi xung phong bắn thay.

Trong 30 viên nằm, quỳ, đứng. Một viên đạn của VĐV Liên Xô (cũ) bắn lạc sang bia Việt Nam và thế là Văn Sỹ Chi đoạt HCV, được thưởng một hộp to đồng hồ Pônzôt. Ông chỉ chọn hai cái, còn lại chia cho đồng đội.

Có thể nói, Văn Sỹ Chi không chỉ là của hiếm của bóng đá Việt Nam, mà còn là trường hợp đặc biệt của bóng đá thế giới. Năm 1971, ở tuổi 37, ông về thi đấu cho Công an Thanh Hóa. Tại giải VĐQG năm 1972, ông vẫn ghi tới 48 bàn thắng và trở thành vua phá lưới. Năm đó, ông đã 39 tuổi, vẫn ghi bàn đều đặn. Về mặt chuyên môn, với một tiền đạo thì đó là một thành tích... không tưởng.

Thanh xuân và khỏe mạnh là vậy, tài năng cùng với tên tuổi là vậy, thế nhưng cái tài đá bóng ở thập niên 70 đó chẳng thể giúp Văn Sỹ Chi đảm bảo cho cuộc sống gia đình vốn khó khăn càng khó khăn hơn khi lần lượt 5 người con ra đời. Ông Chi thành danh nhờ bóng đá, nhưng cả gia đình ông cơ cực vì bóng đá.

Năm 1972 cũng là thời điểm mà Văn Sỹ Sơn chào đời, sau đó là Văn Sỹ Thủy (SN 1974) và Văn Sỹ Linh (SN 1980). Sỹ Sơn và các em đều bắt đầu nghiệp cầu thủ tại bóng đá xứ Thanh. Giai đoạn này, gia đình ông Chi sống giữa chồng chất khó khăn, bà Việt - vợ ông phải nghỉ việc ở nhiệm sở để đi buôn gạo. Hồi đó lương thực rất khó khăn, nhưng nhờ công việc của mẹ mà mấy anh em nhà Văn Sỹ được ăn cơm thả sức để đi đá bóng. Còn ông Chi, sau nhiều trăn trở, ông quyết định mở cửa hàng kính mắt, buôn bán kính để kiếm thêm tiền nuôi các con, đỡ đần thêm người vợ.

Năm 1991 là bước ngoặt lớn trong câu chuyện của nhà Văn Sỹ, bà Việt vô tình gặp được bộ ba Thành Vinh - Hồng Thanh - ông Đức và được gợi ý đón các con bà về thi đấu cho CLB SLNA. Hai ngày sau, Sỹ Sơn và em trai Sỹ Thủy được mẹ đưa về Vinh thử việc. Chỉ một tuần thi tuyển, hai anh em được ông Hồ Văn Chiêm nhận vào đội. Vì cái tình quê, sau đó, cậu con út Văn Sỹ Linh (SN 1980) cũng gia nhập CLB SLNA. Gia đình chỉ để lại xứ Thanh cậu cả Văn Sỹ Ngọc tiếp tục chơi cho Công an Thanh Hóa.

Ông Văn Sỹ Chi có cả thảy 5 người con: Văn Sỹ Ngọc, Văn Sỹ Hùng, Văn Sỹ Thủy, Văn Sỹ Sơn và Văn Sỹ Linh. Cả 5 đều chơi bóng đá nhưng Văn Sỹ Ngọc và Văn Sỹ Linh không để lại nhiều dấu ấn và sớm giải nghệ. Trong khi đó, Văn Sỹ Hùng, Văn Sỹ Thủy, Văn Sỹ Sơn từng là bộ ba từng làm khuynh đảo làng bóng đá Việt Nam. Ảnh: Tư liệu
Ông Văn Sỹ Chi có cả thảy 5 người con: Văn Sỹ Ngọc, Văn Sỹ Hùng, Văn Sỹ Thủy, Văn Sỹ Sơn và Văn Sỹ Linh. Cả 5 đều chơi bóng đá chuyên nghiệp. Trong đó, bộ ba Văn Sỹ Hùng - Văn Sỹ Thủy - Văn Sỹ Sơn từng làm khuynh đảo làng bóng đá Việt Nam. Ảnh: Tư liệu

Quyết định đó của lãnh đạo SLNA là bước ngoặt giúp một người con xứ Nghệ, thành danh tại Thủ đô, có cơ hội để cống hiến cho quê hương. Về Nghệ An, Văn Sỹ Chi đảm nhiệm công tác đào tạo trẻ. Năm 1992, SLNA bắt đầu hình thành công tác đào tạo trẻ và năm 1996, ông Chi là một trong những người đặt nền móng cho sự thịnh vượng của bóng đá trẻ tỉnh nhà.

Những kinh nghiệm trong suốt hơn 20 năm chơi bóng đã được ông đúc rút và truyền đạt lại cho các cầu thủ nhí. Những "hạt giống" ông "ươm mầm" ngày nào đã và đang cống hiến cho bóng đá Việt Nam ở khắp mọi miền Tổ quốc như: Âu Văn Hoàn, Ngô Hoàng Thịnh, Sầm Ngọc Đức…

Ông Nguyễn Hồng Phong - cựu Chủ tịch Hội CĐV SLNA kể lại: “Ông Chi là một người thầy đặc biệt, ông không giống những HLV khác. Cách tập luyện của ông đơn điệu nhưng vô cùng hiệu quả. Ví dụ, suốt 10 ngày đầu tiên, ông chỉ cho các cầu thủ nhí tập tâng bóng, 10 ngày sau tập đá lòng trong, 10 ngày sau tập đá má ngoài đến mức các kỹ năng đó từ nhàm chán trở thành những kỹ năng, kỹ xảo thuần thục sau này. Nói đến ông Chi là nhắc đến những đóng góp thầm lặng, lớn lao của ông cho bóng đá Việt Nam nói chung và SLNA nói riêng”.

Cuộc sống tuổi già của cựu danh thủ Văn Sỹ Chi vẫn gói gọn xung quanh gia đình và bóng đá. Các con trai của ông phần lớn đều trở thành những huyền thoại của SLNA và giờ là những người làm bóng đá trẻ, bóng đá chuyên nghiệp có tiếng. Gia đình của ông Văn Sỹ Chi xứng đáng là một hình mẫu của bóng đá Việt Nam về truyền thống đá bóng và làm bóng đá.

Khi còn sức khỏe, mỗi khi SLNA thi đấu trên sân nhà, ông Chi lại đến sân Vinh. Đến sân là để trò chuyện với những người bạn già về bóng đá quê hương, giúp ông sống lại không khí hào hùng thời trai trẻ. Niềm hạnh phúc của ông giáo năm xưa bây giờ là được thấy bóng đá quê hương vẫn mãi trường tồn, thế hệ trẻ tiếp nối truyền thống cha ông.

Ở tuổi 80, "cây đại thụ" của bóng đá Việt Nam, người cha của những huyền thoại, người thầy đầu tiên của bao thế hệ cầu thủ đã qua đời. Có thể nói, cựu danh thủ Văn Sỹ Chi đã để lại cho bóng đá Việt Nam một lịch sử lừng lẫy và đáng trân trọng. Bóng đá là niềm tự hào của người dân xứ Nghệ và người hâm mộ Việt Nam hàng chục năm qua vẫn luôn nhớ về một trung phong xuất chúng, một người cha hết mực vì gia đình và trọn đời vì sự nghiệp bóng đá.

Đồ họa: Trung Kiên

Văn Sỹ Sơn: Không hổ danh con nhà Văn Sỹ!

Văn Sỹ Sơn: Không hổ danh con nhà Văn Sỹ!

(Baonghean.vn) - Anh em nhà Văn Sỹ đều đã trải qua những giây phút thăng hoa nhưng cũng nếm đủ cay đắng trong sự nghiệp. Theo bóng đá đến cùng rồi mỗi người mỗi ngã, bây giờ Văn Sỹ Sơn đã tạo được dấu ấn trong vai trò HLV phó tại CLB Hà Nội.

Theo Tham khảo từ nhiều nguồn
Copy Link

Mới nhất

x
Cựu danh thủ Văn Sỹ Chi: “Số 10 bất tử” và câu chuyện về một huyền thoại
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO