Đã đảm bảo khách quan khi xét xử tranh chấp đất ở xã Châu Hội (Quỳ Châu)?
(Baonghean) - Ở huyện Quỳ Châu, rất nhiều người thắc mắc và bất bình trước phán quyết của Hội đồng xét xử trong phiên tòa trên. Họ cho biết, vì phán quyết này đã dẫn đến nhiều người dân ở xã Châu Hội có phản ứng tiêu cực sau phiên tòa.
Thửa đất có tranh chấp ở bản Lâm Hội, xã Châu Hội (Quỳ Châu). Ảnh: Nhật Lân |
Nỗi niềm
Cuối tháng 4/2018, Báo Nghệ An nhận được đơn của chị Hoàng Thị Thủy (trú bản Lâm Hội, xã Châu Hội, huyện Quỳ Châu) phản ánh việc Hội đồng xét xử TAND huyện Quỳ Châu đưa ra phán quyết không chính xác trong xét xử sơ thẩm vụ tranh chấp quyền sử dụng đất tổ chức ngày 19/4/2018.
Gia đình chị Thủy tranh chấp quyền sử dụng đất với gia đình anh Phạm Văn Hải (cùng trú tại bản Lâm Hội). Thửa đất này thuộc bản Lâm Hội, tiếp giáp với Quốc lộ 48 và đường làng, cùng nhà một hộ dân trong bản là hộ ông Nguyễn Cảnh Ngọ.
Theo chị Thủy, thửa đất được hình thành do bố chồng chị là ông Phạm Viết Thuận khai hoang năm 1967. Năm 1997, ông Thuận đổi cho ông Phan Quốc Thiện (trú xóm 1, xã Châu Hội) một phần thửa đất để lấy 2 bì gạo. Sau khi đổi đất, ông Thiện cho con rể là anh Phan Văn Hải sử dụng, mở cửa hàng buôn bán.
Đến năm 2002, anh Hải mượn thêm một phần đất để mở cửa hàng sửa chữa xe máy và bố chồng chị đồng ý. Tất cả những lần trao đổi, mượn đất đều chỉ nói miệng với nhau. Từ năm 2010, anh Phạm Văn Hải có hành vi lấn chiếm thửa đất; đã đổ đất để san lấp mặt bằng và xây dựng trên đó một căn nhà gỗ.
Chị Thủy cho hay, gia đình chị có hoàn cảnh éo le. Chị sinh năm 1976, nguyên quán ở xã Xuân Lâm, huyện Nam Đàn lên Quỳ Châu lấy chồng là anh Phạm Viết Thảo và sống chung cùng gia đình chồng. Năm 2002, chồng chị bị tai nạn qua đời. Đến năm 2008, ông Phạm Viết Thuận cũng qua đời. Từ đây, chị Thủy lâm cảnh mẹ góa con côi không người thân nương tựa, gia cảnh hết sức khó khăn. Để nuôi con nhỏ, chị phải đi làm thuê ở xa nên không quán xuyến nổi việc gia đình. Và đây là “cơ hội” để anh Phạm Văn Hải lấn chiếm đất.
Chị Thủy cũng cho biết, quá trình anh Hải san lấp đất, chị đã ngăn cản và hai bên từng xảy ra xô xát. Chị Thủy đã có đơn gửi đến Ban cán sự xóm Lâm Hội và UBND xã Châu Hội. Năm 2015 - 2016, Ban cán sự xóm và UBND xã đã tổ chức các buổi hòa giải, tuy nhiên không thành công. Bởi vậy, chị Thủy làm đơn khởi kiện gửi đến Tòa án nhân dân huyện Quỳ Châu, yêu cầu anh Hải phải trả lại phần diện tích đất đã lấn chiếm.
Ngày 19/4/2018, Tòa án nhân dân huyện Quỳ Châu tổ chức xét xử vụ việc tranh chấp đất đai giữa chị Thủy và anh Hải. Tuy nhiên, Hội đồng xét xử đã bác đơn khởi kiện của chị Thủy và buộc chị này phải trả gần 27 triệu đồng tiền án phí…
Chị Hoàng Thị Thủy trao đổi với phóng viên. Ảnh: N.L |
Hội đồng xét xử đã tuyên gì?
Việc khởi kiện của nguyên đơn là chị Hoàng Thị Thủy và bị đơn là anh Phạm Văn Hải được Tòa án nhân dân huyện Quỳ Châu đưa ra xét xử sơ thẩm tại Bản án số 04/2018/DS-ST ngày 19/4/2018.
Tại Bản án số 04 thể hiện: Anh Phạm Văn Hải khẳng định thửa đất mà anh đang sử dụng có ki ốt bán hàng, ki ốt sửa chữa xe máy là thuộc thửa số 28, tờ bản đồ số 99; có nguồn gốc là do bố vợ - ông Phan Quốc Thiện cho con gái, chị Phan Thị Thảo từ năm 1991. Còn thửa đất anh đã xây dựng căn nhà 3 gian, phần còn lại có trồng một số loại cây là thửa đất số 32 tờ bản đồ 99 của ông Phan Quốc Thiện giao cho vợ chồng anh quản lý.
Từ khoảng 1995 - 1996, anh Hải mới làm ốt bán hàng; năm 2000 thì làm thêm ốt sửa chữa xe máy, đến năm 2010 thì làm thêm nhà. Quá trình xây dựng các công trình này, không có tranh chấp với chị Thủy; quá trình kê khai quyền sử dụng đất, ranh giới giữa đất gia đình anh và gia đình chị Thủy là hàng cây hiện vẫn còn... Do đó, không chấp nhận yêu cầu khởi kiện của chị Thủy.
Là người có quyền lợi và nghĩa vụ liên quan, ông Phan Quốc Thiện thông tin: Thửa đất chị Thủy khởi kiện là do ông Thiện khai hoang trong quá trình ông làm việc tại Lâm trường Quỳ Châu (từ năm 1956 đến năm 2004). Từ năm 2004, ông Thiện chuyển về sinh sống tại phường Mai Hùng, Thị xã Hoàng Mai, toàn bộ tài sản đất ở xã Châu Hội, ông giao cho anh Phạm Văn Hải và chị Phạm Thị Thảo quản lý sử dụng. Quá trình sử dụng thửa đất, ông Thiện và bố chồng chị Thủy là ông Thuận không có tranh chấp với nhau.
Về phía chị Hoàng Thị Thủy, ngoài những thông tin đã nêu ở phần trên thì có được nhiều người nguyên là cán bộ, công nhân Lâm trường Quỳ Châu, hiện đang sinh sống tại bản Lâm Hội đứng ra làm chứng. Tất cả họ đều xác nhận nội dung của chị Thủy đã khai với tòa; khẳng định ông Phạm Viết Thuận mới là người khai hoang thửa đất đang có tranh chấp. Đồng thời cho biết, vợ ông Thiện trước đây bán hàng ở chợ Đò Ham, do muốn chuyển về gần nhà nên ông Thiện đã đề nghị ông Thuận đổi một phần đất để xây dựng ki ốt bán hàng (việc trao đổi thỏa thuận miệng, họ chỉ được nghe kể lại).
Trong những người làm chứng, ông Phạm Văn Tiến - Trưởng bản Lâm Hội còn xác nhận, vào năm 2014, khi anh Hải san lấp đất thì có xảy ra xô xát với chị Thủy; chị Thủy có đơn gửi lên cho Ban cán sự bản. Đến năm 2016 - 2017, anh Hải mới hoàn thiện được căn nhà gỗ và san lấp hết được thửa đất...
Ban cán sự xóm Lâm Hội nói về lịch sử hình thành của thửa đất có tranh chấp. Ảnh: Nhật Lân |
Tại Bản án số 04, ý kiến của đại diện Viện Kiểm sát là quá trình thu thập chứng cứ có tài liệu chứng cứ là bản phô tô không có chứng thực nên không có giá trị chứng minh. Thẩm phán vi phạm về thời hạn chuyển hồ sơ và quyết định đưa vụ án ra xét xử cho Viện Kiểm sát cùng cấp. Đề nghị tòa xử: Chấp nhận yêu cầu khởi kiện của chị Hoàng Thị Thủy. Buộc anh Phạm Văn Hải và chị Phan Thị Thảo trả lại cho chị Hoàng Thị Thủy 1.243,4 m2 đất thuộc thửa số 32, tờ bản đồ 99; và tháo dỡ căn nhà 3 gian cùng các công trình khác đã xây dựng trên đất.
Trong khi đó, ý kiến của người bảo vệ cho anh Phạm Văn Hải thì cho rằng, năm 2014, khi Nhà nước có chủ trương đăng ký kê khai quyền sử dụng đất thì ông Thiện đã ủy quyền cho anh Hải đăng ký; tại hồ sơ đăng ký quyền sử dụng đất và hồ sơ kỹ thuật, thửa đất của ông Phan Quốc Thiện có số 32, tờ bản đồ 99. Trong khi đó, chị Thủy không thực hiện kê khai. Đây là căn cứ thửa đất tranh chấp thuộc quyền sử dụng của ông Phan Quốc Thiện. Đề nghị Hội đồng xét xử bác đơn yêu cầu khởi kiện của chị Thủy.
Theo Hội đồng xét xử, căn cứ xác minh thực địa thửa đất tranh chấp có các công trình, cây cối của anh Phạm Văn Hải trên đất; hồ sơ đăng ký quyền sử dụng đất và hồ sơ kỹ thuật thửa đất được xác minh tại UBND xã Châu Hội; chị Thủy không thực hiện kê khai trong quá trình Nhà nước có chủ trương kê khai đăng ký quyền sử dụng đất nên xác định “chị Hoàng Thị Thủy khởi kiện anh Phạm Văn Hải trả lại đất thuộc quyền quản lý sử dụng của ông Phan Quốc Thiện là không có căn cứ”. Hội đồng xét xử bác đơn khởi kiện của chị Hoàng Thị Thủy, buộc chị phải chịu 26,8 triệu đồng án phí.
Liệu đã khách quan?
Ở huyện Quỳ Châu, rất nhiều người thắc mắc và bất bình trước phán quyết của Hội đồng xét xử trong phiên tòa trên. Họ cho biết, vì phán quyết này đã dẫn đến nhiều người dân ở xã Châu Hội có phản ứng tiêu cực sau phiên tòa.
Tại xã Châu Hội, từ Ban cán sự bản Lâm Hội cho đến các cán bộ UBND xã Châu Hội đều khẳng định Hội đồng xét xử đã không khách quan. Các ông Hoàng Thế Diệu, Phạm Văn Tiến - Bí thư Chi bộ và Trưởng bản Lâm Hội và nhiều người dân ở đây khẳng định, để giải quyết việc tranh chấp cần tìm hiểu lịch sử bản, lịch sử của thửa đất thì mới có thể đưa ra được phán quyết khách quan.
Như ông Hoàng Thế Diệu trao đổi: “Người dân của bản Lâm Hội đều là cán bộ, công nhân lâm trường. Sống và làm việc cùng nhau hàng chục năm nên hầu như ai cũng nắm bắt được sự việc. Gần 100% gia đình đều xác nhận bố chồng chị Thủy là người đã khai hoang nên thửa đất chứ không phải như ông Thiện đã khai với tòa. Thế nhưng người của tòa về xác minh, không hề nắm bắt thông tin ở Ban cán sự và người dân…”.
Chủ tịch UBND xã Châu Hội, ông Lang Anh Tý cho rằng, phán quyết của Hội đồng xét xử chưa sát đúng với thực tế. Ảnh: Nhật Lân |
Xem xét hồ sơ đăng ký quyền sử dụng đất đang lưu ở UBND xã Châu Hội thì bộ hồ sơ của thửa đất số 32 do ông Phan Quốc Thiện đứng tên thì hoàn toàn không có giá trị pháp lý. Tất cả các cán bộ nơi đây khi được hỏi đều không đồng tình với phán quyết của Hội đồng xét xử; thậm chí khẳng định kể cả hồ sơ thửa đất số 28 mà anh Phạm Văn Hải đang sử dụng (hiện đang lưu tại xã) kê khai có nguồn gốc do ông Phan Quốc Thiện khai hoang cũng không chính xác; năm 2016, UBND xã Châu Hội từng đình chỉ việc san lấp đất của anh Phạm Văn Hải... Còn ông Lang Anh Tý - Chủ tịch UBND xã Châu Hội cho biết thêm, quá trình xác minh, tòa án cũng không tổ chức buổi làm việc với chính quyền xã để nắm bắt đầy đủ thông tin!
Theo ông Lương Đệ - Viện trưởng Viện Kiểm sát huyện Quỳ Châu, từ tìm hiểu các hồ sơ liên quan và lịch sử của thửa đất, tại phiên xét xử ngày 19/4/2018, đại diện Viện Kiểm sát đã đề nghị tòa tuyên anh Phạm Văn Hải phải trả lại cho chị Hoàng Thị Thủy 1.243,4 m2 thửa số 32.
Cũng theo ông Lương Đệ, tòa có quyền tuyên xử, công dân Hoàng Thị Thủy có quyền kháng cáo, còn Viện Kiểm sát có quyền kháng nghị. “Chúng tôi rất buồn khi phải chứng kiến cảnh người dân có những phản ứng khá tiêu cực với quyết định của Hội đồng xét xử. Viện Kiểm sát sẽ xem xét kháng nghị sau khi có bản án của tòa…”, ông Lương Đệ trao đổi.