Đa dạng hóa hình thức đầu tư xây dựng chợ ở TP Vinh
(Baonghean.vn)- Để tăng vốn đầu tư cho các chợ đảm bảo cơ sở vật chất khang trang, đủ chỗ buôn bán cho tiểu thương, đảm bảo mỹ quan thành phố và tăng thu ngân sách, TP Vinh đã đẩy mạnh việc đa dạng hóa các loại hình chợ, gắn với việc chuyển đổi mô hình tổ chức, quản lý, khai thác, kinh doanh chợ đa dạng.
Đa dạng hóa các hình thức đầu tư
TP Vinh hiện có 19 chợ, trong đó có 2 chợ hạng 1. Thực tế 5 năm qua, thành phố đã “ xã hội hóa” công tác đầu tư khai thác chợ theo nhiều loại như: Mô hình doanh nghiệp kinh doanh, quản lý, khai thác chợ thông qua hình thức đấu thầu hoặc chuyển giao, có thể tổ chức theo loại hình: doanh nghiệp nhà nước, công ty cổ phần, công ty TNHH, HTX, doanh nghiệp tư nhân; Mô hình doanh nghiệp hoặc HTX đầu tư xây dựng chợ, sau đó tổ chức kinh doanh khai thác và quản lý chợ (áp dụng cho chợ xây dựng mới); Mô hình Ban quản lý chợ là đơn vị sự nghiệp có thu, tự trang trải các chi phí, có tư cách pháp nhân, có con dấu và tài khoản riêng tại Kho bạc Nhà nước.
Đầu tư xây dựng chợ phía Tây của Công ty TM Sông Tiền |
Ở mô hình do doanh nghiệp đầu tư khai thác và quản lý hiện có chợ Cầu Thông (Công ty Trang Anh), chợ Tecco Vinh Tân (Chi nhánh Công ty cổ phần Tecco Miền Trung), chợ mới Trường Thi (Công ty Kim Trường Thi), chợ Nghi Kim (Công ty cổ phần xây dựng Trường Sơn) và Công ty cổ phần xây dựng thương mại Sông Tiền đầu tư Khu nông sản phía Tây chợ Vinh. Các chợ này, doanh nghiệp đã bỏ vốn ra đầu tư kinh doanh, tạo nên hạ tầng mới về chợ đáp ứng nhu cầu mua sắm của người dân.Ví như chợ Tecco phường Vinh Tân hoàn thành xong, công ty đã hoàn thiện bộ máy quản lý, nội quy, quy chế hoạt động. Sau khi chợ xây dựng xong, UBND Thành phố đã tiến hành giải toả chợ tạm Vinh Tân để đưa các hộ vào kinh doanh tại chợ. Đến nay đã có trên 80 hộ với 80 người kinh doanh tại chợ.
Chợ Mới Trường Thi do Công ty cổ phần liên doanh Đông Dương Sông Hồng tiến hành xây dựng chợ Mới Trường Thi và đưa vào sử dụng năm 2012. Hiện nay chợ đã đi vào hoạt động ổn định với tổng số hộ kinh doanh tại chợ là 116 quầy, ốt, tổng số người kinh doanh tại chợ là 120 người. Khu chợ nông sản phía Tây chợ Vinh, hiện đang đầu tư xây dựng nhằm mở rộng khu vực chợ nông sản phía Tây. Khu chợ này do Công ty cổ phần xây dựng thương mại Sông Tiền lập dự án đầu tư theo hình thức BOT. Dự án đã được thông qua UBND Thành phố, BTV Thành ủy, UBND Tỉnh và Bộ Kế hoạch đầu tư. UBND tỉnh Nghệ An đã có Quyết định phê duyệt báo cáo nghiên cứu khả thi, Quyết định phê duyệt kết quả lựa chọn nhà đầu tư hình thức Hợp đồng xây dựng - kinh doanh - chuyển giao (BOT). Nhà đầu tư đã ký hợp đồng với UBND thành phố Vinh đầu tư xây dựng chợ nông sản trên khu đất có diện tích quy hoạch là 9.290 m2.
Thời gian hoạt động của dự án là 25 năm (gồm 2 năm xây dựng và 23 năm quản lý, khai thác, sử dụng). Hiện nay, Công ty cổ phần xây dựng thương mại Sông Tiền đã tiến hành đầu tư xây dựng các hạng mục công trình gồm: quầy ốt, sân đường, điện chiếu sáng và các đình bán hàng…theo đúng quy hoạch đã được phê duyệt. Ông Thái Bá Nghĩa – Giám đốc Công ty Cp XD Sông Tiền cho biết: “Dự án đầu tư 20 tỷ đồng, hoàn toàn do công ty bỏ vốn đầu tư, co chế hoạt động là cho thuê ốt đối với các hộ kinh doanh. Dự kiến tiền thuê ốt một tháng khoảng 1- 1,2 triệu đồng. Hết thời hạn qui định, chợ sẽ được bàn giao lại cho nhà nước quản lý. Công ty Sông Tiền đã xây dựng xong giai đoạn 1 với tổng mức đầu tư 12 tỷ đồng, đưa vào hoạt động 400 địa điểm kinh doanh”.
Từ các mô hình trên cho thấy các chợ do doanh nghiệp đầu tư khá hiệu quả, vừa giảm được ngân sách vừa tạo hạ tầng khang trang. Hình thức đầu tư này đã tách quản lý nhà nước ra khỏi quản lý kinh doanh, bộ máy của chợ hết sức gọn nhẹ.
Đối với mô hình HTX đầu tư, quản lý, kinh doanh, khai thác chợ: Chợ Phong Toàn, chợ Cọi, chợ Quyết, chợ Nghi Liên…đây là một hình thức TP tạo điều kiện việc làm, thu nhập cho các hộ dân và các HTX bị nhà nước thu hồi đất. Thời gian qua, Thành phố đã chỉ đạo chuyển giao chủ đầu tư xây dựng một số chợ cho các HTX đầu tư xây dựng, quản lý, kinh doanh, khai thác trên cơ sở xem xét phương án đầu tư, khả năng huy động vốn của HTX. Chợ Phong Toàn, phường Hà Huy Tập mới đây khi đến chúng tôi đến khá vắng vẻ, một số quầy ốt chưa có người kinh doanh. HTX Phong Toàn đã huy động vốn, phương án xây dựng và khởi công xây dựng chợ vào tháng 10/2009, đưa vào sử dụng từ 2012 với tổng mức đầu tư trên 21 tỷ đồng. Chợ có 398 vị trí kinh doanh, tổng số hộ kinh doanh 250 người.
Phía ngoài chợ Vinh vẫn cần phải đầu tư nâng cấp |
Một mô hình nữa thành phố đang thực hiện là mô hình chợ đang hoạt động chuyển đổi sang mô hình HTX chợ, gồm có các chợ HTX chợ Bến Thủy, HTX chợ Kênh Bắc, HTX chợ Cửa Bắc. Đây là những chợ có số quầy ốt khá lớn, số phí thu được khá lớn. Như tổng mức thu phí, lệ phí của 3 HTX chợ năm 2010 3,1 tỷ đồng, năm 2014 đạt 2,3 tỷ đồng. Nộp ngân sách nhà nước của 3 HTX chợ năm 2014 là 657 triệu đồng, giải quyết việc làm cho 2.398 lao động.
Việc chuyển đổi mô hình từ Ban quản lý chợ sang mô hình HTX quản lý chợ thông qua hình thức chuyển giao trong thời gian qua đã đạt được hiệu quả kinh tế rõ nét, tích cực. HTX chợ đã tạo thêm công ăn việc làm mới cho thành viên HTX, người lao động bằng việc tổ chức hoạt động dịch vụ như trông xe, điện, nước, bảo vệ, bốc vác, vệ sinh. Tuy nhiên, quá trình triển khai thực hiện gặp nhiều khó khăn, lúng túng, chưa có sự đồng thuận cao của cấp ủy, chính quyền cơ sở do chưa nhận thức rõ về việc chuyển đổi mô hình.
Đối với chợ Vinh và chợ Ga Vinh do đặc thù hiện nay vẫn đang do TP quản lý thông qua các Ban quản lý chợ có tư cách pháp nhân.
Để chợ hoạt động hiệu quả
Trước thực trạng đa dạng về hình thức quản lý và đầu tư chợ và tập trung chuyển đổi chợ sang những mô hình quản lý mới, tuy nhiên hiệu quả chưa rõ. Ví như: Chợ do HTX quản lý đầu tư là một trong những giải pháp để củng cố, đổi mới các HTX theo hướng sản xuất kinh doanh đa ngành đa nghề, phát huy nội lực các HTX cũng như giải quyết việc làm cho các thành viên HTX. Tuy nhiên, bộ máy quản lý chợ còn hạn chế về năng lực, trình độ chuyên môn, thiếu nhạy bén trong cơ chế thị trường.
Đánh giá hiệu quả và giải pháp sắp tới, ông Nguyễn Văn Chỉnh – Phó Chủ tịch UBND thành phố cho biết: “ Sau 5 năm triển khai và thực hiện các đề án và kế hoạch, Thành phố đã đạt được một số kết quả bước đầu quan trọng về trách nhiệm, nhận thức tư tưởng; trong quy hoạch, xây dựng và chuyển đổi mô hình đầu tư, quản lý, kinh doanh khai thác chợ, huy động được nguồn lực, đáp ứng nhu cầu kinh doanh cho các hộ tiểu thương, đảm bảo văn minh thương mại, tăng nguồn thu cho ngân sách. Công tác quản lý nhà nước được quan tâm, cơ sở hạ tầng từng bước được đầu tư khang trang, hiện đại hơn. Quy trình chuyển đổi đầu tư, quản lý, kinh doanh, khai thác chợ đảm bảo quyền lợi dân chủ, công khai cho các hộ tiểu thương kinh doanh tại chợ.
Tuy nhiên vẫn còn bộc lộ một số tồn tại. Đó là quá trình thực hiện chuyển đổi mô hình tổ chức, quản lý, kinh doanh, khai thác chợ từ Thành phố đến các phường, xã còn lúng túng, thiếu kinh nghiệm trong chỉ đạo thực hiện. Bởi vậy, để các chợ hoạt động hiệu quả hơn, thời gian sắp tới, phương hướng của thành phố là tiếp tục huy động nguồn lực, nâng cấp, cải tạo cơ sở hạ tầng chợ, đặc biệt là thu hút đầu tư từ các nhà doanh nghiệp, cả thu hút đầu tư nước ngoài để tăng thêm nhiều nhãn hàng, mặt hàng hấp dẫn người mua. Đồng thời chợ được xây dựng do ngân sách nhà nước hỗ trợ theo chính sách, phần còn lại do các thành phần kinh tế đóng góp thì thành lập công ty TNHH, Công ty cổ phần; phần vốn nhà nước chuyển giao theo hình thức đấu giá hoặc lựa chọn mô hình để chuyển đổi, tùy thuộc vào quy mô của chợ”.
Thực tế thấy rằng thành phố Vinh hiện có nhiều chợ, trong đó không ít chợ chưa phát huy được tiềm năng, thế mạnh, còn lãng phí trong công năng sử dụng. Thành phố cần tập trung rà soát quy hoạch mạng lưới chợ trên địa bàn Thành phố để bổ sung hoặc đưa ra khỏi quy hoạch các chợ không phù hợp, dẹp bớt các chợ cóc, chợ vỉa hè. Bên cạnh đó không đầu tư xây dựng mới các chợ. Đối với các chợ do doanh nghiệp đầu tư, mức tiền cho thuê ốt đối với hộ kinh doanh còn cao, ảnh hưởng tới thu nhập của tiểu thương. Một thực tế là dù có chợ nhưng do phí cao, ốt giá cao nên nhiều tiểu thương vẫn ngồi ngoài chợ, ảnh hưởng tới giao thông, trật tự đô thị. Việc quản lý nhà nước sẽ khó khăn hơn khi các thành phần kinh tế khác đầu tư chợ. Thành phố cần thu hút được những nhà đầu tư lớn, vừa có tâm vừa có tầm trong đầu tư khai thác chợ, để một bộ phận không nhỏ người lao động thành phố có điều kiện làm ăn, buôn bán, có chỗ kinh doanh ổn định, lâu dài với giá cả hợp lý tạo môi trường cạnh tranh về giá cả trong và ngoài tỉnh, đặc biệt khi Vinh đang phát triển trở thành trung tâm kinh tế thương mại, tài chính, văn hóa của khu vực Bắc Trung Bộ.
Châu Lan.