Đặc phái viên Zalmay Khalilzad - niềm hy vọng hòa bình của Afghanistan

Diệp Khanh 21/02/2020 08:25

(Baonghean) - Chỉ còn ít ngày nữa, Mỹ và Taliban có thể tiến hành ký kết một bản thỏa thuận hòa bình nếu Taliban thực hiện đúng cam kết là giảm bạo lực trong 7 ngày. Thông tin này đang mang lại bầu không khí đầy lạc quan và hứng khởi cho những ai đã dõi theo cuộc xung đột “hao người, tốn của” kéo dài hơn 18 năm qua tại đất nước Afghanistan. Nhưng chỉ có một người hiểu rõ những điểm mấu chốt nhất trong cuộc đàm phán giữa Mỹ và Taliban, hiểu rõ tính khả thi của những thỏa thuận đang nằm trên giấy, đó là Zalmay Khalilzad - đặc phái viên Mỹ về Afghanistan.

Đặc phái viên… “uống trà”

Suốt hơn một năm qua, trụ sở làm việc thường xuyên nhất của ông Zalmay Khalizad là những câu lạc bộ hạng sang, những khách sạn 5 sao tráng lệ nhất ở Thủ đô Doha của Qatar. Hình ảnh một người đàn ông luống tuổi với mái tóc xám óng mượt, lịch lãm trong bộ vest tối màu, ngồi uống trà dưới khung cửa có mái vòm xa hoa nhìn ra Vịnh Ba Tư - đó là Zalmay Khalilzad. Bên những tách trà tưởng chừng như bất tận đó, Zalmay Khalilzad đang thực hiện một trong những sứ mệnh quan trọng nhất trong sự nghiệp ngoại giao của mình: giảng giải, thuyết phục, thậm chí là vỗ về những nhân vật cấp cao nhất trong các lực lượng tại Afghanistan, để họ có thể ngồi lại với nhau, ký kết những thỏa thuận mang tính bước ngoặt với cuộc chiến đã kéo dài gần hai thập kỷ ở quốc gia Nam Á này.

Ông Zalmay Khalilzad được kỳ vọng sẽ mang lại hòa bình cho Afganistan. Ảnh: Anadolu
Ông Zalmay Khalilzad được kỳ vọng sẽ mang lại hòa bình cho Afganistan. Ảnh: Anadolu

Zalmay Khalilzad được Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo tiến cử với Tổng thống Mỹ Donald Trump để giữ vị trí Đặc phái viên về Afghanistan vào tháng 9/2018. Ngay từ thời điểm đó, nhiều người đã nhận xét rằng hiếm có ai hội tụ đủ tố chất phù hợp hơn Zalmay Khalilzad để đảm nhận cương vị này.

Ở Zalmay Khalizad có sự khôn ngoan và khéo léo của một nhà ngoại giao giàu kinh nghiệm, có sự am hiểu tình hình khu vực, và đặc biệt là khát khao cháy bỏng muốn được mang lại hòa bình cho nơi mà ông sinh ra - đất nước Afghanistan.

Sinh năm 1951 tại Mazar-i-Sharif ở Afghanistan, Zalmay Khalilzad thuộc những thế hệ đầu tiên được sang Mỹ học theo chương trình trao đổi sinh viên và sau đó ở lại Mỹ sinh sống. Sau khi có bằng tiến sĩ của Trường Đại học California, Zalmay Khalilzad vào làm việc tại Bộ Ngoại giao Mỹ vào năm 1984 và chóng vươn lên hàng ngũ những người gốc Hồi giáo cao cấp nhất trong chính quyền. Dưới 4 đời Tổng thống là Ronald Reagan, George Bush cha, George Bush con và giờ đây là Donald Trump, Zalmay Khalilzad đã đảm nhận nhiều vị trí quan trọng, trong đó có Đại sứ tại Afghanistan nhiệm kỳ 2003-2005 và Đại sứ tại Iraq nhiệm kỳ 2005-2007.

Một cuộc đàm phán giữa ông Zalmay Khalilzad với lực lượng Taliban tại Doha, Qatar. Ảnh: Al Jazeera
Một cuộc đàm phán giữa ông Zalmay Khalilzad với lực lượng Taliban tại Doha, Qatar. Ảnh: Al Jazeera

Năm 2017, ông còn được xem xét cho cương vị Ngoại trưởng dưới thời Tổng thống Donald Trump, nhưng sau đó lại được quyết định nắm giữ vị trí Đặc phái viên Mỹ về Afghanistan một năm sau đó. Nhiều người ở Afghanistan đến giờ vẫn nhắc đến vai trò chủ chốt của Zalmay Khalilzad trong việc đưa Hamid Karzai lên vị trí lãnh đạo đất nước sau cuộc tấn công khủng bố 11/9/2001.

Với nguồn gốc xuất thân từ Afghanistan, Zalmay Khalilzad có nhiều bạn bè, những người ủng hộ cũng như những mối quan hệ mật thiết với tầng lớp thượng lưu ở Afghanistan. Ông nói được nhiều ngôn ngữ của những bộ tộc ở Afghanistan, hiểu được mong muốn của những lực lượng đối lập tại đất nước này, kể cả Taliban. Bởi thế, chỉ 1 tháng ngay sau khi đảm đương cương vị Đặc phái viên Mỹ về Afghanistan, Zalmay Khalilzad bắt tay ngay vào nhiệm vụ “uống trà” của mình với những chuyến bay như con thoi qua lại giữa Mỹ và Doha, Qatar.

Ván bài 50 - 50

Sau cuộc đàm phán đầu tiên vào mùa thu năm 2018, đến nay Zalmay Khalilzad đã thuyết phục được các bên chấp nhận lộ trình Taliban đàm phán với Mỹ trước, thống nhất các điều kiện về ngừng bắn và rút quân, trước khi các lực lượng nội bộ của Afghanistan đối thoại để định hình tương lai đất nước. Trước mắt, Taliban cam kết giảm bạo lực trong 7 ngày, mở đường để hai bên ký kết một thỏa thuận hòa bình toàn diện hơn vào cuối tháng 2. Một số nguồn tin cho biết, Zalmay Khalilzad đang rất tự tin và đã xác định được địa điểm cho buổi lễ ký kết sắp tới này.

Thế mạnh của ông Zalmay Khalilzad là mối quan hệ với nhiều nhân vật cấp cao thuộc các lực lượng khác nhau tại Afganistan. Ảnh: Al Jazeera
Thế mạnh của ông Zalmay Khalilzad là mối quan hệ với nhiều nhân vật cấp cao thuộc các lực lượng khác nhau tại Afganistan. Ảnh: Al Jazeera

Tuy nhiên, đó là những gì mà Mỹ và Taliban công bố công khai. Còn với những người am hiểu về các cuộc đàm phán giữa Mỹ và Taliban, mấu chốt quyết định thành công trong sứ mệnh của Zalmay Khalilzad nằm ở những phụ lục bí mật. Phụ lục thứ nhất đề cập đến số lượng binh sĩ Mỹ sẽ ở lại Afghanistan. Về mặt công khai, Taliban khó có thể tuyên bố chính thức về việc cho phép Mỹ để binh sĩ lại Afghanistan, nhưng theo một số nguồn tin, điều khoản bí mật giữa Mỹ và Taliban đang xem xét con số 8.600 binh sĩ sẽ tiếp tục ở lại. Phụ lục thứ hai cam kết không truy xét Taliban bằng các khái niệm như “chủ nghĩa khủng bố” hay “chủ nghĩa bạo lực cực đoan”. Phụ lục thứ ba quy định về cơ chế giám sát việc thực thi thỏa thuận của các bên, song song với các cuộc đàm phán giữa các lực lượng nội bộ của Afghanistan.

Nhưng theo giới phân tích, mọi thỏa thuận giữa Mỹ và Taliban đến thời điểm này vẫn tiềm ẩn nhiều nguy cơ đổ vỡ. Một số nguồn tin cho biết, Tổng thống Afghanistan Ashraf Ghani đã chỉ định các đại biểu tham gia cuộc đàm phán nội bộ để định hình tương lai của đất nước, xác lập vai trò chính thức của Taliban. Tuy vậy, phía Chính phủ Afghanistan vẫn phàn nàn về việc Zalmay Khalilzad đã quá nhượng bộ Taliban khi chấp nhận yêu cầu của lực lượng này rằng đại diện chính phủ sẽ tham gia các cuộc đàm phán nội bộ với tư cách một lực lượng chính trị thông thường giống như các lực lượng khác chứ không phải với vị thế một chính phủ được quốc tế công nhận. Bên cạnh đó, vẫn còn khoảng cách lớn giữa chính phủ Afghanistan và Taliban về tương lai của Afghanistan: trong khi chính phủ mong muốn Afghanistan vẫn duy trì nền dân chủ, thì Taliban không giấu giếm khát vọng xây dựng Afghanistan như một vương quốc Hồi giáo, nơi giới chức tôn giáo có quyền lực lớn hơn.

Các tay súng Taliban. Ảnh: AFP
Các tay súng Taliban. Ảnh: AFP

Bên cạnh đó, khả năng kiểm soát các phe phái của Taliban cũng là một dấu hỏi lớn. Hồi tháng 9 năm ngoái, khi Mỹ và Taliban đang tràn trề hy vọng về khả năng ký kết một thỏa thuận trong cuộc gặp tại Trại David, bang Maryland thì lại xảy ra một vụ đánh bom liều chết ở thủ đô Kabul khiến 12 người thiệt mạng, trong đó có một lính Mỹ. Vụ tấn công khiến Tổng thống Donald Trump vô cùng giận giữ và tuyên bố hủy cuộc gặp bí mật này. Đây là một minh chứng cho thấy sự mong manh trong các thỏa thuận giữa Mỹ và Taliban nếu như lực lượng này không tìm được cách để kiểm soát các phe phái trong việc tiến hành các cuộc tấn công bạo lực.

Chính Zalmay Khalilzad cũng từng nói: “Một bài học mà tôi rút ra được trong suốt quãng thời gian thực hiện các nhiệm vụ ngoại giao của mình, đó là bạn phải hết sức thận trọng khi nói về kết quả của các cuộc đàm phán, nhất là khi nó liên quan đến những cuộc đấu tranh lớn và trường kỳ của các lực lượng đối lập”. Nhưng ở một đất nước như Afghanistan - nơi mà xung đột đã kéo dài cả một thế hệ, dù kết quả tới đây thế nào, Zalmay Khalilzad vẫn có thể tự hào ông đã hoàn thành nhiệm vụ khó khăn mà với nhiều người tiền nhiệm là “bất khả thi”.

Mới nhất

x
Đặc phái viên Zalmay Khalilzad - niềm hy vọng hòa bình của Afghanistan
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO