Đặc sắc CLB văn hóa dân gian Thổ

23/06/2014 21:46

(Baonghean) - Xóm Xiểm ở xã Hạ Sơn (Quỳ Hợp) được biết đến nhờ mô hình CLB văn hóa dân gian đặc sắc. Các hoạt động của câu lạc bộ văn hóa dân gian xóm Xiểm không chỉ bảo tồn, lưu giữ, mà còn góp phần tham gia tích cực vào việc thực hiện nếp sống văn hóa ở khu dân cư…

Cùng đi với chúng tôi về thăm xóm Xiểm, ông Nguyễn Tiến Cảnh – Trưởng phòng Văn hóa huyện cho biết: CLB văn hóa dân gian xóm Xiểm được thành lập trên cơ sở một nhóm các vị cao niên có tâm huyết lưu giữ lại các giá trị truyền thống của đồng bào dân tộc Thổ trên địa bàn, tự nguyện nhóm họp và sinh hoạt với nhau. Họ là cán bộ hưu trí, cựu chiến binh, những người có nhiều năm gắn bó với phong trào hoạt động của địa phương, những người có lòng đam mê biểu diễn các loại hình văn hóa nghệ thuật của người Thổ... Ngày 6/6/2007, câu lạc bộ văn hóa dân gian xóm Xiểm ra đời với 36 thành viên, hoạt động rất phong phú, đa dạng và có tác động tích cực đến việc giáo dục ý thức bảo lưu, bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa của người Thổ.

Qua tìm hiểu, chúng tôi không khỏi cảm thấy bất ngờ và thú vị bởi một câu lạc bộ “cấp xóm”, ở một xã vùng cao, lại được tổ chức rất chặt chẽ, bài bản với các bộ phận, phân ban theo các nội dung hoạt động rất rõ ràng. Ban chủ nhiệm câu lạc bộ gồm có 3 người, do ông Lê Duy Khẩn làm chủ nhiệm. Trong câu lạc bộ có Tổ văn thơ, Ban sưu tầm các làn điệu dân ca dân tộc Thổ; Ban tìm hiểu và lưu giữ phong tục tập quán; Ban sưu tầm những điệu nhạc cồng, trống, kèn; Ban sưu tầm vật dụng đồ cổ; Ban sưu tầm các món ăn, nghệ thuật ẩm thực. Và càng khâm phục hơn với danh mục thống kê các kết quả sưu tầm hiện vật và phi vật thể mà câu lạc bộ đã thực hiện được với số lượng lớn.

Đối với các vật dụng, đồ gia dụng, nông cụ, dụng cụ săn bắn của người Thổ, câu lạc bộ đã sưu tầm được 42 hiện vật, trong đó có những hiện vật quý, có niên đại hàng trăm năm. Qua những lần trình diễn, đã giới thiệu cho người xem biết được tính năng, vị trí của mỗi hiện vật trong các hoạt động lao động, sinh hoạt của đồng bào dân tộc Thổ. Đến nay có 28 loại hiện vật sưu tầm được đem về lưu giữ tại hội quán xóm. Nhiều nông cụ, vật dụng gắn với các loại hình lao động thô sơ, cổ xưa, được các thành viên câu lạc bộ văn hóa dân gian sưu tầm được như: Lưới săn nai, mác đâm nai, lưới săn nhím, nái phát, nái cù cu (dụng cụ dùng để hái lượm lúa nương), trống thang liền bằng gỗ mít, mõ đại... Nhiều trang phục cổ truyền như váy, áo, thắt lưng, khăn... của phụ nữ dân tộc Thổ.

Ông Lê Duy Khẩn cho biết: Các thành viên trong câu lạc bộ luôn có ý thức tìm kiếm, phát hiện và lưu giữ các giá trị văn hóa dân gian cổ truyền hiện vẫn còn tồn tại trong nhân dân. Nhiều giá trị văn hóa cổ truyền nếu không kịp thời bảo lưu sẽ rất dễ bị mai một, nhất là đối với các giá trị phi vật thể. Các thành viên đã tìm gặp các cụ cao tuổi trong xóm để nghe và ghi chép lại các phong tục, tập quán, các chuyện kể, các làn điệu dân ca cổ. Ví như bản thân ông Khẩn đã hàng năm trời “khai thác” trí nhớ của bà Phan Thị Tương, năm nay đã 90 tuổi, về kho tàng chuyện kể của người Thổ. Đến nay ông Khẩn đã kịp ghi chép lại các sự tích như: Chuyện chàng Cả Nai; chuyện nàng tiên khỉ; chuyện thằng Khái... Các chuyện cổ tích như: Chị ả Nang Xờm; Chị ả Nang Dặt; Chàng Pôm Hương...

Câu lạc bộ văn hóa dân gian xóm Xiểm đã sưu tầm được một số bài hát, điệu hát đã từng lưu truyền tại đây như: Điệu Chếu vêu vốt (Ru con ngủ); Điệu Tập tính tập tang (đưa chồng đi tòng quân)... Đó là những lời ca, điệu hát có tính giáo huấn cao, đồng thời thể hiện vẻ đẹp của đời sống tâm hồn, tình cảm gia đình, tình yêu quê hương đất nước của đồng bào dân tộc Thổ. Tại các ngày lễ hội của xóm, của xã, không thể thiếu được các tiết mục biểu diễn các làn điệu dân ca của thành viên câu lạc bộ văn hóa dân gian xóm Xiểm.

Thành viên Ban chủ nhiệm CLB giới thiệu hiện vật sưu tầm.
Thành viên Ban chủ nhiệm CLB giới thiệu hiện vật sưu tầm.

Nói về câu lạc bộ dân gian xóm Xiểm, anh Đinh Văn Thụ - Phó Chủ tịch xã Hạ Sơn ghi nhận: Các hoạt động của câu lạc bộ văn hóa dân gian xóm Xiểm không chỉ bảo tồn, lưu giữ, mà còn góp phần tham gia tích cực vào việc thực hiện nếp sống văn hóa ở khu dân cư. Những hủ tục, tập tục lạc hậu, lỗi thời trong sinh hoạt lễ hội, hiếu, hỉ, gây tốn kém và tác động không tốt đến sức khỏe, vệ sinh môi trường... đều bị hạn chế, đẩy lùi. Bên cạnh đó là gìn giữ, bảo lưu những giá trị văn hóa đậm đà bản sắc….

CLB sinh hoạt tập trung mỗi tháng một lần vào chiều thứ 7 cuối cùng trong tháng. Tại các buổi sinh hoạt này, các tổ, ban trao đổi, cung cấp thông tin về những kết quả sưu tầm được, đồng thời trao đổi, thảo luận các hình thức trình diễn, sử dụng các loại nhạc cụ, khí cụ cổ. Các thành viên không chỉ là những người có tâm huyết, trách nhiệm, mà còn là những người có khả năng sử dụng, biểu diễn các loại nhạc cụ, trình diễn các làn điệu dân ca, kể các câu chuyện cổ. Vì vậy, mỗi buổi sinh hoạt là một dịp để các thành viên được gặp gỡ, trao đổi, cùng chia sẻ những điều tâm đắc về văn hóa dân gian, cung cấp những thông tin thời sự về các hoạt động văn hóa đương đại. Câu lạc bộ đã sáng tạo ra hình thức “xuất bản” các tờ báo tường để lưu giữ, trưng bày, giới thiệu các nội dung hoạt động mà các thành viên sưu tầm hoặc sáng tác dựa trên các chất liệu văn hóa dân gian. Đến nay câu lạc bộ đã thực hiện được trên hai mươi số báo tường.

Nhờ được tổ chức thành các bộ phận, duy trì được lịch sinh hoạt đều đặn, chất lượng, câu lạc bộ văn hóa dân gian xóm Xiểm đã trở thành nơi tập hợp và sinh hoạt, biểu diễn, trình diễn, từ đó câu lạc bộ xây dựng được các tiết mục, chương trình biểu diễn tạo được dấu ấn đậm nét tại các ngày lễ hội lớn của quê hương, đất nước, tại các sự kiện chính trị, văn hóa diễn ra trên địa bàn. Hoạt động của câu lạc bộ thực sự có vai trò, ý nghĩa rất lớn đối với sự tác động đến nhận thức, hành động của người dân trong mọi mặt của đời sống, nhất là tác động đến việc thực hiện một cách có hiệu quả phong trào toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư.

CLB hoạt động chủ yếu dựa vào sự đóng góp tự nguyện của các thành viên nên gặp không ít khó khăn. Đến nay, những truyện cổ, phần lời cổ của các làn điệu dân ca mới chỉ được ghi chép lại bằng chữ viết mộc mạc, những hiện vật sưu tầm được còn để xếp góc, chưa có nơi trưng bày và chưa phân loại, bảo tồn, gìn giữ hiện vật. Rất cần sự vào cuộc, hướng dẫn, giúp đỡ của các cơ quan chuyên môn, hỗ trợ của chính quyền và tổ chức xã hội để hình thành nên một nguồn ngân quỹ nhằm giúp cho câu lạc bộ bảo tồn các sản phẩm văn hóa vật thể và phi vật thể; xây dựng câu lạc bộ văn hóa dân gian xóm Xiểm thành mô hình đặc sắc, là điển hình về hình thức xã hội hóa trong công tác bảo tồn và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc trong thời kỳ hội nhập và phát triển.

Ngô Kiên

Mới nhất
x
Đặc sắc CLB văn hóa dân gian Thổ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO