Đặc sắc những ấn phẩm của học trò Nghệ An

Mỹ Hà 08/01/2024 11:16

(Baonghean.vn) - Đọc trang viết của các em, cảm nhận rõ sự ngây ngô, hồn nhiên nhưng đầy ấm áp, trong trẻo của tuổi học trò. Ở đó, các em được chia sẻ cảm xúc, được nói lên tình cảm của mình với bố mẹ, thầy cô và mái trường.

Làm “sống lại” đam mê

Nhiều năm trước, Nghệ An từng là "cái nôi" của nhiều cây bút trẻ với nhiều nhóm bút nổi tiếng trong cả nước. Tuy nhiên, bẵng đi hơn 10 năm trở lại đây, các sân chơi về văn học cho tuổi học trò vắng dần. Học sinh ngày nay không còn yêu thích và đam mê văn học nhiều như trước nữa.
Để khuyến khích trở lại phong trào viết trong các nhà trường, gần đây, nhiều cuộc thi viết đã được các nhà trường khởi động lại, nhất là trong các dịp như kỷ niệm Ngày Nhà giáo Việt Nam, kỷ niệm Ngày Quốc tế phụ nữ. Mặc dù quy mô các cuộc thi chưa lớn, nhưng đây cũng là kênh để các em được thể hiện năng khiếu và niềm đam mê viết lách.

an-pham-sach-hong-cua-truong-thcs-nghi-an-6897-7193.jpg
Ấn phẩm Sách hồng của Trường THCS Nghi Ân. Ảnh: PV

“Sách hồng” là ấn phẩm vừa được Câu lạc bộ “Sách Hồng” của Trường Trung học cơ sở Nghi Ân (TP.Vinh) phát hành vào cuối tháng 12/2023. Ấn phẩm với chủ đề “Mái trường” dày 38 trang, được câu lạc bộ “thai nghén” trong nhiều tháng với nhiều nội dung, thể loại phong phú và hấp dẫn.

Trong ấn phẩm, các thành viên câu lạc bộ được thể hiện năng khiếu vẽ, sáng tác truyện ngắn, viết cảm xúc, truyện cười và cả những hình ảnh dễ thương, ngộ nghĩnh mà các em ghi lại được ngay tại ngôi trường mà các em đang học.

Bên cạnh đó, có những trang văn, trang thơ để các em học sinh có thể chuyển lời tri ân đến thầy cô và cha mẹ mình. Điều đặc biệt, tham gia vào ấn phẩm, ngoài những anh chị lớp 9, còn có nhiều tác giả nhí đang học lớp 6, lớp 7. Mùa đầu tiên phát hành, dù số lượng in không nhiều, nhưng đã có rất nhiều phụ huynh, học sinh đăng ký mua để ủng hộ và lưu lại những kỷ niệm đẹp tuổi học trò.

cac-an-pham-sach-hong-cua-truong-thcs-nghi-an-trong-ngay-ra-mat-1-955-4886.jpg
Ấn phẩm của Trường THCS Nghi Ân trong ngày ra mắt. Ảnh: PV

Câu lạc bộ “Sách Hồng” của Trường Trung học cơ sở Nghi Ân tiền thân là Câu lạc bộ Văn học của nhà trường. Thành lập đã 2 năm, nhưng câu lạc bộ thực sự hoạt động hiệu quả từ năm học này sau khi “thu gọn” hoạt động và chú trọng chính vào đối tượng học sinh yêu văn học, yêu sách của nhà trường. Với 35 thành viên, mỗi tháng, câu lạc bộ chỉ sinh hoạt 1 lần. Để các thành viên gắn bó với câu lạc bộ, ban chủ nhiệm luôn cố gắng sáng tạo trong mỗi kỳ sinh hoạt và tạo ra nhiều sân chơi để các em thể hiện.

Cô giáo Nguyễn Thị Kim Hương - Chủ nhiệm Câu lạc bộ “Sách Hồng” chia sẻ thêm: “Thực tế, chúng tôi chỉ mất 1 tháng để xây dựng nội dung, tập hợp các bài viết. Đọc bài viết của các em gửi đến, chúng tôi rất vui vì thấy được sự yêu thích của các em với văn học. Bên cạnh đó, có nhiều bài viết mới, lạ, không “giống văn mẫu”, chứng tỏ các em rất nghiêm túc với hoạt động này. Đây cũng là một trải nghiệm lý thú, không chỉ cho trò mà còn với thầy, cô giáo, và hạnh phúc nhất là ấn phẩm của chúng tôi được đón nhận tích cực”.

bna-an-pham-9089.jpg
Những trang viết về mẹ của học sinh Trường THPT Đô Lương 1 được đăng lên fanpage Đoàn trường. Ảnh: MH

Tại Trường Trung học phổ thông Đô Lương 1, vài năm trở lại đây, các cuộc thi viết được Đoàn trường tổ chức thường xuyên, với nhiều chủ đề về thầy cô, về mái trường, về bạo lực học đường và gần đây nhất là cuộc thi viết về mẹ. Các trang viết của các em được chia sẻ lên trang fanpage của nhà trường nhận được sự quan tâm và theo dõi của nhiều giáo viên, học sinh, phụ huynh với bao cảm xúc.

“Mỗi một cuộc thi viết, chúng tôi nhận được hàng trăm tác phẩm và những tác phẩm xuất sắc nhất sẽ được chia sẻ lên các trang chính thức của nhà trường. Qua chấm các bài viết của học sinh, bản thân chúng tôi rất bất ngờ, bởi đây đều là những chia sẻ rất thật của các em về gia đình, về tình bạn, tình thầy cô và về mái trường; nhiều em đã không ngần ngại chia sẻ cả những câu chuyện buồn, những thất bại...

So với nhiều hoạt động khác của Đoàn, tôi cho rằng, việc triển khai các cuộc thi viết có những ý nghĩa riêng. Thứ nhất, là để các em được thể hiện niềm đam mê, năng khiếu. Thứ hai, đây là cơ hội để các em được bộc lộ cảm xúc của mình. Cuộc thi này cũng không tốn kém, nhưng lại thu hút được nhiều học sinh tham gia và tính lan tỏa rộng hơn vì có rất nhiều lượt thích và lượt chia sẻ”.

cô giáo Trần Thị Lam Giang – Bí thư Đoàn trường Trung học phổ thông Đô Lương 1 cho biết

Ngoài thành lập các câu lạc bộ, phát động các cuộc thi viết, hiện nay, việc xuất bản các tập san cũng đang được một số nhà trường quan tâm và duy trì thường xuyên. Trong đó, phải kể đến ấn phẩm “Suối ngàn” của Trường Phổ thông Dân tộc nội trú Trung học phổ thông số 2, ấn phẩm CP The News - Nội san Trường Trung học phổ thông chuyên Phan Bội Châu...

Việc ra mắt các ấn phẩm cũng là cách để “tôn vinh” các trang viết của học trò và thêm một lần nữa làm sống lại phong trào viết văn, yêu văn học của học trò xứ Nghệ.

Lắng đọng một trang viết

“Tôi cho rằng, Mẹ là người phụ nữ thích nói nhiều, đến nỗi tôi bực mình rồi đáp lại bằng lời khó nghe. Để rồi Mẹ lẳng lặng quay đi như người có lỗi. Tôi cho rằng, Mẹ sẽ luôn là người phải chịu đựng mỗi lần tôi cáu gắt, để rồi thi thoảng tôi vẫn hằn giọng to tiếng với Mẹ. Chỉ để thoả mãn cơn tức giận ấy.

Tôi cho rằng, khoảng cách thế hệ giữa tôi và Mẹ quá lớn. Mẹ không rành công nghệ nên luôn hỏi tôi cách sử dụng nó. Tôi nói mãi mà Mẹ vẫn không hiểu, thế là tôi khó chịu và bỏ vào phòng. Nhưng tôi quên mất, Mẹ đã rất kiên nhẫn để chỉ tôi cách bước đi, chỉ tôi cách cầm đũa…”.

Trích "Người thầy vĩ đại" - Nguyễn Trâm anh - Trường Trung học phổ thông chuyên Phan Bội Châu

Đó là những chia sẻ trong bài viết “Hiểu lầm và tổn thương”, là 1 trong 7 bài viết nằm trong tác phẩm “Người thầy vĩ đại” của em Nguyễn Trâm Anh - Học sinh lớp 11C6, Trường Trung học phổ thông chuyên Phan Bội Châu. Đây cũng là một trong ít tác phẩm ở lứa tuổi học trò được Bộ Giáo dục và Đào tạo trao giải tại cuộc thi viết “Những kỷ niệm sâu sắc về thầy cô và mái trường”. Người thầy của Trâm Anh không ai khác chính là người mẹ của mình, một cô giáo đã có 17 năm công tác tại huyện miền núi Tương Dương.

fotojet-1-4438.jpg
Những câu chuyện về mẹ của học sinh Trâm Anh. Ảnh: MH


Nguyễn Trâm Anh là học sinh của lớp chuyên tiếng Nga. Cô bé chia sẻ rằng, viết lách không phải là thế mạnh của mình, nhưng khi biết đến cuộc thi này, em tự nhủ sẽ tham gia bởi muốn viết về mẹ.

Bài viết của Trâm Anh dài hơn 3.000 chữ với 7 câu chuyện nhỏ, được viết trong 2 ngày, đã để lại cho người đọc nhiều cảm xúc. Câu chuyện của Trâm Anh là câu chuyện của một nữ sinh 17 tuổi với nhiều ẩm ương, bướng bỉnh của tuổi dậy thì. Trong quá trình trưởng thành, mẹ của em là người thầy đặc biệt, dạy cho em nhiều bài học ý nghĩa, đó là bài “bảo vệ bản thân”, dạy em thành “người tử tế”, “sách và đàn”... Giữa hai mẹ con đã từng có những “hiểu lầm và tổn thương”, nhưng sau tất cả em đã nhận thức: “…Với thân hình nhỏ ấy, làm sao mẹ có thể chống chọi với sóng gió cuộc đời, làm sao có thể che chở cho tôi mà chưa một lần gục ngã. Thì ra mẹ luôn lén lút yếu đuối một mình. Mẹ giấu đi những giọt mồ hôi, nước mắt. Mẹ trở nên mạnh mẽ vô cùng để tôi có thể yên tâm và dựa vào bờ vai gầy ấy...”.

bna-hoc-sinh-3135.jpg
Học sinh Trâm Anh và mẹ tại lễ trao giải Cuộc thi viết Những kỷ niệm sâu sắc về thầy cô và mái trường. Ảnh: PV

Kể thêm về kỷ niệm tham gia cuộc thi, Trâm Anh tâm sự: “Em nghĩ, nếu không có cuộc thi này, em sẽ không có cơ hội để nói lên tình cảm của mình. Mẹ còn là người thầy đầu tiên đã dạy cho em những bài học quý giá, cho em động lực để em cố gắng từng ngày trở thành người có ích cho xã hội”...

Mới nhất

x
Đặc sắc những ấn phẩm của học trò Nghệ An
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO