Đặc sản cam bù chín muộn ở Thanh Chương
(Baonghean.vn) - Thanh Chương là huyện miền núi có nhiều loại cây trái đặc sản. Trong đó cây cam bù nổi tiếng vì có hương vị thơm đặc biệt và chín vào đúng dịp tết. Cũng chính vì thế mà hiện tại cam bù rất được giá, hút khách.
Vườn cam bù của ông Nguyễn Trọng Nhật - xóm 6 xã Thanh Nho Thanh Chương chín đúng vào dịp Tết. Ảnh: Đình Hà |
Áp Tết năm nay, gia đình ông Nguyễn Trọng Nhật ở xóm 6 xã Thanh Nho huyện Thanh Chương rất vui vì con cháu đi làm ăn xa đã trở về. Cùng với không khí đoàn viên đón Tết ông còn thường xuyên được đón khách hàng, thương lái gần xa đến mua cam bù. Tuy không phải làm trang trại nhưng vườn cam bù tại nhà của ông cũng cho thu nhập khoảng 5 tạ.
Ông Nhật chỉ là một trong rất nhiều hộ dân ở xã miền ni Thanh Nho của huyện Thanh Chương còn giữ được giống cam bù bản địa. Ở đây còn có rất hiều hộ trồng cam bù thành công như ông Võ Văn Kỷ, Võ Văn Mậu ở xóm 10, mỗi người có trên 50 gốc đã có quả. Ông Kỷ cho biết trước đây cam bù là đặc sản chính của vùng đất này, sau nhiều biến cải nhất là việc di dân chuyển hộ…cách đây vài chục năm trong vườn nhà ông chỉ còn 1 cây cam bù nhưng nhận thấy các ưu điểm của nó nên ông đã nhân giống cho gia đình và người dân trong vùng.
Khách hàng đến mua cam tại vườn. Ảnh: Đình Hà |
Ngoài xã Thanh Nho và các xã vùng Cát Ngạn của huyện Thanh Chương, cây cam bù cũng là loại cây trồng cho thu nhập khá Tổng đội Thanh Niên xung phong 5 tại xã Thanh Thủy. Hiện tại toàn đơn vị có gần 30 ha chủ yếu là giống cam bù Hương Sơn Hà Tĩnh với đặc điểm nổi bật là quả to hơn cam bù bản địa.
Theo người trồng cam và người tiêu dùng ưu điểm lớn nhất của cam bù là quả chín vào đúng dịp tết, có màu vàng đỏ bắt mắt, dễ bóc vỏ, múi mọng nước dễ tách rời, khi sử dựng không phải dùng dao, nhất là có mùi thơm đặc trưng không trộn lẫn. Vỏ cam bù giống vỏ quả tắt có thể làm gia vị, làm thuốc. Với những ưu điểm như vậy nên cam bù có giá cao và rất dễ bán.
Khách chọn mua cam bù ở chợ. Ảnh: Đình Hà |
Theo chị Hoàng Thị Long đội viên Tổng đội TTNXP 5 người có gần 1 ha cam bù cho biết giá bán sỉ của cam bù là 50.000 đồng/kg, nếu bán lẻ có thể lên đến 60.000 đồng/kg. Ngoài bán ở các chợ trong vùng, chị và nhiều đội viên khác còn dùng ô tô chở cam đi bán tận thành phố Vinh và các huyện khác. Chị Long ước tính thu nhập từ vụ cam bù này có thể đạt trên 200 triệu đồng.
Trong sự phong phú sắc màu của chợ Tết Nguyên đán, quả cam bù ở Thanh Chương vẫn được người dân quê đón nhận và tin tưởng, hầu như có bao nhiêu bán hết bấy nhiêu./.
Trần Đình Hà
TIN LIÊN QUAN |
---|