Đại biểu Đinh Thị Kiều Trinh: Đề nghị làm rõ 'chủ rừng' có đồng thời là 'chủ đất'?

19/06/2017 17:44

(Baonghean.vn) – Góp ý dự thảo Luật bảo vệ và phát triển rừng (sửa đổi), đại biểu Đinh Thị Kiều Trinh (Đoàn ĐBQH Nghệ An) cho rằng cần làm rõ "chủ đất" có phải là "chủ rừng".

Ngày 19/6, thực hiện chương trình kỳ họp thứ 3 Quốc hội khóa XIV

Buổi sáng Quốc hội phê chuẩn đề nghị của Chánh án Tòa án nhân dân tối cao về việc bổ nhiệm 02 Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao. Thảo luận ở hội trường về dự án Luật bảo vệ và phát triển rừng (sửa đổi). Tiếp tục thảo luận ở hội trường về dự án Luật bảo vệ và phát triển rừng (sửa đổi).

Buổi chiều Quốc hội biểu quyết thông qua Nghị quyết về phê chuẩn quyết toán ngân sách nhà nước năm 2015; thông qua Nghị quyết về việc tách nội dung bồi thường, hỗ trợ, tái định cư thành dự án thành phần để triển khai Dự án Cảng hàng không quốc tế Long Thành; thông qua: Luật chuyển giao công nghệ (sửa đổi), Luật thủy lợi, Luật du lịch (sửa đổi).


Dự thảo Luật cần tôn trọng nguyên tắc bảo đảm không gian sinh tồn cho cộng đồng dân cư, cho đồng bào dân tộc thiểu số vốn sống gắn bó với rừng.

Nhà nước cần tạo điều kiện để người dân có rừng để thực hiện các hoạt động văn hóa tâm linh, có rừng để phát triển sản xuất, có thu nhập bảo đảm từ rừng và có thể sống bằng nghề rừng gắn với xóa đói giảm nghèo tại các địa phương, hướng tới mục tiêu bảo vệ phát triển rừng cũng như hài hòa các mối quan hệ xã hội, thể chế quản lý đối với rừng trong thực tiễn, có như vậy mới có thể bảo vệ, phát triển rừng bền vững .

Về thẩm quyền giao rừng, cho thuê, thu hồi, chuyển đổi mục đích sử dụng rừng, bà Kiều Trinh đề nghị bổ sung quy định cụ thể về quy mô, diện tích và từng cấp từ Trung ương đến địa phương. Bên cạnh đó, cần làm rõ: Chủ rừng là các công ty lâm nghiệp, ban quản lý rừng có được cho thuê lại rừng hay không. Đặc biệt, nên cân nhắc kỹ việc giao thẩm quyền này cho cấp huyện vì thực tế vừa qua, nhiều huyện để xảy ra nhiều sai phạm nghiêm trọng trong quản lý, sử dụng, bảo vệ rừng.

Dự thảo luật chưa đề cập đến đất rừng, chưa giải thích rõ thế nào là quản lý, phát triển và sử dụng rừng và chưa đề cập đến quyền, nghĩa vụ đối với cá nhân, tổ chức được giao rừng tự nhiên. Đặc biệt, dự thảo luật quy định “rừng là hệ sinh thái bao gồm quần thể thực vật rừng, động vật rừng... trong đó thành phần chính là cây gỗ, tre, nứa...cao trên 5m đối với thực vật núi đất hoặc trên 2m đối với các hệ thực vật khác...” là chưa bao quát hết vì phần còn lại của rừng sẽ quy định ra sao.

Đề nghị cần làm rõ quy định “chủ rừng” có đồng thời là “chủ đất” hay không? Nên nghiên cứu gắn trách nhiệm nghĩa vụ của các cơ sở chế biến lâm sản đối với việc phát triển rừng.

Đại biểu Đinh Thị Vân Trinh - Chuyên viên Sở Lao động, Thương binh & Xã hội Nghệ An (Đoàn ĐBQH Nghệ An) góp ý dự thảo Luật Bảo vệ rừng (sửa đổi). Ảnh: Huyền Thương
Đại biểu Đinh Thị Kiều Trinh - Chuyên viên Sở Lao động, Thương binh & Xã hội Nghệ An (Đoàn ĐBQH Nghệ An) góp ý dự thảo Luật bảo vệ và phát triển rừng (sửa đổi). Ảnh: Huyền Thương

Đại biểu Đinh Thị Kiều Trinh góp ý cụ thể vào các điều Luật như sau:

Đối với quy định về chủ rừng tại Điều 8: Theo Điểm b Khoản 1 Điều 8 Dự thảo quy định về chủ rừng quy định như sau: “b) Tổ chức kinh tế gồm doanh nghiệp, hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã được thành lập và hoạt động theo quy định của pháp luật Việt Nam;”

Như vậy, theo quy định này thì những “doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài” nhưng được thành lập và hoạt động theo quy định của pháp luật Việt Nam thì cũng được xem là “tổ chức kinh tế”.

Tuy nhiên, Khoản 4 Điều 8 của dự thảo cũng quy định thêm một đối tượng chủ rừng là: “4. Doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài tại Việt Nam”.

Vậy nếu dự thảo quy định như hiện tại thì Điểm b Khoản 1 và Khoản 4 của Điều 8 có sự trùng lặp. Một đồi tượng – doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài tại Việt Nam được quy định hai lần trong cùng một Điều luật.

Bên cạnh đó, tại Khoản 27 Điều 3 Luật Đất đai năm 2013 quy định “Tổ chức kinh tế bao gồm doanh nghiệp, hợp tác xã và tổ chức kinh tế khác theo quy định của pháp luật về dân sự, trừ doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài.”

Luật đất đai hiện hành đã tách đối tượng là Doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài ra khỏi đối tượng Tổ chức kinh tế để điều chỉnh. Vậy nếu dự thảo luật muốn tách để thống nhất với Luật đất đai thì nên sửa đổi Điểm b Khoản 1 Điều 8 dự thảo theo hướng “b) Tổ chức kinh tế gồm doanh nghiệp, hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã được thành lập và hoạt động theo quy định của pháp luật Việt Nam, trừ doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài”.

Về quyền và nghĩa vụ của Ban quản lý rừng đặc dụng:

Tại Điểm d Khoản 1 Điều 36 quy định quyền của Ban quản lý rừng đặc dụng là được cho thuê hay liên kết với các thành phần kinh tế để đầu tư phát triển du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng, giải trí. Tuy nhiên, tại Mục 1 Chương III của dự thảo quy định về Giao rừng, cho thuê rừng, chuyển mục đích sử dụng rừng, thu hồi rừng lại không hề có quy định nào về việc cho thuê rừng đặc dụng mà chỉ có quy định về cho thuê rừng sản xuất tại Điều 22. Để có sự thống nhất giữa các Điều luật kiến nghị dự thảo nên có sự thay đổi bổ sung trong các quy định này.

Về định giá rừng quy định tại Điều 85:

Theo quy định tại Khoản 4 Điều 85 thì: “4. Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn quy định khung giá rừng sản xuất, rừng phòng hộ và rừng đặc dụng thuộc sở hữu toàn dân do Nhà nước làm đại diện chủ sở hữu. Hội đồng nhân dân cấp tỉnh quyết định giá rừng cụ thể trên địa bàn tỉnh.”

Việc quy định khung giá rừng là vấn đề rất quan trọng để đảm bảo tính thống nhất không nên trao thẩm quyền này cho một cá nhân mà nên trao cho cả một tập thể đảm bảo tính dân chủ, thống nhất. Trong trường hợp này, kiến nghị sửa đổi dự thảo Luật theo hướng trao thẩm quyền quy định khung giá rừng cho Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, cơ quan trực tiếp quản lý các vấn đề về rừng chứ không trao thẩm quyền cho Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn như dự thảo hiện nay.

Nhóm PV-CTV

TIN LIÊN QUAN

Đại biểu Đinh Thị Kiều Trinh: Đề nghị làm rõ 'chủ rừng' có đồng thời là 'chủ đất'?
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO