Đại biểu Đoàn lý giải vì sao trí thức trẻ không muốn về nước

12/12/2017 15:47

Không phải trí thức trẻ không yêu nước mà nếu trở về, họ không thể phát huy hết tài năng và thực hiện được ước mơ.

Trong tham luận gửi tới diễn đàn "Thúc đẩy thanh niên sáng tạo, khởi nghiệp đổi mới sáng tạo" thuộc khuôn khổ Đại hội Đoàn toàn quốc lần thứ 11, chị Trần Thị Thu, Phó bí thư tỉnh Đoàn Quảng Trị, chỉ ra những tồn tại trong công tác thu hút nhân tài và thúc đẩy thanh niên tiếp cận cuộc cách mạng công nghiệp 4.0.

dai-bieu-doan-ly-giai-vi-sao-tri-thuc-tre-khong-muon-ve-nuoc

Các đại biểu tham gia Đại hội Đoàn toàn quốc lần thứ XI được chia sẻ đề xuất, kiến nghị với tám bộ trưởng vào chiều 10/12. Ảnh: Dương Tâm

Hiện nay, nhiều trí thức trẻ tài năng ở nước ngoài không muốn về nước, trí thức trẻ trong nước thường chỉ tập trung tại thành phố lớn chứ không muốn về quê làm việc. Theo chị Thu, không phải vì họ không yêu quê hương, đất nước, không có tinh thần cống hiến mà vì nếu trở về, họ không có đủ điều kiện phát huy hết tài năng và thực hiện ước mơ.

Chị Thu nhận định cấp quốc gia và tỉnh thành đều có chính sách trọng dụng nhân tài, nhưng chủ yếu vẫn dừng ở mức tuyển thẳng vào biên chế, hỗ trợ kinh phí, nhà ở. Còn khi đã vào biên chế, mọi chính sách dành cho người được tuyển thẳng cũng đi theo chính sách chung đối với cán bộ công chức.

Muốn thi chuyên viên chính, nhân tài cũng phải có chín năm ngạch chuyên viên. Muốn được bổ nhiệm chức vụ lãnh đạo, quản lý, phải có bằng trung cấp hay cao cấp lý luận chính trị, trong khi cán bộ công chức không được chủ động đi học lấy bằng cấp này mà phải được cơ quan cử đi và thường xếp hàng theo thâm niên.

"Vậy thử hỏi chính sách đó có thực sự hấp dẫn được trí thức trẻ không?", chị Thu đặt câu hỏi và cho rằng để thu hút trí thức trẻ vào cơ quan nhà nước, cần mở rộng chính sách, không chỉ ưu đãi đầu vào mà quan trọng là ưu đãi trong đào tạo, sử dụng trong quá trình làm việc.

Chị Thu cũng đề xuất không chỉ thu hút nhân tài vào các cơ quan nhà nước mà còn cần nhiều hơn những chính sách như hỗ trợ vốn đầu tư, cơ chế chính sách về thuế, đất đai... để trí thức trẻ khởi nghiệp đổi mới sáng tạo, phát triển doanh nghiệp ngay trên quê hương mình.

Nâng cao chất lượng giáo dục về kinh doanh, công nghệ và tin học phổ thông

Chị Thu khẳng định giáo dục công nghệ, tin học và kinh doanh bậc phổ thông có vai trò nền tảng quan trọng thúc đẩy hoạt động nghiên cứu khoa học, công nghệ và khởi nghiệp đổi mới sáng tạo trong thanh niên. Tuy nhiên, việc giảng dạy nội dung này trong trường phổ thông còn nhiều bất cập.

dai-bieu-doan-ly-giai-vi-sao-tri-thuc-tre-khong-muon-ve-nuoc-1

Chị Trần Thị Thu, Phó bí thư tỉnh đoàn Quảng Trị. Ảnh: Nghệ An

Theo Báo cáo Chỉ số kinh doanh toàn cầu của Global Entrepreneurship Monitor - GEM năm 2015-2016, trong 12 chỉ số về điều kiện kinh doanh, bốn chỉ số xếp hạng thấp nhất của Việt Nam là giáo dục kinh doanh sau phổ thông (47/62), giáo dục kinh doanh bậc phổ thông (47/62), chương trình hỗ trợ của Chính phủ (50/62) và tài chính cho kinh doanh (50/62).

Phó bí thư tỉnh đoàn Quảng Trị cho rằng giáo dục kinh doanh bậc phổ thông hiện nay mới dừng ở mức lồng ghép với môn công nghệ hoặc giáo dục công dân. Số tiết ít, giáo viên kiêm nhiệm hoàn toàn không có chuyên môn về kinh tế nên chất lượng, hiệu quả thấp.

Đối với nội dung công nghệ và tin học, sách giáo khoa hai môn này chậm được cập nhật và tính ứng dụng chưa cao, tài liệu tham khảo cho giáo viên và học sinh, công tác tập huấn cho giáo viên còn nhiều hạn chế.

Từ thực tế trên, chị Thu nhận định muốn thanh niên tiếp cận nhanh với cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, nội dung giáo dục về kinh doanh, công nghệ và tin học bậc phổ thông cần được đổi mới theo hướng nâng cao vị trí, vai trò.

Chị Thu đề xuất tăng thời lượng học nội dung này trong chương trình phổ thông; đào tạo giáo viên có chuyên ngành về kinh tế đối với nội dung giáo dục kinh doanh; xây dựng cơ sở dữ liệu trực tuyến toàn quốc hỗ trợ dạy và học, trong đó những thành tựu khoa học công nghệ và khởi nghiệp đổi mới sáng tạo phải được cập nhật kịp thời; đưa nội dung giảng dạy về lập trình căn bản vào chương trình từ bậc tiểu học (điều này đã được áp dụng ở Estonia hay Anh)...

Đại hội đại biểu Đoàn toàn quốc lần thứ 11 diễn ra từ ngày 10 đến 13/12 tại Hà Nội. Trong sáu phiên làm việc, 1.000 đại biểu sẽ đánh giá công tác Đoàn và phong trào thanh thiếu nhi nhiệm kỳ vừa qua, xác định mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp cho nhiệm kỳ 2017-2022; sửa đổi, bổ sung Điều lệ Đoàn; bầu Ban chấp hành Trung ương Đoàn khóa 11.

Theo VNE

TIN LIÊN QUAN

Mới nhất
x
Đại biểu Đoàn lý giải vì sao trí thức trẻ không muốn về nước
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO