Đại biểu HĐND tỉnh phản ánh hệ lụy lao động miền núi thiếu việc làm

Thanh Lê 05/07/2023 17:34

(Baonghean.vn) - Đại biểu HĐND tỉnh băn khoăn, quan tâm đó là tình trạng lao động nông thôn miền núi thiếu việc làm dẫn đến nhiều hệ lụy.

Chiều 5/7, dưới sự chủ trì của đồng chí Kha Văn Tám - Ủy viên Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh, Chủ tịch Liên đoàn Lao động tỉnh, các đại biểu HĐND tỉnh bầu cử ở Tổ 4 gồm các đơn vị: Anh Sơn, Quỳ Hợp, Quỳ Châu, Quế Phong, Con Cuông, Tương Dương, Kỳ Sơn tiến hành phiên thảo luận tổ.

Dự phiên thảo luận có các đồng chí: Nguyễn Văn Thông - Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy; Hoàng Nghĩa Hiếu - Phó Bí thư Tỉnh ủy; Phạm Trọng Hoàng - Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Tỉnh ủy; Lê Hồng Vinh - Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh; Nguyễn Như Khôi - Ủy viên Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh, Phó Chủ tịch HĐND tỉnh.

Tham dự còn có đại diện các sở, ban, ngành cấp tỉnh; lãnh đạo các địa phương Anh Sơn, Quỳ Hợp, Quỳ Châu, Quế Phong, Con Cuông, Tương Dương, Kỳ Sơn.

bna_toan canh. anh thanh le.jpg
Quang cảnh phiên thảo luận Tổ 4. Ảnh: TL

Lao động miền núi thiếu việc làm

Tại phiên thảo luận, ý kiến của các đại biểu đánh giá cao nỗ lực của Tỉnh ủy, HĐND, MTTQ tỉnh và sự lãnh đạo, điều hành của UBND tỉnh và có nhiều đổi mới, quyết liệt, năng động, trách nhiệm và nhất là sự sâu sát, bám sát cơ sở của các lãnh đạo tỉnh, các sở, ngành cấp tỉnh để trực tiếp tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc, nút thắt cho các địa phương.

bna_ ahai. anh thanh le.jpg
Đại biểu Nguyễn Văn Hải - Bí thư Huyện ủy Tương Dương phản ánh tình trạng lao động miền núi thiếu việc làm. Ảnh: TL

Đối với các huyện miền núi trong đó có huyện Tương Dương, cử tri đồng bào các dân tộc vui mừng, phấn khởi và ghi nhận nhất là: Về xây dựng nhà ở cho hộ nghèo và người có hoàn cảnh khó khăn về nhà ở đạt được kết quả cao, đã khơi dậy tinh thần tương thân, tương ái, tăng cường mối đoàn kết toàn dân.

Việc đẩy mạnh công tác phòng, chống tội phạm ma túy, nhất là đẩy mạnh xây dựng xã sạch về ma túy đã mang lại cuộc sống thiết thực cho người dân; công tác an sinh xã hội được đẩy mạnh...

bna_ a minh. anh thanh le.jpg
Đại biểu Vương Quang Minh bày tỏ băn khoăn về vướng mắc thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Ảnh: TL

Bên cạnh đó, một số vấn đề mà được cử tri băn khoăn, quan tâm đó là tình trạng lao động nông thôn thiếu việc làm do biến đổi khí hậu, nắng nóng, khô hạn kéo dài; giá cả vật tư, phân bón, giống cây, giống con đầu vào tăng cao, nhưng sản phẩm đầu ra lại bấp bênh, giá cả xuống thấp, khó tiêu thụ; nhất là giá cả sản phẩm chăn nuôi, dẫn đến lao động nông thôn không mặn mà, tâm huyết trong sản xuất nông nghiệp, phải đi tìm việc làm khác hoặc đi làm ăn xa, dẫn đến ruộng đồng bỏ hoang nhiều.

Trong khi đó, dư địa nông nghiệp của tỉnh còn lớn, lao động trong độ tuổi vắng mặt tại địa phương nhiều, làm ảnh hưởng, khó khăn đến một số vấn đề: huy động 4 tại chỗ tại địa phương; học sinh thiếu sự chăm sóc của cha mẹ.

bna_ a trung. anh thanh le.jpg
Đại biểu Cao Tiến Trung - Phó Trưởng Ban Kinh tế - Ngân sách HĐND tỉnh yêu cầu làm rõ nguyên nhân tình trạng chậm quyết toán các dự án đầu tư công. Ảnh: TL

Cùng chung quan điểm, đại biểu Vương Quang Minh - Bí thư Huyện ủy Quỳ Châu phản ánh thực trạng do việc làm khó khăn cho lao động nông thôn nảy sinh nhiều hệ lụy, đó là tình trạng ly hôn tăng mạnh, trẻ em không được bố mẹ chăm sóc, tạo gánh nặng hệ lụy cho xã hội.

Liên quan đến việc thực hiện Chỉ thị 21 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về vận động, hỗ trợ xây dựng nhà cho người nghèo, người có khó khăn về nhà ở trên địa bàn tỉnh, các đại biểu cho rằng đây là chủ trương được người dân đón nhận, tuy nhiên quá trình triển khai đối với các huyện 30a gặp khó khăn, vướng mắc liên quan đến việc triển khai các chương trình mục tiêu quốc gia đối với vùng đồng bào dân tộc thiểu số.

bna_db1. anh thanh le.jpg
Các đại biểu tham dự phiên thảo luận. Ảnh: TL

Theo đó, việc hỗ trợ nhà ở theo Chỉ thị 21, mỗi căn nhà được hỗ trợ 50 triệu đồng còn chương trình mục tiêu quốc gia là 40 triệu đồng. Huyện thực hiện lồng ghép hai nguồn này lại nhưng vướng mắc về thủ tục hồ sơ. Đề nghị tỉnh hướng dẫn sớm cho việc lồng ghép các chương trình để người dân được thụ hưởng chính sách.

Chậm giải ngân vốn đầu tư công

Một trong những nội dung được các đại biểu tập trung thảo luận đó công tác giải ngân vốn đầu tư công và các chương trình mục tiêu quốc gia.

Băn khoăn về công tác giải ngân vốn đầu tư công và các chương trình mục tiêu quốc gia, đại biểu Nguyễn Văn Hải - Bí thư Huyện ủy Tương Dương cho rằng, mặc dù đã được UBND tỉnh, các sở, ngành cấp tỉnh thường xuyên quan tâm, chỉ đạo, đôn đốc, kết quả 6 tháng đầu năm có chuyển biến tích cực, nhưng đến thời điểm này mới giải ngân đạt 22%, khối lượng 6 tháng cuối năm là hết sức nặng nề, do đã đến mùa mưa lũ, thời gian còn ít, vật tư, vật liệu... khó đạt được kế hoạch.

bna_akhanh. anh thanh le.jpg
Đồng chí Lương Văn Khánh - Phó Ban Dân tộc tỉnh làm rõ nguyên nhân chậm giải ngân các chương trình mục tiêu quốc gia vùng đồng bào dân tộc miền núi. Ảnh: TL

“Các chương trình mục tiêu quốc gia là nguồn lực và động lực để phát triển kinh tế - xã hội ở các huyện miền núi và nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho đồng bào các dân tộc. Do vậy, ngoài khó khăn chung của cả nước, tỉnh Nghệ An nên cần phải xác định rõ nguyên nhân, trách nhiệm của các cấp, ngành, các chủ đầu tư và đề ra những giải pháp căn cơ, đồng bộ, thống nhất, nhất là vấn đề cải cách hành chính và công tác cán bộ để đẩy nhanh tiến độ, không để bị cắt, chuyển vốn” - đại biểu Nguyễn Văn Hải đề xuất.

Đại biểu Moong Văn Tình (Quế Phong) cho rằng, tiến độ thực hiện giải ngân các chương trình mục tiêu quốc gia còn thấp. Đề nghị các cấp, ngành cần đề cao trách nhiệm thực hiện để đồng bào sớm được thụ hưởng các chương trình. Song song tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra phòng ngừa, phát hiện ngăn chặn các sai phạm trong thực hiện.

bna_chi au. anh thanh le.jpg
Đại biểu Trần Thị Âu (đơn vị Anh Sơn) có ý kiến liên quan đến phát triển hạ tầng giao thông trên địa bàn. Ảnh: TL

Lý giải băn khoăn về các chương trình mục tiêu quốc gia có tỷ lệ giải ngân thấp nhất của cả nước, Phó Ban Dân tộc tỉnh Lương Văn Khánh cho biết: Đây là chương trình mới với nhiều nội dung: 10 tiểu dự án, 36 nội dung, với 365 văn bản, tích hợp 118 chính sách để thực hiện.

Theo Phó trưởng Ban Dân tộc tỉnh, nguyên nhân cơ bản nhất là do các văn bản ban hành tổ chức thực hiện từ Chính phủ, bộ, ngành chậm. Từ năm 2021 Chính phủ và các bộ, ngành đã ban hành 51 văn bản. Tuy nhiên, các văn bản này đều có chỉnh sửa bổ sung, sửa đổi. Do đó, cơ sở chưa có hướng dẫn để thực hiện. Ngoài ra, trong công tác phân bổ vốn, Chính phủ thực hiện phân bổ vốn từng năm, không có kế hoạch trung hạn khó khăn cho cơ sở trong xây dựng kế hoạch.

bna_ a nam. anh thanh le.jpg
Đại biểu Xeo Văn Nam (Kỳ Sơn) đề xuất chính sách phát triển vùng đồng bào dân tộc miền núi. Ảnh: TL

Đề xuất các chủ trương, chính sách phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số, đại biểu Xeo Văn Nam - Phó Chủ tịch HĐND huyện Kỳ Sơn đề nghị HĐND tỉnh quy định định mức hỗ trợ đất sản xuất làm cơ sở để địa phương hỗ trợ đất sản xuất và hỗ trợ chuyển đổi nghề cho nhân dân; quy định nội dung, định mức hỗ trợ phát triển sản xuất làm cơ sở hỗ trợ phát triển sản xuất đa dạng hóa sinh kế cộng đồng cho nhân dân. Đề nghị HĐND tỉnh bố trí thêm nguồn vốn sự nghiệp ngân sách Trương ương để huyện thực hiện bảo tồn, phát huy bản sắc văn hóa các dân tộc trên địa bàn và phát triển các điểm tiềm năng du lịch gắn với phát huy, bảo tồn văn hóa truyền thống.

bna_ a viet. anh thanh le.jpg
Giám đốc Sở Tài Nguyên và Môi trường Hoàng Quốc Việt làm rõ những vấn đề đại biểu HĐND tỉnh quan tâm liên quan đến ngành quản lý. Ảnh: TL

Thảo luận tại hội nghị, các đại biểu đã trao đổi các nội dung liên quan đến chính sách hỗ trợ xi măng xây dựng nông thôn mới, đầu tư xây dựng các công trình giao thông vùng miền núi; việc tuyển dụng giáo viên mầm non. Đề nghị tỉnh quan tâm để nâng cấp hệ thống hồ đập đảm bảo nước tưới cho nhân dân sản xuất; hệ lụy thủy điện; giải quyết vướng mắc bàn giao đất lâm trường cho các địa phương; Đề nghị HĐND tỉnh quan tâm, ưu tiên tập trung đầu tư xây dựng dự án dược liệu quý trên địa bàn huyện miền núi.

bna_db2. anh thanh le.jpg
Các đại biểu tham dự phiên thảo luận. Ảnh: TL

Ý kiến các đại biểu phản ánh công tác phát triển giáo dục theo Chương trình phổ thông năm 2018 trên địa bàn các huyện miền núi đang gặp nhiều khó khăn, thiếu thốn về cơ sở vật chất dạy học đạt chuẩn; cơ sở vật chất nội trú, bán trú cho học sinh (để sáp nhập, giảm điểm trường); giáo viên dạy Tin học, Ngoại ngữ... Đề nghị UBND tỉnh có giải pháp để tháo gỡ khó khăn này, nhất là cơ sở vật chất nội trú, bán trú cho học sinh.

Kết luận phiên thảo luận tổ, đồng chí Kha Văn Tám ghi nhận, đánh giá cao các ý kiến tâm huyết, trách nhiệm của các đại biểu; đồng thời các ý kiến sẽ được HĐND tỉnh tổng hợp thông qua tại phiên thảo luận tại hội trường vào sáng ngày mai 6/7.

Đại biểu HĐND tỉnh phản ánh hệ lụy lao động miền núi thiếu việc làm
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO