Đại biểu HĐND tỉnh tổ 7: Cần quyết liệt hơn trong công tác cải cách hành chính
(Baonghean.vn) - Đại biểu HĐND tỉnh các đơn vị bầu cử Diễn Châu, Quỳnh Lưu cho biết, cử tri rất mừng trước việc các chỉ số cải cách hành chính của Nghệ An đều xếp thứ hạng cao, song thực tế công tác cải cách hành chính vẫn cần sự vào cuộc quyết liệt hơn nữa.
Chiều 10/7, các đại biểu HĐND tỉnh thuộc đơn vị bầu cử Diễn Châu và Quỳnh Lưu tiến hành thảo luận tại tổ 7. Ông Nguyễn Như Khôi - Giám đốc Đài PT-TH Nghệ An điều hành phiên thảo luận. Tham dự có bà Cao Thị Hiền - Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch HĐND tỉnh; Đinh Viết Hồng - Phó Chủ tịch UBND tỉnh, đại diện lãnh đạo các sở, ngành cấp tỉnh.
Nông dân bỏ ruộng, ngư dân mong “giãn nợ”
Quang cảnh phiên thảo luận tại tổ 7. Ảnh: Thu Giang |
Phiên thảo luận đã tiếp nhận nhiều ý kiến thảo luận sôi nổi từ các đại biểu HĐND tỉnh, trong đó nổi lên có nhiều ý kiến quan tâm đến cơ chế, chính sách hỗ trợ cho nông dân, ngư dân trong quá trình lao động, sản xuất.
Đại biểu Nguyễn Tử Phương - Chủ tịch Liên đoàn Lao động tỉnh nêu thực trạng, hiện nay ở khu vực nông thôn số ruộng bỏ hoang tương đối nhiều, kể cả diện tích trồng lúa, rau màu, làm muối,... Tuy nhiên, công tác nghiên cứu để có quy hoạch, định hướng, hướng dẫn người dân chuyển đổi cây trồng, vật nuôi để phát huy tài nguyên đất vùng nông thôn diễn ra còn chậm.
“Diện tích ruộng đất bỏ hoang rất nhiều, nhưng báo cáo thì vẫn đều đều rằng diện tích cây trồng, số lượng vật nuôi tăng... Chúng ta cần nắm lại tình hình, chỗ nào trồng được lúa thì khuyến khích người dân tiếp tục trồng, chỗ nào không trồng được thì hướng dẫn họ chuyển đổi sang cây trồng khác,... tức là có hướng dẫn để người dân chuyển đổi, tăng hiệu quả trên diện tích đất hiện có”, ông Phương nói.
Đại biểu Hoàng Lân - Phó ban Văn hóa - Xã hội, HĐND tỉnh trao đổi về thực trạng bỏ hoang ruộng đất và kiến nghị giãn nợ cho ngư dân vay vốn đóng tàu theo Nghị định 67. Ảnh: Thu Giang |
Có chung băn khoăn, đại biểu Hoàng Lân - Phó ban Văn hóa - Xã hội, HĐND tỉnh cho rằng, bỏ hoang ruộng đất là vấn đề khó xử lý và trở thành “xu thế” ở nhiều địa phương trên cả nước chứ không riêng Nghệ An. Đại biểu nhận xét, thời gian qua nhiều xã, huyện cũng hỗ trợ giống, phân... nhưng chưa giải quyết được vấn đề; đồng thời nhấn mạnh muốn bền vững thì phải giúp người dân thu được hiệu quả. Từ đó, đại biểu đơn vị bầu cử Diễn Châu này kiến nghị tỉnh và Trung ương đầu tư nguồn lực, kêu gọi các nhà khoa học nghiên cứu, xây dựng đề án tổng thể để giải quyết bài toán khó này cho người dân.
Từ các cuộc tiếp xúc cử tri, đại biểu Lân cũng nêu thực trạng, các cử tri ven biển phản ánh việc đánh bắt xa bờ gặp nhiều khó khăn, thậm chí ngư dân các xã Diễn Ngọc, Diễn Bích (Diễn Châu) có những chuyến đi biển thua lỗ 30-50 triệu đồng, trong khi các hộ đang vay ngân hàng 1 -1,5 tỷ đồng theo Nghị định 67, nên gặp nhiều khó khăn trong nguồn trả nợ.
“Cử tri kiến nghị tỉnh nghiên cứu có chính sách đặc biệt cho giãn nợ vay ngân hàng trong thời điểm ngư dân hiện nay đánh bắt khó khăn”, đại biểu Lân cho biết.
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đinh Viết Hồng phát biểu làm rõ các nội dung được các đại biểu quan tâm tại phiên thảo luận tổ. Ảnh: Hà Giang |
Trao đổi về vấn đề bỏ hoang ruộng đất, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đinh Viết Hồng thừa nhận thực tế này, song khẳng định vấn đề chủ yếu xuất hiện trong vụ hè thu: “Nông dân chủ yếu bỏ vụ hè thu, còn vụ đông xuân thuận lợi nhất, chiếm 60-70% sản lượng lúa nên bà con ít khi bỏ”. Cũng theo ông Hồng, bỏ ruộng do tính hiệu quả của mảnh đất, tình trạng diễn ra chủ yếu ở những vùng trũng, trời mưa dễ ngập lụt, hoặc ở vùng cao, khi hạn hán nước không đến và còn tùy vào từng hộ dân, vì “hộ siêng năng, cần cù không bỏ ruộng, dù tính hiệu quả thấp họ vẫn làm”.
Phó Chủ tịch UBND tỉnh phụ trách lĩnh vực nông nghiệp cho biết thêm, bỏ ruộng không song hành với nghèo đói, công tác giảm nghèo hàng năm vẫn đạt kết quả tốt, nhiều người dân từ bỏ làm nông nghiệp để chuyển sang làm những công việc khác có nguồn thu nhập ổn định, cao hơn.
Trong khi đó, về kiến nghị giãn nợ cho ngư dân vay vốn ngân hàng theo Nghị định 67 của Chính phủ, đại diện lãnh đạo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho biết, trong quá trình lên kế hoạch vay vốn, một số hộ dân đã chủ động xin rút ngắn thời hạn vay so với kế hoạch, chính vì thế ngành đang đề xuất với các ngân hàng chấp thuận cho bà con giãn nợ, và khả năng cao sẽ được chấp thuận.
Cử tri muốn cải cách hành chính diễn ra quyết liệt hơn
Một khía cạnh khác thu hút nhiều ý kiến từ các đại biểu là công tác cải cách hành chính, trong bối cảnh năm 2019 được Nghệ An xác định là Năm Cải cách hành chính. Phát biểu tại phiên thảo luận, đại biểu Nguyễn Lương Hồng - Chủ tịch Hội Chữ thập đỏ tỉnh cho biết, đây là lĩnh vực mà cử tri có ý kiến khá nhiều tại các hội nghị tiếp xúc với đại biểu HĐND tỉnh, đặc biệt là trong các thủ tục thuộc lĩnh vực đất đai còn phức tạp, thái độ của cán bộ khi hướng dẫn người dân còn gây phiền hà, dân phải đi lại nhiều... Từ đó, đại biểu Hồng cho rằng, cần quyết liệt hơn nữa trong công tác cải cách hành chính, đem lại thuận tiện cho người dân, doanh nghiệp.
Chủ tịch Liên đoàn Lao động tỉnh Nguyễn Tử Phương - đại biểu đơn vị bầu cử huyện Quỳnh Lưu đề nghị cần có giải pháp cải cách hành chính quyết liệt hơn trong 6 tháng cuối năm. Ảnh: Thu Giang |
Đồng tình với quan điểm này, đại biểu Nguyễn Tử Phương phát biểu: “Mới hết 6 tháng đầu năm 2019 nên nếu kết luận cải cách hành chính chưa tốt thì không đúng, nhưng chúng tôi kiến nghị tỉnh phải làm thế nào để 6 tháng cuối năm đẩy mạnh hơn nữa công tác này”.
Trả lời ý kiến của các đại biểu, ông Trần Quốc Chung - Phó Giám đốc Sở Nội vụ thừa nhận thực tế, thủ tục hành chính của một số ngành, đơn vị như Tài nguyên và Môi trường còn phức tạp, người dân còn phải đi lại nhiều lần để thực hiện các thủ tục hành chính, thái độ cán bộ, công chức làm việc với dân có lúc, có nơi còn chưa tốt...Kiểm tra kỷ luật, kỷ cương hành chính tại Anh Sơn. Ảnh tư liệu: Thanh Lê |
“Từ đầu năm đến nay, chúng tôi đã tổ chức đoàn kiểm tra được 7 sở, 15 huyện, thành, thị, phát hiện vẫn còn có hiện tượng cán bộ, công chức đi làm không đúng giờ, tinh thần, thái độ còn chểnh mảng, người dân ca thán đi lại nhiều lần, có nơi, có lúc gây khó dễ cho dân. Có thể khẳng định 2 vấn đề: Một là, trình độ và kỹ năng của cán bộ làm việc với dân chưa tốt. Hai là tham nhũng vặt đâu đó vẫn còn, nhưng bắt được tận tay thì rất khó”, ông Chung nói, cho biết thêm rằng Sở Nội vụ đã nhiều lần nhắc nhở, đề nghị các địa phương, sở, ngành tăng cường và kiểm tra, xử lý.
Về trách nhiệm của người đứng đầu, Sở Nội vụ đã có công văn chấn chỉnh, yêu cầu xác định trách nhiệm “tư lệnh” ngành, địa phương khi để xảy ra sai phạm, song thực tế chưa xử lý được trường hợp nào. Đây là việc được sở này xác định cần phải tiếp tục làm quyết liệt hơn trong thời gian tới.
Qua tổng hợp, 13 lượt ý kiến phát biểu tại tổ 7 bên cạnh các nội dung trên còn đề cập đến vấn đề sáp nhập xã, xóm; xây dựng nông thôn mới, xử lý rác thải, nợ đọng thuế... Những ý kiến này sẽ được tổng hợp đầy đủ, trình kỳ họp HĐND tỉnh tại phiên họp ngày mai (11/7).