Đại biểu Hoàng Minh Hiếu chỉ ra sự lãng phí khi có nhiều ứng dụng, phần mềm về hành chính, dịch vụ công
(Baonghean.vn) - Sáng 31/10, tại Hội trường Diên Hồng, Nhà Quốc hội, dưới sự điều hành phiên họp của Thượng tướng Trần Quang Phương - Phó Chủ tịch Quốc hội, Quốc hội thảo luận ở hội trường về việc thực hiện chính sách, pháp luật về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí giai đoạn 2016-2021.
Phát biểu thảo luận nội dung này, ông Hoàng Minh Hiếu - Ủy viên Thường trực Ủy ban Pháp luật của Quốc hội, đại biểu Đoàn Nghệ An nhận định, ứng dụng công nghệ thông tin được xem là một trong những giải pháp để thực hiện tiết kiệm, chống lãng phí.
Toàn cảnh thảo luận ở hội trường về việc thực hiện chính sách, pháp luật về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí giai đoạn 2016-2021. Ảnh: Quochoi.vn |
Thực tế, trong thời gian vừa qua, việc ứng dụng công nghệ thông tin ở nước ta đã đạt được nhiều kết quả rất đáng ghi nhận, đặc biệt là trong nhận thức. Có lẽ chưa bao giờ chuyển đổi số được đề cập nhiều trên các phương tiện thông tin đại chúng như hiện nay.
Vị đại biểu Đoàn Nghệ An nhất trí với đánh giá tại Báo cáo của đoàn giám sát đã nêu là việc quản lý, sử dụng, đầu tư mua sắm ứng dụng, phần mềm công nghệ thông tin còn những tồn tại, thất thoát, lãng phí.
Theo ông, có 4 nguyên nhân. Trước hết là sự trùng lặp trong việc xây dựng các ứng dụng công nghệ thông tin. Hiện nay, tình trạng một nội dung, “một bài toán” nhưng có nhiều ứng dụng khác nhau là đang khá phổ biến.
Điển hình như trong giai đoạn phòng, chống dịch Covid-19, có thời điểm trong máy điện thoại của người dân có đến mấy ứng dụng liền về khai báo y tế. Có thể việc xây dựng các ứng dụng này không sử dụng ngân sách Nhà nước, nhưng đó cũng là nguồn lực của xã hội; chưa tính đến việc còn gây lúng túng, tốn kém thời gian cho người dân trong quá trình sử dụng.
Hoặc như trong cơ quan Nhà nước, mặc dù tính chất công việc, quy trình giải quyết công việc văn phòng gần tương tự nhau, nhưng mỗi cơ quan Nhà nước sử dụng những nền tảng giải quyết công việc khác nhau; thậm chí là trong cùng một cơ quan thì mỗi vụ, cục, đơn vị cũng sử dụng các nền tảng khác nhau. Việc này gây tốn kém cả trong quá trình xây dựng cũng như trong việc kết nối dữ liệu.
Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính, Ngân sách của Quốc hội, Phó trưởng Đoàn Giám sát của Quốc hội Nguyễn Phú Cường trình bày Báo cáo của đoàn giám sát việc thực hiện chính sách, pháp luật về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí giai đoạn 2016-2021. Ảnh: Quochoi.vn |
Cùng với đó, về hiệu quả trong việc sử dụng các ứng dụng công nghệ thông tin. Hiện nay, một số dịch vụ công trực tuyến còn yêu cầu người dân, doanh nghiệp phải kê khai, cung cấp thông tin nhiều lần. Nhiều người dân cho rằng, việc thao tác, nộp hồ sơ trực tuyến không thực sự thuận tiện và thông suốt, còn tình trạng phải nhờ công chức hướng dẫn trực tiếp thì mới thực hiện được việc khai báo hồ sơ.
Đối với đội ngũ công chức, tình trạng cũng diễn ra tương tự. Có những trường hợp công chức phải xử lý nghiệp vụ trên nhiều phần mềm làm tăng thêm việc, tăng thêm thời gian xử lý. Dữ liệu điện tử vẫn chưa thay thế hoàn toàn được giấy tờ, gây thêm gánh nặng cho các cơ quan, tổ chức khi phải thực hiện các hoạt động điện tử và thủ công song song.
Ông Hoàng Minh Hiếu - Ủy viên Thường trực Ủy ban Pháp luật của Quốc hội, đại biểu Đoàn Nghệ An phát biểu thảo luận. Ảnh: Quang Khánh |
Việc đầu tư, theo đại biểu Hoàng Minh Hiếu cũng không đồng bộ, cũng gây ra tình trạng lãng phí trong ứng dụng công nghệ thông tin. Có tình trạng các ứng dụng công nghệ thông tin được xây dựng phụ thuộc vào nguồn lực các dự án, không tính đến phương án tổ chức vận hành, nên sau khi dự án kết thúc thì các ứng dụng này cũng không được sử dụng, không được cập nhật thông tin thường xuyên. Sau đó một thời gian ngắn thì được nâng cấp hoặc xây dựng một ứng dụng mới tương tự.
Việc xây dựng các cơ sở dữ liệu cũng còn thiếu tầm nhìn và thiếu quy hoạch. Theo thống kê gần đây thì mới có khoảng 1/3 số bộ, ngành, địa phương ban hành danh mục các cơ sở dữ liệu. Vì vậy, dẫn đến tình trạng trùng lặp, thiếu kết nối trong việc tổ chức các cơ sở dữ liệu.
Đáng chú ý là trong thời gian gần đây có xu hướng trong nhiều dự án luật có các quy định về xây dựng các cơ sở dữ liệu để phục vụ việc thực hiện các đạo luật này.
“Chẳng hạn như tại kỳ họp thứ 3, Quốc hội khóa XV vừa rồi, chúng tôi thống kê trong 11 dự án luật được Quốc hội thảo luận, cho ý kiến thì có đến 7 dự án luật đề cập đến việc xây dựng các cơ sở dữ liệu”, ông Hiếu nói. “Tuy nhiên, chưa có các tiêu chí để đánh giá về sự cần thiết xây dựng các cơ sở dữ liệu này, nhất là trong việc đánh giá về sự trùng lặp về chức năng, trùng lặp về dữ liệu với các cơ sở dữ liệu đang tồn tại hoặc đang được xây dựng”, đại biểu Hoàng Minh Hiếu nói.
Đại biểu Đoàn Nghệ An tại phiên thảo luận. Ảnh: Quochoi.vn |
Từ những thực trạng nói trên, vị đại biểu Đoàn Nghệ An kiến nghị trong dự thảo Nghị quyết về kết quả giám sát, cần quy định rõ hơn, cụ thể hơn về việc tăng cường thực hành tiết kiệm, chống lãng phí trong ứng dụng công nghệ thông tin. Điều này là đặc biệt quan trọng trong bối cảnh sắp tới đây nguồn kinh phí đầu tư cho việc ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số dự kiến còn tăng lên.
Cùng với đó, cần có các công cụ để đánh giá về sự cần thiết và tính hiệu quả trong việc xây dựng hoặc nâng cấp các ứng dụng công nghệ thông tin của các cơ quan Nhà nước; đặc biệt là việc xây dựng và cung cấp các dịch vụ công trực tuyến phải lấy tính tiện dụng, tính thuận lợi của người dân làm trọng tâm, tránh gây mất thời gian, công sức của người dân trong việc sử dụng các dịch vụ này.
Đại biểu Đoàn Nghệ An tại phiên thảo luận. Ảnh: Quochoi.vn |
Ông Hoàng Minh Hiếu cũng đề nghị sớm hoàn thành việc xây dựng danh mục tổng thể các cơ sở dữ liệu trong các cơ quan Nhà nước; phân định rõ trách nhiệm của từng ngành, lĩnh vực trong việc việc xây dựng các cơ sở dữ liệu của Nhà nước và tăng cường sự kết nối giữa các cơ sở dữ liệu để tránh trường hợp nhiều cơ quan Nhà nước cùng thu thập, xây dựng cơ sở dữ liệu; từ đó, vừa bảo đảm tính hiệu quả, vừa không gây phiền hà, mất thời gian đối với người dân và doanh nghiệp.
“Cần tiếp tục hoàn thiện thể chế trong việc ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số để tạo ra sự đồng bộ trong việc chuyển đổi từ việc cung cấp các dịch vụ công bằng hình thức trực tiếp với các tài liệu giấy sang hình thức trực tuyến với các tài liệu điện tử. Nếu không có sự đồng bộ này thì việc xử lý song song sẽ là một sự lãng phí rất lớn cả về thời gian và nguồn lực”, vị đại biểu Đoàn Nghệ An phát biểu./.