Đại biểu Hoàng Thu Trang: 'Cử tri quan ngại về chất lượng hậu kiểm tại các dự án có nguy cơ về môi trường'
(Baonghean.vn) - Chiều 15/11, vấn đề khắc phục hậu quả sự cố môi trường biển tại 4 tỉnh miền Trung do Formosa gây ra tiếp tục được các đại biểu Quốc hội (ĐBQH) chất vấn Bộ trưởng Bộ Tài nguyên Môi trường (TNMT) Trần Hồng Hà.
Tại phiên chất vấn, đại biểu Hoàng Thị Thu Trang (đoàn Nghệ An) nhận xét, vừa qua xảy ra nhiều sự cố môi trường xảy ra, đặc biệt là ô nhiễm môi trường sông và môi trường biển. Qua tiếp xúc, cử tri quan ngại về chất lượng giám sát, hậu kiểm tại các dự án có nguy cơ và đây cũng chính là nguyên nhân quan trọng dẫn đến các sự cố môi trường vừa qua. Đại biểu đề nghị Bộ trưởng đưa ra những giải pháp khắc phục trong thời gian tới.
Đại biểu Hoàng Thị Thu Trang |
Đại biểu Nguyễn Ngọc Phương (Quảng Bình) cho biết, cử tri Quảng Bình đánh giá cao giải pháp của Quốc hội, Chính phủ về khắc phục hậu quả do Formosa gây ra. Tuy nhiên, ông Phương đề nghị Bộ trưởng cho biết: "Những cơ sở nào đảm bảo tính vững chắc trong việc Formosa sẽ không gây ô nhiễm môi trường biển nữa để tạo niềm tin cho ngư dân thời gian tới"?
Đại biểu này cũng đặt câu hỏi với Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) về việc đền bù mới đến 7 đối tượng và chỉ trong 6 tháng, có nhiều điểm chưa hợp lý, để sót một số đối tượng trong lĩnh vực du lịch, kinh doanh buôn bán hải sản, chủ cở sở và người làm thuê trong thu mua chế biến, kinh doanh hải sản không thuộc các xã ven biển gây thắc mắc, khiếu kiện, gây ra sức ép với cán bộ thôn, xã. Đại biểu đề nghị Bộ trưởng Bộ NN&PTNT đưa ra phương án giải quyết vấn đề tồn đọng này trong thời gian tới.
Trả lời câu hỏi của đại biểu, Bộ trưởng Trần Hồng Hà cho biết, việc khắc phục sự cố là vấn đề mà Bộ Chính trị, các bộ ngành liên quan và địa phương đặc biệt quan tâm, dồn sức giải quyết sự cố và quan tâm tới đời sống của người dân trước mắt cũng như lâu dài.
Bộ trưởng TN&MT Trần Hồng Hà đăng đàn trả lời chất vấn |
Người đứng đầu Bộ TNMT cho biết, "trong vấn đề này Bộ TNMT chịu trách nhiệm". Theo đó, sau khi chỉ ra được vi phạm của Formosa, Bộ TNMT đã thành lập các tổ công tác, có sự tham gia của các nhà khoa học có uy tín để cùng xem xét, đánh giá và yêu cầu doanh nghiệp có ngay biện pháp xử lý cụ thể.
Bô trưởng Trần Hồng Hà khẳng định, tổ công tác của Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam cùng Bộ Tài nguyên và Môi trường đã tổ chức giám sát 24/24h về nước thải, khí thải, chất thải rắn và nguy hại của nhà máy này.
"Đối với các biện pháp xử lý chất thải đều đặt ra yêu cầu và quy định, áp dụng tiêu chuẩn cao nhất của quốc tế. Công nghệ xử lý với nước thải phát sinh từ nhà máy điện, luyện cốc, các khu vực khác như cảng của Formosa đều được xem xét và đều có quy trình xử lý cụ thể kèm theo; có biện pháp phòng ngừa xảy ra sự cố; quan trắc đầy đủ các thông số và truyền thẳng về Sở TNMT Hà Tĩnh và Bộ TNMT", ông Hà cho hay.
Đối với một số tồn tại công nghệ phải tới năm 2018 Formosa mới hoàn thành, Bộ trưởng Hà khẳng định đều đã có tính toán, giám sát chặt chẽ, áp dụng các quy chuẩn hiện đại, như của Hàn Quốc với nguồn thải cuối cùng.
"Có thể nói các quy trình, yêu cầu công nghề xử lý họ đã tích cực thực hiện, đảm bảo xây dựng lên một nhà máy an toàn, duy trì lâu dài không xảy ra sự cố để phát triển bền vững ở địa phương. Để kiểm soát tốt hơn, Bộ TNMT đang thực hiện việc thiết kế một hệ thống giám sát toàn diện môi trường biển với 4 địa phương này, giám sát tự động tất cả các thông số, kiểm soát toàn bộ nguồn thải của Formosa từ khí thải tới nước thải", lãnh đạo Bộ TNMT báo cáo với các đại biểu Quốc hội.
Toàn cảnh phiên chất vấn |
Trong việc kiểm soát chất thải rắn và bùn thải nguy hại, Bộ TNMT đã yêu cầu trong thời gian chưa ký hợp đồng với doanh nghiệp đủ năng lực thì phải được lưu giữ theo quy định. Bộ đã phối hợp với tỉnh Hà Tĩnh thúc đẩy các doanh nghiệp đẩy nhanh tiến độ xây dựng các nhà máy xử lý chất thải nguy hại tại đây. Về phía Formosa cũng đã ký kết với doanh ghiệp lưu giữ chất thải nguy hại, chất thải công nghiệp.
Bên cạnh đó, Bộ TNMT cũng đề nghị Bộ Xây dựng sớm ban hành quy chuẩn về vật liệu xây dựng để một số chất thải xỉ than, xỉ đáy có thể trở thành thương mại, vận chuyển kinh doanh bình thường.
Theo khẳng định của Bộ trưởng Trần Hồng Hà, thời gian qua Formosa đã mời nhiều cơ quan tư vấn nổi tiếng về xử lý môi trường của Pháp, Mỹ để có tham vấn trong vấn đề dài hạn, thay đổi cơ bản công nghệ dập cốc. Quy trình vận hành xử lý rác thải phải đáp ứng các tiêu chuẩn, đảm bảo tất cả các khâu được kiểm tra, kiểm soát chặt chẽ, đảm bảo Formosa thời gian tới không gây ô nhiễm, giảm tối đa các khả năng gây ra sự cố môi trường.
Liên quan đến phương án bồi thường, đền bù cho các đối tượng bị thiệt hại, theo đề nghị của Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân, Bộ TNMT sẽ phối hợp với Bộ NN&PTNT trả lời đại biểu Quốc hội bằng văn bản.
Nhiều vấn đề bức xúc khác như việc lấp sông Đồng Nai, hoạt động giám sát, xả thải tại các làng nghề, khu công nghiệp; xử phạt vi phạm của các đơn vị gây ra ô nhiễm; xử lý ô nhiễm môi trường sông Nhuệ, sông Đáy... cũng được các ĐBQH đặt ra với Bộ trưởng Trần Hồng Hà.
Trong sáng mai (16/11), Bộ trưởng Trần Hồng Hà sẽ có 20 phút để trả lời các chất vấn của ĐBQH nêu ra trong chiều nay nhưng chưa có điều kiện thời gian để trả lời.
Dương Gim