Đại biểu Nguyễn Thanh Hiền: 'Cần bổ sung điều kiện bảo đảm môi trường khi hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa'
(Baonghean.vn) -“Đó là ý kiến trao đổi của đại biểu Nguyễn Thanh Hiền - Phó trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội Nghệ An với nhóm PV,CTV Báo Nghệ An bên lề phiên thảo luận ở hội trường trong khuôn khổ chương trình làm việc kỳ họp thứ 3, Quốc hội khóa XIV xung quanh dự thảo dự án Luật hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa (DNNVV) diễn ra vào chiều nay (23/5).
Ông Nguyễn Thanh Hiền - Phó trưởng Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Nghệ An. Ảnh: Anh Tuấn |
-Ông đánh giá như thế nào về Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự án Luật hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa (DNNVV) do Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội Vũ Hồng Thanh trình bày trong chiều hôm nay?
Đại biểu Nguyễn Thanh Hiền: Về cơ bản, tôi hoàn toàn nhất trí với báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý luật của Uỷ ban thường vụ Quốc hội và nội dung của dự án Luật hỗ trợ DNNVV. Nhìn chung so với các dự thảo trước đây, dự thảo lần này đã hoàn thiện hơn sau khi tiếp thu nhiều ý kiến của đại biểu Quốc hội.
- Vậy ông quan tâm và muốn góp ý vào những nội dung nào trong dự thảo Luật hỗ trợ DNNVV?
Đại biểu Nguyễn Thanh Hiền: Trong quá trình nghiên cứu dự thảo dự án Luật, tôi quan tâm đến những vấn đề sau:
Thứ nhất là quy định về hỗ trợ tiếp cận tín dụng, về cơ bản trong dự thảo lần này đã cụ thể hơn so với dự thảo trước. Tuy nhiên, tại Khoản 3 Điều 8 Dự thảo quy định: “Doanh nghiệp nhỏ và vừa được các cơ quan, tổ chức và cá nhân hỗ trợ xây dựng phương án sản xuất kinh doanh khả thi, tăng cường năng lực quản trị, minh bạch hoạt động của doanh nghiệp để nâng cao năng lực tiếp cận tín dụng”, là còn quá chung, chưa thể hiện rõ việc DNNVV sẽ được hỗ trợ như thế nào (miễn phí hay giảm phí ?), khi nào thì được hỗ trợ và cơ quan, tổ chức, cá nhân nào chịu trách nhiệm tư vấn hỗ trợ cho Doanh nghiệp nhỏ và vừa?
Thứ hai, liên quan đến quy định hỗ trợ về thuế, Khoản 1 Điều 10 dự thảo luật đã quy định: “DNNVV theo quy định của Luật này được áp dụng mức thuế suất thuế thu nhập Doanh nghiệp thấp hơn mức thuế suất thông thường áp dụng cho Doanh nghiệp theo quy định của pháp luật về thuế thu nhập Doanh nghiệp”.
Tôi cho rằng quy định như dự thảo luật là chưa rõ ràng, khó áp dụng trong thực tế. Bởi, các văn bản pháp luật về thuế không có quy định về mức thuế suất thông thường áp dụng cho Doanh nghiệp, và mức thấp hơn đó là bao nhiêu, đối tượng được thụ hưởng phải đáp ứng nhưng điều kiện nào để tránh việc hỗ trợ dàn trải. Do vậy, cần phải quy định rõ, mang tính nguyên tắc trong luật.
Đoàn đại biểu Quốc hội Nghệ An dự phiên thảo luận hội trường chiều 23/5. Ảnh: Thanh Loan |
Thứ ba, về hỗ trợ mặt bằng sản xuất quy định trong Điều 10 Dự thảo Luật hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ, theo tôi, bất cập ở chỗ: hiện nay, Luật đất đai hiện hành không có quy định cụ thể về vấn đề ưu đãi cho DNNVV. Còn quy định tại dự thảo thì lại mang tính chung chung. Nếu đưa ra quy định hỗ trợ cho các DNNVV như hiện tại thì dựa vào đâu để thực hiện khi mà Luật chuyên ngành không có quy định?
Tôi nghĩ rằng dự thảo Luật hỗ trợ DNNVV cần quy định rõ về vấn đề hỗ trợ mặt bằng sản xuất trong từng trường hợp. Ví dụ như: đối với các doanh nghiệp siêu nhỏ sẽ hỗ trợ bao nhiêu phần trăm? các doanh nghiệp nhỏ hỗ trợ bao nhiêu phần trăm? và doanh nghiệp vừa sẽ hỗ trợ bao nhiêu phần trăm? Bên cạnh đó phải căn cứ vào hình thức thuê đất của các doanh nghiệp đưa ra mức hỗ trợ cụ thể, ví dụ: trường hợp DN thuê đất trả tiền một lần thì hỗ trợ bao nhiêu phần trăm?Trường hợp DN thuê đất trả tiền hàng năm thì hỗ trợ bao nhiêu phần trăm?
Có như thế mới đảm bảo sự công bằng bởi các hình thức thuê khác nhau, lợi ích đem lại cho doanh nghiệp là khác nhau thì mức hỗ trợ cũng nên khác nhau.
Thứ tư, đối với vấn đề hỗ trợ DNNVV chuyển đổi từ hộ kinh doanh, khởi nghiệp sáng tạo, tham gia cụm liên kết ngành, chuỗi giá trị quy định tại mục 2, Chương 2 của dự thảo, tôi đề nghị bỏ quy định tại điểm đ khoản 2 (Doanh nghiệp được chuyển đổi từ hộ kinh doanh kế thừa toàn bộ quyền, nghĩa vụ và lợi ích hợp pháp của hộ kinh doanh).
Bởi đây không phải là nội dung hỗ trợ mà là nguyên tắc khi sáp nhập, chia, tách, chuyển đổi thì chủ thể mới hình thành sẽ kế thừa quyền và nghĩa vụ của chủ thể đã bị sáp nhập, chia, tách, chuyển đổi theo các quy định của Pháp luật về chuyển đổi, chia tách, hợp nhất Doanh nghiệp.
Ngoài ra, tôi nghĩ rằng việc dự thảo Luật quy định các đối tượng hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa khởi nghiệp sáng tạo và doanh nghiệp tham gia cụm liên kết ngành, chuỗi giá trị nhưng lại không đề cập đến vấn đề bảo đảm tiêu chuẩn về môi trường là không phù hợp. Thực tế cho thấy vấn đề môi trường, đặc biệt là môi trường làng nghề là vấn đề rất đáng lưu tâm trong những năm vừa qua. Do đó, cần bổ sung điều kiện về bảo đảm thân thiện với môi trường khi hỗ trợ các đối tượng quy định tại khoản 1 Điều 17 và khoản 1 Điều 19 dự thảo luật này.
Toàn cảnh phiên họp Quốc hội chiều ngày 23/5. Ảnh: Thanh Loan |
- Để Luật DNNVV đảm bảo tính khả thi khi đi vào cuộc sống, theo ông cần triển khai thực hiện như thế nào?
Đại biểu Nguyễn Thanh Hiền: Điều tôi cũng như nhiều đại biểu Quốc hội băn khoăn là nếu lần này dự thảo Luật DNNVV được Quốc hôi thông qua sẽ chính thức áp dụng từ 1/1/2018 nhưng trong quá trình diễn khai còn viện dẫn rất nhiều các bộ luật khác cần phải điều chỉnh, sửa đổi và có các hướng dẫn của Chính phủ và bộ, ngành liên quan. Do vậy, đòi hỏi có sự điều chỉnh trong chương trình xây dựng luật thời gian tới và các văn bản dưới luật cũng cần thiết được ban hành. Lúc đó Luật Hỗ trợ doanh nghiệp mới có tính khả thi và thiết thực.
Xin cảm ơn ông!
Nhóm PV-CTV
TIN LIÊN QUAN |
---|