Thời sự

Đại biểu Quốc hội đoàn Nghệ An đề nghị sớm sửa luật để phòng, chống tác hại của thuốc lá điện tử

Thành Duy - Phan Hậu 30/05/2024 12:52

Sáng 30/5, tiếp tục Chương trình làm việc Kỳ họp thứ 7, Quốc hội tiến hành thảo luận ở hội trường dưới sự chủ trì của đồng chí Trần Thanh Mẫn - Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch Quốc hội.

bna_z5489833427532_7c90d147055e051381e59c75558ed656.jpg
Quang cảnh phiên thảo luận sáng 30/5 ở Hội trường Diên Hồng, Nhà Quốc hội. Ảnh: Nam An

KHOẢNG TRỐNG PHÁP LÝ VỀ QUẢN LÝ THUỐC LÁ ĐIỆN TỬ, THUỐC LÁ NUNG NÓNG

Quốc hội tiến hành thảo luận về dự kiến Chương trình giám sát của Quốc hội năm 2025 dưới sự điều hành của Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương và dự kiến Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2025, điều chỉnh Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2024 dưới sự điều hành của Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định.

bna_z5490369529616_e65369adfa018079271df3d637d76634.jpg
Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội Hoàng Thanh Tùng trình bày Tờ trình về dự kiến Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2025, điều chỉnh Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2024. Ảnh: Nam An

Thảo luận ở hội trường về dự kiến Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2025, điều chỉnh Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2024, qua nghiên cứu Tờ trình của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, cũng như thực tiễn của công tác xây dựng pháp luật, đại biểu Thái Thị An Chung - Ủy viên Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh, Phó Trưởng đoàn chuyên trách đoàn ĐBQH tỉnh Nghệ An bày tỏ cơ bản đồng tình với đánh giá của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về việc thực hiện Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2023 và dự kiến Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2025, cũng như điều chỉnh Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2024; đồng thời đề nghị sớm bổ sung vào chương trình Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Phòng, chống tác hại thuốc lá.

bna_z5490425964513_95bcf1cf8650c46e341ef78a837db8f5.jpg
Bí thư Tỉnh ủy Thái Thanh Quý - Trưởng đoàn ĐBQH tỉnh Nghệ An và các vị ĐBQH đoàn Nghệ An tại phiên thảo luận sáng 30/5 ở Hội trường Diên Hồng, Nhà Quốc hội. Ảnh: Quang Vinh

Vị đại biểu đoàn Nghệ An cho biết, cách đây 1 năm, tại Kỳ họp thứ 5 khi thảo luận về Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2024 và điều chỉnh Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2023, cùng với một số ĐBQH, bà đã có phát biểu trước Quốc hội về thực trạng, cũng như tác hại của việc sử dụng thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng trong thanh thiếu niên và kiến nghị Quốc hội đưa vào Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2024 Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Phòng, chống tác hại thuốc lá, để kiểm soát, cũng như hạn chế việc sử dụng thuốc lá điện tử, thuốc lá thế hệ mới.

Sau đó, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã đề nghị Chính phủ chỉ đạo nghiên cứu kiến nghị của ĐBQH để có giải pháp quản lý phù hợp; trường hợp cần sửa đổi luật thì khẩn trương chuẩn bị hồ sơ đề nghị xây dựng luật trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét quyết định bổ sung vào chương trình.

Mới đây, Ủy ban Xã hội của Quốc hội đã phối hợp với Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội tổ chức phiên giải trình liên quan đến trách nhiệm quản lý nhà nước về phòng, chống tác hại của thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng nhằm nhận diện tác hại và đánh giá thực trạng mua bán, sử dụng cũng như công tác quản lý nhà nước về phòng chống tác hại của thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng.

img_1717121478577_1717121643946.jpg
Đại biểu Thái Thị An Chung - Ủy viên Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh, Phó Trưởng đoàn chuyên trách đoàn ĐBQH tỉnh Nghệ An phát biểu thảo luận. Ảnh: Nam An

“Qua phiên giải trình cho thấy, một nghịch lý là tỷ lệ sử dụng thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng tại Việt Nam ngày càng tăng, nhất là trong giới trẻ. Theo báo cáo của Bộ Y tế, tỷ lệ sử dụng thuốc lá điện tử trong học sinh năm 2023, nhóm tuổi từ 13 đến 17 đã tăng từ 2,6% (2019) lên 8,1% và ở nhóm tuổi 13 đến 15 đã tăng từ 3,5% (2022) lên 8%”, đại biểu Thái Thị An Chung dẫn số liệu và bày tỏ lo lắng khi phản ứng chính sách của chúng ta lại đang rất chậm.

Dẫn lại ý kiến của Bộ Y tế cho rằng khó khăn, vướng mắc hiện nay là do Luật Phòng, chống tác hại thuốc lá năm 2012 chưa điều chỉnh các loại sản phẩm thuốc lá mới xuất hiện sau khi Luật ban hành nên thiếu cơ chế pháp lý để nhận diện và quản lý, đại biểu Thái Thị An Chung trăn trở khi khi trong dự thảo Chương trình trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2025, điều chỉnh Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2024 vẫn thiếu vắng dự án Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Phòng, chống tác hại thuốc lá.

ĐỀ NGHỊ SỚM SỬA ĐỔI, BỔ SUNG LUẬT PHÒNG, CHỐNG TÁC HẠI THUỐC LÁ

Ngày mai (31/5), Tổ chức Y tế thế giới lấy làm ngày thế giới không thuốc lá và chủ đề của năm nay là “Bảo vệ trẻ em trước những tác động của ngành công nghiệp thuốc lá”. Ở Việt Nam, tuần lễ này cũng chính là Tuần lễ quốc gia không thuốc lá, với nhiều hoạt động truyền thông, mít tinh diễn ra ở các ngành, các địa phương.

“Vì tương lai của thế hệ trẻ, tôi rất mong Chính phủ, Bộ Y tế sớm bổ sung vào Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2025 dự án Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Phòng, chống tác hại thuốc lá và có thể áp dụng quy trình xem xét, thông qua tại 1 kỳ họp”, đại biểu Thái Thị An Chung nói.

bna_z5489832881406_0dd8b68925c96a4bf35b3aece477d54c.jpg
Các ĐBQH đoàn Nghệ An tại phiên thảo luận sáng 30/5 ở Hội trường Diên Hồng, Nhà Quốc hội. Ảnh: Nam An

Qua đây, đại biểu cũng đề nghị nghiên cứu thay đổi cách thức xây dựng pháp luật để có thể phản ứng kịp thời trước vấn đề mới phát sinh và pháp luật chưa kịp thời điều chỉnh.

“Không nhất thiết phải chờ đợi sơ kết, tổng kết để sửa đổi một cách toàn diện. Đây cũng là kinh nghiệm xây dựng luật của nhiều nước trên thế giới đã áp dụng”, Phó Trưởng đoàn chuyên trách Đoàn ĐBQH tỉnh Nghệ An phát biểu; đồng thời bày tỏ đồng tình với ý các các ĐBQH đã phát biểu trước đó đề nghị sớm xây dựng Luật Dân số và Luật Chữ thập đỏ.

Đại biểu Quốc hội đoàn Nghệ An đề nghị sớm sửa luật để phòng, chống tác hại của thuốc lá điện tử
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO