Đại biểu Quốc hội đoàn Nghệ An đề xuất nhiều chính sách để giải quyết việc làm cho thanh niên đồng bào dân tộc thiểu số
Sáng 27/11, tại Nhà Quốc hội, tiếp tục Chương trình Kỳ họp thứ 8, dưới sự chủ trì của Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn, Quốc hội thảo luận tại hội trường về dự án Luật Việc làm (sửa đổi). Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Thanh điều hành phiên họp.
Nghiên cứu các chính sách phát triển nguồn nhân lực đồng bào dân tộc thiểu số
Phát biểu thảo luận, ông Trần Nhật Minh, ĐBQH chuyên trách đoàn Nghệ An dành nhiều tâm huyết đề xuất các chính sách hỗ trợ giải quyết việc làm cho đồng bào dân tộc thiểu số.
Ông cho biết: Qua tiếp xúc cử tri ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số, đây là một trong những vấn đề được nhiều cử tri quan tâm nhất. Theo Kết quả điều tra thu thập thông tin về thực trạng kinh tế – xã hội của 53 dân tộc thiểu số năm 2019 của Tổng cục Thống kê, cả nước có gần 4 triệu lao động là đồng bào dân tộc thiểu số nhưng tỷ lệ qua đào tạo nghề (chủ yếu là sơ cấp nghề dưới 3 tháng) chỉ chiếm khoảng 3%; tương đương khoảng 120 nghìn lao động.
Ở khu vực Trung du, miền núi phía Bắc, bình quân trong 100 lao động chỉ có 19 người đã qua đào tạo (sơ cấp, trung cấp, cao đẳng, đại học); khu vực Tây Nguyên và đồng bằng sông Cửu Long còn thấp hơn, chỉ có 13 đến 16 lao động/100 lao động là đã qua đào tạo.
“Đại đa số chưa qua đào tạo nên lao động là đồng bào dân tộc thiểu số chủ yếu làm việc đơn giản, thu nhập thấp”, ông nói và bày tỏ đồng tình với ý kiến thẩm tra của Uỷ ban Xã hội của Quốc hội là đề nghị cơ quan soạn thảo tiếp tục nghiên cứu, đề xuất các chính sách để phát triển nguồn nhân lực đồng bào dân tộc thiểu số, nhằm tạo việc làm bền vững thông qua chương trình đào tạo, bồi dưỡng nâng cao trình độ kỹ năng nghề dành cho đồng bào dân tộc thiểu số.
Trên cơ sở đó, về chính sách hỗ trợ tạo việc làm, đại biểu Trần Nhật Minh đề nghị làm rõ quy mô "doanh nghiệp nhỏ và vừa, hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã, tổ hợp tác, hộ kinh doanh sử dụng nhiều lao động" được hỗ trợ vay vốn để căn cứ thực hiện trong thực tiễn, vì dự thảo Luật cũng không giao Chính phủ quy định chi tiết.
Bên cạnh đó, vị đại biểu đoàn Nghệ An đề nghị bổ sung đối tượng là “doanh nghiệp nhỏ và vừa, hợp tác xã, tổ hợp tác, hộ kinh doanh có cơ sở sản xuất, kinh doanh đóng tại địa bàn đặc biệt khó khăn, xã đặc biệt khó khăn vùng bãi ngang, ven biển và hải đảo” để tránh bỏ sót trường hợp tổ chức, đơn vị sử dụng lao động có sử dụng lao động là người dân tộc thiểu số, nhưng không đủ số lượng để được hưởng chính sách hỗ trợ vay vốn.
Chỉ ra những hạn chế trong đào tạo, giải quyết việc làm cho đồng bào dân tộc thiểu số hiện nay, đại biểu Trần Nhật Minh cũng đề nghị Luật cần có quy định chính sách hỗ trợ đào tạo nghề gắn với tạo việc làm cho thanh niên người dân tộc thiểu số, nhằm thể chế hóa Kết luận của Bộ Chính trị, Nghị quyết của Ban Chấp hành Trung ương Đảng về tạo việc làm, đào tạo nghề đối với nông dân, cư dân nông thôn, thanh niên dân tộc thiểu số.
Ông Trần Nhật Minh cũng đề nghị cơ quan soạn thảo đánh giá chính sách “Nhà nước hỗ trợ nộp thay đơn vị sử dụng lao động tiền bảo hiểm thất nghiệp cho lao động là người dân tộc thiểu số được tuyển dụng mới hoặc ký kết hợp đồng lao động” được triển khai từ năm 2012 theo các Quyết định của Thủ tướng Chính phủ, để nghiên cứu bổ sung đối tượng được hỗ trợ tiền đóng bảo hiểm thất nghiệp.
“Theo tôi, việc bổ sung chính sách này không có tác động nhiều về nguồn lực thực hiện, bởi vì chính sách này đã và đang được thực hiện ổn định từ ngày 1/12/2012 đến nay”, vị đại biểu đoàn Nghệ An nói.
Xem xét rút quy định thi chứng chỉ nghiệp vụ về dịch vụ việc làm
Đại biểu Trần Nhật Minh cũng đề nghị cơ quan soạn thảo nghiên cứu tính cần thiết của việc thi, cấp, thu hồi chứng chỉ nghiệp vụ chuyên môn về dịch vụ việc làm, tránh việc đặt ra giấy phép con, phiền hà đến hoạt động của doanh nghiệp; phát sinh thêm chứng chỉ đối với viên chức và thêm thủ tục hành chính không cần thiết.
Nhất là hiện nay theo chỉ đạo của Chính phủ, Bộ Nội vụ đang chủ trì, phối hợp với các bộ quản lý chuyên ngành rà soát các loại chứng chỉ đối với đội ngũ viên chức, để làm rõ những loại chứng chỉ nào là điều kiện để được bổ nhiệm hạng chức danh nghề nghiệp viên chức, chứng chỉ nào là bồi dưỡng về chuyên môn, nghiệp vụ; phân loại chứng chỉ bắt buộc và không bắt buộc trong quản lý viên chức.
Do đó, đại biểu đề nghị chỉ cần quy định "người trực tiếp thực hiện các hoạt động tư vấn; giới thiệu việc làm phải tham gia khóa đào tạo, bồi dưỡng, cập nhật kiến thức, nghiệp vụ chuyên môn về dịch vụ việc làm và được cấp giấy chứng nhận về việc đã tham gia khoá đào tạo, bồi dưỡng, cập nhật kiến thức (không phải là chứng chỉ)”.
Trước đó, Quốc hội biểu quyết thông qua Luật Phòng không nhân dân, Luật Công đoàn (sửa đổi) và biểu quyết thông qua Nghị quyết của Quốc hội về chủ trương đầu tư Chương trình mục tiêu quốc gia về phát triển văn hóa giai đoạn 2025 - 2035.