Đại biểu Quốc hội Đoàn Nghệ An: 'Không nên để chậm cải cách tiền lương làm chảy máu chất xám trong lĩnh vực quản lý công'

Thành Duy - Thu Nguyễn 31/10/2022 13:04

(Baonghean.vn) - Thiếu tướng Trần Đức Thuận - Ủy viên Thường trực Ủy ban Quốc phòng và An ninh của Quốc hội, đại biểu Đoàn Nghệ An đề nghị: “Bố trí ngân sách để thực hiện chính sách cải cách tiền lương theo Nghị quyết 27 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng, để trả lương xứng đáng cho đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức, người lao động, phù hợp trí tuệ và công sức của họ, không nên để chậm cải cách tiền lương làm chảy máu chất xám trong lĩnh vực quản lý công”.

Sáng 31/10, tại Hội trường Diên Hồng, Nhà Quốc hội, dưới sự điều hành Phiên họp của Thượng tướng Trần Quang Phương - Phó Chủ tịch Quốc hội, Quốc hội thảo luận ở hội trường về việc thực hiện chính sách, pháp luật về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí giai đoạn 2016-2021.

Toàn cảnh thảo luận ở hội trường về việc thực hiện chính sách, pháp luật về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí giai đoạn 2016-2021. Ảnh: Quochoi.vn

KHÔNG PHẢI CỨ ÍT TIỀN LÀ TIẾT KIỆM

Phát biểu thảo luận, cơ bản nhất trí Báo cáo kết quả việc thực hiện chính sách, pháp luật về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí giai đoạn 2016-2021” của đoàn giám sát, Thiếu tướng Trần Đức Thuận - Ủy viên Thường trực Ủy ban Quốc phòng và An ninh của Quốc hội, đại biểu Đoàn Nghệ An đánh giá, hoạt động của đoàn giám sát có nhiều đổi mới.

Theo đó, đã mời chuyên gia, nhà khoa học tham gia đoàn giám sát; tập trung giám sát thông qua thẩm tra báo cáo của Chính phủ, bộ, ngành, địa phương, kết quả giám sát của các Đoàn ĐBQH, chỉ đi xuống cơ sở đối với các trường hợp cần thiết.

“Cách làm này vừa tiết kiệm cho ngân sách Nhà nước, vừa hạn chế gây phiền hà cho địa phương mà mục đích hoạt động giám sát vẫn đạt được”, ông nói.

Thượng tướng Trần Quang Phương - Phó Chủ tịch Quốc hội phát biểu mở đầu phiên thảo luận. Ảnh: Quochoi.vn

Tuy nhiên, qua nghiên cứu báo cáo của đoàn giám sát, vị đại biểu Đoàn Nghệ An nhìn nhận việc thực hiện chính sách pháp luật về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí trong thời gian qua đạt được nhiều kết quả quan trọng, tích cực, nhưng cũng còn có hạn chế, vướng mắc, bất cập; Lãng phí còn xảy ra nhiều trên các lĩnh vực cả công và tư, đặc biệt là lĩnh vực quản lý sử dụng ngân sách Nhà nước, tài sản, tài nguyên quốc gia và sử dụng nguồn nhân lực...

Nguyên nhân để xảy ra lãng phí có nhiều, cả khách quan và chủ quan, nhưng chủ quan là chính; đáng chú ý là định mức, tiêu chuẩn, chế độ ở nhiều lĩnh vực chậm được sửa đổi, bổ sung; có định mức, tiêu chuẩn, chế độ quá lạc hậu, không phù hợp với thực tế, nhất là trong tình hình phát triển nhanh về nhiều mặt của đất nước ta như hiện nay.

Việc khảo sát, lập dự toán chưa sát nên quy mô dự án, công trình vượt quá nhu cầu, không sát thực tế nên hiệu quả thấp; việc chậm tiến độ triển khai hoặc thi công kéo dài các dự án, công trình cũng là một trong những nguyên nhân gây lãng phí lớn.

Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính, Ngân sách của Quốc hội, Phó trưởng Đoàn Giám sát của Quốc hội Nguyễn Phú Cường trình bày Báo cáo của đoàn giám sát việc thực hiện chính sách, pháp luật về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí giai đoạn 2016-2021. Ảnh: Quochoi.vn

Nhất trí các giải pháp và đồng tình với các kiến nghị đối với Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ của đoàn giám sát, Thiếu tướng Trần Đức Thuận cho rằng, để có cơ sở đánh giá được tiết kiệm hay lãng phí thì quan trọng vẫn là xây dựng định mức, tiêu chuẩn, chế độ; quyền hạn, trách nhiệm của tổ chức và cá nhân có thẩm quyền trong việc quản lý, sử dụng ngân sách, tài sản, khoáng sản, nhân lực …

Trách nhiệm này theo Điều 13, Luật Thực hành tiết kiệm, chống lãng phí trước hết về Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ, Thủ trưởng cơ quan thuộc Chính phủ; Thủ trưởng cơ quan khác ở Trung ương và Chủ tịch UBND cấp tỉnh.

Do vậy, ông kiến nghị Chính phủ chỉ đạo các thành viên Chính phủ, Chủ tịch UBND cấp tỉnh thường xuyên tổ chức rà soát các định mức, tiêu chuẩn, chế độ, chính sách trong lĩnh vực mình phụ trách để kịp thời đề nghị sửa đổi, bổ sung hoặc sửa đổi, bổ sung cho phù hợp; đảm bảo có cơ sở khoa học, phù hợp với khả năng của ngân sách Nhà nước và chức năng, nhiệm vụ được giao; phù hợp với tình hình phát triển của đất nước; có tầm nhìn chiến lược, dài hạn, không để nhanh bị lạc hậu.

“Không nên cho rằng: Cái gì ít tiền đều là tiết kiệm, nhỏ là tiết kiệm, mà phải tính đến hiệu quả trước mắt cũng như lâu dài”, Thiếu tướng Trần Đức Thuận nêu quan điểm.

Thiếu tướng Trần Đức Thuận - Ủy viên Thường trực Ủy ban Quốc phòng và An ninh của Quốc hội, đại biểu Đoàn Nghệ An phát biểu thảo luận. Ảnh: Quang Khánh

Ông cũng cho rằng, cần có giải pháp để nâng cao trách nhiệm đối với tổ chức và cá nhân có liên quan trong việc tham mưu lập định mức, tiêu chuẩn, chế độ, chính sách; lập dự án, thẩm định dự án; tiếp tục xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm các quy định của pháp luật, thiếu trách nhiệm gây lãng phí lớn.

Đặc biệt, theo vị đại biểu Đoàn Nghệ An cần nhanh chóng hoàn thiện đề án việc làm, để bố trí cán bộ, công chức, viên chức, người lao động phù hợp với yêu cầu nhiệm vụ, không để xảy ra tình trạng nơi cần người thì thiếu, nơi việc ít lại quá nhiều người, hay bố trí không đúng chuyên môn.

“Bố trí ngân sách để thực hiện chính sách cải cách tiền lương theo Nghị quyết 27 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng, để trả lương xứng đáng cho đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức, người lao động, phù hợp trí tuệ và công sức của họ, không nên để chậm cải cách tiền lương làm chảy máu chất xám trong lĩnh vực quản lý công”, Thiếu tướng Trần Đức Thuận nói.

SỚM BỐ TRÍ VỐN ĐỂ HOÀN THIỆN DỰ ÁN HỒ CHỨA NƯỚC BẢN MỒNG

Dẫn Báo cáo của đoàn giám sát, giai đoạn 2016-2021 cả nước có 52 dự án đầu tư công và sử dụng vốn Nhà nước không hiệu quả. Trong đó, có Công trình thủy lợi hồ chứa nước Bản Mồng do Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn làm chủ đầu tư thuộc địa bàn huyện Quỳ Hợp (Nghệ An) và huyện Như Xuân (Thanh Hóa), triển khai thi công đến nay đã hơn 10 năm nhưng vẫn chưa hoàn thành.

Các đại biểu Đoàn Nghệ An tại phiên thảo luận. Ảnh: Quang Khánh

Hồ chứa nước Bản Mồng có dung tích chứa là 225 triệu m3, với mục tiêu góp phần giải quyết 1/3 nhu cầu thiếu nước của tỉnh Nghệ An và Nam Thanh Hóa, sẽ cấp nước tưới cho 18.871 ha cây trồng ven sông Hiếu; cấp nước cho sản xuất công nghiệp, dân sinh; bổ sung nước về mùa kiệt cho sông Cả, cắt giảm lũ cho hạ du sông Hiếu; đồng thời, kết hợp phát điện với công suất 45MW. Đây là dự án quan trọng quốc gia.

Theo Báo cáo kết quả giám sát của Ủy ban Khoa học - Công nghệ và Môi trường của Quốc hội ngày 17/10/ 2022: Đến nay, dự án đã hoàn thành 98% hạng mục xây dựng công trình, chỉ chờ giải phóng mặt bằng lòng hồ là chặn dòng, tích nước, phát huy hiệu quả dự án.

Tuy nhiên, hơn 10 năm qua, việc giải phóng mặt bằng, di dân khu vực ngập lòng hồ thuộc xã Thanh Hòa, huyện Như Xuân, tỉnh Thanh Hóa vẫn chưa được thực hiện do vướng mắc về bố trí vốn, liên quan đến thẩm quyền phê duyệt điều chỉnh, bổ sung kinh phí dự án.

Các đại biểu tại phiên thảo luận sáng 31/10. Ảnh: Quochoi.vn

“Tôi đồng tình với Ủy ban Khoa học - Công nghệ và Môi trường, đề nghị Chính phủ khẩn trương tháo gỡ khó khăn, xác định thẩm quyền phê duyệt điều chỉnh bổ sung dự án, sớm bố trí nguồn vốn để tiếp tục thi công hoàn thiện dự án trong thời hạn sớm nhất có thể, để hạn chế thấp nhất lãng phí tài sản Nhà nước và khó khăn cho nhân dân sống xung quanh dự án”, đại biểu Trần Đức Thuận nhấn mạnh.

Mở rộng vấn đề, ông đề nghị tiếp tục rà soát các công trình, dự án chậm tiến độ, đánh giá tính hiệu quả của từng dự án để có giải pháp khắc phục, không để dây dưa kéo dài các dự án trọng điểm quốc gia, phục vụ phát triển kinh tế - xã hội; nhất là các công trình ở nông thôn, miền núi, vùng đồng bào dân tộc thiểu số, vừa gây lãng phí, vừa gây khó khăn cho nhân dân xung quanh vùng dự án.

Đại biểu Quốc hội Đoàn Nghệ An: 'Không nên để chậm cải cách tiền lương làm chảy máu chất xám trong lĩnh vực quản lý công'
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO