Đại biểu Quốc hội đoàn Nghệ An: Thẩm định các hợp đồng bảo hiểm để bảo vệ người mua

Thành Duy 25/10/2021 12:43

(Baonghean.vn) - Đây là ý kiến của đại biểu Quốc hội đoàn Nghệ An khi thảo luận về dự án Luật Kinh doanh bảo hiểm (sửa đổi) vào sáng 25/10.

Sáng 25/10, tiếp tục chương trình làm việc tại Kỳ họp thứ2, Quốc hội thảo luận trực tuyến và tại tổ về một số dự án luật.

Toàn cảnh Phiên họp tại Nhà Quốc hội sáng 25/10. Ảnh: Quochoi.vn
Toàn cảnh Phiên họp tại Nhà Quốc hội sáng 25/10. Ảnh: Quochoi.vn

Thảo luận ở tổ về dự án Luật Kinh doanh bảo hiểm (sửa đổi), Đoàn đại biểu Nghệ An đã có nhiều ý kiến đóng góp vào một số điều, khoản của dự thảo. Đại biểu Thái Văn Thành- Ủy viên Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh, Giám đốc Sở GD&ĐT đề nghị cần làm rõ sự cần thiết loại hình bảo hiểm vi mô, sự tác động đối với kinh tế -xã hội, lợi ích xã hội, vì về bản chất có thể thấy rằng đây là loại hình bảo hiểm để hỗ trợ đối tượng hộ nghèo, cận nghèo, yếu thế trong xã hội.

Cùng với đó, đại biểu cũng đề nghị cần thống nhất thuật ngữ giữa một số điều khoản của dự án luật, cụ thể là sử dụng thuật ngữ “người thứ ba” hay “bên thứ ba”. Nếu sử dụng thuật ngữ “người thứ ba” thì nên bổ sung khái niệm này; mặt khác nên làm rõ, cụ thể hóa một số điều khoản trong dự án luật để tránh luật khung vì nội dung đang giao nhiều thẩm quyền cho Chính phủ quy định.

Đại biểu Thái Văn Thành - Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Nghệ An phát biểu thảo luận. Ảnh: Thành Duy

Còn đại biểu Võ Thị Minh Sinh - Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Chủ tịch Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh Nghệ An nhận định, hiện nay hợp đồng bảo hiểm đều được làm sẵn cho bên mua bảo hiểm ký kết. Mặc dù dự thảo luật đã có các điều ghi rõ: Doanh nghiệp bảo hiểm có nghĩa vụ là đề nghị bên mua bảo hiểm đọc kỹ quy tắc, điều kiện, điều khoản bảo hiểm và giải thích rõ cho bên mua bảo hiểm quyền lợi các điều khoản.

Tuy nhiên, theo đại biểu Võ Thị Minh Sinh vẫn cần có một bộ phận chuyên gia thẩm định và kiểm soát các hợp đồng bảo hiểm do các doanh nghiệp kinh doanh bảo hiểm soạn sẵn để bảo vệ quyền và lợi ích cho những người tham gia bảo hiểm với tư cách cá nhân, đặc biệt đối với những người dân ít có điều kiện tìm hiểu về pháp luật, các nội dung điều khoản.

Đại biểu Võ Thị Minh Sinh - Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Chủ tịch Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh Nghệ An phát biểu thảo luận. Ảnh: Thành Duy
Đại biểu Võ Thị Minh Sinh - Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Chủ tịch Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh Nghệ An phát biểu thảo luận. Ảnh: Thành Duy

Cùng với đó, liên quan đến đại lý bảo hiểm, Chủ tịch Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh Nghệ An cũng đề nghị làm rõ trách nhiệm của đại lý bảo hiểm bởi vì thời gian vừa qua, có nhiều trường hợp khi có tình huống hoặc sự cố xảy ra liên quan đến việc thanh lý hoặc vô hiệu hóa hợp đồng bảo hiểm thì trách nhiệm của đại lý bảo hiểm gần như không rõ ràng, chỉ thể hiện theo nghĩa như môi giới trung gian và chuyển trách nhiệm cho doanh nghiệp kinh doanh bảo hiểm.

Ông Trần Nhật Minh - đại biểu chuyên trách Đoàn đại biểu Quốc hội Nghệ An nhận định: Dự thảo luật quy định các loại hình bảo hiểm bắt buộc song chưa đi kèm chế tài để buộc người dân có nghĩa vụ thực hiện. Do đó, theo đại biểu, luật nên có một điều hoặc một khoản để quy định về chế tài việc áp dụng đối với các loại bảo hiểm bắt buộc này.

Về thực hiện các hợp đồng bảo hiểm bắt buộc, đại biểu Trần Nhật Minh cũng cho hay, qua tiếp xúc nhiều cử tri phản ánh có những trường hợp công ty bảo hiểm thực hiện bồi thường thiệt hại đối với bên thứ ba hoặc đối với bên mua bảo hiểm rất khó khăn nên hợp đồng bảo hiểm cần phải có quy định ràng buộc thực hiện bồi thường thiệt hại đối với các loại bảo hiểm bắt buộc.

Đại biểu Trần Nhật Minh - đại biểu chuyên trách Đoàn Nghệ An phát biểu thảo luận. Ảnh: Thành Duy

Liên quan đến thành lập doanh nghiệp kinh doanh bảo hiểm, dẫn lại nội dung dự thảo luật, đại biểu Thái Thị An Chung - Phó Trưởng đoàn chuyên trách Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh cho biết: Bộ Tài chính có thẩm quyền cấp, cấp lại, điều chỉnh, thu hồi giấy phép thành lập và hoạt động, đình chỉ hoạt động doanh nghiệp bảo hiểm. Đồng thời sau khi được cấp giấy phép thành lập, doanh nghiệp lại tiếp tục phải đăng ký kinh doanh theo Luật Doanh nghiệp. Do đó, đại biểu đề nghị gộp giấy phép thành lập và giấy đăng ký kinh doanh bảo hiểm lại một theo tinh thần cải cách thủ tục hành chính.

Phó Trưởng đoàn chuyên trách Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Nghệ An cũng cho rằng Luật Kinh doanh bảo hiểm (sửa đổi) cần bổ sung quy định điều kiện về trình độ học vấn, chuyên môn, văn hóa của các cá nhân hoạt động đại lý bảo hiểm để nâng cao chất lượng hoạt động kinh doanh bảo hiểm; đồng thời có quy định ràng buộc trách nhiệm các công ty bảo hiểm phải chấm dứt hoạt động của đại lý bảo hiểm nếu trong một thời gian cụ thể không hoạt động, để tránh thực trạng đại lý bảo hiểm nhiều nhưng hoạt động ít.

Đại biểu Thái Thị An Chung - Phó Trưởng đoàn chuyên trách Đoàn đại biểu Quốc hội Nghệ An phát biểu thảo luận. Ảnh: Thành Duy

Đại biểu Vi Văn Sơn - Ủy viên Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh, Trưởng ban Dân tộc tỉnh Nghệ An, đánh giá đây là dự án luật về một loại hình kinh doanh khá đặc thù. Kinh doanh bảo hiểm ở nước ta cũng mới chỉ vài chục năm so với lịch sử hàng trăm năm của thế giới. Do đó, kinh nghiệm quản lý Nhà nước, trải nghiệm của người dân chưa nhiều, thậm chí có những cá nhân tham gia bảo hiểm nhưng hiểu hợp đồng còn rất mơ hồ.

Vì vậy, đại biểu đề nghị cần phải nghiên cứu kỹ để xây dựng một đạo luật chất lượng, bảo vệ được toàn diện quyền và lợi ích người tham gia bảo hiểm, cũng như giúp cơ quan quản lý Nhà nước thực hiện công tác quản lý hiệu quả hơn.

Đại biểu Vi Văn Sơn - Trưởng ban Dân tộc tỉnh Nghệ An phát biểu thảo luận. Ảnh: Thành Duy
Đại biểu Vi Văn Sơn - Trưởng ban Dân tộc tỉnh Nghệ An phát biểu thảo luận. Ảnh: Thành Duy

Trước đó, sáng 22/10, trình bày Tờ trình việc ban hành Luật Kinh doanh bảo hiểm (sửa đổi), Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc khẳng định cần thiết xây dựng dự án Luật Kinh doanh bảo hiểm (sửa đổi) nhằm hoàn thiện quy định pháp luật về kinh doanh bảo hiểm; xử lý những mâu thuẫn, chồng chéo, bất cập của Luật Kinh doanh bảo hiểm với các văn bản quy phạm pháp luật được Quốc hội ban hành, đảm bảo tính thống nhất, đồng bộ của hệ thống pháp luật; cải cách mạnh mẽ thủ tục hành chính trong hoạt động kinh doanh bảo hiểm kết hợp với việc cải cách toàn diện công tác quản lý, kiểm tra, thanh tra chuyên ngành, bảo đảm thực hiện có hiệu quả công tác quản lý nhà nước và phối hợp giữa các cơ quan quản lý nhà nước trong phát hiện, xử lý kịp thời, nghiêm minh các hành vi vi phạm pháp luật về kinh doanh bảo hiểm; bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của nhà đầu tư, khách hàng, sự an toàn của cả hệ thống, tiết giảm chi phí xã hội.

Báo cáo thẩm tra, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội Vũ Hồng Thanh cho biết, Ủy ban Kinh tế tán thành với sự cần thiết sửa đổi Luật Kinh doanh bảo hiểm nhằm thể chế hóa chủ trương, đường lối của Đảng; khắc phục những hạn chế, bất cập sau hơn 20 năm thi hành Luật Kinh doanh bảo hiểm năm 2000, bảo đảm sự thống nhất, đồng bộ của hệ thống pháp luật; kiến tạo, phát triển thị trường bảo hiểm an toàn, minh bạch, bền vững, hiệu quả, tiệm cận với các thông lệ quốc tế, nâng cao khả năng cạnh tranh và cùng với thị trường tiền tệ - tín dụng và thị trường chứng khoán trở thành các kênh dẫn vốn quan trọng cho nền kinh tế.

Trong buổi sáng 25/10, Quốc hội đã thảo luận trực tuyến về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Bộ luật Tố tụng hình sự. Viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân tối cao phát biểu giải trình, làm rõ một số vấn đề đại biểu Quốc hội nêu.

Đại biểu Quốc hội đoàn Nghệ An: Thẩm định các hợp đồng bảo hiểm để bảo vệ người mua
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO