Đại biểu Quốc hội đoàn Nghệ An thảo luận về dự án Luật Quy hoạch đô thị và quy hoạch nông thôn
Sáng 28/6, tiếp tục Kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa XV tiến hành thảo luận ở hội trường về dự án Luật Quy hoạch đô thị và quy hoạch nông thôn. Đồng chí Trần Thanh Mẫn - Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch Quốc hội chủ trì.
Phát biểu thảo luận, đại biểu Thái Thị An Chung - Ủy viên Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh, Phó Trưởng đoàn chuyên trách đoàn ĐBQH tỉnh Nghệ An bày tỏ sự đồng tình với nhiều nội dung của dự thảo luật; trong đó thống nhất với việc dự thảo đã có nhiều quy định về các nội dung quan trọng để làm cơ sở cho việc lập và thực hiện quy hoạch đô thị và quy hoạch nông thôn.
Cụ thể như dự thảo đã quy định rõ hệ thống quy hoạch đô thị và nông thôn theo các loại và các cấp độ quy hoạch, xác định mối quan hệ với các quy hoạch cấp quốc gia, quy hoạch vùng, quy hoạch tỉnh và các quy hoạch kỹ thuật chuyên ngành, bảo đảm thống nhất, đồng bộ về quy hoạch.
“Chúng tôi cũng bày tỏ sự đồng tình về chủ trương tăng cường phân cấp, phân quyền trong lập, thẩm định, phê duyệt, điều chỉnh quy hoạch đô thị và nông thôn; việc đơn giản hóa trình tự, thủ tục trong lập, thẩm định, phê duyệt quy hoạch, đáp ứng yêu cầu cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh”, vị đại biểu đoàn Nghệ An nêu ý kiến.
Phó Trưởng đoàn chuyên trách đoàn ĐBQH đồng thời bày tỏ quan điểm về 2 nhóm nội dung và đề nghị cơ quan chủ trì soạn thảo tiếp tục nghiên cứu để có quy định rõ hơn.
Trước hết, về thời kỳ quy hoạch, theo quy định của Luật Quy hoạch năm 2017, các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương đều phải lập, phê duyệt quy hoạch tỉnh theo thời kỳ quy hoạch 10 năm.
Trong khi đó, dự thảo Luật quy định quy hoạch đô thị và nông thôn đối với các quy hoạch chung có thời hạn 20 - 25 năm, tầm nhìn của quy hoạch chung thành phố trực thuộc Trung ương là 50 năm. Đây là nội dung kế thừa quy định hiện hành của Luật Quy hoạch đô thị năm 2009 và Luật Xây dựng năm 2014.
Theo đại biểu, sự chưa thống nhất này dẫn đến quá trình thực hiện các phương án quy hoạch để tích hợp dự báo khó bảo đảm sự đồng bộ, tương thích, thời điểm khớp nối.
Các thành phố trực thuộc Trung ương không phải lập quy hoạch sử dụng đất cấp tỉnh nhưng phải lập kế hoạch sử dụng đất cấp tỉnh. Quận, thành phố, thị xã thuộc thành phố trực thuộc Trung ương; thành phố, thị xã thuộc tỉnh đã có quy hoạch chung hoặc quy hoạch phân khu được phê duyệt theo quy định của pháp luật về quy hoạch đô thị thì không phải lập quy hoạch sử dụng đất cấp huyện, nhưng phải căn cứ vào quy hoạch chung hoặc quy hoạch phân khu và chỉ tiêu sử dụng đất đã được phân bố từ quy hoạch sử dụng đất cấp tỉnh và các chỉ tiêu sử dụng đất của địa phương để lập kế hoạch sử dụng đất hàng năm cấp huyện.
“Nếu thời kỳ của các quy hoạch này không thống nhất sẽ dẫn đến khó khăn khi lập kế hoạch sử dụng đất các tỉnh, cấp huyện”, bà Thái Thị An Chung chỉ rõ sự bất hợp lý và đề nghị cơ quan chủ trì soạn thảo nghiên cứu để có giải pháp quy định phù hợp hơn về vấn đề này; có thể quy định thêm thời gian trong giai đoạn ngắn hạn 5 năm, 10 năm để đồng bộ với các quy hoạch khác.
Liên quan đến phân cấp, phân quyền trong xây dựng, quản lý quy hoạch đô thị và nông thôn, vị đại biểu đoàn Nghệ An nói: Thời gian qua, việc tổ chức lập, điều chỉnh cục bộ quy hoạch đô thị tại các địa phương còn thiếu chủ động do quy định việc tổ chức lập quy hoạch chung đô thị mới có quy mô dân số dự báo tương đương đô thị loại III trở lên là thuộc trách nhiệm của Bộ Xây dựng; việc điều chỉnh cục bộ quy hoạch chung đô thị thuộc thẩm quyền phê duyệt của Thủ tướng Chính phủ.
Quy định tại Dự thảo Luật đã hướng tới tăng cường phân cấp, phân quyền trong công tác lập, thẩm định, phê duyệt quy hoạch đô thị, song cần làm rõ cơ sở, sự cần thiết về quy định Thủ tướng Chính phủ phê duyệt quy hoạch chung đô thị loại I trở lên cũng như việc Bộ Xây dựng phải tham gia ý kiến về quy hoạch chung đô thị loại III trở lên trước khi UBND cấp tỉnh phê duyệt quy hoạch.
Đối với trường hợp các quy hoạch được quy định tại dự thảo Luật phải lấy ý kiến bằng văn bản của Bộ Xây dựng trước khi UBND cấp tỉnh phê duyệt, đại biểu Thái Thị An Chung cho rằng, dự thảo cũng cần làm rõ khi địa phương thực hiện điều chỉnh cục bộ có cần thiết phải xin ý kiến Bộ Xây dựng hay không? Biện pháp nào được quy định để bảo đảm quy hoạch đã được địa phương phê duyệt không bị điều chỉnh tùy tiện, phá vỡ quy hoạch dẫn đến chất lượng môi trường sống, làm việc tại đô thị và nông thôn bị suy giảm.
“Ngoài ra, cùng với việc phân cấp, phân quyền thì cần tiếp tục nghiên cứu, tăng cường năng lực của các cấp trong công tác lập, thẩm định, phê duyệt các loại quy hoạch. Thực tế năng lực của đội ngũ cán bộ chuyên môn rất khác nhau giữa các cấp quản quản lý hành chính và ngay trong cùng cấp quản lý hành chính giữa các địa phương; trong khi công tác quy hoạch đô thị và nông thôn là một lĩnh vực vừa tổng thể, vừa rất chuyên ngành”, Phó Trưởng đoàn chuyên trách đoàn ĐBQH Nghệ An nêu thực trạng, qua đó đề nghị, cần xem xét đánh giá nguồn lực ở địa phương, đặc biệt là khu vực nông thôn để có giải pháp tăng cường năng lực và quy định rõ việc phối hợp giữa các cơ quan trong kiểm soát để nâng cao chất lượng quy hoạch.
Cũng trong chương trình làm việc sáng nay, Quốc hội đã biểu quyết thông qua Luật Thủ đô (sửa đổi) và Nghị quyết của Quốc hội về chủ trương đầu tư Dự án đầu tư xây dựng đường cao tốc Bắc - Nam phía Tây đoạn Gia Nghĩa (Đắk Nông) - Chơn Thành (Bình Phước).