Đại biểu Quốc hội và trọng trách trước Quốc gia, dân tộc

09/06/2016 16:59

Làm đại biểu Quốc hội vừa là vinh dự, nhưng cũng vừa là trách nhiệm nặng nề, đó là làm người đại diện cho nhân dân ở cơ quan đại biểu cao nhất của nhân dân, cơ quan quyền lực cao nhất của đất nước.

Đến giờ phút này, danh sách 496 vị đại biểu Quốc hội đã được Hội đồng bầu cử Quốc gia công bố tới cử tri và nhân dân cả nước. Theo phân tích, 496 vị đại biểu Quốc hội bao gồm nhiều thành phần, vùng miền, tôn giáo, ngành nghề khác nhau, từ các vị lãnhđạo cấp cao cho đến doanh nhân, giáo viên, bác sỹ... Trong số này, có 317 đại biểu vào Quốc hội lần đầu.

Cử tri bỏ phiếu bầu cử (Ảnh minh họa)
Cử tri bỏ phiếu bầu cử những người đủ đức, đủ tài vào cơ quan dân cử

Đối với 496 vị vừa trúng cử, đây là vinh dự nhưng cũng là trách nhiệm nặng nề. Trách nhiệm đó là làm người đại diện cho nhân dân ở cơ quan đại biểu cao nhất của nhân dân, cơ quan quyền lực cao nhất của nước Cộng hoà Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam. Luật Tổ chức Quốc hội đã quy định “Đại biểu Quốc hội là người đại diện cho ý chí, nguyện vọng của Nhân dân ở đơn vị bầu cử ra mình và của Nhân dân cả nước; là người thay mặt Nhân dân thực hiện quyền lực nhà nước trong Quốc hội”. Những quy định này không phải chỉ nằm trên giấy, mà phải trở thành thực tế hoạt động của đại biểu, để chứng minh cho cử tri thấy mình xứng đáng với sự lựa chọn của cử tri.

Trước hết, con số trên 99% cử tri đi bầu cho thấy, cử tri đã nêu cao tinh thần hoàn thành trách nhiệm, quyền làm chủ của mình trong việc lựa chọn những người đủ đức, đủ tài để bầu vào Quốc hội. Đến giờ, cử tri có thể gửi gắm kỳ vọng vào những đại biểu Quốc hội. Và điều mong mỏi trước nhất của cử tri là đại biểu trúng cử sẽ giữ lời hứa của họ, cũng là giữ chữ tín, danh dự với nhân dân. Bởi khi ứng cử, gặp gỡ, tiếp xúc với cử tri, vận động bầu cử, những người trúng cử đại biểu Quốc hội đã đưa ra những cam kết bằng chương trình hành động, những lời hứa của mình với tư cách người đại biểu nhân dân tại Quốc hội. Mỗi một lời hứa của các đại biểu đều rất quý, có ý nghĩa sâu sắc, là cơ sở quan trọng để các cử tri cân nhắc, lựa chọn, bầu những người đủ tiêu chuẩn làm đại biểu Quốc hội.

Đồng chí Hồ Đức Phớc - Ủy viên BCH Trung ương Đảng, Tổng Kiểm toán Nhà nước trao đổi với cử tri  bên lề Hội nghị tiếp xúc cử tri tại phường Hưng Bình (TP. Vinh). Ảnh: Thành Duy
Đồng chí Hồ Đức Phớc - Ủy viên BCH Trung ương Đảng, Tổng Kiểm toán Nhà nước trao đổi với cử tri bên lề Hội nghị tiếp xúc cử tri tại phường Hưng Bình (TP. Vinh). Ảnh: Thành Duy

Muốn giữ lời hứa, trước hết, họ phải thực sự gắn bó chặt chẽ với cử tri. Bởi đại biểu thường xuyên giữ mối liên hệ, gắn bó chặt chẽ với cử tri sẽ lắng nghe được những tâm tư, nguyện vọng, kiến nghị của cử tri. Chỉ có đại biểu gắn bó với cử tri mới có nhiều thông tin từ thực tiễn, bắt mạch được hơi thở cuộc sống và tiếng nói tại diễn đàn Quốc hội thường “nặng ký” hơn, tránh được chủ quan, duy ý chí, góp phần bảo đảm để Quốc hội có những quyết sách đúng đắn, kịp thời, sát thực tiễn, hợp lòng dân.

Tất nhiên, đã là người đại biểu của nhân dân, thì ngoài việc lắng nghe dân, điều quan trọng nhất cần phải làm là nói lên được tiếng nói của người dân. Bởi xét đến cùng, bản chất đại diện nhân dân của Quốc hội phải thể hiện được trong hoạt động thực tiễn của Quốc hội. Chỉ thông qua hoạt động thực tiễn của Quốc hội, của đại biểu Quốc hội thì ý chí, nguyện vọng của nhân dân được gửi gắm qua những đại biểu Quốc hội mới có thể được thực hiện và trở thành hiện thực trong cuộc sống. Như vậy, đại biểu Quốc hội phải thể hiện rõ trách nhiệm của mình trong các kỳ họp, phản ánh đúng tâm tư, nguyện vọng của cử tri trên diễn đàn Quốc hội. Cử tri không cần những đại biểu chỉ ngồi đúng chỗ, im lặng lắng nghe các cơ quan Chính phủ báo cáo, làm “nghị gật”, “nghị ngồi”, ngại nói lên chính kiến, e dè trong phản ánh tâm tư, nguyện vọng của cử tri.

Toàn cảnh kỳ họp quốc hội
Toàn cảnh kỳ họp quốc hội khóa XIII, kỳ họp thứ Mười

Ở khía cạnh khác, xây dựng Nhà nước của dân, do dân, vì dân rất cần một Quốc hội mạnh, bắt đầu từ mỗi vị đại biểu. Yêu cầu này đòi hỏi bên cạnh nhiệt huyết, trách nhiệm, ngoài những yêu cầu ban đầu về trình độ khi ứng cử đại biểu Quốc hội thì mỗi đại biểu phải luôn trau dồi, hoàn thiện các kỹ năng, đặc biệt là đối với những đại biểu lần đầu vào Quốc hội còn bỡ ngỡ, ít kinh nghiệm trong hoạt động nghị trường. Bởi lẽ, để có ít phút phát biểu tại Quốc hội, đại biểu phải chuẩn bị kỹ lưỡng, thu thập thông tin nhiều chiều thì ý kiến mới có trọng lượng và có khả năng được tiếp thu. Ngay cả kỹ năng đặt vấn đề, phong cách trình bày ý kiến, đặt câu hỏi chất vấn cho rõ ràng, mạch lạc cũng là những điều mà mỗi đại biểu dù lần đầu hay đã vài ba nhiệm kỳ làm đại biểu dân cử đều phải học hỏi và hoàn thiện.

Cử tri cả nước kỳ vọng và trông đợi 496 vị đại biểu Quốc hội sẽ luôn nhiệt huyết, “cháy hết mình” trong hoạt động, tạo luồng gió mới trong nhiệm kỳ Quốc hội tới.

Một nhiệm kỳ 5 năm không phải là dài nhưng cũng đủ để các đại biểu Quốc hội thể hiện trách nhiệm với cộng đồng, với đất nước. Nhân dân sẽ là người đánh giá cuối cùng, chính xác nhất về hiệu quả hoạt động của những người mà họ đã bầu ra để đại diện cho mình. Vị đại biểu nào thực sự vì dân, vì nước, cử tri đều sẽ nhìn thấy, ủng hộ và ghi nhận./.

Theo ĐCSVN

TIN LIÊN QUAN

Đại biểu Quốc hội và trọng trách trước Quốc gia, dân tộc
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO