Thời sự

Đại biểu Thái Thị An Chung kiến nghị thiết kế thêm chính sách người lao động khi khó khăn vẫn có thể tham gia bảo hiểm xã hội

Thành Duy - Phan Hậu 27/05/2024 19:05

(Baonghean.vn) - Đại biểu Thái Thị An Chung, đoàn Nghệ An đồng tình với nhiều ĐBQH là Luật BHXH cần phải thiết kế thêm chính sách hỗ trợ người lao động khi gặp khó khăn để họ có thể tiếp tục tham gia, tránh rút BHXH một lần.

bna_z5479512315226_73dcc711a7576c6cb3018cb5c874d897.jpg
Quang cảnh phiên làm việc ngày 27/5 tại Hội trường Diên Hồng, Nhà Quốc hội. Ảnh: Nam An

Ngày 27/5, tại Nhà Quốc hội, tiếp tục Chương trình Kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa XV họp phiên toàn thể ở hội trường, thảo luận về một số nội dung còn ý kiến khác nhau của dự thảo Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi).

Đồng chí Trần Thanh Mẫn - Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch Quốc hội chủ trì. Đồng chí Nguyễn Khắc Định - Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Phó Chủ tịch Quốc hội điều hành phiên họp.

NGƯỜI LAO ĐỘNG PHẢI RÚT BẢO HIỂM MỘT LẦN KHI "CỰC CHẲNG ĐÃ"

Phát biểu thảo luận, về đối tượng được hưởng trợ cấp hưu trí xã hội, đại biểu Thái Thị An Chung - Ủy viên Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh, Phó trưởng Đoàn chuyên trách Đoàn ĐBQH tỉnh Nghệ An bày tỏ đồng tình với việc quy định về trợ cấp hưu trí xã hội trong dự thảo luật này để thể chế hóa Nghị quyết 28 của Bộ Chính trị.

"Dự thảo luật kế thừa và phát triển một phần quy định về trợ cấp xã hội hàng tháng đối với người cao tuổi đang được quy định tại Luật Người cao tuổi. So với quy định tại Luật Người cao tuổi dự thảo có tính ưu việt hơn khi giảm độ tuổi được hưởng trợ cấp hưu trí xã hội từ 80 xuống 75 tuổi và giảm xuống 70 tuổi đối với những người thuộc diện hộ nghèo, hộ cận nghèo đang cư trú tại các xã, thôn đặc biệt khó khăn”, Phó Trưởng đoàn chuyên trách Đoàn ĐBQH Nghệ An đánh giá.

bna_z5479512007193_e7dea32cb761efbf5d8b1d6a3decb266.jpg
Các đồng chí lãnh đạo Quốc hội chủ trì, điều hành phiên thảo luận. Ảnh: Nam An

Tuy nhiên, đại biểu đề nghị nghiên cứu bổ sung thêm trường hợp được giảm độ tuổi xuống 70 tuổi đối với những người đã có thời gian tham gia kháng chiến bảo vệ Tổ quốc và làm nhiệm vụ quốc tế; những trường hợp này chưa được hưởng lương hưu trợ cấp BHXH hàng tháng theo Luật BHXH và chưa được hưởng trợ cấp, phụ cấp người có công hàng tháng theo Pháp lệnh ưu đãi người có công.

“Việc bổ sung đối tượng này thể hiện truyền thống “uống nước nhớ nguồn” và tiếp nối sự tri ân đối với những cựu chiến binh, cựu thanh niên xung phong đã đóng góp sức lực, tuổi trẻ để mang lại hoà bình, độc lập cho dân tộc. Đồng thời, việc bổ sung đối tượng này cũng góp phần mở rộng diện bao phủ BHXH như mục tiêu dự thảo luật đặt ra”, vị đại biểu đoàn Nghệ An phân tích.

bna_Đại biểu Thái Thị An Chung - Ủy viên Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh, Phó Trưởng đoàn chuyên trách Đoàn ĐBQH Nghệ An phát biểu thảo luận. Ảnh Nam An.jpg
Đại biểu Thái Thị An Chung - Ủy viên Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh, Phó Trưởng đoàn chuyên trách Đoàn ĐBQH Nghệ An phát biểu thảo luận. Ảnh: Nam An

Về mức độ trợ cấp hưu trí xã hội được quy định tại Điều 21, đại biểu Thái Thị An Chung đồng tình giao cho Chính phủ quy định phù hợp với điều kiện kinh tế - xã hội và khả năng ngân sách nhà nước từng thời kỳ.

Tuy nhiên, tại khoản 1, Điều 21 lại có quy định “định kỳ 3 năm, Chính phủ thực hiện rà soát và đề xuất việc điều chỉnh mức trợ cấp hưu trí xã hội báo cáo Quốc hội khi trình kế hoạch tài chính - ngân sách nhà nước 3 năm”. Theo đại biểu, như vậy là chưa đảm bảo tính thống nhất về thẩm quyền là Chính phủ hay Quốc hội, do đó đề nghị cơ quan soạn thảo, cơ quan thẩm tra nghiên cứu để đảm bảo tính thống nhất.

Về việc rút BHXH một lần, nhận định đây là nội dung mà ĐBQH cũng như cử tri rất quan tâm, Phó Trưởng đoàn chuyên trách Đoàn ĐBQH tỉnh Nghệ An chia sẻ, việc quyết định phương án nào đối với cá nhân đại biểu cũng rất khó khăn và băn khoăn.

Về điều kiện hưởng BHXH một lần, dự thảo Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi) đưa ra 2 phương án:

Phương án 1: Người lao động được chia làm hai nhóm:

- Nhóm 1, tiếp tục được áp dụng điều kiện hưởng BHXH một lần như quy định tại Nghị quyết số 93/2015/QH13 ngày 22/6/2015 của Quốc hội về việc thực hiện chính sách hưởng BHXH một lần đối với người lao động, tức là: Người lao động tham gia BHXH trước khi Luật có hiệu lực (dự kiến 1/7/2025), sau 12 tháng không thuộc diện tham gia BHXH bắt buộc, không tham gia BHXH tự nguyện.

- Nhóm 2, người lao động bắt đầu tham gia BHXH từ ngày Luật có hiệu lực trở đi thì không được áp dụng quy định điều kiện hưởng BHXH một lần này.

Phương án 2: Người lao động được giải quyết một phần nhưng tối đa không quá 50% tổng thời gian đã đóng vào quỹ hưu trí và tử tuất. Thời gian đóng BHXH còn lại được bảo lưu để người lao động tiếp tục tham gia và hưởng các chế độ BHXH.

Qua tiếp xúc cử tri đối với công nhân lao động trước Kỳ họp thứ 6 và thứ 7, đại biểu nhận thấy đa số người lao động phải rút hoặc sẽ rút BHXH một lần khi “cực chẳng đã” hoặc khi không còn giải pháp nào khác. Do đó, đại biểu đồng tình với nhiều ĐBQH là Luật BHXH cần phải thiết kế thêm chính sách hỗ trợ người lao động khi gặp khó khăn để họ có thể tiếp tục tham gia BHXH.

Trên cơ sở đó, vị ĐBQH đoàn Nghệ An đề nghị bổ sung thêm 2 vấn đề:

Một là, bổ sung chính sách nghỉ việc để chăm sóc con trên 7 tuổi bị ốm đau. Quy định về thời gian nghỉ việc để chăm sóc con bị ốm đau ở Điều 45 và Điều 46 dự thảo luật hiện nay giữ nguyên như quy định như luật BHXH hiện hành. Theo đó, người lao động được hưởng chế độ ốm đau khi phải nghỉ việc để chăm sóc con dưới 7 tuổi bị ốm đau mà có xác nhận của cơ sở khám bệnh, chữa bệnh.

Tuy nhiên, thực tế trong thời gian qua, rất nhiều người lao động nghỉ việc rút BHXH một lần xuất phát từ hoàn cảnh gia đình éo le đó là con bị bệnh nặng, mắc bệnh hiểm nghèo phải thường xuyên điều trị tại các bệnh viện và trong trường hợp này, bố hoặc mẹ phải nghỉ việc để túc trực bên con trong quá trình điều trị và chăm sóc. Qua giám sát việc thực hiện Chương trình mục tiêu Quốc gia về giảm nghèo bền vững thì tỷ lệ hộ nghèo khó thoát nghèo nhất chính là những trường hợp lâm vào tình cảnh ốm đau bệnh tật.

Do đó, để hạn chế tình trạng rút BHXH một lần, đại biểu đề nghị nên bổ sung quy định tại khoản 2, Điều 44 là người lao động được hưởng chế độ ốm đau khi phải nghỉ việc để chăm sóc con từ 7 đến dưới 18 tuổi trong trường hợp con mắc bệnh hiểm nghèo và bổ sung quy định thời gian được hưởng chế độ chăm sóc con tối đa là 20 ngày.

Hai là, để hỗ trợ người lao động khó khăn khi có nhu cầu cần vốn, cần tiền để trang trải cuộc sống mà không cần phải rút BHXH một lần, đại biểu tán thành quan điểm của Ủy ban Thường vụ Quốc hội và nhiều đại biểu đã phát biểu là Chính phủ cần có đề án hỗ trợ người lao động như là vay vốn tín dụng.

Tuy nhiên, nếu như quy định tại khoản 9, Điều 8 dự thảo Luật, đó là nghiêm cấm việc cầm cố, thế chấp, đặt cọc sổ BHXH dưới mọi hình thức thì chính sách tín dụng dành cho người lao động gặp khó khăn sẽ không khả thi bởi vì đa số người lao động khi phải rút BHXH một lần có nghĩa là họ cũng không còn bất kỳ một tài sản nào để có thể thế chấp, cầm cố để vay vốn tín dụng.

Do đó, đại biểu đề nghị tại khoản 9, Điều 8 chỉ quy định hành vi nghiêm cấm việc mua bán sổ BHXH và bổ sung quy định tại khoản 1, Điều 9 quy định quyền của người tham gia BHXH đó là được cầm cố, đặt cọc hoặc thế chấp sổ BHXH theo quy định của pháp luật và giao cho Chính phủ quy định chi tiết nội dung này.

XEM XÉT, CÂN NHẮC CẨN TRỌNG VỚI NHỮNG NỘI DUNG

CÒN Ý KIẾN KHÁC NHAU

Thay mặt cơ quan chủ trì soạn thảo, Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội Đào Ngọc Dung cảm ơn các ý kiến đại biểu phát biểu tâm huyết, đóng góp nhiều nội dung quan trọng; cơ quan chủ trì soạn thảo sẽ phối hợp với cơ quan thẩm tra tiếp thu tối đa các ý kiến, trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội; đồng thời giải trình một số nội dung liên quan, đặc biệt là về một số nội dung đại biểu quan tâm liên quan đến quy định hưởng BHXH một lần.

bna_z5481246885341_eba3ddaf40bdf9748faebae4b22450ab.jpg
Thay mặt cơ quan chủ trì soạn thảo, Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội Đào Ngọc Dung phát biểu giải trình, làm rõ thêm một số vấn đề được nhiều vị đại biểu Quốc hội quan tâm. Ảnh: Nam An

Kết luận nội dung phiên thảo luận, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định cho biết, đã có 55 ý kiến ĐBQH phát biểu, trong đó có 2 ý kiến tranh luận.

Phó Chủ tịch Quốc hội đề nghị Tổng Thư ký Quốc hội khẩn trương tổ chức tổng hợp đầy đủ ý kiến thảo luận, tranh luận của đại biểu, gửi đến các cơ quan có liên quan và báo cáo lại các vị ĐBQH để các cơ quan nghiên cứu tiếp thu, giải trình một cách đầy đủ, thuyết phục.

270520240233-z5480690596894_32a9eaf4282697596ce23cc042e6772f.jpeg
Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định kết luận nội dung phiên thảo luận. Ảnh: Quochoi.vn

Đối với những nội dung còn có ý kiến khác nhau, chưa có sự đồng thuận cao, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định cho biết, Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ xem xét thận trọng, cân nhắc và phối hợp với Chính phủ quyết định việc gửi phiếu xin ý kiến ĐBQH để lựa chọn phương án, làm cơ sở tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật.

Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ phối hợp chặt chẽ với Chính phủ chỉ đạo Cơ quan chủ trì soạn thảo, Cơ quan chủ trì thẩm tra nghiên cứu, tiếp thu, giải trình, hoàn thiện dự thảo Luật với trách nhiệm cao nhất và báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội thảo luận trong thời gian giữa hai đợt của kỳ họp trước khi hoàn chỉnh trình Quốc hội xem xét.

Căn cứ ý kiến đại biểu Quốc hội với chất lượng dự thảo Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi), Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ báo cáo Quốc hội việc xem xét thông qua dự thảo Luật hay không thông qua vào giai đoạn sau của kỳ họp này.

Đại biểu Thái Thị An Chung kiến nghị thiết kế thêm chính sách người lao động khi khó khăn vẫn có thể tham gia bảo hiểm xã hội
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO