Vào thời điểm này mọi năm sim ở khu vực Rú Nhón (Hưng Nguyên) đang cho thu hoạch rộ nhưng năm nay quả rất ít, lại nhỏ và khô quắt. Bà Nguyễn Thị Thành, người dân xã Hưng Thành cho biết: “Mọi năm, mỗi ngày ít nhất cũng thu hái được 5-7kg sim, thu về 200-300.000 đồng. Năm nay, đại hạn, cây sim cằn, khô không có quả, thưa thớt lắm nên người dân cũng thất thu”.
Các vùng đồi núi ở Thanh Hà, Thanh Hương, Thanh Đức, Thanh Lâm (Thanh Chương) bạt ngàn cây sim nhưng do nắng nóng gay gắt kéo dài nên sim mất mùa nặng. Cả đồi sim lá vàng, rũ, ra hoa chưa kịp đậu quả đã khô quắt trên cây. Do đó, thời điểm này, dù rộ mùa thu hoạch nhưng cũng không mấy ai lên rừng vì sim không có quả, đi cả buổi cũng chỉ bòn mót được một vài cân, quả lại cằn, nhỏ và chát nên bán cũng không được mấy tiền.
Ông Nguyễn Trọng Kỷ, người dân xã Thanh Lâm (Thanh Chương) cho biết: “Các năm trước, thời điểm từ tháng 6 đến tháng 9, 2 ông bà có nguồn thu cả chục triệu đồng từ thu hái sim rừng. Năm sim được mùa, có ngày hái được cả yến sim, bán ngay cho thương lái, thu về 300-400.000 đồng. Năm nay thì chịu, đại hạn, sim mất mùa, không có thu hoạch”.
Sim đồi tự nhiên mất mùa, trong khi đó, đối với những hộ có sim trồng tập trung, khoanh nuôi, chăm sóc tốt thì lại cho nguồn thu đáng kể. Gia đình chị Nguyễn Thị Chung (xóm 3, xã Hạnh Lâm, Thanh Chương) trồng 6 sào sim. Để cây sim phát triển tốt, cho năng suất cao, chị đã đầu tư giếng khoan, hệ thống béc tưới tự động, chăm sóc sim theo đúng kỹ thuật như bón phân chuồng, ka-ly và cắt tỉa ngọn khi sim cao quá đầu người. Nhờ đó, sim sai trĩu, quả căng mọng và có vị ngọt đậm đà.
“Diện tích này, trước đây trồng chè, sau cây chè bị chết, không cứu vãn được nên gia đình chuyển sang trồng cây sim. Giống sim này là cây bản địa, được đào từ đồi núi trong xã và chuyển về trồng tập trung tại vườn. Trồng từ năm 2021, hiện 4 sào cho thu hoạch năm thứ 2 và 2 sào đang ra quả bói. Nhờ chủ động nước tưới, chăm sóc tốt nên cây sim cho quả to, mọng và sai. Có những gốc sim, cho thu hái 10-15kg/mùa”, chị Chung cho biết.
Sim sau khi thu hái, được thương lái thu mua tận vườn với giá từ 40-50.000 đồng/kg. Năm nay, sim rừng mất mùa, quả nhỏ, cằn nên loại sim đẹp tại vườn giá khá cao. Thời điểm đầu mùa, sim có giá 60.000 đồng/kg nay là 50.000 đồng/kg, cao hơn các năm trước từ 10.000-15.000 đồng/kg.
“Vụ sim năm nay, chỉ có những hộ trồng tập trung, những vùng khoanh nuôi, có nước tưới thì sim được mùa. Sim khan hiếm, giá cả cũng cao hơn các năm trước nhưng cũng không có hàng để thu mua. Có những năm, mỗi ngày mua từ 3-5 tạ sim, dân chở đến nhập ồ ạt còn năm nay, phải đi thu gom tận nơi”, chị Nguyễn Thị Hải, một thương lái chuyên thu mua sim, bồ quân ở Hưng Nguyên cho biết.
Hiện nay, nhu cầu sử dụng sim rừng để chế biến rượu sim, si-rô sim, trà sim khá cao, sim dễ tiêu thụ, giá bán ổn định. Do đó, ở Nghệ An, nhiều hộ đã bắt đầu đưa cây sim về trồng ở các vùng đồi cằn cỗi, đất hoang hoá, trồng xen dưới tán rừng vừa cho thu nhập, vừa tăng độ che phủ cho đất, tạo cảnh quan sinh thái.
Tuy nhiên, để phát triển cây sim thành hàng hoá thì các địa phương cần có quy hoạch cụ thể, kết nối, khuyến khích, hỗ trợ các doanh nghiệp đa dạng các sản phẩm từ sim rừng để tạo đầu ra ổn định cho cây sim rừng, tránh ồ ạt, trồng tự phát dẫn đến dư thừa, chặt bỏ, gây lãng phí.
Theo đông y, quả sim có vị ngọt, chát, tính bình có tác dụng hành huyết, chỉ huyết, bổ huyết, hoạt lạc, thường dùng trong trường hợp suy nhược cơ thể, thiếu máu do mất máu, thiếu máu do thai nghén, người yếu mệt sau khi có bệnh, suy nhược thần kinh, ù tai, di tinh. Với những đặc tính tốt của loại quả này khoảng 10 năm trở lại đây, nhu cầu sử dụng sim rừng để ngâm rượu, làm si rô, làm trà sim… tăng mạnh. Nhận thấy giá trị kinh tế của loại quả rừng này, nhiều địa phương trong tỉnh đã có phương án khoanh nuôi, bảo vệ, khai thác cây sim có hiệu quả.