Đại sứ Antonov: Nga có thể triển khai tên lửa tầm ngắm tới toàn châu Âu
Một nhà ngoại giao cao cấp của Nga cảnh báo rằng Moskva có thể bị buộc phải triển khai tên lửa có khả năng vươn tới toàn bộ châu Âu, nếu Mỹ đặt tên lửa mới tại các quốc gia đồng minh ở khu vưc này.
Đại sứ Nga tại Mỹ Anatoly Antonov. Ảnh: AFP |
“Chúng tôi rất quan ngại rằng sau khi Mỹ quyết định rút khỏi Hiệp ước Các lực lượng hạt nhân tầm trung (INF), họ có thể mang tên lửa tới đặt ở lãnh thổ các đồng minh châu Âu”, trang tin The Moscow Times dẫn lời Đại sứ Nga tại Mỹ Anatoly Antonov, cho biết.
“Chúng tôi sẽ bị buộc phải triển khai tên lửa. Và toàn bộ lãnh thổ các quốc gia châu Âu sẽ nằm trong tầm ngắm”, ông Antonov phát biểu tại Trung tâm Henry L. Stimson, một tổ chức nghiên cứu về an ninh có trụ sở ở thủ đô Washington, Mỹ.
Đầu tháng 2, Mỹ đơn phương rút khỏi hiệp ước INF với cáo buộc Nga đã phát triển tên lửa cấm, nhưng Washington cho biết có thể sẽ quay trở lại INF nếu Moskva loại bỏ những khí tài vi phạm quy định trong 6 tháng tới.
Hiệp ước Các lực lượng hạt nhân tầm trung được Nga và Mỹ ký năm 1987, trong đó cấm hai nước phát triển mọi loại tên lửa hành trình phóng từ mặt đất có tầm bắn 500-5.500 km.
Trong suốt thời gian qua, hai bên đã cáo buộc lẫn nhau vi phạm INF. Tổng thống Nga Vladimir Putin ngày 4/3 đã ký sắc lệnh ngừng thực thi INF. Ông Putin hồi tháng trước cũng cảnh báo rằng kho tên lửa của Moskva có thể nhằm tới các “trung tâm đưa ra quyết định” của Mỹ nếu Washington triển khai thêm tên lửa ở châu Âu.
“Chúng tôi không muốn đối đầu, đặc biệt là với một cường quốc toàn cầu như Mỹ. Tôi tuyên bố điều này một cách rõ ràng và công khai rằng Nga sẽ buộc phải triển khai vũ khí nhằm vào các trung tâm đưa ra quyết định đằng sau các hệ thống tên lửa có thể đe dọa Moskva”, ông Putin phát biểu.
Hồi cuối tuần, Tổng tham mưu trưởng quân đội, Thứ trưởng thứ nhất Bộ Quốc phòng Nga, Tướng Valery Gerasimov, bày tỏ quan ngại rằng sau INF, Mỹ có thể tiếp tục rút khỏi các hiệp ước vũ trang khác.
Ông Gerasimov cũng cảnh báo rằng việc ông Trump tuyên bố thành lập lực lượng vũ trụ “có thể dẫn tới leo thang căng thẳng trong tình hình quân sự và chính trị, làm nảy sinh những mối đe dọa mới".