Đại sứ hơn 37 năm say mê 'sự kỳ diệu' của tiếng Việt
Đại sứ Palestine tại Việt Nam vẫn không ngừng tìm kiếm những nét độc đáo của tiếng Việt dù ông đã theo đuổi hơn 37 năm nay.
"Chào em, anh rất vui được đón em đến thăm Đại sứ quán", ông Saadi Salama, Đại sứ Paletine tại Việt Nam, hồ hởi đón phóng viên của VnExpress tại trụ sở ở Khu ngoại giao đoàn Trung Tự vào một sáng chớm đông.
Đối với giới truyền thông Việt Nam, ông Salama là một gương mặt khá quen thuộc. Tuy nhiên khi trò chuyện với ông, người đối diện nào cũng sẽ bị thu hút bởi đôi mắt sâu đặc trưng của người Trung Đông. Dường như vẫn còn nhiều điều ông chưa tiết lộ.
"Thật không may cho những người mới gặp tôi, trong khi họ cố nói tiếng Anh thì tôi lại thích dùng tiếng Việt hơn", ông Salama hóm hỉnh cho biết, đồng thời đổi cách xưng hô khi mở đầu cuộc trả lời phỏng vấn.
Ông cho hay mình yêu ngôn ngữ này vì nó rất truyền cảm, thể hiện rõ mức độ tình cảm, hoàn cảnh của mọi người khi giao tiếp. Thường thì sau một số câu xã giao, ông Salama sẽ hỏi tuổi của người nói chuyện với mình để biết có thể xưng anh, em hoặc xưng ngang. Qua đó cuộc trao đổi trở nên gần gũi, thân tình hơn.
So sánh với tiếng Anh, tiếng Việt phong phú hơn rất nhiều, ví như một câu trả lời đúng, thì một người có thể nói "Ừ, Phải rồi hay Vâng", thể hiện sự lễ phép nếu người được hỏi ít tuổi hơn.
Đại sứ Salama tiết lộ ông có thể nhận biết người trò chuyện với mình đến từ vùng nào của Việt Nam, là người Thái Bình, Nghệ An, Quảng Nam hay là người miền Tây.
"Nếu như người miền Bắc phát âm như nhau từ Giao, Dao và Rao, thì người miền Trung và Nam lại phân biệt rất rõ. Những trường hợp như thế rất nhiều, khiến cho nhiều người nước ngoài băn khoăn không biết có nên tiếp tục học hay không", ông Salama nói, nhắc tới sự phức tạp của tiếng Việt.
Nhớ lại những ngày đầu mới đến Việt Nam hồi thập niên 1980, Đại sứ và bạn bè khi đó phải học tiếng Việt bằng giáo trình viết tay, không có từ điển. Cuộc sống vật chất cũng khó khăn, đồ ăn thiếu thốn, điện chỉ có 6 tiếng một ngày.
"Phải mất ba tháng tôi mới quen được mùi nước mắm, nhiều lúc tôi tự nhủ: thôi cứ về nước đi. Nhưng nghĩ lại thì thấy như thế là mình chấp nhận thất bại, sau đó tôi có thể chấp nhận nó thêm lần hai, lần ba, và có thể trở thành người tiêu cực trong xã hội. Vì thế tôi đã ở lại để theo đuổi ước mơ của mình", ông Salama nói.
Ước mơ của chàng trai trẻ người Palestine khi đó là học thật giỏi tiếng Việt, tìm hiểu văn hoá, lịch sử Việt Nam, từ đó tìm ra bài học kinh nghiệm, góp phần giúp Palestine giành chiến thắng trong cuộc đấu tranh giành độc lập dân tộc. Mặc dù có nhiều cơ hội đi học ở các quốc gia ở châu Âu, nhưng ông đã đến Việt Nam vì nhận thấy hoàn cảnh của Việt Nam và Palestine rất tương đồng, ông khâm phục và ngưỡng mộ con người Việt Nam. Và đến giờ Đại sứ luôn cảm thấy tự hào về quyết định của mình.
Nhờ sự kiên trì, bền bỉ rèn luyện phát âm và không ngại thực hành khi xuống phố, khi đi chợ, vốn tiếng Việt của ông Salama mỗi ngày một phong phú hơn.
"Bạn biết vì sao tôi say mê tiếng Việt không, có những từ không tìm được nghĩa tương đương trong tiếng Anh hay tiếng Pháp, nhưng lại có trong tiếng Arab của chúng tôi. Chẳng hạn như từ duyên nợ", ông Salama nói, không giấu được sự tâm đắc.
Đại sứ còn say mê vì lối chơi chữ của tiếng Việt, như là dùng từ thay đổi - đổi thay, thuỷ chung - chung thuỷ, cho thấy sự "tuyệt vời" của ngôn ngữ.
Trong suốt cuộc trò chuyện, ông Salama không ít lần khiến các phóng viên và trợ lý của mình phá lên cười khi nghe ông kể những câu chuyện hài về cách dùng sai tiếng Việt. Trong đó có chuyện một anh chàng người nước ngoài phải ăn cháo liền cả ngày vì đến Việt Nam học được mỗi một từ "Chào".
Đại sứ Salama kể rất nhiều chuyện hài hước về cách dùng sai từ trong tiếng Việt. Ảnh: Giang Huy. |
Bật mí bí quyết học giỏi tiếng Việt, Đại sứ cho hay đây là một hành trình rất phức tạp, người học cần phải yêu thích và có vốn tiếng mẹ đẻ phong phú. Nhờ chịu khó nghe Đài Tiếng nói Việt Nam, ông dần phân biệt được từ và câu, cách phát âm chuẩn. Khi vượt qua 6 tháng đầu tiên, việc học sẽ trở nên dễ dàng hơn.
"Tiếng Việt đã mang lại cho tôi những gì rất ít người có được, đó là sự hiểu biết sâu sắc về con người, đất nước Việt Nam. Khi gặp bất cứ ai, tôi có thể xây dựng được ấn tượng rõ ràng về người đó qua cách giao tiếp, tạo cho tôi lợi thế trong cuộc sống hàng ngày, cho tôi sức mạnh để có sự tự tin", Đại sứ chia sẻ.
Trong bối cảnh Việt Nam đang mở rộng quan hệ quốc tế, Đại sứ Salama mong muốn tiếng Việt cũng có bước phát triển cùng với nhịp độ đó. Ông đề xuất Việt Nam nên có một cơ quan phụ trách chính để thống nhất cách phiên âm trên toàn quốc, chẳng hạn dùng từ Moscow hay Mạc Tư Khoa để chỉ thủ đô của Nga.
Thêm nữa, cơ quan đó cũng giúp phổ biến tiếng Việt trên thế giới. Đặc trưng của ngôn ngữ này là có nhiều dấu, vì thế người nước ngoài khi nói tiếng Việt cần phát âm đúng, phổ biến nhất là từ "áo dài", hay tên cố lãnh đạo "Lê Duẩn".
Ông Salama cho rằng người Việt và người Palestine đều là dân châu Á, coi trọng tình cảm, trái tim đi trước, lý trí đi sau. Vì thế việc sử dụng tiếng Việt thuần thục giúp ông có nhiều bạn bè, gắn bó đến mức cảm thấy mình như là người Việt.
Bỗng nhiên trở nên trầm tư, Đại sứ cho hay "cái duyên" của ông với đất nước Việt Nam chưa hết, ông luôn biết ơn Chính phủ và người dân Việt Nam vì ủng hộ các nghị quyết phù hợp với Hiến chương của Liên Hợp Quốc, ủng hộ việc thiết lập nền hoà bình bền vững, công bằng cho nhân dân Palestine. Sự ủng hộ của Việt Nam có ý nghĩa đặc biệt với Palestine trong hoàn cảnh hiện nay.
Điều ông quan tâm nhất là thúc đẩy quan hệ giữa Việt Nam và Palestine cũng như với thế giới Arab và vùng Trung Đông. Đại sứ tin rằng Palestine sẽ là đối tác năng động của Việt Nam ở Trung Đông.
Nét mặt ông Salama tươi tắn trở lại khi được hỏi ông đã cảm thấy hài lòng với vốn tiếng Việt của mình hay chưa. Đại sứ kể cách xưng hô vẫn làm ông bối rối, ví dụ như có người lớn tuổi hơn nhưng vẫn gọi ông bằng chú hay cậu, hoá ra là họ gọi thay cho con họ để thể hiện sự gần gũi.
"Dù có nhiều người ghen tị với tôi vì tôi nói sõi, nhưng thú thực đến giờ tiếng Việt vẫn là một thách thức lớn", ông Salama chia sẻ.
Theo VNE
TIN LIÊN QUAN |
---|