Ông Ted Osius có một ngày nhiều phấn khích khi được tìm hiểu cặn kẽ quá trình đoàn phim bom tấn 150 triệu USD làm việc.
|
Hôm 27/2, Đại sứ Mỹ - Ted Osius - có buổi tới thăm và tìm hiểu quá trình làm việc của đoàn phim bom tấn Kong: Skull Island tại Tràng An, Ninh Bình. 9h sáng, ông có mặt trại chính (base camp) bên ngoài trường quay và thay giày để chuẩn bị ra phim trường. Tháp tùng Đại sứ Ted Osius có tùy viên báo chí Đại sứ quán Mỹ - Lisa Wishman. Lán trại chính này có hơn 100 xe tải và xe hơi dùng để chứa các thiết bị quay phim. Mọi hoạt động và sinh hoạt của đoàn phim trong ngày đều ở đây, từ ăn uống tới làm việc bàn giấy. Buổi tối, đoàn phim về khách sạn nghỉ. |
|
Đại sứ trò chuyện với Giám đốc sản xuất của Kong: Skull Island - ông Alex Garcia - bên trong một văn phòng làm việc làm bằng xe thùng. Alex Garcia cho biết đoàn Kong: Skull Island có hơn 400 thành viên cả người Việt Nam và Mỹ. Đoàn phim giao tiếp bằng tiếng Anh trong quá trình làm việc. "Sự hợp tác giữa ê-kíp Hollywood và Việt Nam diễn ra rất trôi chảy. Tôi rất thích cách làm việc của các bạn Việt Nam. Họ rất sáng tạo và nhiệt tình", Garcia bày tỏ. |
|
Ông Osius mang theo những huy hiệu của Việt Nam và Mỹ để tặng cho các thành viên đoàn phim. Diễn viên da màu - Jason Mitchell - vui vẻ nhận huy hiệu của Đại sứ Mỹ. Anh bày tỏ rằng bản thân cùng gần 200 thành viên đoàn phim người nước ngoài rất thích ăn phở và các món đặc sản Việt Nam. "Sáng nào tôi cũng ăn phở". |
|
Khi ghé thăm xưởng làm tóc của trường quay, Đại sứ cũng tặng huy hiệu cho các chuyên gia làm tóc. |
|
Nhà ngoại giao được nhà sản xuất Alex Garcia dẫn đi xem từng xưởng làm việc. Đây là một trong ba phòng phục trang được dựng bằng xe thùng. |
|
Rời trại chính, Đại sứ đi theo con đường đất ra trường quay. Ninh Bình là trường quay lớn nhất ở Việt Nam của đoàn Kong: Skull Island. Êkíp phim Hollywood ghi hình ở đây trong 15 ngày từ 27/2 tới 13/3. Các trường đoạn phim ghi hình ở Ninh Bình rất quan trọng trong cốt truyện giả tưởng. Cảnh phim ghi hình ở đây kết nối chặt chẽ với các cảnh quay tại Hawaii (Mỹ) và Australia. Bối cảnh chính là một thung lũng rộng 2 ha bên trong khu di sản. Vì lý do bảo mật, đoàn phim không tiết lộ hình ảnh liên quan đến nội dung phim. |
|
Trường quay của đoàn Kong: Skull Island nằm trong thung lũng, chia làm hai khu. Khu thứ nhất là một hòn đảo bao quanh bởi sông và núi. Khu thứ hai là một thung lũng đất rộng khác. Các nhân viên sáng tạo chính của phim đều là người Mỹ và Australia. Nhân viên Việt Nam hoạt động trong vai trò trợ lý cho chuyên gia. Bên trái là chuyên gia kỹ xảo hình ảnh của Kong Skull Island - Stephen Rosenbaum. Anh cũng là người làm kỹ xảo cho bom tấn Avatar. Ngoài cùng bên phải là Gegg Brilliant - đại diện truyền thông của đoàn phim. |
|
Vào lúc nghỉ giữa giờ, Đại sứ Mỹ được thuyền máy đưa ra địa điểm ghi hình cách nơi chuẩn bị 200 mét. Ông chụp hình cùng đạo diễn Jordan Vogt-Roberts. Nhà làm phim đến từ thành phố Detroit chia sẻ anh thấy hạnh phúc vì cuối cùng đã đặt chân tới Việt Nam cùng ê-kíp hàng trăm thành viên. "Tôi yêu Việt Nam", anh nói to bằng tiếng Việt để bày tỏ sự phấn khích. |
|
Đại sứ vui vẻ chụp ảnh cùng Samuel L. Jackson lúc nghỉ giữa trường quay. Ảnh: Đại sứ Ted Osius. |
|
Đại sứ được đưa vào trước máy thu hình và xem một cảnh phim tài tử Samuel L. Jackson diễn xuất. Sau khi được nhà sản xuất Alex Garcia chia sẻ hình ảnh lên phim sẽ thế nào, Đại sứ nói ông thực sự choáng ngợp khi thấy cảnh đẹp Việt Nam lên hình Hollywood dù có nhiều năm chiêm ngưỡng cảnh sắc ở đất nước hình chữ S. Ông rất chờ đợi được xem bom tấn vào đầu năm 2017. |
|
Sau hơn bốn tiếng ở trường quay, ông Osius thích thú được lội bùn giữa thung lũng. |
|
Ông Osius khẳng định rằng Hollywood đến Việt Nam mở ra chương mới về hợp tác trong lĩnh vực giải trí hàng đầu của Mỹ - ngành công nghiệp điện ảnh - với Việt Nam, giúp thúc đẩy kinh tế và văn hóa cả hai nước. "Từng đạp xe hơn 1.930 km từ Hà Nội vào TP HCM, tôi hiểu rõ Việt Nam có nhiều cảnh đẹp nhưng chỉ du khách và những người từng tới đây mới biết. Nhờ Kong: Skull Island, Việt Nam chắc chắn sẽ để lại dấu ấn với khán giả màn ảnh và thôi thúc họ tới Việt Nam". |
Theo VNE