Đại tá Nguyễn Hữu Cầu: 'Có thể quy trình không sai nhưng cán bộ đã làm sai'

15/11/2016 16:00

(Baonghean.vn)- Là thành viên đầu tiên trả lời chất vấn các đại biểu Quốc hội trong phiên họp sáng 15/11 kỳ họp thứ 2, Quốc hội khóa XIV, Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh được 'đặt hàng' hàng loạt vấn đề nóng từ vấn đề bổ nhiệm cán bộ đến các dự án thua lỗ nghìn tỷ, vấn đề quản lý thị trường, phát triển công nghiệp ô tô...

'Nóng' vấn đề bổ nhiệm cán bộ và quản lý thị trường

Đại biểu Nguyễn Hữu Cầu (Nghệ An) cho rằng, quá trình bổ nhiệm cán bộ, người nhà trong thời gian vừa qua được Bộ Công Thương giải thích là đúng quy trình, vấn đề xả lũ cũng được cho là đúng quy trình. Tuy nhiên, theo đại biểu này, có thể quy trình không sai nhưng yếu tố chính là có những cán bộ, công chức tha hóa đã khiến quy trình bị sai. Ông Cầu đặt cầu hỏi, liệu sắp tới Bộ trưởng có biện pháp mạnh tay để xử lý những cán bộ tha hóa này không?

Ngoài ra, đại biểu Nguyễn Hữu Cầu cũng đề nghị Bộ Công Thương với vai trò là cơ quan chủ quản quản lý nhiều doanh nghiệp lớn thời gian tới sẽ có giải pháp để tăng hiệu quả các dự án của nhà nước?

Đại biểu quốc hội Nguyễn Hữu Cầu
Đại biểu quốc hội Nguyễn Hữu Cầu chất vấn Bộ trưởng Công thương về quy trình bổ nhiệm cán bộ

Tham gia phần chất vấn, Đại biểu Nguyễn Thanh Hiền (Nghệ An) cho biết: năm 2007, Bộ Công Thương đã phê duyệt chiến lược phát triển ngành công nghiệp hỗ trợ đến 2010 và tầm nhìn 2020 nhưng đến nay công nghiệp hỗ trợ rất hạn chế, chưa đáp ứng yêu cầu phát triển. Ông Hiền đề nghị Bộ Công Thương làm rõ liệu ngành công nghiệp hỗ trợ đã đạt được cấp độ nào so với yêu cầu và phương án phát triển tiếp theo.

Ông Hiền cũng đề nghị làm rõ trách nhiệm của Bộ Công Thương trong việc để thị trường bán lẻ khả năng bị thao túng bởi các DN nước ngoài.

Do thời gian hạn hẹp, nên các vấn đề bức xúc được các đại biểu nêu, Bộ trưởng Bộ Công Thương "khất" bằng việc trả lời văn bản.

Đại biểu Nguyễn Thanh Hiền chất vấn về khả năng thao túng thị trường bán lẻ của doanh nghiệp nước ngoài

Có thể xem xét xử lý hình sự tại các "siêu dự án" thua lỗ

Nhắc lại phần giải trình trước đó của Bộ trưởng Trần Tuấn Anh về về nguyên nhân thua lỗ, yếu kém của các siêu dự án do các DNNN thuộc Bộ Công Thương quản lý đầu tư, Bộ trưởng đã thẳng thắn cho biết không loại trừ những hành động cố ý vi phạm pháp luật.

ĐBQH cho rằng, có thể hiểu như vậy là có sai phạm trong quản trị doanh nghiệp và trong quản lý điều hành tại DN của các các cơ quan quản lý Nhà nước. Đại biểu đề nghị làm rõ hơn sai phạm này và nêu rõ đâu là trách nhiệm bộ máy quản trị , đâu là trách nhiệm của cơ quan Nhà nước phụ trách quản lý DN? Bộ trưởng có kiến nghị gì với Chính phủ để khắc phục tình trạng “con voi chui lọt lỗ kim” như như dự án lớn trong thời gian qua?

Bộ trưởng Bộ Công Thương cho biết, cả 5 dự án này đều được phê duyệt từ khoảng năm 2003 đến 2008 kéo dài đến nay, chịu tác động bởi biến động thị trường thế giới, trong đó có biến động giá dầu. Việc giá dầu lao dốc khiến các dự án không có hiệu quả kinh tế, thậm chí là không thể quyết toán được đầu tư dù đã đi vào vận hành (như dự án Đạm Ninh Bình). Với những dự án kém hiệu quả, thua lỗ nói trên, Bộ trưởng cho hay, sau khi xem xét có thể sẽ tính đến bán dự án hoặc thậm chí là cho phá sản.

Bộ Trưởng Bộ Công thương Nguyễn Tuấn Anh đăng đàn trả lời chất vấn
Bộ Trưởng Bộ Công thương Nguyễn Tuấn Anh trả lời chất vấn

Các dự án này có những tồn đọng và thậm chí là có những vi phạm trong quản trị, quản lý, năng lực của chủ đầu tư hạn chế. Theo phân cấp, các tập đoàn, tổng công ty khi được phê duyệt chủ trương đầu tư đều là người phụ trách, nên là người chịu trách nhiệm về quyết định đầu tư và tính khả thi của dự án đó cũng như những vấn đề khác. Ngoài ra, còn do sự hạn chế trong năng lực của nhà thầu và ban quản lý dự án; năng lực trong đàm phán ký kết…

Về xử lý trách nhiệm và bài học kinh nghiệm để không xảy ra tái diễn cần làm cẩn trọng và làm theo đúng quy định pháp lý. Từng giai đoạn khác có những quy định pháp lý, có những thay đổi và điều chỉnh, phải xem xét trách nhiệm trong từng giai đoạn của các tổ chức và cá nhân; phải làm rõ những nguyên nhân khách quan và chủ quan, có cố tình hay vô tình.

“Chúng tôi cho rằng không loại trừ có sự cố tình làm sai”, Bộ trưởng Trần Tuấn Anh nhấn mạnh. Các dự án khác nhau và có đặc thù khác nhau, nên một số dự án có kết luận của thanh tra Chính phủ, có dự án mới chỉ có kết luận kiểm toán, thanh tra Bộ Tài chính, thanh tra Bộ Công Thương… và sẽ có báo cáo Quốc hội. Nhưng nếu có trách nhiệm, có cố tình làm sai thì thậm chí có thể sẽ xem xét xử lý hình sự.

Không phát triển thủy điện bằng mọi giá

Liên quan đến vấn đề thủy điện xả lũ được nhiều đại biểu Quốc hội quan tâm, Bộ trưởng Trần Tuấn Anh nhắc lại quan điểm chỉ đạo của Nhà nước và Chính phủ là “không phát triển thủy điện bằng mọi giá”.

Lãnh đạo Bộ Công Thương cho biết, về cơ bản, Việt Nam đã khai thác hết các tiềm năng thủy điện lớn của cả nước. Bộ Công Thương đã xem xét và đánh giá lại để đưa ra khỏi quy hoạch những thủy điện nhỏ không đảm bảo yêu cầu. Hiện có hơn 336 thủy điện, chức năng quản lý Nhà nước được phân bổ cho các bộ ngành, trong đó Bộ Công Thương với vai trò là cơ quan quản lý Nhà nước đóng vai trò chủ đạo bên cạnh Bộ Xây dựng, Bộ Tài nguyên Môi trường.

Chủ tịch Quốc Hội Nguyễn Thị Kim Ngân khai mạc phiên chất vấn
Chủ tịch Quốc Hội Nguyễn Thị Kim Ngân khai mạc phiên chất vấn

Qua kiểm, Bộ Công Thương thấy có một số vấn đề: Quy trình có nhưng việc chấp hành quy trình thì máy móc và nguyên tắc. Chủ đập phải có thông báo với địa phương trước khi xả lũ nhưng trong quy định lại không nói rõ là bằng hình thức nào, nên có thông báo nhưng có thể gặp vấn đề như thông báo đánh kẻng báo động song không ai nghe, gọi điện thì mất điện, không ai nghe máy…

Bên cạnh đó, việc diễn tập thực hiện ở địa phương không đảm bảo nên khi xảy ra vấn đề thì ứng phó không đảm bảo hiệu quả. Sự chủ động phối hợp giữa chủ đập và địa phương không đảm bảo. Trong quá trình thực hiện, dự báo thời tiết và hệ thống quan trắc của thủy điện cũng chưa đạt.

Vì vậy tới đây Bộ Công Thương sẽ tổng kiểm tra rà soát lại về quy trình xả lũ và việc tham gia phối hợp phòng chống lụt bão, làm rõ trách nhiệm của các bên để thực hiện nghiêm chế tài. Các doanh nghiệp nếu không thực hiện đúng quy định thì sẽ bị xử lý; bên cạnh đó cũng làm rõ trách nhiệm của chính quyền địa phương trong vấn đề phòng chống lụt bão.

Quản lý thị trường phân bón có sự "phân mảnh"

Trả lời câu hỏi của các ĐBQH về thực trạng hàng giả, đặc biệt là phân bón giả tràn ngập thị trường, ảnh hưởng nghiêm trọng đến đời sống người nông dân, Bộ trưởng Bộ Công Thương thừa nhận, vấn đề này có trách nhiệm của cơ quan quản lý Nhà nước về mặt hàng phân bón.

Góp phần giải trình thêm, Bộ trưởng Nông nghiệp và Nông thôn Nguyễn Xuân Cường cho rằng, phân hoá học sử dụng tới 9-10 triệu tấn khiến hàng nông sản không sạch, chất lượng không cao. Ông Cương cũng đề nghị, nên tập trung về một mối quản lý thống nhất mặt hàng phân bón và tập trung sửa đổi các văn bản pháp luật quản lý phân bón phù hợp hơn với thực tế. Ngoài ra, cần ban hành bộ tiêu chuẩn quy chuẩn về quản lý chất lượng phân bón..

Mặc dù phần chất vấn và trả lời chất vấn của Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh đã kéo dài thêm khoảng 30 phút phiên chiều song tại thời điểm kết thúc vẫn còn gần 20 đại biểu đăng ký đầu giờ chiều và 9 đại biểu phiên sáng đặt cầu hỏi từ phiên sáng chưa được trả lời. Các vấn đề đại biểu đặt ra sẽ được Bộ trưởng trả lời bằng văn bản.

Dương Gim - Anh Tuấn

TIN LIÊN QUAN

Đại tá Nguyễn Hữu Cầu: 'Có thể quy trình không sai nhưng cán bộ đã làm sai'
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO