Đại tướng của lòng dân
(Baonghean) - Đại tướng đã đi vào cõi vĩnh hằng, để lại bao tiếc thương, mong nhớ cho đồng bào cả nước. Vẫn biết rằng “Sinh - lão - bệnh - tử” là quy luật của tự nhiên. Nhưng sao vẫn thấy nhói lòng, hẫng hụt. Đại tướng đã ra đi, nhưng tên tuổi vẫn sống mãi trong lòng dân, qua những kỷ niệm, những ký ức… Dịp này, Báo Nghệ An đăng tải những kỷ niệm đáng quý đó của những người con xứ Nghệ vinh dự được gặp Đại tướng.
“Về thăm quê Bác, nhớ Bác vô cùng”
Sinh thời, Đại tướng Võ Nguyên Giáp luôn quan tâm đến sự phát triển của Đảng bộ và nhân dân Nghệ An, xã Kim Liên, huyện Nam Đàn và quần thể Khu di tích lưu niệm về Bác ở Kim Liên.
Lần thứ 10 và cũng là lần cuối cùng Đại tướng về thăm quê Bác đúng dịp kỷ niệm 54 năm Cách mạng Tháng Tám, Quốc khánh 2/9 và 30 năm thực hiện Di chúc của Bác Hồ, đó là vào năm 1999.
Đại tướng vừa bước xuống xe, khá đông cán bộ, công nhân viên Khu di tích và bà con ở nhiều địa phương đến tham quan, thăm viếng đã quây quần bên Đại tướng. Vào tuổi 88, Đại tướng vẫn khỏe, bước đi nhanh nhẹn. Đại tướng ân cần hỏi thăm sức khỏe mọi người, dành nhiều thời gian thăm lại khu trưng bày. Đại tướng vui mừng thấy khách về thăm quê Bác ngày càng đông, cán bộ, công nhân viên Khu di tích tận tụy trong công việc, khu trưng bày đã được chỉnh lý, bổ sung tài liệu, hiện vật phong phú, gây được ấn tượng sâu sắc về quê hương, gia đình, thời niên thiếu của Bác Hồ và hình ảnh hai lần Bác Hồ về thăm quê hương. Đại tướng rất vui khi thấy những điều mà Đại tướng góp ý trong những lần thăm trước đã được cán bộ, công nhân viên Khu di tích tiếp thu sửa chữa, làm cho khu trưng bày ngày càng phong phú, khang trang đẹp đẽ.
Đại tướng Võ Nguyên Giáp thăm gian trưng bày tại Khu di tích Kim Liên. |
Đứng trước bàn thờ Bác Hồ, hai mắt Đại tướng ngấn lệ. Xúc động, Đại tướng ghi vào sổ vào lưu niệm:
“Bác ra đi thấm thoắt đã 30 năm, để lại vô vàn tình thương yêu nhớ tiếc của quân và dân cả nước.
Hôm nay đến thắp nén hương dâng Bác, lòng tôi bồi hồi xúc động, nhớ Bác vô cùng. Cảm thấy như Bác vẫn còn đó. Di chúc của Bác vẫn soi đường cho toàn Đảng, toàn quân, toàn dân ta tiến lên trên con đường thắng lợi. Thực hiện lời dặn của Bác, đồng bào và chiến sỹ cả nước ta đánh thắng giặc Mỹ xâm lược, dân tộc ta đã có vinh dự là một nước nhỏ đánh thắng hai đế quốc to.
Ngày nay, toàn Đảng, toàn quân và toàn dân ta kể cả đồng bào ta sống ở nước ngoài, đang tiếp tục thực hiện trọn vẹn hơn lòng “ham muốn tột bậc” của Bác, thực hiện những lời Bác dặn trong Di chúc thiêng liêng. Ban Chấp hành Trung ương Đảng ta đã kêu gọi toàn Đảng, toàn quân và toàn dân đẩy mạnh phong trào thi đua yêu nước mà Bác đã phát động năm xưa.
Chỉnh đốn Đảng ta trong sạch và vững mạnh.
Xây dựng Nhà nước ta thực sự vì dân và do dân.
Phát triển mạnh mẽ với nghị lực đổi mới sáng tạo mọi mặt về kinh tế, văn hóa, xã hội, an ninh quốc phòng nhằm xây dựng một nước Việt Nam hòa bình, độc lập thống nhất, dân chủ và giàu mạnh, mang lại ấm no, hạnh phúc cho toàn dân.
Góp phần xứng đáng vào sự nghiệp cách mạng thế giới, đấu tranh cho một tồn tại thế giới mới: Hòa bình, công lý, bình đẳng, phát triển, đem lại hạnh phúc cho các dân tộc, cho mỗi một con người trên hành tinh của chúng ta”.
Kết thúc những dòng lưu niệm, Đại tướng ghi: "Nhớ Bác vô cùng". Lật giở lại những trang lưu niệm Đại tướng từng ghi trước đây, chúng tôi thấy hầu như mở đầu hoặc kết thúc, Đại tướng đều ghi: “Về thăm quê Bác, nhớ Bác vô cùng”.
Ghi xong, Đại tướng quay sang nói với bà Đặng Bích Hà (vợ Đại tướng): “Em xem lại hộ anh. Bác Hồ rất cẩn thận, chúng ta cũng phải cẩn thận”. Đại tướng lặng người hồi lâu, lau nước mắt mấy lần, sau đó ra chụp ảnh lưu niệm với cán bộ Khu di tích.
Đại tướng Võ Nguyên Giáp là người học trò xuất sắc, người cộng sự đắc lực, người đồng chí gần gũi, thân thiết của Bác Hồ. Những chuyến Đại tướng Võ Nguyên Giáp về thăm quê Bác Hồ đã để lại cho cán bộ Khu di tích và bà con quê Bác Hồ những ấn tượng vô cùng sâu sắc, cảm động.
Nguyễn Minh Châu (Nguyên Giám đốc Khu di tích Kim Liên)
Trái tim anh Văn
Đầu năm 1975, Đoàn 6 Nghệ An được thành lập. Ngay sau ngày miền Nam hoàn toàn được giải phóng, chúng tôi được lệnh vào Tây Nguyên trong đội hình Đoàn 773 với phiên hiệu Trung đoàn 754. Một năm sau, Đoàn 773 tách thành 4 sư đoàn. Trung đoàn 754 thuộc Sư đoàn 333 (Quân khu 5) với phiên hiệu sau này 715. Được giao làm nhiệm vụ trên địa bàn trọng yếu về quân sự, lại rất khó khăn về kinh tế: huyện Ma đrắc (Đắc Lắc) nhưng với tinh thần và ý chí của quê hương Xô viết, cán bộ, chiến sỹ 754 - 715 đã hoàn thành tốt cả 3 nhiệm vụ: chiến đấu (truy quét tàn quân fulro), sản xuất và xây dựng chính quyền ở địa phương. Vì vậy, trung đoàn chúng tôi có vinh dự lớn hai lần đón Đại tướng Võ Nguyên Giáp.
Hơn 35 năm đã trôi qua, những kỷ niệm ân tình và sâu sắc của hai lần Đại tướng về thăm vẫn vẹn nguyên, tươi mới trong sâu thẳm trái tim và khối óc của gần 2.000 cán bộ, chiến sỹ của trung đoàn. Về thăm trung đoàn, Đại tướng dành nhiều thời gian để xuống tận từng đại đội trò chuyện với chiến sỹ. Đại tướng cùng cán bộ, chiến sỹ của một đại đội ngồi bệt dưới sân nhà. Đại tướng ngồi giữa, chiến sỹ quây quần xung quanh. Về đêm ở Tây Nguyên trời se lạnh. Đại tướng mặc áo sơ mi, bên ngoài khoác chiếc áo đại cán. Trên ve áo, trên vai áo là quân hàm đại tướng. Hẳn bởi cái không khí cực kỳ đầm ấm ấy, đồng chí phóng viên (đi theo) đưa máy ảnh để chụp. Thấy thế, Đại tướng hướng về phía đồng chí phóng viên nhỏ nhẹ nói:
- Đồng chí định chụp ảnh à? Thế thì phải chờ cho một chút.
Nói xong, Đại tướng đứng dậy, mặc chiếc áo đại cán, gài khuy cúc cẩn thận rồi ngồi xuống và nói:
- Bây giờ đồng chí có thể chụp được rồi!
Chuyện đơn giản có vậy thôi. Song đó là bài học lớn về quân phong, quân kỷ, về lễ tiết quân đội cách mạng.
Làm việc với Ban chỉ huy và cán bộ chủ chốt của trung đoàn, Đại tướng nói:
- Tôi được sư đoàn cho biết, trung đoàn các đồng chí thời gian qua đã vượt qua nhiều khó khăn, thiếu thốn, hoàn thành tốt các nhiệm vụ được giao. Thời gian tới, cùng với việc làm tốt hơn nhiệm vụ ấy, các đồng chí nhớ lưu ý cho tôi hai việc: Một, tổ chức học văn hóa cho chiến sỹ để sau này, họ sẽ là nguồn cán bộ cung cấp cho các địa phương của vùng mới giải phóng. Hai, đối với gần 600 nữ chiến sỹ, ngoài việc đó, còn phải chuẩn bị kế hoạch chu đáo để khi họ đã hoàn thành nhiệm vụ theo thời gian phục vụ trong quân đội được giải ngũ về địa phương hoặc chuyển ngành. Tuyệt đối không được vì lý do gì để kéo dài thời gian trong quân ngũ của họ. Họ là chiến sỹ gái, chắc các đồng chí hiểu hết ý của tôi!
Những lời căn dặn ân tình, sâu nặng đó của Đại tướng đã được Ban chỉ huy trung đoàn thực hiện chu đáo nhất trong điều kiện có thể. Rất nhiều cán bộ, chiến sỹ của trung đoàn về sau đã được đào tạo đi bổ sung cho đội ngũ cán bộ của sư đoàn, của các trung đoàn khác, cho lực lượng quân bổ sung sang chiến đấu ở chiến trường Campuchia và là nguồn cán bộ cho các địa phương ở Đắc Lắc, Gia Lai, Lâm Đồng, Khánh Hòa...
Là Tổng Tư lệnh quân đội nhân dân Việt Nam với biết bao điều phải lo nghĩ cả tầm quốc gia, quốc tế. Vậy mà Đại tướng vẫn luôn lo nghĩ cho hiện tại và cả tương lai của mỗi người lính, mỗi chiến sỹ. Hẳn đây không chỉ là lo nghĩ riêng cho cán bộ, chiến sỹ trung đoàn chúng tôi mà còn là lo nghĩ chung cho toàn quân. Hẳn đây không chỉ là lo nghĩ ở thời điểm những năm sau chiến tranh mà là lo nghĩ ngay từ những ngày đầu thành lập Đội Việt Nam tuyên truyền giải phóng quân (22/12/1941). Và hẳn vì vậy, Đại tướng là anh Cả của quân đội nhân dân Việt Nam anh hùng.
Trương Công Anh (Nguyên cán bộ Đoàn 6 Nghệ An)
Vinh dự hai lần được gặp Đại tướng
Thế hệ tôi ra đời cùng Chiến thắng Điện Biên Phủ, lớn lên giữa cảnh nước nhà bị chia cắt, chứng kiến toàn dân tộc chung sức, chung lòng đấu tranh giải phóng miền Nam, thống nhất Tổ quốc. Tuổi chơi khăng, đánh đáo chúng tôi đã biết về Đại tướng Võ Nguyên Giáp làm Tổng Chỉ huy tối cao của quân đội, đã thuộc lòng sự kiện lịch sử gắn với tên ông: “Hoan hô chiến thắng Điện Biên/ Hoan hô đồng chí Võ Nguyên Giáp/ Sét đánh ngày đêm xuống đầu giặc Pháp/ Vinh quang Tổ quốc chúng ta/ Nước Việt Nam dân chủ cộng hòa…”
Năm 1972 tôi là chiến sỹ lái xe pháo binh, đơn vị đóng tại Hà Nội, giữa tháng ngày chiến sự trên khắp 2 miền nóng bỏng, lính chúng tôi chỉ thấy Đại tướng qua phim ảnh, nên ai cũng ước ao một lần được trực tiếp nhìn thấy Đại tướng. Cuốn sách nói về Đại tướng lần đầu tiên trong đời tôi đọc được lại là sách do chính quyền Sài Gòn xuất bản. Trong Chiến dịch tổng tấn công mùa Xuân 1975, giữa ngổn ngang tài liệu của Viện Đại học Huế bỏ lại, tình cờ tôi gặp cuốn “Chân dung các tướng lĩnh "Bắc cộng". Sách này dành nhiều trang viết tường tận về Đại tướng Võ Nguyên Giáp. Từ ngày ấy tôi đã cảm nhận, người viết dù ở bên kia chiến tuyến vẫn rất trân trọng, cảm phục, ngưỡng mộ tài năng, đức độ của Võ Đại tướng. Và phải chờ tới 9 năm sau, ngày 9/9./1981, Trường ĐH Tổng hợp Hà Nội tổ chức Lễ mít tinh kỷ niệm 25 năm thành lập, trường mời Đại tướng đến dự tại Hội trường lớn ký túc xá Mễ Trì, đó là lần đầu tiên tôi nhìn thấy Đại tướng bằng xương, bằng thịt giữa đời thường.
Năm 2002, kỷ niệm lần thứ 100 ngày sinh GS Đặng Thai Mai (1902-2002), con cháu dòng họ Đặng ở xã Thanh Xuân, huyện Thanh Chương, phối hợp cùng Ban quản lý Di tích danh thắng Nghệ An xây dựng Nhà lưu niệm Giáo sư, dịp này tôi có bài về GS Đặng Thai Mai trên báo Lao động số Xuân Quý Mùi, số báo phát hành đúng Rằm tháng Chạp. Ngày 17 tháng Chạp tôi có mặt tại Hà Nội dự tổng kết cuối năm, đang dự họp thì chị Kiều Thị Quý - cán bộ Ban quản lý Di tích danh thắng Nghệ An điện ra:
- Có một bạn đọc xem bài trên báo Lao động rồi điện báo với Cụ (Đại tướng Võ Nguyên Giáp - PV), người nhà Cụ vừa gọi điện vào muốn tác giả bài viết mang báo Lao động số Xuân đến tặng Cụ.
Hôm sau họp hành xong, tôi đề xuất Tổng Biên tập Phạm Huy Hoàn cho xe đưa đến tư dinh xin được tiếp kiến và kính biếu Đại tướng 4 số báo Lao động Xuân Quý Mùi 2003.
Tôi gặp Đại tá Nguyễn Huyên, Thư ký của Đại tướng, anh Nguyễn Huyên nói nhỏ:
- Đại tướng đang tiếp khách. Nhà báo ngồi uống nước chờ một lát.
Chừng mươi phút sau anh Huyên nói: Cụ bảo anh vào gặp.
Bước vào phòng khách tôi đứng nghiêm theo phong cách quân sự:
- Kính thưa Đại tướng! Cháu là CCB nhập ngũ 1972, hiện làm phóng viên Báo Lao động thường trú tại Thanh - Nghệ - Tĩnh. Tuân lệnh Đại tướng, cháu vinh dự mang 4 tờ báo Lao động số Tết có bài về cố GS Đặng Thai Mai kính biếu Đại tướng.
Đại tướng cảm ơn bảo tôi ngồi:
- Báo Lao động hay lắm! Báo Lao động tốt lắm! Đồng chí cho tôi gửi lời cảm ơn và dặn các anh lãnh đạo Báo Lao động: Chọn vụ việc mà làm, nhưng làm vụ nào thì đi đến cùng vụ ấy.
Vinh dự cả đời được gặp Đại tướng một lần, tôi tranh thủ báo cáo Đại tướng việc Cụ Phùng Chí Kiên, vị tướng được Bác Hồ ký Sắc lệnh truy phong, hy sinh năm 1941, đến nay đã 62 năm nhưng thân nhân gia đình ở quê Diễn Yên, Diễn Châu, Nghệ An chưa được cấp bằng Tổ quốc ghi công. Đại tướng trầm ngâm:
- Hiện ở quê, anh Kiên còn vợ con nhà cửa gì không?
- Thưa Đại tướng! Trong thời gian bác Kiên “mất tích", gia đình ở quê tổ chức cưới vợ cho bác. Đám cưới vắng chú rể, cô dâu tên là Hoàng Thị Luận cùng quê Tổng Vạn Phần. Sau 8 năm lấy chồng mà chưa một lần bén hơi chồng, tuổi xuân đẹp nhất đời con gái đã tàn phai trong mòn mỏi đợi chờ, đôi bên gia đình tạo điều kiện để nàng dâu đi bước nữa, đành làm lẽ ông Phó làng giàu có người xã Diễn Hoàng. Gả chồng cho con dâu, gia đình cụ Khoản vẫn tạo điều kiện để cô Luận thường xuyên qua lại chăm sóc bố mẹ của bác Kiên. Bà Luận an phận sống với con cái của người chồng sau tại xã Diễn Hoàng và mất trong cải cách ruộng đất, mãi cuối đời bà Luận vẫn chưa được gặp bác Kiên.
Đại tướng rơm rớm nước mắt, vừa lúc Đại tá Nguyễn Huyên vào rỉ tai tôi:
- Đoàn Chính phủ Malaysia đang chờ vào chúc Tết Đại tướng.
Tôi trao chiếc máy ảnh mang theo, nhờ anh Nguyễn Huyên bấm hộ để lưu giữ khoảnh khắc không dễ có trong bấy nhiêu năm làm báo.
Trưa ấy Chánh Văn phòng Báo Lao động bố trí tôi dùng cơm cùng anh Phạm Huy Hoàn, anh Trần Đức Chính. Tôi đã chuyển lời căn dặn của Cụ tới lãnh đạo Báo Lao động. Anh Trần Đức Chính nói:
- Cậu có biết trước khi làm Đại tướng, Cụ làm nghề gì nữa không ?
- Em biết Cụ làm nghề… hoạt động Cách mạng !
- Đương nhiên là hoạt động Cách mạng. Từ 1936 đến 1939, Cụ tham gia phong trào Mặt trận Dân chủ Đông Dương, là sáng lập viên của Mặt trận này, đồng thời Cụ tham gia thành lập và làm báo tiếng Pháp Notre voix (Tiếng nói của chúng ta), Le Travail (Lao động), biên tập các báo Tin tức, Dân chúng. Cụ là Chủ tịch Ủy ban Báo chí Bắc Kỳ trong phong trào Đông Dương đại hội. Cậu vừa vinh dự được tiếp kiến bậc đại lão của báo chí Cách mạng Việt Nam !
Giao Hưởng