Đại tướng Võ Nguyên Giáp: Người thầy dạy sử, người thầy viết sử

Trần Trung Hiếu 02/02/2019 07:15

(Baonghean.vn) - Năm 1990, khi Đại tướng Võ Nguyên Giáp trả lời phỏng vấn nhà báo kiêm sử gia người Mỹ Stanley Karnow - phóng viên báo New York Time, tác giả của cuốn sách “Vietnam - a hystory”, ông đã nói: “Xin nhớ, tôi là vị tướng chiến đấu vì hòa bình. Nếu không trở thành người lính, có lẽ tôi vẫn là một thầy giáo, có thể Triết hoặc Lịch sử”.

Tình yêu lịch sử từ thuở ấu thơ

Sinh ra và lớn lên tại làng An Xá đất Quảng, một vùng đồng bằng nhỏ hẹp nhất Việt Nam. Cụ bà thân sinh cậu Giáp, những hôm không bận việc đồng áng thì cặm cụi bên khung cửi để mưu sinh. Cụ ông là một nông dân có học thức, tự cày cấy ruộng nhà, và truyền lại cho cậu bé Giáp chữ nghĩa, vốn tri thức và tình yêu quê hương, đất nước trên một miền quê mà mỗi tấc đất đều mang một chứng tích lịch sử. Phía Bắc của tỉnh là động Phong Nha hoang sơ nhưng thu hút nhiều khách hành hương đến cầu nguyện trước một bàn thờ còn sót lại của người Chăm. Trên bờ biển, dãy Hoành Sơn hùng vĩ án ngữ biển, nơi đây nữ sỹ Bà Huyện Thanh Quan của thế kỷ XVIII từng ca ngợi vào một buổi chiều tà: “ Nhớ nước đau lòng con cuốc cuốc”. Cậu bé Giáp tuy ở tuổi ấu thơ cũng đã hiểu rằng, nữ thi sỹ khi nói đến con cuốc cuốc là nói đến non sông đất nước vì tiếng con chim cuốc cuốc theo âm Hán -Việt đồng âm với tiếng “quốc”, nghĩa là đất nước, quê hương.

Cách làng An Xá một quãng ngắn vẫn còn sót lại di tích của thành lũy xưa gắn liền với vai trò của cụ Đào Duy Từ - nhà quân sự kiêm thầy giáo dạy chữ Nho. 25 năm trước khi cậu Giáp cất tiếng khóc chào đời, vùng đất Quảng Bình từng là địa bàn hoạt động của nghĩa quân Cần Vương hưởng ứng lời kêu gọi chống Pháp của Vua Hàm Nghi. Năm 1923, cậu Giáp tạm biệt cha mẹ già vào Huế để vào học Trường Quốc học. Cậu đặc biệt say mê các môn Lịch sử, Địa lý và Vật lý. Cậu chỉ rời sách vở khi bận đến dự những cuộc thảo luận sôi nổi về các vấn đề liên quan đến lịch sử nước nhà như “cứu nước”, “canh tân đất nước”, “đánh giặc ngoại xâm”... Lúc bấy giờ, người ta đã xì xào, bàn tán về một con người có sức hấp dẫn lạ kỳ mang tên Nguyễn Ái Quốc - một cựu học sinh Trường Quốc học Huế, tác giả của cuốn sách nổi tiếng “Bản án chế độ thực dân Pháp”. Người ta đã đưa cho cậu một bản và cậu đã say sưa đọc.

Năm 1934, sau khi đỗ Tú tài triết học, Võ Nguyên Giáp ghi tên vào học trường luật. Vừa đi học đại học, chàng sinh viên Võ Nguyên Giáp vừa xin làm giáo viên Trường tư thục Thăng Long để kiếm sống.

Tháng 9/1935, Trường tư thục Thăng Long (mới) khai giảng năm học đầu tiên. Nhìn vào danh sách các giáo sư, người ta đã có thể thấy được đây là tổ chức của những trí thức tiến bộ có tinh thần yêu nước: Hoàng Minh Giám, Võ Nguyên Giáp, Đặng Thai Mai, Phan Thanh, Nghiêm Xuân Yêm, Nguyễn Lân, Bùi Kỷ, Phạm Huy Thông, Ngô Xuân Diệu, Vũ Đình Hòe, Nguyễn Cao Luyện, Trịnh Văn Bính, Nguyễn Dương, Vũ Đình Liên… Thế nên học sinh các tỉnh cũng đua nhau tìm đến, ngay năm đầu lên tới 2.000 học sinh, một thắng lợi mà những người thành lập trường chưa nghĩ tới. Trường Thăng Long đã nổi lên như một điểm sáng trong khối tư thục.

Trong thời gian 5 năm giảng dạy môn Lịch sử tại Trường Thăng Long, thầy Võ Nguyên Giáp dạy cả lịch sử dân tộc và lịch sử thế giới. Nhiều tướng lĩnh cao cấp của quân đội ta vốn là cựu học sinh trường tư thục Thăng Long thuở ấy như Thượng tướng Hoàng Minh Thảo, Trung tướng Lê Quang Đạo, Trung tướng Phạm Hồng Cư... đến nay vẫn còn viết hồi ký in trong sách kỷ yếu về nhà trường, thường nhắc đến những bài dạy lịch sử và đầy nhiệt huyết của thầy Giáp giảng về cuộc Đại cách mạng Pháp 1789, ý nghĩa của ba chữ “Tự do - Bình đẳng - Bác ái”, lý lẽ của 17 điều trong bản “Tuyên ngôn Nhân quyền và Dân quyền” của Pháp năm 1791, nhất là cuộc chiến tranh của Napoleong, được giải thích và phân tích trên cả những sơ đồ vẽ các trận Austerlitz và Borodino.

Ông Bùi Diễm, từng là Đại sứ Việt Nam Cộng Hòa tại Hoa Kỳ giai đoạn 1967-1972, là một học trò đã học lịch sử với thầy Võ Nguyên Giáp ở Trường tư thục Thăng Long đã bày tỏ cảm xúc và sự trân trọng trong hồi ức về thầy Giáp rằng: “Trong tất cả các nhân vật đáng nhớ, đặc biệt có một người mà tôi khó quên, đó là ông Võ Nguyên Giáp - người dạy tôi về môn Sử... Ông như người bị quyến rũ bởi cách mạng và đấu tranh. Phần chương trình của lớp đã được ấn định là giai đoạn cuối thế kỷ XVIII cho đến cuối thế kỷ XIX trong lịch sử Pháp, nhưng ông Giáp nhất định chỉ giảng về hai thời kỳ là cuộc Đại cách mạng Pháp 1789 và những trận đánh thời Napoleon”.

Một người khác, ông Trần Văn Hà - cựu học sinh Trường Bưởi, không được trực tiếp học sử với thầy Giáp, nhưng nghe tiếng thầy giảng hấp dẫn, có sức lôi cuốn đặc biệt nên đã mượn vở của bạn mình để học. Ông kể rằng “anh bạn cùng gác trọ học Trường tư thục Thăng Long cứ luôn khoe với tôi thầy Võ Nguyên Giáp giảng về lịch sử cách mạng Pháp thật tuyệt vời. Tôi mượn xem, quả là hay thật! Bài học mà như chuyện kể, rất lôi cuốn về đánh chiếm ngục Baxti, ý nghĩa của 3 chữ “Tự do - Bình đẳng - Bác ái”, những lý lẽ của 17 điều trong bản Tuyên ngôn Nhân quyền và Dân quyền... Tự nhiên được khơi dậy trong lòng người đọc lòng yêu dân, yêu nước, chống áp bức cường quyền, chống bất bình đẳng, tự do. Rồi như có một sức mạnh vô hình đẩy mình phải làm một cái gì đó.

Về phương pháp, thầy Võ Nguyên Giáp là một người dạy học có phương pháp rất nhuần nhuyễn và sáng tạo. “Đứng trước lớp, ông nhìn vào học trò và dõng dạc nói. Sự hấp dẫn của bài giảng bắt đầu từ việc nêu vấn đề và hướng người học tập trung vào sự kiện, từ sự kiện rút ra bản chất và bài học lịch sử. Người luôn coi trọng tính khách quan của sự kiện lịch sử, đề cao phân tích nhân vật lịch sử để học sinh hiểu lịch sử, biết được thời đại mà họ đang sống”.

Với giọng sang sảng và say sưa, gần gũi và thân thiện với học trò, thầy Giáp đã đi vào ký ức của nhiều thế hệ học trò với tất cả hình ảnh đẹp về một người thầy đáng kính về nhân cách, uyên bác về kiến thức và giỏi về năng lực sư phạm. Bởi trên tất cả, đó là sự gắn bó của ông về nghề dạy học, lòng yêu sử, quý trò.

Năm 1990, khi Đại tướng Võ Nguyên Giáp trả lời phỏng vấn nhà báo kiêm sử gia người Mỹ Stanley Karnow - phóng viên báo New York Time, tác giả của cuốn sách “Vietnam - a hystory”, ông đã nói: “Xin nhớ, tôi là vị tướng chiến đấu vì hòa bình. Nếu không trở thành người lính, có lẽ tôi vẫn là một thầy giáo, có thể Triết hoặc Lịch sử”.

Người viết sử uyên thâm

Trong quá trình lãnh đạo 2 cuộc kháng chiến trường chinh chống 2 kẻ thù thực dân Pháp và đế quốc Mỹ, dưới sự lãnh đạo của Đảng và Hồ Chủ tịch, Đại tướng Võ Nguyên Giáp có công rất lớn, góp phần xứng đáng vào việc hình thành một học thuyết quân sự độc đáo của Việt Nam trong thời đại Hồ Chí Minh - đường lối chiến tranh nhân dân. Học thuyết đó vừa kế thừa, phát triển bài học kinh nghiệm lịch sử chống ngoại xâm của cha ông ta: Lấy nhân nghĩa thắng hung tàn, lấy chí nhân thay cường bạo; lấy nhỏ thắng lớn, lấy ít địch nhiều. Trong mọi hoàn cảnh và tình huống khác nhau, Đại tướng luôn biết vận dụng tư tưởng Hồ Chí Minh một cách sáng tạo, đặc biệt là “thế trận lòng dân”. Trong vai trò là một vị Tổng Tư lệnh quân đội mang cốt cách và tâm huyết của một nhà giáo dục, Đại tướng nhận định Việt Nam là một đất nước đất không rộng, người không đông, kinh tế còn nghèo nhưng không phải vì khát khao hòa bình mà giành chiến thắng bằng mọi giá. Đại tướng luôn đau với từng vết thương của mỗi người lính, tiếc từng giọt máu của mỗi chiến binh. Trong mỗi trận đánh, ông luôn tìm ra cách đánh vừa độc đáo, vừa sáng tạo, vừa đảm bảo thắng lợi cao nhất nhưng luôn hạn chế đến mức thấp nhất thương vong cho tướng sỹ của mình.

Tư duy lịch sử cùng phẩm chất của một nhà giáo dạy Sử đã tác động đến nhận thức chính trị và quân sự của Đại tướng Võ Nguyên Giáp. Ông cho rằng, luôn phải tôn trọng lịch sử, phải nhìn nhận đúng sự thật, xem xét mọi sự việc trên quan điểm lịch sử với sự vận động biện chứng của nó. Đại tướng khẳng định: Bên cạnh chí khí của các bậc tiền bối, những bài học về cách đánh thắng giặc ngoại xâm của người đi trước đã đem lại những tri thức rất bổ ích cho những cuộc chiến đấu ở thế kỷ XX.

Sau khi giã từ các chức vụ trong quân đội và chính quyền, Đại tướng Võ Nguyên Giáp trở về đời thường dành rất nhiều thời gian, tâm lực và trí lực để tham gia nhiều công tác tổng kết chiến tranh, chủ biên cả một đề tài nghiên cứu tư tưởng Hồ Chí Minh. Rời hơn 30 năm binh nghiệp đầy gian khó và thử thách suốt 2 cuộc kháng chiến trường chinh, ông vẫn không một ngày ngơi nghỉ khi tuổi đã cao, sức yếu nhưng vẫn rất minh mẫn, hối hả làm những công việc mà ông cho là quan trọng nhất với ông: Nhớ lại để mọi người cùng suy nghĩ. Ông đã “gỡ” cuốn băng ký ức để giãi bày những hồi ức của mình về các sự kiện lịch sử, giai đoạn, thời kỳ lịch sử, các nhân vật lịch sử để đọng lại trong bộ nhớ của mình vào dòng chảy lịch sử của dân tộc, để đọng lại trong bộ nhớ của các thế hệ mai sau những tiềm thức lịch sử với một số cuốn hồi ức của ông như: “Những chặng đường lịch sử” (Nxb Chính trị quốc gia, 1994), “Chiến đấu trong vòng vây” (Nxb Quân đội nhân dân, 1995), “Đường tới Điện Biên phủ” (Nxb Quân đội nhân dân, 1999), “Điện Biên phủ, điểm hẹn lịch sử” (Nxb Quân đội nhân dân, 2000), “Tổng hành dinh trong mùa Xuân toàn thắng” (Nxb Chính trị quốc gia, 2000)...

Cởi bỏ quân phục, quân hàm của một quân nhân, với thường phục bình dị thì ông giống một nhà giáo để gắn với lịch sử và sử học như là một “cái nghiệp”, là một duyên mà ông đã kết, cái nợ mà ông sẽ trả. Từ một thầy giáo dạy Sử Trường tư thục Thăng Long nổi tiếng ở Hà Nội, ông tham gia cách mạng, xông vào trận mạc rồi trở thành một vị tướng đánh giặc. Hết chiến tranh, ông lại trở về với công việc viết sử. Khác với nhiều sử gia, “Ông xứng đáng là người đã viết sử theo cả 2 nghĩa: làm nên lịch sử và chép lại lịch sử. Như vậy, ông còn phải làm cái công việc: Soi bóng mình trong lịch sử”.

Với phẩm chất của một nhà sử học cùng với vai trò là những chứng nhân của lịch sử, trong các tác phẩm hồi ký của mình, ông đã dành nhiều thời gian, số lượng ký tự, lưu lượng bài viết về Hồ Chủ tịch, về những người đồng chí, đồng đội từ các cán bộ lãnh đạo cao cấp đến những chiến sỹ, đồng bào mà ông đã từng gặp trên đường đời cách mạng của mình.

Theo ông, một sự nghiệp lớn chỉ có thể thành công nếu tất cả mọi người ở các cương vị, cấp bậc đều làm tròn phần việc của mình. Bởi vậy, ông dặn, trong khi viết không nên quên bất cứ điều gì dù là nhỏ, bất kỳ ai đã từng đóng góp vào sự nghiệp chung, nhất là những người hy sinh vì nghĩa lớn.

Ông thường nhắc các sử gia khi viết lịch sử chiến tranh thì phải nói lên được thất bại của đối phương, nhưng quan trọng hơn là phải nói về người chiến thắng và phân tích xem vì sao họ chiến thắng. Bài học lịch sử không chỉ là niềm tự hào chung mà phải là những bài học cụ thể, bởi vì như Lê Nin đã nói rằng “Cái đã đưa chúng ta đến thắng lợi trong chiến tranh sẽ đưa chúng ta đến thắng lợi trong hòa bình”.

Mới nhất

x
Đại tướng Võ Nguyên Giáp: Người thầy dạy sử, người thầy viết sử
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO