Đảm bảo 'học thật, thi thật' trong đào tạo, sát hạch lái xe ô tô

Đặng Cường 28/03/2023 09:58

(Baonghean.vn) - Các phần học, thi nhiều hơn, khó hơn, học phí tăng so với trước là thực tế khi áp dụng Thông tư 04/2022/TT-BGTVT về đào tạo, sát hạch, cấp GPLX cơ giới đường bộ. Theo đó, cơ sở đào tạo lái xe phải trang bị, sử dụng cabin mô phỏng; thiết bị giám sát thời gian học lái xe…

Học lái xe ô tô ngày càng khó

Hiện nay, với các quy định mới được áp dụng theo Thông tư số 04/2022/TT-BGTVT của Bộ Giao thông Vận tải, việc đào tạo và sát hạch lái xe ô tô sẽ ngày càng chặt chẽ. Đơn cử, ngoài việc giám sát việc học lái xe cả lý thuyết và thực hành của học viên bằng thiết bị điểm danh bằng vân tay, các học viên phải bảo đảm đủ số giờ học quy định. Ví dụ, đối với hạng B1 tự động đi thực hành trên đường phải đủ 710 km, hạng B1 số sàn và B2 phải đủ 810 km, thực hành đường trường cho người học lái xe hạng C phải đủ 825 km. Trong suốt quá trình học đều được giám sát chặt chẽ, 5 phút hình ảnh học viên được máy ảnh chụp tự động 1 lần…

Cán bộ Trung tâm Đào tạo và Sát hạch lái xe PTS giám sát quá trình học lái xe trên đường trường. Ảnh: Đ.C

Khi học phần học thực hành lái xe ô tô trên cabin mô phỏng được đưa vào giảng dạy ở các trung tâm đào tạo lái xe ô tô, với yêu cầu nội dung thực hành lái xe, luyện tập lái xe trên cabin mô phỏng (quy định tối thiểu 3 giờ), thì lúc thi sát hạch học viên sẽ phải thi cả bài thi mô phỏng các tình huống giao thông trên máy tính. Chị Trần Thị Lan, trú ở xã Nghi Kim (TP.Vinh) cho biết: Tôi đang định đăng ký học bằng lái hạng B1 để điều khiển ô tô của gia đình đưa, đón con đi học. Tuy nhiên, tham khảo phần học, thi mô phỏng tôi thực sự lúng túng vì đòi hỏi phản ứng, kỹ năng rất cao.

Học viên tại Trung tâm Đào tạo và Sát hạch lái xe PTS học lái xe trên cabin mô phỏng. Ảnh: Đ.C

Cùng với phần học, thi có phần khó hơn, hiện chi phí học lái xe cũng là một vấn đề khiến nhiều người quan tâm. Đơn cử, tìm kiếm cơ sở đào tạo lái xe trên mạng và gọi điện để hỏi thông tin nhằm lựa chọn đăng ký học bằng lái, anh Nguyễn Văn Hiệp, trú ở huyện Yên Thành ngỡ ngàng khi chi phí khóa học bằng lái xe hạng B2 trên 14 triệu đồng. Trong khi đó, thời điểm gần cuối năm 2022, người thân của anh theo học chỉ mất 8 triệu đồng.

Giờ học lý thuyết tại Trung tâm Đào tạo nghề vận tải đường bộ, thuộc Công ty cổ phần Vận tải ô tô số 5. Ảnh: Đ.C

Cũng theo phản ánh của nhiều người, chi phí phải bỏ ra để hoàn thành khóa học và được cấp giấy phép điều khiển phương tiện tại các trung tâm đào tạo lái xe trên địa bàn tỉnh hiện đều có mức tăng chung. Theo đó, chi phí khóa học lái xe hạng B1, B2 có mức giá trên 14 triệu đồng và hạng C gần 18 triệu đồng. Con số này cao hơn từ 6-7 triệu đồng so với thời điểm trước năm 2023. Ngoài ra, nếu người học tiếp thu chậm thì mức phí có thể cao hơn do học thêm giờ, phải đóng thêm tiền.

Đảm bảo “học thật, thi thật”

Theo các trung tâm, với các quy định mới được áp dụng theo Thông tư số 04/2022/TT-BGTVT, việc đào tạo và sát hạch sẽ ngày càng chặt chẽ, người được cấp Giấy phép lái xe bảo đảm hiểu biết cặn kẽ về pháp luật giao thông cũng như những kỹ năng cần thiết khi điều khiển phương tiện. Cụ thể, sau thời gian học, học viên phải trải qua 4 phần thi: Lý thuyết, phần thi mô phỏng, bài thi tổng hợp và bài thi lái xe trên đường trường. Khi đạt tất cả các bài thi nêu trên, học viên mới được công nhận trúng tuyển và cấp Bằng lái xe ô tô theo hạng đã đăng ký thi.

Trong 4 phần thi nói trên, nếu trước đây học viên ngại nhất là bài thi tổng hợp thì nay thêm phần thi mô phỏng. Cũng chính phần thi mô phỏng có phần khó, nhất là với những người không thành thạo về công nghệ, người lớn tuổi, nên nếu trước đây tỷ lệ đậu sát hạch trung bình trên 80% thì nay chỉ trên 70%.

Học viên học lái xe trên cabin mô phỏng tại Trung tâm Đào tạo nghề vận tải đường bộ, thuộc Công ty cổ phần Vận tải ô tô số 5. Ảnh: Đ.C

Về kinh phí tăng so với trước, theo ông Trần Trung Thành - Giám đốc Trung tâm Đào tạo và Sát hạch lái xe PTS cho biết: Để đảm bảo theo quy định, trung tâm đã trang bị, đưa vào sử dụng 2 cabin mô phỏng, phòng thi mô phỏng, cùng với đó là thiết bị giám sát thời gian và quãng đường học lái xe trên đường của học viên (DAT) với tổng kinh phí hàng tỷ đồng… Với việc đầu tư các trang thiết bị đó, nên mức học phí tăng theo. Hiện nay, kể từ ngày 1/3/2023, phí đào tạo lái xe ô tô tại trung tâm, bao gồm các khoản học phí, lệ phí có mức giá như sau: Hạng B1 số tự động là 14.150.000 đồng; hạng B1 số sàn là 14.450.000 đồng; hạng B2 là 14.660.000 đồng; hạng C là 17.765.000 đồng.

Đây cũng là mức giá chung của 9 trung tâm đào tạo lái xe trên địa bàn tỉnh hiện nay. Ông Lê An Trung - Giám đốc Trung tâm Đào tạo nghề vận tải đường bộ, thuộc Công ty cổ phần Vận tải ô tô số 5 cho biết: Học phí đào tạo lái xe đã tăng do phải đầu tư, trang bị và duy trì cabin học lái, thiết bị giám sát thời gian và quãng đường học thực hành trên đường của học viên theo đúng Thông tư 04 sửa đổi Thông tư 12 của Bộ Giao thông Vận tải về đào tạo, sát hạch, cấp Giấy phép lái xe cơ giới đường bộ.

Phần thi dừng xe và khởi hành ngang dốc nằm trong bài thi tổng hợp, một trong những nội dung khó đối với học viên. Ảnh: Đ.C

Theo quy định tại Thông tư 04/2022/TT-BGTVT sửa đổi Thông tư 12/2017/TT-BGTVT về đào tạo, sát hạch, cấp Giấy phép lái xe cơ giới đường bộ, hiện cả 9 trung tâm trên địa bàn tỉnh đều đã trang bị và đưa vào sử dụng cabin học lái xe ô tô, thiết bị giám sát thời gian và quãng đường học lái xe trên đường của học viên… Với việc đầu tư các trang thiết bị đó không ngoài mục tiêu phục vụ công tác đào tạo, sát hạch được bài bản hơn và tất nhiên học viên sẽ thấy có phần khó hơn.

Còn việc tăng kinh phí đào tạo, sát hạch xuất phát từ thực tế các trung tâm phải bỏ tiền đầu tư trang thiết bị. Đơn cử, mỗi bộ cabin có giá trên 400 triệu đồng mà các cơ sở đào tạo mua sắm để trang bị đưa vào quy trình đào tạo theo quy định nhằm đổi mới công tác sát hạch lý thuyết và thực hành, là một trong những nguyên nhân khiến chi phí dạy bằng lái xe hiện nay tăng lên so với trước. Tuy nhiên, theo khảo sát sơ bộ những địa bàn lân cận thì Nghệ An có mức giá thấp hơn. Đáng nói, các khoản học phí, lệ phí tại các trung tâm trên địa bàn tỉnh đều được niêm yết công khai, nhằm tạo sự minh bạch trong các khoản thu.

Ông Trần Anh Tuấn - Trưởng phòng Quản lý phương tiện và người lái thuộc Sở Giao thông Vận tải Nghệ An.

Có thể thấy, với phần học, thi có phần khó hơn, chi phí cao hơn, theo tìm hiểu tại các trung tâm đào tạo và sát hạch lái xe, thì hiện chỉ những người thực sự có nhu cầu mới học, không còn tình trạng học ồ ạt như trước. Đây cũng là lý do hiện nay số học viên đăng ký học tại các trung tâm ít hơn. Đơn cử như tại Trung tâm Đào tạo và Sát hạch lái xe PTS nếu trước đây có thời điểm học viên đăng ký 1 năm rưỡi mới có lớp để học thì nay lâu nhất cũng chỉ 3 tháng.

Ông Trần Anh Tuấn cho biết thêm, cùng với thực hiện theo Thông tư số 04/2022/TT-BGTVT, bên cạnh các thiết bị giám sát trong quá trình học, thi, sát hạch, Sở Giao thông Vận tải Nghệ An thường xuyên kiểm tra, kịp thời chấn chỉnh đảm bảo tiêu chí “học thật, thi thật”. Với mục tiêu người được cấp Giấy phép lái xe phải bảo đảm hiểu biết cặn kẽ về pháp luật giao thông cũng như những kỹ năng cần thiết khi điều khiển phương tiện, góp phần giảm thiểu tai nạn giao thông./.

Mới nhất

x
Đảm bảo 'học thật, thi thật' trong đào tạo, sát hạch lái xe ô tô
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO