Dân bản xin giảm tội cho hai thanh niên chặt phá 1200 cây chanh leo
(Baonghean)- Người dân bản Pịc Niệng, xã Tri Lễ, huyện Quế Phong (Nghệ An) vừa có đơn gửi cơ quan chức năng giảm nhẹ hình phạt cho hai thanh niên trong bản vì hành vichặt phá hơn 1.200 gốc chanh leo của Công ty Nafoods.
» Cận cảnh vườn chanh leo tiền tỷ bị phá hoại sau 1 đêm
» Hơn 1.200 gốc chanh leo vùng dự án ở Quế Phong bị chặt phá
Ngày 5/10/2017, Cơ quan cảnh sát điều tra Công an huyện Quế Phong ra quyết đinh khởi tố bị can và ra lệnh bắt đối với Mong Văn Xanh (SN 1985), Mong Văn Nghệ (SN 1994), cùng trú tại Bản Pịch Niệng, xã Tri Lễ, huyện Quế Phong vì tội “Hủy hoại tài sản và trộm cắp tài sản”. Bước đầu, cơ quan chức năng xác định, Xanh và Nghệ là thủ phạm chặt phá 1.223 cây chanh leo tại khu vực vườn trồng chanh leo của Công ty Nafoods.
Nỗi lòng dân bản
Đại diện dân bản Pịch Niệng thảo đơn, là Trưởng bản Lương Văn Hùng. Tại đơn, vị trưởng bản lý giải việc Mong Văn Xanh và Mong Văn Nghệ có hành vi chặt phá cây chanh leo của Công ty Nafoods, có nguồn cơn từ những bức xúc của cộng đồng thôn bản về vấn đề đất đai.
Hoàng Thị Thu - vợ của đối tượng Mong Văn Xanh trao đổi với PV Báo Nghệ An. Ảnh: Đào Tuấn. |
Bản Pịch Niệng, xã Tri Lễ nằm ven Quốc lộ 16. Theo Trưởng bản Lương Văn Hùng và Trưởng ban công tác mặt trận Mong Văn Tuấn, khoảng năm 2004 đến 2006, sau khi dân bản Pịch Niệng được di dời đến Khu tái định cư Minh Châu (xã Tri Lễ), mỗi hộ được giao 2000m2 để ở. Bên cạnh đó, cộng đồng thôn bản được giao thêm một khu đất có diện tích khoảng 5 ha để sản xuất, và làm quỹ đất ở cho con cháu sau này.
Cũng theo người dân cho biết, năm 2010, bản thống nhất cho 2 cá nhân xã Tri Lễ mượn đất cộng đồng để sản xuất với thời hạn 5 năm. Đến năm 2013, sau khi bàn bạc với dân bản, UBND huyện Quế Phong quyết định cho Công ty Nafoods tạm mượn diện tích đất nói trên để thực hiện dự án chanh leo. Sau khi công ty đi vào hoạt động một thời gian, tháng 6/2014, UBND huyện lại thông báo với dân sẽ thu hồi đất để bàn giao cho doanh nghiệp sản xuất.
Từ đó, Ban quản lý bản đã kiến nghị nhiều lần nhưng chưa được trả lời thấu đáo. Tháng 3/2017, bản Pịch Niệng có đơn gửi cấp thẩm quyền của tỉnh, rồi nhận được trả lời giao cho huyện giải quyết. Dù vậy, đến tháng 5/2017, huyện mới gửi quyết định thu hồi đất.
Từ việc chậm được giải quyết kiến nghị, cùng với một số bức xúc về môi trường, đường giao thông nội bản... có liên quan đến Công ty Nafoods, một số người dân của bản do thiếu hiểu biết pháp luật đã có hành vi chặt phá chanh leo...
“Dân bản khó khăn nhiều bề. Kế sinh nhai của hơn 50 hộ dân là làm lúa ở bản cũ. Ở đây thì không còn đất. Con cháu của bản lớn lên rất cần đất để tách hộ, vì vậy mong được cấp trên xem xét. Cũng vì nguyên nhân này, đề nghị xem xét giảm nhẹ hình phạt cho Xanh và Nghệ...” - Trưởng bản Lương Văn Hùng đề nghị.
Nhà của hai đối tượng Mong Văn Xanh, Mong Văn Nghệ, ở giữa bản Pịch Niệng, được dựng trên đất của bố mẹ. Ở đây, Hoàng Thị Thu (vợ Mong Văn Xanh) đã nức nở nói rằng Xanh đã biết hành vi chặt cây là sai trái, mong cơ quan pháp luật xem xét. “Em làm công nhân cho công ty điện tử Samsung ở tỉnh Bắc Ninh. Khi nghe tin Xanh bị bắt, em phải về và ở lại từ đó đến nay để chăm con và mẹ chồng bị bệnh... “ - Hoàng Thị Thu nói.
Một gốc chanh leo khô héo do bị chặt phá. Ảnh: Đào Tuấn. |
Giải quyết đạt lý, thấu tình
Vườn chanh leo thực nghiệm của Công ty Nafoods tại Pịch Niệng được thực hiện trên khu đất cộng đồng bản này, có diện tích 4,5ha. Đến thời điểm huyện Quế Phong thông báo thu hồi đất, qua khoảng 8 năm (2006 - 2014), cộng đồng bản Pịch Niệng chưa sử dụng khu đất cộng đồng vào sản xuất. Về những bất cập xung quanh vấn đề đất đai của người dân Pịch Niệng, thì cơ bản như Trưởng bản Lương Văn Hùng đã thông tin. Qua các hồ sơ hiện còn lưu trữ, việc thu hồi đất Tri Lễ nói chung, đất cộng đồng bản Pịch Niệng ở giai đoạn tháng 6/2014 là cần thiết. Vì những vùng đất khó như Quế Phong rất cần dự án chanh leo của công ty Nafoods triển khai để thúc đẩy phát triển kinh tế, tạo việc làm có thu nhập ổn định cho đồng bào. Bên cạnh đó, các thủ tục thu hồi đất cơ bản được thực hiện đầy đủ theo quy định.
Theo ông Lê Văn Giáp - Chủ tịch UBND huyện Quế Phong, vừa qua huyện cũng nhận được kiến nghị của đồng bào Pịch Niệng. Và vì kiến nghị có một số nội dung sát thực, cần xem xét thấu đáo, vậy nên UBND huyện Quế Phong đã mời các cơ quan có liên quan, công ty Nafoods, xã Tri Lễ và đại diện bản Pịch Niệng tham dự một cuộc họp để làm rõ.
Tại đây, UBND huyện Quế Phong khẳng định hành vi của Mong Văn Xanh và Mong Văn Nghệ là vi phạm pháp luật; ghi nhận những kiến nghị của người dân Pịch Niệng; đồng thời có những góp ý đối với Công ty Nafoods.
Ông Lê Văn Giáp trao đổi: “Quế Phong ủng hộ các dự án kinh tế thực hiện ở địa phương. Tuy nhiên, các đơn vị thực hiện dự án cần tạo được sự đồng thuận của người dân địa phương. Riêng với dự án chanh leo của Công ty Nafoods ở bản Pịch Niệng, còn có những vấn đề dẫn đến người dân Pịch Niệng chưa đồng tình, mà nguyên nhân có phần trách nhiệm của công ty, của chính quyền huyện Quế Phong và xã Tri Lễ. Cũng vì vậy, Quế Phong xác định, việc xử lý các đối tượng có vi phạm trong vụ chặt phá chanh leo, bên cạnh thể hiện được sự nghiêm khắc của pháp luật nhưng cần đạt được tính nhân văn...”.
Trao đổi với đại diện của Công ty Nafoods là Giám đốc Phạm Duy Thái về những điều được nghe, được thấy ở Pịch Niệng, ông Thái nêu quan điểm là mong muốn sự việc được làm rõ, nhưng xem xét giảm nhẹ các hình phạt cho các đối tượng, tạo cơ hội cho họ sớm được hoàn lương.
Bà con Pịch Niệng mong muốn được giảm nhẹ án cho Xanh và Nghệ. Ảnh: Đào Tuấn. |
Giám đốc Phạm Duy Thái trao đổi: “Dự án chanh leo thực nghiệm ở Pịch Niệng được công ty thực hiện trên diện tích đất mà chính quyền các cấp đã thu hồi. Đây là vườn thực nghiệm có sự tham gia của các chuyện gia, là mô hình để nhân dân học tập, nhân rộng tạo vùng nguyên liệu chanh leo Quế Phong như tỉnh đã phê duyệt quy hoạch. Là đơn vị thực hiện dự án, Nafoods luôn mong muốn tạo được sự đồng thuận, ủng hộ của người dân ở địa phương. Vì vậy, dù bị thiệt hại về kinh tế từ việc hơn 1.200 gốc chanh leo bị phá nhưng khi nhận được đơn trình bày của 2 gia đình Mong Văn Xanh, Mong Văn Nghệ, công ty đã hướng đến việc đề nghị các cơ quan pháp luật xem xét, giảm nhẹ hình phạt đến mức thấp nhất...”.
Cụ thể, như ông Phạm Duy Thái trao đổi, Công ty Nafoods sẽ có văn bản gửi tới các cơ quan pháp luật của huyện Quế Phong đề nghị giảm nhẹ hình phạt cho cả 2 đối tượng; đồng thời, nếu việc xét xử Mong Văn Xanh, Mong Văn Nghệ được tổ chức lưu động thì sẽ cử đại diện lãnh đạo tham gia, qua đó có ý kiến trực tiếp tại phiên tòa.
Từ những trao đổi của các cơ quan chức năng và đại diện Công ty Nafoods, thấy rằng hướng xử lý hành vi vi phạm pháp luật đối với hai đối tượng Mong Văn Xanh, Mong Văn Nghệ đã có sự đồng nhất về quan điểm, đó là nghiêm pháp luật nhưng thể hiện được sự khoan dung, tạo cơ hội cho những người lầm lỗi khi họ nhận thức được những vi phạm. Qua đó, sẽ giải quyết được căn bản những băn khoăn của hơn 52 hộ đồng bào Khơ mú bản Pịch Niệng.
Đêm 10/8/2017, vườn chanh leo của Công ty Nafoods tại xã Tri Lễ bị phá hoại. Ngày 12/8, Công an huyện Quế Phong phối hợp với Viện Kiểm sát và đại diện các đơn vị liên quan tổ chức khám nghiệm hiện trường. Kết quả, khu vực vườn trồng chanh leo gồm các lô 1, lô 2, lô 3 tại bản D2 Minh Châu và lô thí nghiệm tại bản Pịch Niệng, xã Tri Lễ (Quế Phong) phát hiện thiệt hại 1.223 cây chanh leo bị cắt ngang thân. Trước sự việc này, Công an huyện Quế Phong đã ra quyết định khởi tố vụ án, đồng thời xác lập Chuyên án 108.PX để tập trung đấu tranh, làm rõ. Ngày 25/9/2017, cơ quan Công an đã thi hành lệnh bắt khẩn cấp đối với Mong Văn Nghệ về hành vi hủy hoại tài sản; một ngày sau, đối tượng Mong Văn Xanh đã đến cơ quan CSĐT Công an huyện Quế Phong đầu thú về hành vi chặt phá cây chanh leo của Công ty Nafoods. Ngày 5/10/2017, Nghệ và Xanh bị khởi tố bị can, bị bắt tạm giam vì tội “Hủy hoại tài sản và trộm cắp tài sản”. |
Nhật Lân - Đào Tuấn