Dân bị trộm mã số thuế, “gánh” thu nhập trên trời
Từ năm 2009 tới nay, nhiều người bỗng phát hiện bị một doanh nghiệp (DN) không rõ ở đâu kê khai chi trả tiền lương, tiền công cho mình, dù thực tế họ không được nhận. Chỉ khi quyết toán thuế họ mới phát hiện có thêm những khoản thu từ trên trời rơi xuống.
Dễ lấy cắp thông tin cá nhân và chiếm dụng
Mới đây, Chi cục Thuế Quận 8 TPHCM nhận được phản ánh của chị Phạm Thị Ngọc Châu (trú Phường 10, Quận 8) về việc khi quyết toán thuế thu nhập cá nhân, chị phát hiện năm 2016 có thêm tiền hoa hồng từ Cty TNHH MTV Du lịch - Thương mại Kỳ Hòa - Khách sạn Kỳ Hòa Vũng Tàu (Thành phố Vũng Tàu). Thực tế, chị không biết gì về đơn vị này. Do có khoản thu nhập “trên trời” đó, chị Châu bị Chi cục Thuế quận 8 thông báo phải nộp thêm thuế. Sau khi có phản ánh của chị Châu, Cục Thuế Bà Rịa - Vũng Tàu xuống Cty Kỳ Hòa làm việc và công ty này thừa nhận kê khai khống chi hoa hồng cho chị Châu theo mã số thuế cá nhân có được, để tăng chi phí, giảm doanh thu, giảm số thuế phải nộp.
Trước đó, 4 giáo viên tại Trường Marie Curie (Quận 3, TPHCM) cũng bị thông báo nộp bổ sung thuế, khi kiểm tra nguồn thu nhập, các giáo viên mới phát hiện mình có thêm thu nhập từ Cty TNHH Just Analytics Việt Nam (Quận 1, DN có vốn đầu tư nước ngoài). Các giáo viên này phải viết cam kết với cơ quan thuế không nhận bất kể khoản tiền nào từ Cty Just Analytics Việt Nam thì Cục thuế TPHCM mới vào cuộc xác minh, xử lý.
Nhiều người chỉ biết bị DN lấy trộm thông tin để kê khai khống khi đi quyết toán thuế. |
Bà Lê Thị Thu Hương, Phó Cục trưởng Thuế TPHCM cho biết, thời gian qua cơ quan thuế cũng nhận được một số phản ánh của người dân bị doanh nghiệp không quen biết lấy mã số thuế để kê khai chi phí trả lương, công. Theo bà Hương, sau khi nhận được phản ánh của người dân về các vụ việc cục thuế, cục thuế sẽ bắt tay xác minh, xử lý. Trường hợp của chị Châu và 4 giáo viên trường Marie Curie hoặc các cá nhân rơi vào trường hợp tương tự, theo bà Hương, họ chỉ cần cam kết không nhận sẽ được loại bỏ phần thu nhập do đơn vị khác kê khai khống. Với Cty Kỳ Hòa, Cục Thuế TPHCM đã chuyển hồ sơ về Cục Thuế Bà Rịa - Vũng Tàu xử lý.
Thời gian qua, trên các diễn đàn về thuế cũng xuất hiện nhiều phản ánh, trao đổi của nhiều người về việc tìm cách xử lý trường hợp cá nhân bị tổ chức, DN nào đó lấy chứng minh thư để đăng ký mã số thuế, kê khai chi trả lương để giảm thu nhập. Trong đó, rất nhiều người mới đi làm, khi thực hiện thủ tục đăng ký mã số thuế mới phát hiện mình đã được đăng ký mã số thuế từ những năm còn là sinh viên. Nơi đăng ký mã số thuế ở tận các tỉnh mà họ chưa một lần tới...
Một chuyên gia tư vấn thuế cho biết, việc doanh nghiệp lấy trộm chứng minh thư, mã số thuế cá nhân để kê khống bảng lương nhằm trốn thuế không khó và diễn ra ở nhiều nơi. Qua mã số thuế cá nhân có được, DN dù chỉ có 10 nhân công, nhưng lại kê khai lên 15-20 nhân công. Cách thức trên giúp đẩy chi phí nhân công lên và làm giảm thu nhập DN chịu thuế, thậm chí biến lãi thành lỗ để không phải nộp thuế. “Đây là cách rất nhiều DN đang dùng để trốn thuế”, vị chuyên gia trên nói.
Có thể khởi tố tội trốn thuế
Bà Tạ Thị Phương Lan, Phó Vụ trưởng Quản lý Thuế thu nhập cá nhân (Tổng cục Thuế) cho biết, tình trạng doanh nghiệp, tổ chức trộm mã số thuế cá nhân để kê khai chi phí đã phát sinh từ năm 2009, khi Luật Thuế thu nhập cá nhân có hiệu lực. Tuy vậy, theo bà Lan, những thiệt hại cho nhà nước do doanh nghiệp, tổ chức lấy cắp mã số thuế cá nhân kê khai chi phí để trốn thuế cũng không lớn. Người nộp thuế bị lợi dụng cũng chưa có trường hợp nào bị thiệt hại (phải nộp thêm thuế, bị phạt...). “Thiệt hại cho cá nhân và cho ngành thuế cũng không lớn lắm nên chúng tôi cũng chưa có thống kê DN vi phạm”, bà Lan nói.
Theo bà Lan, việc lợi dụng mã số thuế để kê khai tiền công chủ yếu xảy ra ở DN nhỏ và siêu nhỏ, vì họ ít bị kiểm tra thuế. Số tiền kê khống cho các cá nhân cũng thường không lớn, chỉ vài triệu mỗi tháng, vì nếu kê khai vài chục triệu mỗi tháng thì cơ quan thuế để sẽ ý ngay và không phải ai cũng có mức thu nhập như vậy.
Để phát hiện, theo đại diện Tổng cục Thuế, phải thông qua thanh kiểm tra, hoặc người nộp thuế phát hiện bị lợi dụng và khai báo, ngành Thuế sẽ kiểm tra, xử lý. “Lấy cắp mã số thuế của người khác để khai khống chi phí nếu bị phát hiện sẽ bị xử phạt tội trốn thuế, vì kê khống chi phí để giảm thu nhập chịu thuế. Mức phạt cũng khác nhau căn cứ theo số tiền kê khống và số lần vi phạm. Đây là hành vi trốn thuế, không phải kê sai”, bà Lan khẳng định.
Phó Cục trưởng Cục Thuế TPHCM Lê Thị Thu Hương cho biết thêm, DN kê khai thêm lao động nhưng nếu đối chiếu với danh sách nộp bảo hiểm xã hội không có sẽ bị loại khỏi chi phí hợp lý. Những DN cố tình kê khống chi phí sẽ bị xử phạt hành chính bằng 20% số tiền kê sai, nếu số tiền kê khống lớn, cơ quan thuế sẽ chuyển hồ sơ sang cơ quan điều tra thụ lý tội trốn thuế. Tuy nhiên, có khởi tố hay không lại do cơ quan điều tra quyết định. Theo bà Hương, cũng có trường hợp kế toán công ty khi quyết toán thuế đã nhập sai 1 số trong mã số thuế, hoặc chứng minh thư nên bị nhầm sang người khác, nhưng không phải cố tình.
Theo bà Lan, thực tế rất khó để ngăn chặn hành vi trốn thuế như kể trên. Vì hiện thông tin cá nhân như số chứng minh nhân dân có thể lấy được qua rất nhiều kênh. “Rất khó phòng chống trước khi có người bị lợi dụng báo cơ quan thuế, cơ quan thuế chủ yếu xử lý khi việc đã xảy ra và ngăn chặn làm giảm thiệt hại cho người bị lợi dụng”, bà Lan nói. Bà Lan thừa nhận, ngành Thuế không thể kiểm tra tất cả DN đang hoạt động, nên vẫn có DN thành công trong việc lợi dụng mã số thuế người khác để kê khống chi phí nhằm trốn thuế.
Được biết, Tổng cục Thuế đã chỉ đạo các cục thuế, nếu có phản ánh của người nộp thuế về nghi vấn bị lợi dụng, cơ quan thuế phải truy nguồn chi để tìm DN lợi dụng. Từ đó triệu hồi DN lên làm việc, xử lý.