'Dân biết rõ cán bộ tốt hay xấu, có tham nhũng hay không'
PGS.TS Nguyễn Trọng Phúc nhấn mạnh khi đề cập đến giám sát của nhân dân và xã hội với cán bộ, đảng viên.
Tại Hội nghị Trung ương 4 Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII đang diễn ra tại Hà Nội, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã nhấn mạnh cần thảo luận, ra nghị quyết về tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Đảng, ngăn chặn, đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, những biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hoá” trong nội bộ.
Trả lời phỏng vấn, PGS.TS Nguyễn Trọng Phúc, nguyên Viện trưởng Viện Lịch sử Đảng, Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh cho rằng, cần siết chặt kỷ luật Đảng và cần có cơ chế để kiểm soát quyền lực, chống sự tha hóa trong cán bộ, đảng viên.
PGS.TS Nguyễn Trọng Phúc, nguyên Viện trưởng Viện Lịch sử Đảng, Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh. Ảnh: Quang Trung |
Ông Nguyễn Trọng Phúc: Sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống không phải bây giờ mới đặt ra mà Đảng ta đã đặt ra từ rất sớm khi tiến hành công cuộc đổi mới. Từ Nghị quyết Trung ương 3 khóa VII (6/1992), Nghị quyết Trung ương 6 (lần 2) khóa VIII (năm 1999), Hội nghị Trung ương 4 khóa XI (1/2012) đã đề cập đến vấn đề này.PV: Biểu hiện của tình trạng suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống trong cán bộ đảng viên hiện nay như thế nào, thưa ông?
Tại Hội nghị Trung ương 4 khóa XII bàn sâu về ngăn chặn, đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống; những biểu hiện "tự diễn biến", "tự chuyển hoá" trong nội bộ, điều đó cho thấy tình trạng này đang rất nghiêm trọng. Mặc dù chúng ta đã thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 khóa XI nhưng kết quả chưa như mong muốn, tình trạng này vẫn chưa được ngăn chặn, đẩy lùi, có thể gây những hậu quả khôn lường.
Biểu hiện của sự suy thoái về tư tưởng, chính trị, đạo đức, lối sống có thể khái quát trong 4 vấn đề. Một là, tình trạng một bộ phận cán bộ, đảng viên, kể cả cán bộ lãnh đạo quản lý các cấp phai nhạt lý tưởng cách mạng; không đủ bản lĩnh và hiểu biết cần thiết về lý luận Mác-Lenin và tư tưởng Hồ Chí Minh.
Thứ hai, có những hành vi, lời nói, hành động trái ngược với đường lối, quan điểm, cương lĩnh của Đảng. Thậm chí có người còn tiếp tay, đồng lõa với các thế lực thù địch.
Thứ ba, sa sút về đạo đức, phẩm chất cũng như vi phạm chuẩn mực đạo đức của người cộng sản. Có thể nhìn thấy một bộ phận biểu hiện của chủ nghĩa cá nhân, chỉ thu vén cho lợi ích của riêng mình, trục lợi cho gia đình mà ít quan tâm tới vấn đề chung của đất nước, của nhân dân. Từ chủ nghĩa cá nhân dẫn tới các hành vi tham nhũng, lãng phí, lợi ích nhóm.
Thứ tư, sự buông thả, ít chịu rèn luyện, sa vào con đường ăn chơi mà vô cảm với dân.
Như Tổng Bí thư đã nhấn mạnh trong hội nghị, chúng ta phải hết sức chú ý tăng cường kỷ luật Đảng và bảo vệ chính trị nội bộ thì mới ngăn chặn được sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, những biểu hiện "tự diễn biến", "tự chuyển hoá" trong nội bộ. Trong đó bảo vệ chính trị nội bộ đóng vai trò rất quan trọng trong việc phòng quá trình tự chuyển hóa, tự diễn biến trong cán bộ đảng viên. Cán bộ lãnh đạo quản lý như thế nào, tư tưởng ý thức hệ như thế nào phải được nhận thức, đánh giá đúng.
PV: Vấn đề này đã được cảnh báo đến tại các kỳ đại hội Đảng nhưng tại sao vẫn chưa được ngăn chặn, đẩy lùi, thậm chí có mặt còn diễn biến tinh vi, phức tạp hơn, thưa ông?
Ông Nguyễn Trọng Phúc: Sở dĩ có tình trạng trên do bản thân cán bộ đảng viên ít chịu tu dưỡng, rèn luyện nên dễ dẫn tới sa ngã, thay đổi trong nhận thức tư tưởng và cả trong đạo đức lối sống. Bên cạnh đó, giáo dục cán bộ, đảng viên của ta mặc dù đã chú ý nhưng cũng chưa đến nơi, đến chốn.
Kỷ luật của Đảng thời gian qua có phần chưa nghiêm, thậm chí có lúc buông lỏng, nên nhiều cơ sở tê liệt sức chiến đấu. Theo tôi, nên siết chặt kỷ luật Đảng, siết chặt pháp luật nhà nước. Nếu không làm việc đó sẽ dẫn đến tới tình trạng phóng túng, coi thường pháp luật, khi có chức có quyền dễ trở thành “ông vua con” đứng ngoài pháp luật thì rất nguy hiểm.
Một nguyên nhân quan trọng nữa là sự tác động từ bên ngoài, trong khi cán bộ đảng viên chưa được chuẩn bị một cách đầy đủ những điều kiện cần thiết để tự “đề kháng” những tác động tiêu cực đó.
Nhìn lại những vụ việc điển hình thời gian qua, như vụ việc Trịnh Xuân Thanh cũng không tách khỏi những nguyên nhân căn bản trên. Do chúng ta đã trao cho họ quá nhiều quyền và khối lượng tài sản, của cải vật chất lớn trong khi chưa có cơ chế kiểm soát tốt việc đó nên dẫn tới thất thoát, tham nhũng.
Một điểm nữa cũng nên chú ý là khi phát hiện sai phạm thì việc xử lý cũng chưa kịp thời. Cần phải nhanh chóng vào cuộc ngay, minh bạch, công khai những sai sót đó. Vì trong thi hành kỷ luật nếu chỉ chậm một chút thì sẽ dẫn tới những việc khó lường.
Sai phạm của Trịnh Xuân Thanh thì trước hết Đảng bộ tỉnh Hậu Giang phải chịu trách nhiệm, chính quyền phải xử lý ngay chứ không phải đẩy lên Trung ương, cuối cùng Tổng Bí thư có ý kiến thì mới làm. Điều đó cho thấy tổ chức Đảng, tổ chức chính quyền phải thực sự nêu cao trách nhiệm của mình và đặc biệt là trách nhiệm của người đứng đầu thì mới phát hiện, xử lý kịp thời. Do đó, phải kiểm soát chặt chẽ vai trò của tổ chức Đảng, chính quyền.
Vừa qua, ở nơi này nơi khác vẫn còn tình trạng đùn đẩy trách nhiệm, cuối cùng “đá” lên trên, việc gì cũng để Trung ương giải quyết. Nghị quyết Trung ương 4 đã chỉ rõ, xảy ra chuyện gì thì trách nhiệm của người đứng đầu đều rất lớn, do đó trách nhiệm của người đứng đầu phải bị xử lý.
Kiểm soát quyền lực người có chức có quyền
PV: Theo ông, "vũ khí" phê bình và tự phê bình có còn đủ sức ngăn chặn, đẩy lùi tình trạng suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống hiện nay của một bộ phận cán bộ đảng viên, nhất là cán bộ lãnh đạo, quản lý?
Ông Nguyễn Trọng Phúc: Theo tôi, đó vẫn là quy luật phát triển của Đảng. Chúng ta có hai nguyên tắc hết sức coi trọng đó là nguyên tắc tập trung dân chủ và nguyên tắc phê bình, tự phê bình trong Đảng. Đó chính là động lực, là giải pháp làm cho Đảng trong sạch, vững mạnh. Nghị quyết Trung ương 4 khóa XI vẫn tiếp tục đẩy mạnh phê bình, tự phê bình phổ biến thành việc làm thường xuyên trong sinh hoạt chi bộ.
Phê bình và tự phê bình để thấy những mặt tích cực, những mặt còn hạn chế để sửa chữa. Bác Hồ đã nói: Trong Đảng thực hành dân chủ rộng rãi, thường xuyên và nghiêm chỉnh tự phê bình và phê bình là cách tốt nhất để củng cố và phát triển sự đoàn kết và thống nhất của Đảng. Phải có tình đồng chí thương yêu lẫn nhau. Người nào có khuyết điểm thì sữa chửa, người không phạm khuyết điểm nhìn vào đó để tránh đi để mục đích cuối cùng là làm cho Đảng trong sạch.
PV: Về 4 nhiệm vụ, giải pháp mà Tổng Bí thư gợi mở, theo ông nên chú trọng nhóm giải pháp nào?
Ông Nguyễn Trọng Phúc: Tôi đồng tình với những giải pháp mà Tổng Bí thư đã nêu lên. Quan trọng là phải làm quyết liệt, có hiệu quả. Trong 4 nhiệm vụ, giải pháp đã nêu thì giải pháp giám sát của nhân dân nên coi trọng. Vừa qua vai trò giám sát của nhân dân, của Mặt trận, các đoàn thể đối với các bộ đảng viên chưa hiệu quả. Nhân dân biết rõ những cán bộ đảng viên nào tốt, xấu, tham nhũng hay không tham nhũng, có vun vén gia đình không, lối sống thế nào…Vì vậy, làm sao phát huy được vai trò giám sát của nhân dân đối với cán bộ đảng viên, nhất là người có chức có quyền.
Theo tôi, cần có cơ chế kiểm soát quyền lực, hoàn thiện thể chế để chống sự tha hóa trong cán bộ, đảng viên. Vì hiện nay chúng ta trao quá nhiều quyền, quá nhiều tiền nhưng không ai kiểm soát được.
Khi đã xác định cán bộ, đảng viên thoái hóa, biến chất thì phải chỉ rõ địa chỉ, ở bộ phận nào, ở cấp nào. Và khi đã xác định rõ địa chỉ thì phải hành động, quy trách nhiệm đến cùng; phải chỉ rõ tổ chức, cá nhân nào chịu trách nhiệm. Như hiện tượng đã nói nhiều là chạy chức, chạy quyền, chạy bằng cấp, thậm chí cả chạy luân chuyển vẫn cứ nói chung chung như vậy thì không giải quyết được. Vì vậy, theo tôi phải chỉ rõ địa chỉ, chỉ rõ là ai thì mới xử lý được.
PV: Xin cảm ơn ông./.
Theo VOV.VN